“Hãy trao nhau yêu thương, chứ không phải những vết sẹo” là thông điệp mà cô gái trẻ xinh đẹp 19 tuổi, người Ấn Độ – Reshma Bano, gửi cho toàn thế giới, sau khi bị chính người thân trong gia đình tạt axit làm khuôn mặt trở nên biến dạng.
Đã từng rơi vào bi quan, tuyệt vọng và không ít lần tìm đến cái chết, rốt cuộc điều gì đã giúp cô vượt qua mọi mặc cảm để hôm nay, tự tin sải bước trên sàn diễn thời trang quốc tế, trở thành gương mặt đại diện của tổ chức phi chính phủ “Make Love Not Scars”, kêu gọi chấm dứt tình trạng buôn bán axit tự do trên toàn thế giới, đồng thời mang lại ánh sáng niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống cho biết bao phụ nữ có cùng cảnh ngộ?
Chuyện xảy ra vào ngày 19 tháng 5 năm 2014. Reshma Bano, ở thành phố Mumbai, Ấn Độ đang cùng chị gái mình đi bộ đến trường để làm bài kiểm tra thì đột nhiên chồng của người chị gái xuất hiện. Hai vợ chồng họ gần đây xảy ra rất nhiều mâu thuẫn, chị gái cô thường xuyên bị chồng đánh đập và lạm dụng. Không chịu nổi người chồng dâm dục và vũ phu, cô đã quyết định thoát khỏi anh ta, và mang theo cậu con trai nhỏ về nhà bố mẹ đẻ.
Rashma kể lại: “Anh rể đã quá tức giận vì chị tôi bỏ anh ta và mang con trai ra khỏi nhà. Để trả thù, anh ta tìm chị tôi để tạt axit. Lúc đó tôi không biết anh ta có ý định này và đã chuẩn bị sẵn trong người chất độc để gây án, nên tôi nhảy bổ ra cứu chị. Những gì xảy ra sau đó quá nhanh, tôi chỉ còn kịp nhận ra da mặt mình rất rát và rồi không còn trông thấy gì nữa.”
Vì cố gắng bảo vệ chị gái mình, Rashma đã vô tình trở thành nạn nhân của một hành động vô cùng tàn ác, mất hết nhân tính của người anh rể. Axit đã hủy hoại khuôn mặt cô, làm cho một mắt cô bị mù vĩnh viễn. Cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi kể từ ngày hôm đó.
“Chị gái tôi bị bỏng ở tay, còn tôi thì bỏng toàn bộ khuôn mặt” – Cô nghẹn ngào kể lại.
Hàng tiếng đồng hồ, hai chị em nằm bết bên lề đường đau đớn, người qua kẻ lại mà không một ai giúp họ gọi xe cứu thương. Cuối cùng, họ cũng tìm được một người tốt bụng, gọi bố mẹ tới giúp họ. Hai chị em được đưa đến đồn cảnh sát khai báo sự việc và sau đó đến bệnh viện.
“Vài người đi qua, nhưng chẳng có ai tỏ ý muốn đưa chúng tôi đi bệnh viện, bởi vì họ cho rằng đây là vụ việc cần cảnh sát can thiệp, và cần phải thực hiện các bước khiếu nại phù hợp.”
“Sau hàng tiếng nằm đó, năn nỉ, cầu xin, cuối cùng, cũng có một người đã đồng ý gọi điện cho cha mẹ chúng tôi đến để đưa chúng tôi tới đồn cảnh sát, sau đó chở chúng tôi đến nhà thương.”
Reshma phải trải qua 5 cuộc phẫu thuât ghép da mặt trong một liệu trình kéo dài 9 tháng. Cha cô, ông Zahir Ahmed, 58 tuổi, làm nghề lái xe taxi đã vay mượn người thân, bạn bè để trang trải chi phí phẫu thuật cho cô. Họ cũng không thể làm gì hơn vì điều kiện tài chính không cho phép. Sự tuyệt vọng sau mỗi lần phẫu thuật đã làm Reshma từng nhiều lần nghĩ đến cái chết.
“Việc chữa trị quá tốn kém, tôi đã thấy bố mẹ kiệt sức. Nhiều lần tôi nói rằng bố mẹ đừng tốn thêm tiền phẫu thuật cho tôi nữa, tôi chỉ muốn chết”, cô chia sẻ.
“Tôi không còn thiết sống nữa. Đau đớn kinh hãi, mùi da hoại tử còn khủng khiếp hơn. Tôi luôn phải che mặt để không ai nhìn thấy… rồi cũng đến ngày tháo băng sau đợt phẫu thuật đầu tiên”.
“Tôi đã bị choáng đến ngất xỉu. Từ một cô bé vốn xinh xắn dễ nhìn, giờ đây, trong gương là một bộ mặt ghê rợn, dúm dó chằng chịt các vết sẹo bỏng, và một hốc mắt đã hoàn toàn bị che kín lại. Tôi không thể hiểu vì sao nỗi bất hạnh cùng cực này lại giáng xuống đầu tôi.”
“Tôi không giao tiếp với bất kể một ai, rơi vào trạng thái tâm lý khủng hoảng và cuối cùng bị trầm cảm nặng. Đó là khoảng thời gian đau đớn, tuyệt vọng nhất của cuộc đời tôi.”
May mắn thay, số phận đã mỉm cười với cô khi Tổ chức Make Love Not Scars (tạm dịch: Trao nhau Yêu thương, chứ không phải các vết sẹo) đã tìm đến cô. Đây là tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục đích giúp đỡ các nạn nhân bị tạt axit tìm lại niềm tin vào cuộc sống, và kêu gọi chấm dứt buôn bán rộng rãi các chất chứa axit gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Kể từ đó, Reshma được truyền thêm nghị lực sống và niềm tin vào cuộc đời, cô trở thành gương mặt đại diện trong chiến dịch video tuyên truyền của tổ chức nhằm lan tỏa tinh thần lạc quan tới các nạn nhân bị tạt axit, giúp họ bỏ qua mặc cảm và vượt lên số phận. Chính những đoạn video của Reshma đã giúp cô nhận được lời mời tham dự Tuần lễ Thời trang New York.
“Tôi hy vọng những đóng góp nhỏ bé của tôi đủ mang lại sự tự tin cho họ, mà không phải là những tấm mạng che mặt”, cô giải thích.
Sự thay đổi ngoạn mục của Reshma cuối cùng đã khiến Ilaria Niccolini, nhà sản xuất của hãng thời trrang nổi tiếng FTL MODA, tạp chí tuần lễ thời trang New York đặc biệt quan tâm.
“Mùa diễn năm nay tôi muốn có sự tham gia của Reshma. Cô ấy là một minh chứng cho mối đe dọa bạo lực bằng axit đối với phụ nữ đang ngày càng trở nên không thể kiểm soát, ở Ấn Độ và Pakistan,” bà Niccolini nói.
Reshma miêu tả cảm xúc của cô về buổi trình diễn: “Một cảm giác choáng ngợp xen lẫn hồi hộp. Tôi, ngay cả trong những giấc mơ hão huyền nhất, cũng không thể tưởng tượng mình có thể ra nước ngoài và trình diễn thời trang trên một sân khấu lớn đến như vậy. Tôi vẫn còn đang chìm đắm trong cảm giác mơ mơ thực thực đó.” Cô chia sẻ: “Tôi không biết gì về thương hiệu, tôi cũng không biết tôi sẽ mặc những bộ cánh gì và diễn xuất ra sao. Tôi hoàn toàn không được chuẩn bị cho những điều này.”
“Tôi chỉ cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được mời tham dự một sự kiện hoành tráng như vậy, và được chứng tỏ với thế giới rằng vẻ đẹp của con người không nằm ở dáng vẻ bề ngoài, nó tỏa sáng từ bên trong tâm hồn họ.”
Hiện nay, mỗi năm có khoảng hơn 1500 vụ tấn công axit trên thế giới, phần nhiều xảy ra ở Ấn Độ. Đối tượng của những vụ việc này nhằm vào phụ nữ, chủ yếu với mục đích hủy hoại nhan sắc và tương lai của họ. Những thông điệp tuyên truyền và khuyến khích việc ngăn chặn thảm trạng tạt axit như trên là một động lực tích cực và cần thiết cho xã hội hiện nay.
Suy ngẫm: Câu chuyện về cuộc đời của cô gái như một lời cảnh tỉnh giúp mỗi người chúng ta phải luôn suy xét các hành vi của mình trong cuộc sống. Nếu chúng ta biết nghĩ cho người khác hơn một chút, biết học cách nhẫn nhịn hơn một chút, và tin rằng quy luật “Thiện ác, hữu báo” là thiên ý, thì sẽ chẳng có cảnh tan cửa nát nhà, ân oán cừu thù hay những số phận bất hạnh trong cuộc sống.
Và nếu trong cuộc đời chúng ta gặp phải những biến cố tưởng chừng như không vượt qua được, thì hãy nhớ đến câu chuyện của Reshma, cô gái vì người thân mà bị hủy hoại nhan sắc, sống với những vết sẹo suốt quãng đời còn lại nhưng vẫn có thể tỏa sáng vẻ đẹp tâm hồn của mình, trở thành một đại sứ thời trang nổi tiếng thế giới. Thượng Đế luôn mở rộng vòng tay mình che chở cho những ai trong bất hạnh mà biết kiên cường vươn lên để tìm thấy giá trị đích thực của bản thân.
Theo NTD Television
An Nhiên
Xem thêm: