Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Ngày nay, chúng ta thấy rất đỗi bình thường với những đường chân trời thành phố về đêm, các ánh đèn phố, và nguồn năng lượng thúc đẩy những tiện ích hiện đại của chúng ta. Nhưng, phải chăng những người thông thái ở Ai Cập và Lưỡng Hà thời cổ đại cũng sở hữu kiến thức về điện, không chỉ để thắp sáng mà còn có các công nghệ vận hành bằng điện năng? Trong khuôn khổ của các bằng chứng khảo cổ khai quật được, câu trả lời dường như đã được khẳng định.

Hình khắc nổi bên dưới Đền thờ thần Hathor ở Dendera, Ai Cập là bằng chứng được nhắc đến nhiều nhất, cho chúng ta thấy những người Ai Cập cổ đại đã từng sử dụng điện. Trên đó miêu tả các hình người đang đứng xung quanh một vật thể giống bóng đèn cỡ lớn.

Bóng đèn thời cổ đại?


Vật thể giống bóng đèn được chạm khắc trong một hầm mộ bên dưới Đền thờ Hathor ở Ai Cập. (Lasse Jensen/Wikimedia Commons)

Đui đèn được tượng trưng bằng một vật trông giống như bông hoa sen với thân như dây cáp chạy dọc theo phần dưới của “thiết bị”. Bên trong “bóng đèn” là một sợi dây như con rắn uốn khúc ra bên ngoài “đui đèn” hình hoa sen. Theo những người ủng hộ giả thuyết rằng hình vẽ này miêu tả ánh sáng đèn điện, như Erich Von Däniken đã từng viết cuốn “Chariot of the Gods” (tạm dịch: Xe ngựa của Thần), thì con rắn này biểu thị cho dây tóc bóng đèn.

Von Däniken đã tạo ra một mô hình bóng đèn này trong phòng thí nghiệm và nó đã hoạt động, phát ra ánh sáng tím kỳ dị.

Ông đã sử dụng cùng loại thông số về kích thước, bao gồm hai chùm kim loại giống như cánh tay kéo dài đến đầu to của bóng đèn, và một sợi dây kết nối những chùm đó với “đui đèn” ở đầu bên kia.

Nhưng lấy đâu ra nguồn năng lượng để thắp sáng bóng đèn vào thời Ai Cập cổ đại?

Pin cổ đại?


Phải: Hình minh họa cục pin Bát-Đa từ ảnh cổ vật ở bảo tàng. (Ironie/Wikimedia Commons) Nền: Bản đồ khu vực bao quanh thành phố Bát Đa, I-rắc ngày nay. (Cmcderm1/iStock/Thinkstock)

Một món cổ vật được phát hiện ngoài Ai Cập, bên ngoài thành phố Bát-đa ngày nay, cho thấy rằng hoạt động sản xuất điện đã từng được tiến hành ở khu vực Trung Đông hàng nghìn năm về trước. Cổ vật này được gọi là Pin Bát-đa.

Pin Bát-đa khá là thô sơ so với các loại pin của chúng ta ngày nay. Nó gồm một bình đất sét nung với nắp làm từ nhựa đường. Một thanh sắt xuyên qua nắp bình được bao quanh bởi trụ đồng. Người ta tin rằng chiếc bình này đã được đổ đầy một chất có tính axit như dấm, giúp nó sản sinh ra một nguồn điện khoảng 1,1 vôn. Mô hình phỏng chế của loại pin này cho thấy nó thật sự có thể hoạt động.

Xem thêm: 6 phát minh cổ đại vượt qua công nghệ hiện nay

1,1 vôn có thể không nhiều lắm, nhưng nếu buộc một vài pin loại này với nhau, thì điện áp sẽ gia tăng. Chiếc pin này có niên đại từ 250 TCN đến 250 SCN. Hiện nay, người ta cho rằng những cái pin này đã được sử dụng trong kỹ thuật mạ điện thời xưa (mạ một lớp kim loại lên trên bề mặt một kim loại khác).

Những chiếc pin này không chỉ là nguồn năng lượng trên lý thuyết.

Một số người tuyên bố rằng một trong những công trình biểu tượng nhất của Ai Cập trên thực tế lại bị hiểu lầm nhiều nhất. Cụ thể, những người ủng hộ giả thuyết tồn tại điện ở Ai Cập cổ đại nói rằng Đại Kim tự tháp Giza trên thực tế đã được sử dụng như một nhà máy điện.

Nhà máy điện cổ đại?


(Shutterstock*; hiệu ứng thêm bởi Epoch Times)

Ý tưởng này đã được khởi xướng bởi tác giả và nhà nghiên cứu Christopher Dunn trong quyển sách “The Giza Power Plant” (tạm dịch: Nhà máy điện Giza) và “Lost Technologies of Ancient Eqypt” (Những công nghệ bị lãng quên của Ai Cập cổ đại).

Dunn nói rằng King Chambers-tức “Căn phòng của vua” nằm ngay trung tâm của Đại Kim tự tháp thực chất chính là bộ máy phát điện trung tâm của siêu công trình này. Nó được xây dựng chủ yếu bằng đá granit hồng, một chất liệu giàu hàm lượng thạch anh vi tinh thể.

Xem thêm: Ai Cập: Tìm thấy lăng mộ thần thoại của Thần Chết Osiris

Trên thực tế, Đại kim tự tháp chủ yếu làm từ đá granit, và đá granit được cấu thành từ rất nhiều tinh thể thạch anh cỡ nhỏ, mà khi áp lực và/hoặc dao động năng lượng, thì sẽ sản sinh ra điện năng. Trong giới khoa học điều này được biết đến là hiệu ứng áp điện. Hiệu ứng này được ứng dụng trong rất nhiều công nghệ hiện đại, như loa phóng thanh, máy biến năng, bộ chuyển đổi tín hiệu, và một số ứng dụng trong ngành công nghiệp ô tô.

Theo Dunn và những người khác cũng ủng hộ lý thuyết này, quan tài bằng đá granit trong Phòng Vua (cũng được chạm khắc một cách tinh vi trên đá granit cứng màu hồng) cũng có thể là phương tiện chuyến đổi các rung động tần số thấp được Trái Đất phát ra thành nguồn năng lượng điện. Hơn nữa, Dunn nói, những xà chống đỡ trên trần phòng Vua có vẻ như đều được điều chỉnh một cách chính xác, hay cắt theo kích cỡ để cộng hưởng hoàn hảo với tần số này.

Paul Darin, Epoch Times
Quý Khải biên dịch