Không chỉ đơn giản là thứ quà vặt vui miệng, công dụng chữa bệnh của củ mã thầy sẽ làm bạn muốn ăn chúng nhiều hơn.

Mỗi độ tháng 4 về, trên khắp các nẻo đường con phố Hà Nội, người ta lại thấy những gánh hàng rong bán đầy củ mã thầy len lỏi. Đây không chỉ là món ăn vặt thông thường mà còn là nỗi nhớ niềm thương của những người con xa phố lâu năm. Món quà vặt này cũng là vị thuốc dân gian trị bệnh hiệu quả

Mã thầy còn có các tên khác là Củ năng, Bột tề, Địa lê, Thông thiện thảo, Thủy vu, Ô vu, Ô từ, Hắc sơn lăng, Địa lật, Hồng từ cô. Ngoài công dụng làm thức ăn bổ mát, mã thầy được dùng làm thuốc chữa bệnh tiêu khát, bệnh về gan, trường hợp nhiệt, ngày dùng 10 – 20 g dưới dạng thuốc sắc.

Đây là vị thuốc nam được ứng dụng nhiều trong y học cổ truyền. Củ mã thầy vị ngọt, tính hàn, có công năng ích khí, an trung, khai vị, tiết thực, được sử dụng để trị nhiều bệnh do nhiệt, vàng da hay tỳ vị hư hàn…

Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, củ mã thầy chứa 68,52% nước, 18,75% tinh bột, 2,25% đạm, 0,19% mỡ và 1,58% chất khoáng. Đặc biệt, nó còn chứa Puchiin, một chất có tính kháng khuẩn không chịu nhiệt.

Điều này giải thích tại sao nước ép củ mã thầy lại có tác dụng ức chế đối với một số loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn coli… Đây là một loại thực phẩm bổ dưỡng có khả năng hỗ trợ trị liệu đối với các bệnh tim mạch, đái tháo đường, giảm nguy cơ sỏi thận , phục hồi nhanh sức khỏe đường ruột bởi chất xơ và tinh bột thuộc loại tiêu hóa chậm.

Mã thầy có thể giải rượu hiệu quả. (Ảnh: sohu.com)

Bài thuốc chữa bệnh từ củ mã thầy

Trong giai đoạn dịch sởi chưa có dấu hiệu chấm dứt hẳn như hiện nay, sử dụng củ mã thầy một cách thông minh sẽ giúp hạn chế tối đa biến chứng cũng như giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ hiệu quả hơn. Một số bài thuốc chữa bệnh từ củ mã thầy được giới chuyên gia khuyên dùng bởi cực dễ áp dụng và đem lại hiệu quả cao:

Chữa bệnh sởi: Ngay ngày đầu tiên, cho trẻ uống nước ép củ mã thầy. Khi sởi sắp mọc và cả sau khi sởi đã mọc, lấy mã thầy nấu với củ cà rốt và hạt mùi cho ăn đến khi sởi bay. Tiếp đó vài ngày, uống nước củ mã thầy để tẩy độc và giúp cơ thể chóng hồi phục.

Chữa phù toàn thân, tiểu tiện khó khăn, khát nước, táo bón: Dùng thân cây mã thầy 10 – 20 g, phối hợp với rễ cây lau (lô căn) 30 g, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống mỗi ngày 2 lần.

Chữa tiểu ra máu: Mã thầy 150 g, rau câu, râu ngô mỗi thứ 30 g, sắc uống.

Cháo mã thầy giúp thanh nhiệt, thủy lợi: Củ mã thầy 60 g, củ cải trắng 150 g, gạo 200 g, nấu cháo ăn.

Hạ huyết áp, tiêu thũng, thanh nhiệt: Làm món mã thầy xào thịt và rau cần. Củ mã thầy 100 g, thịt lợn nạc 300 g, rau cần 200 g, dầu, hành, đường vừa đủ, làm thành món xào để ăn.

Bổ phế thận: Củ mã thầy 100 g, bầu dục lợn 1 đôi, đường phèn 30 g (đập nát), nước 2.000 ml, làm sạch đun sôi 25 phút và ăn.

Giúp tăng cường sức khỏe tuyến giáp: Nước củ này chứa nhiều kali. Chất khoáng cần thiết cho chức năng hoạt động của cơ và thần kinh. Ngoài ra hàm lượng iốt và mangan trong củ mã thầy cũng giúp tăng cường sức khỏe tuyến giáp.

Giải rượu: Những người uống rượu nhiều, sau đó cảm giác nóng bụng, khó chịu có thể sử dụng lợi thế tiêu khát của củ mã thầy bằng cách dùng nước ép củ này, cho thêm ít chanh và một chút muối giúp hạn chế chất độc của rượu vào cơ thể và chống nóng trong người.

Lưu ý: Người tỳ thận hư hàn, trẻ em hay đái dầm, không được dùng mã thầy. Thêm vào đó, vì mọc trong bùn, vỏ ngoài củ mã thầy dễ bị ấu trùng sán lá bám vào nên nguy cơ nhiễm sán cực cao, đòi hỏi người ăn phải rửa thật sạch và chần qua nước sôi rồi mới gọt ăn.

Kiên Định
Nguồn tham khảo: Sohu.com