Thiền sư Ryokan sống cuộc đời đơn giản nhất trong một căn chòi nhỏ dưới chân núi. Buổi tối nọ, một tên trộm vào chòi và khám phá ra rằng… chẳng có gì trong đó để trộm.

Khi thiền sư Ryokan trở về, bắt gặp tên trộm, ông nghĩ “Có lẽ anh ấy đã đi một quãng đường dài để thăm mình” thiền sư nói với tên trộm, “anh không nên về không như thế. Hãy nhận áo quần của tôi làm quà tặng”.

Tên trộm sửng sốt, nhận áo quần và lẩn đi.

Thiền sư Ryokan ngồi trần truồng, ngắm trăng: “Tội nghiệp”, thiền sư nghĩ thầm, “Ước gì mình có thể cho anh ta mặt trăng đẹp đẽ này.”

Bình luận:

Gặp trộm thì la hét, đánh đập, chửi bới – đó là phản ứng của đại đa số người. Hầu hết mọi người đều được “lập trình” như thế cả, như thể đó là một phản ứng hết sức “tự nhiên” vậy.

Còn thiền sư hoàn toàn làm chủ tâm mình. Đối xử với mọi người như khách quý, dù người đó là ai. Đó là một tâm thức hoàn toàn tự do, hoàn toàn do chính mình làm chủ.

Thiền sư cũng chẳng buồn hỏi “Tại sao anh làm thế?” để nghe giải thích hợp lý như là “Con tôi đang bị bệnh, cần tiền mua thuốc.” Mọi người đều là khách quý của thiền sư, thế thôi—không điều kiện, không ràng buộc. Một tâm thức hoàn toàn tự do.

Cũng như vị linh mục trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo, ông đã dùng tình yêu và ân cần mà xử với kẻ trộm, có thể làm cho người đó sửng sốt đến độ không muốn làm sai nữa và chỉ muốn làm điều thiện.

Cái đẹp hiền dịu của ánh trăng và những phút giây hạnh phút nhìn ngắm nó còn cái đáng giá hơn cả bộ áo quần của thiền sư cả muôn nghìn lần. Đó mới là món quà quý để tặng khách. Nhưng rất tiếc là không thể tặng được ánh trăng.

Thực ra, anh trộm cũng đã có mặt trăng rồi và cũng đã có thể ngắm trăng trong hạnh phúc. Nhưng nếu anh không biết “ngắm trăng” thì đành chịu. Người khác không thể cho anh mặt trăng.

Mặt trăng là biểu tượng của tâm tĩnh lặng, tâm trong sáng, tâm giác ngộ, tâm Phật—ai cũng đã có hết rồi. Thấy nó được hay không, hưởng nó được hay không, là do chính mình. Chẳng ai có thể giúp mình làm được điều đó.

Sưu tầm

Xem thêm: