Ông Bình là một giáo sư nổi tiếng trong trường đại học mỹ thuật. Hằng ngày sau giờ lên lớp, ông có thói quen sưu tầm các loại đồ gốm, tượng điêu khắc gỗ, sách cổ, đồ đồng, trang sức bằng ngọc…

Thực ra những món đồ đó không đáng giá bao nhiêu tiền, nguyên nhân chủ yếu ông muốn sưu tầm vì khi được chăm chút cho chúng ông cảm thấy được niềm vui và đam mê. Mỗi một món đồ dường như mang cả một câu chuyện bên trong. 

Hôm đó, khi từ một cuộc hội thảo về nghiên cứu mỹ thuật ở miền nam trở về, đang định rảo bước vào nhà, ông Bình thấy dưới gốc cây bàng trước nhà có hai cha con người ăn xin. Đó là một người đàn ông tầm hơn ba mươi tuổi ngồi cùng một cậu con trai khoảng tám tuổi. Có một điều đặc biệt làm ông chú ý và cảm thấy có sự khác biệt là trên tay anh ta đang cầm một cuốn sách và dạy cậu con trai của mình tập đọc. Tay cậu bé còn khoác vào cánh tay của người cha một cách đầy tin cậy. Bỗng nhiên anh ta thì thầm điều gì với thằng bé làm nó cười to. 

Nhìn thấy những khoảnh khắc hồn nhiên của hai cha con họ, bỗng nhiên ông Bình thấy sống mũi cay cay, mắt hơi ngân ngấn lệ. Hình ảnh cha con họ làm ông nhớ lại gia cảnh mấy chục năm trước trong một ngôi làng nhỏ ven núi của mình, cha ông đã nắm tay dạy ông nắn nót viết những chữ cái đầu tiên của cuộc đời.

Ảnh qua: phunungaynay.vn

Không kìm nổi lòng mình, vị giáo sư tiến đến trước mặt người ăn mày và quỳ xuống xoa xoa đầu thằng bé và hỏi người ăn mày: “Cậu tên gì, cha con anh là người ở đâu?”. 

Người ăn mày đáp: “Dạ, cháu tên Nam, ở Nghệ An ạ”. 

Ông Bình tiếp lời: “Đó là một miền quê nghèo khó vất vả”. 

Người ăn mày nhìn ông và nói: “Cũng chính bởi nghèo nên mẹ nó mới bỏ nhà theo trai rồi ông ạ. Năm ngoái con bị bệnh nặng ốm cả tháng nên không tiếp tục làm ruộng nữa chỉ còn cách mang thằng bé đi lang bạt xin ăn qua ngày…”

Nghe câu chuyện của cha con họ, ông Bình xúc động thương cảm sâu sắc. Chỉ là một người ăn xin lưu lạc sống bữa nay lo bữa may cuộc sống không có gì bảo đảm, Nam vẫn dạy con trai tập đọc vẫn muốn con có cơ hội học tập thành tài. Nhìn sự hồn nhiên của cậu bé và nhìn cha con họ ông cảm nhận sự hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn đang ẩn chứa trong sự vất vả, khó khăn của họ. Cảm động trước hoàn cảnh của người ăn xin ông móc ra tờ 100 nghìn tặng cho thằng bé. 

Khi chuẩn bị rời đi, ông Bình chú ý tới cái bát đựng tiền lẻ của cha con Nam. Đó là một cái bát bằng gốm, chất đất thô sơ được làm thủ công đã cũ kỹ lạc hậu. Ông nhìn chằm chằm vào cái bát hồi lâu mà không rời đi. Nam cũng bị hành động của ông Bình làm tò mò, chỉ là một cái bát gốm bình thường cho cũng không ai thèm lấy, sao có thể làm cho một người thành phố cảm thấy ngẩn ngơ đến vậy?

Ông Bình cầm cái bát lên xem xét một cách kỹ càng, sau đó nói với người ăn xin: “Cậu bán cho tôi cái bát này được không?”. Vừa nghe thấy Nam lắc lắc đầu nói: “Không, không được đâu ạ!”. Ông Bình liếc người ăn mày lần nữa rồi nói: “Ồ, xem ra anh cũng biết giá trị của cái bát này nhỉ? Thế anh ra giá đi định bán bao nhiêu?”. 

Người ăn mày ngẩn người, đỏ mặt vội vàng nói: “Dạ ý con không phải vậy đâu ạ, đây chỉ là một cái bát gốm bình thường có cho không cũng không ai muốn lấy, sao con có thể bán cho ông chứ ạ? Nếu thật sự ông muốn có nó thì con tặng ông ạ”. Ánh mắt ông Bình sáng lên, ông nói: “Nam này, tôi thấy đây đúng là một món đồ cổ có giá trị thật mà. Thế này nhé tôi đưa cho cậu ba mươi triệu, cậu bán cái bát này cho tôi. Cậu hãy mang số tiên này đi tìm một việc mà làm, rồi còn có tiền để cho con cậu đi học lên nữa. Ý cậu thế nào?”. 

Một buổi chiều mùa thu của ba năm sau đó, trong phòng khách nhà ông Bình xuất hiện một người đàn ông mặc vét đi dày da sang trọng. Khi đó ông Bình đang cặm cụi viết giấy chuyển khoản quyên góp xây dựng trường học ở một khu vực miền núi và đang chuẩn bị gửi đi. Vừa nhìn ông Bình nhận ra là Nam người ăn xin ba năm về trước. Có một sự khác biệt so với ba năm về trước đó là, thay bằng bộ quần áo rách nát năm xưa là bộ comple bóng loáng và trên tay cậu là một hộp quà đắt tiền. 

Nam ngồi trong phòng khách nhà ông Bình với dáng vẻ đầy tự tin. Cậu nhìn ông hồi lâu rồi nói: “Hôm nay con muốn đến cảm ơn ông, nhờ có ba mươi triệu của ông mà con mới có ngày hôm nay”. Ông Bình nhìn cậu hồi lâu và hỏi: “Thế à, mấy năm nay cậu đi đâu làm gì?”. 

Nam ngại ngùng gãi gãi đầu nói nhỏ: “Ba năm trước con đã dùng tiền ông đưa cùng hùn vốn làm ăn với bạn mua lại một lò gốm để đốt lò gốm. Có một số thứ đồ gốm mang đi bán làm người ta tưởng nhầm là đồ cổ, chúng con cũng cố gắng làm chúng thành đồ giả cổ và bán. Mấy năm nay nhờ làm ăn bằng cách đó chúng con cũng kiếm được chút tiền ông ạ”. 

Ông Bình cau mày lắc đầu, tiếp tục hỏi: “Vậy con trai cậu, thằng bé học lớp mấy rồi?”. Người ăn mày trả lời: “Dạ, con cho nó nghỉ học ở nhà phụ giúp con làm ăn rồi ạ”. Ông Bình sững sờ, có nằm mơ ông cũng không ngờ rằng món tiền ông muốn mang đầu tư cho thằng bé được có cơ hội học hành rốt cuộc lại mang đến kết cục như thế này. 

Ông lẳng lặng đi vào phòng ngủ, lấy cái bát năm xưa ông đã mua của người ăn mày ra phòng khách và nói với Nam: “Cậu còn nhớ cái bát này không, cái bát này tôi đã bảo cậu để lại cho tôi. Kỳ thực nó chỉ là một cái bát gốm thông thường không đáng giá một xu”. 

Nam hơi cau mày hỏi: “Nếu năm xưa ông đã biết nó không có giá trị tại sao ông còn chịu mất oan ba mươi triệu để mua nó chứ?”. Ông Bình thở dài và nói: “Thứ mà năm xưa ta mua không phải là cái bát gốm không đáng giá một xu này, mà đó chính là thái độ sống. Là thái độ sống của cậu với sự nghiệp học của con khi đó hiểu không?”. 

Ảnh qua: anhdep99.com

Người ăn mày có đôi chút khó hiểu lắc đầu. Ông Bình nhắm mắt lại vẫy vẫy tay ra hiệu và nói với Nam: “Thôi ta mệt rồi, cậu về đi. Ta bảo cậu về sao còn cứ ngồi đó làm gì?”. Nam trả lời: “Dạ con có ngồi đâu ạ, con đang đứng mà”. Ông Bình hơi khó chịu nói: “Sao ta cứ cảm thấy cậu đang ngồi đó chưa đứng lên nhỉ”. Khi người ăn mày ra đến cổng, anh nghe trong nhà có tiếng bát vỡ.