Thời kỳ Đường Đức Tông xảy ra cuộc binh biến Kinh Nguyên. Trước khi xảy ra binh biến, tăng nhân Phổ Mãn viết lời tiên tri trong thơ, phương sỹ Tang Đạo Mậu cũng biết trước, bề tôi Giả Ẩn Lâm cũng có được điềm báo trong mộng.
Cuộc binh biến hung bạo và thâm hiểm này liên quan đến rất nhiều người, trên đến các vương tôn quý tộc hoàng thất, dưới đến tiểu tốt trong quân đội, tất cả đều chịu ảnh hưởng từ cuộc binh biến. Nhưng trước đó đã có nhiều dự đoán nhìn thấy trước sự việc xảy ra, từ đó mà đem lại sắc thái thần bí cho cuộc binh biến này.
Kẻ khơi mào cho binh biến Kinh Nguyên là hai anh em Chu Thao và Chu Thử. Vào năm Kiến Trung thứ ba (năm 782), Chu Thao ở U Châu khởi binh chống triều Đường. Đến tháng 9 năm Kiến Trung thứ tư (năm 783), triều đình trưng dụng các đạo binh mã vùng Kinh Nguyên để cứu viện Tương Thành. Khi binh sĩ xuất chinh đến Sản Thủy, do trời lạnh, Hoàng đế Đức Tông lệnh cho viên quan Kinh triệu doãn Vương Hồng khao thưởng quân đội. Vì Vương Hồng chỉ khao chút cơm thô cùng với thức ăn ôi thiu nên đã khiến binh sỹ bất mãn, do đó dẫn đến cuộc nổi loạn của binh sỹ. Loạn quân khí thế ầm ầm, phẫn nộ tiến vào hoàng cung. Đường Đức Tông đem hoàng phi và thái tử chạy về Phụng Thiên lánh nạn.
Chu Thử vốn là thống soái Kinh Nguyên, rất được lòng tướng sỹ. Quân phản loạn Kinh Nguyên tôn Chu Thử lên làm vua, tự xưng là Đại Tần hoàng đế. Chu Thử dẫn quân tiến đánh Phụng Thiên, đồng thời đích thân đốc chiến. Sau khoảng một tháng quân phản loạn bao vây tấn công, Phụng Thiên rơi vào tình thế nguy cấp một sớm một chiều.
Để dẹp loạn, thuộc hạ của đại tướng Lý Bão Chân là Giả Ẩn Lâm đã nhiều lần dùng đại nghĩa du thuyết, cuối cùng thuyết phục được tướng lĩnh người Khiết Đan là Vương Võ Tuấn để liên kết đánh phản tặc Chu Thao. Thế là Vương Võ Tuấn và Lý Bão Chân ở Nam Bộ giảng hòa, liên minh cùng với Mã Toại ở Tây Bộ, cuối cùng cũng đã bình định được cuộc binh biến khí thế ngùn ngụt này.
Phương sỹ Tang Đạo Mậu biết trước, tấu xin xây dựng thành trì cung điện
Trước khi xảy ra binh biến, vào năm Kiến Trung thứ nhất có một thuật sỹ là Tang Đạo Mậu khẩn khoản tấu xin Đức Tông xây dựng thành trì ở Phụng Thiên, làm hành cung của đế vương. Đường Đức Tông xưa nay vốn sùng tín Tang Đạo Mậu, bèn lệnh cho Kinh doãn Nghiêm Dĩnh trưng dụng mấy ngàn người và binh lính 6 cánh quân cùng đi Phụng Thiên xây dựng thành trì cung điện.
Khi đó đúng giữa mùa hạ mà triều đình lại xây dựng công trình lớn, khiến mọi người đều ngơ ngác không hiểu. Đến khi Đức Tông đến đó lánh nạn, mọi người mới biết lý do xây dựng.
Tiên tri của nhà chiêm tinh: Gặp rừng thì ở
Có một nhà chiêm tinh khác cũng thấy trước được cuộc phản loạn này. Theo “Túy ông đàm lục” ghi chép, có một thuật sỹ giỏi xem tinh tượng đã dâng tấu lên Đức Tông rằng: “Phùng lâm tức trú”, nghĩa là ‘gặp rừng thì ở’, nhắc nhở Đức Tông rằng gặp nơi có “rừng” thì có thể cư trú.
Đức Tông nói: “Sao lại có thể để trẫm ở trong rừng được?”.
Thuật sỹ đáp: “Không phải, chỉ là nơi có chữ ‘lâm’ (rừng) đều có thể linh nghiệm”.
Ở hành cung, Phụng Thiên úy Giả Ẩn Lâm có việc dâng tấu lên Đức Tông. Đức Tông thấy Giả Ẩn Lâm khí khái hiên ngang, uy nghi hùng dũng tuấn kiệt, hơn nữa còn xuất thân từ gia đình trung nghĩa, là cháu trai của Giả Tu những năm cuối Thiên Bảo. Thật khéo là tên của ông ta có chữ ‘lâm’, cũng ứng với lời của nhà chiêm tinh.
Giấc mộng lạ của bề tôi: Mặt trời rơi xuống đất, đội mặt trời lên trời
Đức Tông mời Giả Ẩn Lâm đến ngọa thất mật đàm để xem Giả Ẩn Lâm trù bị nông sâu ra sau. Trước long sàng, Giả Ẩn Lâm dùng tay vẽ lên nền nhà, trình bày sách lược tấn công phòng thủ, Đức Tông nghe xong ngợi khen kỳ tài.
Giả Ẩn Lâm nói: “Đêm qua, thần mộng thấy một vầng thái dương rơi xuống đây. Thần dùng đầu đội mặt trời lên trên trời. Mặt trời chính là bệ hạ. Phò tá bệ hạ lần này là việc tiền định của thần”.
Quả thật sau đó, giấc mộng của Giả Ẩn Lâm ‘mặt trời rơi, đội mặt trời lên trời” cũng đã hoàn toàn ứng nghiệm.
Thơ sấm của tăng nhân tiên tri anh em nhà Chu phản nhà Đường
Những năm Đại Lịch đời Đường Đại Tông (năm 766-779), tăng nhân vùng Trạch Lộ là Phổ Mãn cũng có dự ngôn là anh em Chu Thử và Chu Thao sẽ phản lại nhà Đường.
Phổ Mãn là người có lời nói hành vi phóng khoáng, hào phóng tự tại, có lúc ngâm nga hát ca, có lúc lại cười lớn. Một số chuyện ông nói mọi người thường nghe không hiểu, không biết ông nói có ý nghĩa gì. Do những lời ông nói luôn luôn linh nghiệm, nên mọi người ví ông với cao tăng Vạn Hồi, là người có tài biết trước sự việc.
Phổ Mãn đã từng có lần say rượu trong chùa rồi đề mấy bài thơ, trong đó có một bài thơ rằng:
“Thử thủy liên Kinh thủy
Song Châu huyết mãn xuyên.
Thanh ngưu tương xích hổ,
Hoàn hiệu thái bình niên.”
Nghĩa đen là:
Nước này liền với nước sông Kinh,
Hai châu (ngọc) máu đầy sông.
Trâu xanh tới hổ đỏ,
Trở về năm thái bình.
Ban đầu mọi người không hiểu ý nghĩa là gì, mãi cho đến khi anh em Chu Thử và Chu Thao phản loạn, mọi người mới biết ý nghĩa bài thơ đó:
“Thử thủy” (此水) hợp lại là chữ Thử (泚).
“Kinh thủy” ngụ ý cuộc binh biến Kinh Nguyên.
“Song châu” (双珠) ngụ ý chỉ hai anh em họ Chu (朱). Hai chữ này âm Hán giống nhau là ‘zhu’, ngoài ra họ Chu cũng có khi được đọc là Châu.
“Thanh ngưu” (青牛) là chỉ năm Ất sửu. Ất là mộc (木), sửu là ngưu – trâu, ngụ ý chỉ năm Trinh Nguyên thứ nhất (Ất Sửu – năm 785).
Năm kế tiếp là Bính Dần. Bính là hỏa (火), dần là hổ, ngụ ý chỉ năm Trinh Nguyên thứ hai (Bính Dần – năm 786), đến lúc đó sẽ bình định được quân phản loạn, do đó mới nói “trở về năm thái bình”.
(Nguồn “Túy ông đàm lục”, “Cựu Đường thư”, “Thái bình quảng ký”).
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch