Những người cầu toàn, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo thường đặt ra những tiêu chuẩn tuyệt đối với mọi việc. Sự nghiêm khắc với bản thân có thể khiến bạn làm việc hiệu quả hơn, nhưng nếu đi đến cực đoan, nó có thể âm thầm phá huỷ cuộc đời bạn.
Bị cảm xúc đè nặng
Những người theo đuổi sự hoàn hảo luôn mang theo nhiều gánh nặng về cảm xúc hơn so với những người khác. Việc luôn cố gắng để trở nên hoàn hảo, về cơ bản, không hề dễ dàng mà thường rất nặng nề. Lâu dần nó sẽ khiến người ta kiệt sức.
Bạn biết đấy, với một người theo đuổi sự hoàn hảo, sai lầm là một điều gì đó rất kinh khủng đối với cảm nhận về bản thân và cảm xúc của họ. Tuy nhiên, sự thật là, sai lầm cũng có thể là một trong những bài học tốt nhất. Thay vì kết tội chúng, hãy nhìn nhận một cách khách quan, sai lầm rất có thể là một món quà để chúng ta cải thiện bản thân.
Khi tâm trí chúng ta không phải đặt 100% vào việc làm mọi thứ trở nên hoàn hảo, nó sẽ có chỗ dành cho những cảm xúc hạnh phúc trong từng việc ta làm.
Ví dụ : nướng một chiếc bánh có thể là một việc làm rất thú vị, nhưng nếu ta quá để tâm đến việc có một chiếc bánh hoàn hảo, mềm mịn không tì vết thì niềm vui khi làm bánh sẽ biến mất. Bạn lựa chọn một trải nghiệm tuyệt vời khi làm bánh hay một chiếc bánh hoàn hảo được làm với một tâm trạng căng thẳng lo âu?
Thêm một ví dụ khác nữa: Bạn đang làm việc cho một dự án quan trọng, nhận về 15% doanh thu cho công ty và mất 4 tháng để hoàn thành. Trong khi, một đồng nghiệp khác hoàn thành dự án khác trong 1 tháng chỉ thu về 7% doanh thu cho công ty. Mặc dù doanh số không cao hơn nhưng đồng nghiệp của bạn có thời gian để hoàn thành các dự án tiếp theo, thu về tổng cộng 21% doanh thu!
Dễ bị tổn thương
Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường dễ bị tổn thương. Họ thường bị ám ảnh lâu dài bởi sự thất bại hay sai lầm. Điều này khiến họ trở nên thiếu quyết đoán và “thường xuyên” gặp nhiều thất bại. Những người hoàn hảo cũng thường kém năng động và ít động lực, bởi vì họ thường xuyên cảm thấy tội lỗi và đi cùng đó là sự xấu hổ, không tự tin vào bản thân.
Sự thực thì chủ nghĩa hoàn hảo bắt đầu từ vấn đề về cái tôi. Họ muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo bởi vì họ đã được lập trình trong tư duy luôn gánh trên vai những gì người khác sẽ nghĩ về mình. Họ lo lắng bị người khác đánh giá tiêu cực nếu có một việc không đi theo tiêu chuẩn.
Những người tự tin là những người không bao giờ xấu hổ về việc không hoàn hảo. Nhưng những người theo đuổi sự hoàn hảo thì ngược lại, họ cần cảm thấy mình hoàn hảo để bù đắp cho những cảm giác thiếu sót về bản thân. Nhưng sự hoàn hảo đó chẳng phải là đang tự lừa mình dối người sao?
Thay vì cố gắng để trở nên hoàn hảo, bạn chỉ cần gắng sức để trở nên giỏi hơn, tốt hơn, hoặc chỉ đơn giản là ‘ổn’ hơn. Ví như hôm nay tôi đã dậy sớm hơn thường ngày 30 phút, hôm nay tôi đã dành 1 giờ để tập thể dục, hôm nay tôi đã dành thời gian rảnh để đọc một cuốn sách hay thay vì lướt facebook dạo…
Khi bạn biết hài lòng với những thành công nhỏ nhoi của mình mỗi ngày, bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, hoặc ít nhất tâm trí cũng thoáng đãng hơn. Và khi có một suy nghĩ thênh thang, biết đâu ta sẽ tìm thấy nhiều điều tuyệt vời khác cũng như phát huy hiệu quả ở những thế mạnh không hoàn hảo của bản thân.
(Theo Tree Hugger)
Hiểu Minh (ST)