Sáng lập công ty từ sở thích cá nhân, hạn chế sự tăng trưởng kinh doanh, khuyến khích khách hàng sửa chữa hơn là mua mới sản phẩm, dành 6 tháng mỗi năm để đi lướt sóng, câu cá, quản lý nhân viên bằng cách “để yên cho họ làm”,…đó là những nguyên tắc kinh doanh “lập dị” hay là triết lý sống đơn giản mà sâu sắc của tỷ phú?

Là nhà sáng lập tập đoàn thời trang danh tiếng Patagonia, tỷ phú Yvon Chouinard có những triết lý kinh doanh “không giống ai” nhưng lại đem đến cho chúng ta những bài học về cuộc sống sâu sắc rất đáng ngưỡng mộ.

Khởi nghiệp từ sở thích cá nhân và mong muốn “làm cái gì đó tốt hơn”

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh NPR, tỷ phú Yvon Chouinard kể về quá trình khởi nghiệp của mình, ông cho biết vào đầu những năm 1970, ở Mỹ có khoảng 250 nhà leo núi, họ rất khó tìm thấy thiết bị có chất lượng trong nước. Trên thực tế, họ phải sang châu Âu, nơi môn thể thao này phổ biến hơn và có các công ty chuyên sản xuất thiết bị chuyên dụng.

Nhưng ngay cả khi họ chọn mua thiết bị từ châu Âu, chúng vẫn có thể có chất lượng thấp, vì đó là loại thiết bị bạn sử dụng một lần và bỏ đi. Vào thời điểm đó, không có trang phục nào được thiết kế hợp lý cho những người làm việc cường độ cao ngoài trời.

Tỷ phú Ywon Chouinard, nhà sáng lập nhãn hiệu thời trang leo núi Patagonia. (Ảnh: Picsunday)

Tỷ phú Chouinard chia sẻ rằng ông chưa bao giờ có ý định khởi nghiệp, ông chỉ là có một cảm giác tự nhiên rằng mình có thể cải thiện các thiết bị đang sử dụng. Đây chính xác là những gì ông và các bạn của mình đã làm. Trong bài phỏng vấn với nhà báo Guy Raz, ông nói:

“Tôi chỉ có một sở trường là mỗi khi nhìn vào một sản phẩm nào đó, tôi nghĩ rằng: “À, mình có thể làm một cái gì đó tốt hơn thế. Nó có thể tốt hơn. Mỗi khi chúng tôi đi leo núi, chúng tôi sẽ quay lại với những ý tưởng về cách cải thiện thiết bị leo núi vốn rất thô sơ trong những ngày đó”.

Sau đó, Chouinard nhận ra rằng ông cần phải có những giải pháp thực tế: Chế tạo thiết bị tốt hơn, làm quần áo tốt hơn. Với ý tưởng đó, ông đã trở thành một thợ rèn, bắt đầu chế tạo những thiết bị mà ông và bạn bè muốn sử dụng.

Chẳng mấy chốc, việc này được mở rộng. Sau chuyến đi đến Scotland, nơi Chouinard nhìn thấy một chiếc áo kiểu bóng bầu dục có vẻ phù hợp với nhu cầu của người leo núi, ông bắt đầu nhập khẩu quần áo thể thao, sau đó tự thiết kế và sản xuất chúng. Bộ quần áo đầu tiên ông tự làm là một chiếc quần sọt được làm từ vải bạt có độ bền cao, dành riêng cho việc hoạt động ngoài trời. Đó là cách công ty thời trang Patagonia được sinh ra.

(Ảnh: Patagonia)

Từ đó, công ty non trẻ của Chouinard, bắt đầu sản xuất một dòng quần áo dành riêng cho những người chơi thể thao, chính xác hơn, họ bắt đầu làm quần áo mà Chouinard và bạn bè của ông muốn sử dụng khi họ leo núi, đi bộ và lướt sóng. Khi nghĩ về khoảng thời gian này, Chouinard nói:

Chúng tôi là khách hàng của chính mình và tôi nghĩ đó là bí mật của việc cho ra đời những sản phẩm mà mọi người thậm chí chưa biết rằng đó là thứ họ muốn hay cần.

Bước chân “em bé”

Đó chính xác là cách thức kinh doanh của tỷ phú Chouinard: “Nếu tôi có một ý tưởng, tôi lập tức tiến lên một bước và xem cảm giác đó như thế nào. Nếu cảm thấy tốt, tôi thực hiện một bước tiếp. Nếu cảm thấy tồi tệ, tôi lùi lại một bước”.

Chouinard chọn cách tiếp cận này kể từ khi ông khởi nghiệp. Khi bắt đầu Patagonia, ông không phải là một chuyên gia trong sản xuất cũng như trong lĩnh vực may mặc. Trên thực tế, Chouinard không học qua khóa đào tạo kinh doanh chính thức nào cả. Ông chỉ đơn giản là một người đam mê thể thao, một người chỉ muốn ở ngoài trời và có những bộ quần áo phù hợp cho các hoạt động đó.

Chouinard thừa nhận việc ông không có nền tảng truyền thống trong việc điều hành một công ty bán lẻ lớn đã mang đến những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực. Rất có thể, sự không quen thuộc với ngành này đã giúp Patagonia tránh được một số bẫy phổ biến mà các công ty non trẻ rơi vào. Mặt khác, sự lạ lẫm đã dẫn đến một số tình huống rắc rối.

Dù vậy, bước đầu công ty đạt được sự phát triển rất cao. Đôi khi, sự tăng trưởng ở mức đáng kinh ngạc lên đến 50%. Đối với Chouinard, điều này rất tệ: Trước mắt, công ty không thể tăng trưởng bền vững ở mức 50% khi không thể duy trì mức thu nhập giữ lại để tái đầu tư hiệu quả hơn. Mặt khác, vì định hướng lâu dài của công ty, Chouinard biết rằng sự tăng trưởng nhanh như vậy là không khôn ngoan.

(Ảnh dẫn qua Pinterest)

Ông cho rằng: “Một doanh nghiệp phát triển càng nhanh, nó càng chết nhanh hơn”. Đối với Chouinard, mục tiêu không chỉ đơn giản là tăng trưởng, đó là việc tạo ra sự thay đổi, về việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và thay đổi suy nghĩ của mọi người rằng chúng ta không ném bỏ mọi thứ, bạn có thể sửa chữa chúng.

Mục tiêu của tỷ phú Chouinard là công ty Patagonia sẽ cam kết việc khách hàng sở hữu một trong những sản phẩm của họ mãi mãi. Nếu bạn có thứ gì được mua ở đây mà không còn mặc vừa, họ sẽ giúp bạn bán nó, nếu nó bị hỏng, họ sẽ sửa nó lại, nếu nó thực sự bị hỏng, họ sẽ tái chế nó thành các sản phẩm may mặc khác.

Sứ mệnh bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng

Ở giai đoạn đầu, công ty Patagonia đã tiến hành nghiên cứu về nguyên liệu nào là thân thiện nhất với môi trường để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Họ ngạc nhiên khi biết rằng có đến 25% tất cả các loại thuốc trừ sâu nông nghiệp được sử dụng cho sản xuất bông (nguyên liệu chính để sản xuất may mặc). Trước những phát hiện này, Patagonia bắt đầu sử dụng 100% cotton hữu cơ (loại hoàn toàn tự nhiên không sử dụng thuốc trừ sâu hay bất cứ loại chất hóa học nào) vào năm 1996.

(Ảnh: Getty dẫn qua CNBC)

Chouinard và những người bạn của mình, chịu ảnh hưởng của nhà tự nhiên học John Muir, đã xem thiên nhiên như một thứ cần được bảo tồn. Ông cho rằng không ai nên sử dụng đinh leo núi một lần và rồi ném nó vào trong đá, không nên bỏ lại đoạn dây nào đó ở trong rừng. Vấn đề tương tự được áp dụng cho quần áo thể thao.

Tạo nên sản phẩm tốt nhất, không gây hại, sử dụng việc kinh doanh để truyền cảm hứng và thực hiện các giải pháp cho cuộc khủng hoảng môi trường. Không có gì phải nghi ngờ rằng Patagonia đã tạo ra một câu chuyện hấp dẫn và truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trẻ.

Tăng trưởng chất lượng chứ không phải lợi nhuận

Chouinard thật sự muốn kinh doanh bền vững dựa trên việc mang đến lợi ích cho khách hàng, để công ty Patagonia có thể tạo dựng uy tín và tồn tại trong tương lai. Ông cho rằng tăng trưởng nhanh sẽ không đưa họ đến mục tiêu của mình.

Để giữ cho công ty đi đúng hướng, Chouinard thực sự đã làm chậm sự tăng trưởng, cộng với việc bị ảnh hưởng bởi một cuộc suy thoái sau 10 năm hoạt động, dẫn đến việc Patagonia đã phải đối mặt với một thời điểm hết sức khó khăn. Tỷ phú Chouinard kể lại rằng ông và các đồng sự không chắc liệu họ có thể vượt qua chuyện đó hay không. Các ngân hàng ngừng cho vay tiền và doanh thu trở nên eo hẹp. Một số quyết định cứng rắn, bao gồm việc sa thải nhân viên cấp quản lý, cải thiện chương trình tăng trưởng,…Patagonia đã vượt qua.

Đối với tỷ phú Chouinard, có hai loại tăng trưởng: Một là dẫn đến việc bạn mạnh mẽ hơn và loại kia dẫn đến việc bạn “phình to” hơn. Tất nhiên, ông muốn chọn loại đầu tiên: “Chúng tôi muốn phát triển chậm, vì vậy tất cả các quyết định được đưa ra như thể chúng tôi sẽ tồn tại trong vòng 100 năm”.

Phá vỡ quy tắc kinh doanh lẫn phong cách tiêu dùng hiện đại

Trong một cuộc phỏng vấn, Chouinard đã nêu lên tinh thần kinh doanh của mình: “Người ta chỉ nói: ‘Điều này là sai và tôi sẽ làm theo cách khác’. Nhưng tôi muốn làm theo cách của riêng mình, và đó là phần thú vị của một doanh nghiệp. Tôi thích phá vỡ các quy tắc”.

Tuy vậy, có vẻ như một quy tắc đặc biệt khó mà Chouinard đã phải rất cố gắng để phá vỡ, đó là phong cách tiêu dùng hiện đại của chúng ta: mua rất nhiều và ưa chuộng những thứ giá rẻ. “Câu thần chú” công ty Patagonia sử dụng trong trường hợp này: “Hãy sở hữu ít thứ hơn nhưng nên là những thứ thực sự tốt. Patagonia có bảo đảm trọn đời cho sản phẩm, chúng tôi cố gắng tạo ra chất lượng cao nhất có thể”.

Thật vậy, trong một thế giới tồn tại rất nhiều quần áo giá rẻ được sản xuất bằng những vật liệu nghi vấn, không đảm bảo an toàn sức khỏe, từ những nguồn cung cấp thiếu hiểu biết, hoặc có điều kiện nghèo nàn, dường như chúng ta cần nhiều công ty chia sẻ sứ mệnh như của Patagonia.

(Ảnh: Washington Post)

Tỷ phú Chouinard cho biết: “Tôi không quan tâm đến việc ra mắt một dòng quần áo giá rẻ”. Đó là điều hiển nhiên nếu bạn xem qua danh mục trực tuyến của Patagonia. Mặc dù sản phẩm của Patagonia có giá bán được cho là ở mức tương đối cao, mục tiêu của tỷ phú Chouinard không phải là giảm giá và thu hút một lượng khách hàng lớn như các cửa hàng bán lẻ khác.

Đối với ông, quần áo chất lượng tốt được làm từ vật liệu có trách nhiệm sẽ có chi phí nhiều hơn, đơn giản là như thế. Người tiêu dùng nên ưu tiên mua ít hơn nhưng mua có trách nhiệm.

Đối với các doanh nhân trẻ, Chouinard cũng đưa ra lời khuyên: “Nếu muốn thành công trong kinh doanh, bạn không nên cạnh tranh với một hãng lớn danh tiếng. Họ sẽ giết bạn. Bạn chỉ cần làm khác đi, tìm ra một cái gì đó mà không ai khác nghĩ đến và làm nó theo một cách hoàn toàn khác. Vì vậy, phá vỡ các quy tắc có nghĩa là bạn phải sáng tạo”.

Quản lý nhân viên theo triết lý: “Tốt nhất là để cho họ yên”.

Trên thực tế, rất nhiều người cười nhạo việc ông chủ của tập đoàn lớn này đã dành đến sáu tháng hàng năm để lướt sóng, câu cá và cho phép nhân viên dưới quyền làm việc bao lâu tùy thích.

Chouinard tiết lộ. “Tôi có một ngôi nhà gỗ ở Jackson Hole và ở đó câu cá mỗi ngày”.

Thế nhưng không ai có thể tranh luận với kết quả trong kinh doanh, về tác động môi trường và cả về phúc lợi của nhân viên, dù nhiều người coi phong cách quản lý nhân viên của tỷ phú Chouinard, ở một tập đoàn lớn như Patagonia là lập dị.

Một triết lý Chouinard rất tâm đắc được chia sẻ trong cuốn sách “Hãy để người của tôi đi lướt sóng”, chính là chăm lo cho những nhân viên nữ đang làm mẹ. Trong những ngày đầu hoạt động của Patagonia, công ty đã tiên phong trong việc chăm sóc con em của nhân viên tại chỗ, cung cấp dịch vụ trông trẻ chất lượng cao được trợ giá, cho phép nhân viên làm việc linh hoạt, nghỉ thai sản và nghỉ phép khác, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và các chương trình phát triển nhân viên hào phóng. 

(Ảnh: Patagonia/Colin McCarthy)

Không những thế, sự “lập dị” của tỷ phú Chouinard còn thể hiện ở cách thức tiếp cận khác thường đối với nhân viên của ông. Hầu hết các công ty có sự phân cấp và chỉ đạo mạnh mẽ xuyên suốt từ trên xuống dưới. Công ty Patagonia, ngược lại đã thuê một nhóm những người trẻ tuổi, độc lập, năng động và sau đó “để họ một mình”.

Tiêu chí tuyển dụng nhân viên ở Patagonia là tính độc lập. Chouinard ví công ty mình với những tổ kiến: “Kiến thợ không cần sếp. Chúng đều biết việc của mình và cần mẫn hoàn thành nhiệm vụ”.

Ông đơn giản nói rằng: “Tôi không quan tâm khi bạn làm việc, Chỉ cần bạn hoàn thành công việc”. Nhân viên được tuyển chọn ở Patagonia là những người tự chủ, có ý thức và động lực trong công việc, vì thế, Chouinard cho rằng việc duy nhất ông cần làm là “để yên cho họ làm”.

Đơn giản hóa mọi thứ là mục tiêu lớn nhất

Trên tất cả, dường như điều thúc đẩy tỷ phú Chouinard nhất chính là mong muốn có một cuộc sống đơn giản hơn. Điều này có thể được thấy trong cách tiếp cận kinh doanh của ông: Làm chậm sự phát triển của công ty, thay vì thúc đẩy khách hàng mua sản phẩm mới, ông khuyến khích sửa chữa, tái sử dụng hoặc tái chế chúng, để nhân viên tự hoàn thành nhiệm vụ,…

Chouinard mang đến cho chúng ta rất nhiều sự khôn ngoan: về kinh doanh, về bảo vệ môi trường, về cách quản lý nhân viên, về cách người tiêu dùng chúng ta nên cố gắng cải thiện bản thân, góp sức bảo vệ môi trường trong một thế giới phải “trả giá” bởi nhu cầu và mong muốn của chúng ta. Nhưng có lẽ triết lý sâu sắc nhất là những điều ông nói về cuộc sống:

“Điều khó nhất trên thế giới là làm đơn giản cuộc sống của bạn, bởi vì tất cả mọi thứ đang kéo bạn trở nên ngày càng phức tạp. Tôi nghĩ nếu chúng ta quyết định hướng đến một cuộc sống đơn giản hơn, thì đó sẽ không phải là một cuộc sống nghèo khó, mà sẽ là sự giàu có thật sự”.

Tâm An

videoinfo__video3.dkn.tv||f81823e0a__