Vương viên ngoại đặc biệt yêu thích trà, hễ nghe nói ở đâu có trà ngon ấm tốt, thì dẫu đường xá xa xôi đến đâu ông nhất định sẽ đến tận nơi thưởng thức. Nếu vừa ý, dẫu phải bỏ ra nhiều tiền hơn nữa ông cũng phải mua cho bằng được. Trong tất cả các ấm trà Vương viên ngoại sưu tầm được, thứ ông tâm đắc nhất là chiếc ấm trà Long Đầu.
Một ngày kia, có người bạn thân lâu năm đến viếng thăm, ông Vương bèn lấy chiếc ấm Long Đầu ra pha trà chiêu đãi bạn. Người bạn trông thấy ấm trà miệng khen không ngớt, trong lúc ngắm nghía đã lỡ tay đánh rơi xuống đất, khiến chiếc ấm quý vỡ tan thành nhiều mảnh.
Vương viên ngoại cúi người xuống, lặng lẽ thu thập những mảnh vụn. Sau đó ông lấy ra một chiếc ấm khác để pha trà, cười đùa vui vẻ như chưa có gì xảy ra. Sau chuyện này, có người hỏi ông: “Đó là ấm trà mà ông yêu thích nhất, giờ nó đã vỡ rồi, chẳng lẽ ông không thấy buồn hay sao?”. Viên ngoại đáp: “Sự thật đã như vậy rồi, luyến tiếc ngồi đó khóc than hỏi có ích gì đâu? Chi bằng hãy đi tìm cái khác, nói không chừng còn có thể tìm được thứ tốt hơn”.
***
Một người phụ nữ kể lể với vị thiền sư về những bất hạnh mà cô phải chịu đựng trước đây bởi người chồng cũ. Cô nói: “Sở dĩ con đau khổ như vậy là bởi anh ta thực sự quá đáng mà”.
Thiền sư trả lời: “Hoàn cảnh của con đúng là rất đáng thương. Nhưng nỗi đau khổ ấy há chẳng phải là do lối nghĩ của con tạo thành hay sao? Con hãy thử nghĩ xem, đó đã là quá khứ, còn đau khổ hiện giờ lại bắt nguồn từ đâu đây? Chẳng phải là bởi con cứ nắm chặt quá khứ mà không chịu buông hay sao? Có thể người ta đã từng làm tổn thương con, nhưng trong lòng con lại cứ nghĩ đến nó hết lần này lần khác, hệt như đã bị tổn thương trăm nghìn lần vậy. Con hãy nghĩ xem, người ta cũng chỉ làm tổn thương con một lần, lẽ nào con vẫn cứ muốn nhớ hoài không quên hay sao? Dẫu chuyện con gặp phải rất bi thảm, nhưng ngọn nguồn của đau khổ vẫn là bản thân con đó! Nếu không vì cái cảm xúc kia lèo lái, nếu con không cấp năng lượng cho những đau khổ kia, thì những đau khổ đó sao có thể tồn tại được đây?”.
***
Hôm qua bạn đã tranh cãi một trận nảy lửa với đồng nghiệp, trong lòng vẫn luôn tức giận bất bình. Lại nghĩ đến hết thảy mọi việc mà người này từng gây ra cho bạn trước đây, trong lòng lại càng thêm giận dữ… Sau đó, bạn bắt đầu nghĩ rằng nếu lần sau chạm mặt anh ta, mình sẽ phải làm gì đây? Mặc kệ anh ta chăng? Hay là tỏ thái độ khó chịu?
Bạn lại tiếp tục nghĩ: Nếu anh ta cũng tỏ thái độ lại với mình thì nên làm thế nào nhỉ? Liệu mình có nên ‘liều một phen’ hay không? Thậm chí bạn còn nghĩ rằng, mình sẽ trừng trị anh ta thế nào đây? Nói tóm lại, mọi chuyện từ quá khứ đến tương lai bạn đều nghĩ đến, trước sau đều ôm giữ cảm xúc bất bình.
***
Rất nhiều lúc, đối với những chuyện đã phát sinh chúng ta cứ mãi canh cánh trong lòng, kỳ thực chính là đang ôm cứng phiền não vô ích mà không chịu buông. Nhấc được lên, buông được xuống, ấy mới là thái độ nhân sinh khiến ta sống nhẹ nhàng.
Chúng ta là người duy nhất có thể quyết định rằng mình phải chịu khổ bao lâu. Chỉ khi ta chịu buông xuống khổ đau, lòng mới có thể an nhiên tự tại. Nếu quyền quyết định là ở bản thân ta, thì tại sao chúng ta luôn khiến bản thân đau khổ cả mười ngày nửa tháng, thậm chí rất nhiều năm vẫn không chịu buông đây?
Thuận An
Theo liaotuo.com
Bạn đang đọc bài viết: “Nhấc được lên, buông được xuống, ấy mới là trí huệ nhân sinh” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |