Với quan niệm phổ biến rằng ráy tai là chất bẩn làm ngứa tai, gây tắc nghẽn, giảm thính lực… dó đó nhiều người dùng cách này hay cách khác để lấy ráy ra. Tuy nhiên theo các chuyên gia, thì việc lấy ráy tai là hoàn toàn không cần thiết đối với hầu hết mọi người, thậm chí còn lợi bất cập hại, đặc biệt là đối với trẻ em.
Nguy hiểm khi lấy ráy tai
Việc lấy ráy tai thực ra là khá nguy hiểm vì người dân thường không hiểu giải phẫu của ống tai, nên khi lấy có thể đâm vào màng nhĩ, gây thủng màng nhĩ. Nhiều người lấy ráy tai nhiều thành “nghiện”, cũng không ít trường hợp ghi nhận là bị điếc do lấy ráy tai.
Phần da ở ống tai cũng mỏng, dễ bị tổn thương, lấy ráy tai khiến lớp da này bị trầy xước, làm tăng thêm nguy cơ viêm nhiễm ống tai. Đồng thời lấy đi lượng ráy tai tự nhiên sẽ làm giảm khả năng đề kháng của tai trước tác nhân vi khuẩn, cũng làm tăng khả năng viêm nhiễm.
Việc lấy ráy tai tuy có thể đem lại cảm giác dễ chịu, nhưng nếu không lấy đúng kỹ thuật vô tình lại đẩy ráy tai vào sâu thêm, sát vào màng nhĩ gây ù tai, đau tai, nghe kém.
Ngoài ra lấy ráy tai ở ngoài tiệm cắt tóc cũng tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh qua dụng cụ dùng chung. Người lấy ráy tai cũng thường không được đào tạo bài bản, có thể xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Chia sẻ trên trang songkhoe, BS. Nguyễn Thành Lợi – Trưởng khoa Tai, Bệnh viện Tai – Mũi- Họng TPHCM cho biết: “Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi phải nhập viện vì lấy ráy tai gây thủng màng nhĩ. Có bé nhìn thấy bố mẹ ngoáy tai nên cũng bắt chước làm theo mà trẻ thì không ý thức được nên cứ ngoáy cho đến khi tai bị tổn thương, thậm chí thủng màng nhĩ dẫn đến bị điếc.”
Lấy ráy tai có thực sự cần thiết?
Thực chất, tai cũng như nhiều bộ phận của cơ thể, có khả năng tự làm sạch. Ráy tai là một hỗn hợp gồm chất được tiết ra từ các tuyến nằm ở ống tai ngoài, tế bào da chết và vi khuẩn, có thể có nước. Chất màu vàng cam này có chức năng giúp bảo vệ da ống tai khỏi bị tổn thương, đồng thời diệt vi khuẩn và nấm. Bình thường tai chỉ tiết ra một lượng chất tiết vừa đủ, không quá nhiều.
Vậy bạn có phải lấy ráy tai ra khỏi phần ống tai? Điều này hoàn toàn không cần thiết, vì cơ thể tự có cơ chế đưa ráy tai ra phần tai ngoài-cửa tai. Khi chúng ta nói và nhai cũng là đang hỗ trợ quá trình này rồi. Do đó thay vì cố gắng lấy ráy tai ra khỏi ống tai, bạn hãy đợi đến khi ráy tai bị đẩy ra phần tai ngoài, rồi nhẹ nhàng lấy khăn sạch để lau
BS. Lợi cũng chia sẻ: “Ở mọi lứa tuổi, chúng ta không nên tự ý ngoáy tai, đặc biệt người lớn không nên để trẻ em bắt chước vì tai của trẻ mỏng manh dễ bị tổn thương. Ngoáy tai là sự lạm dụng quá đáng, là thói quen không tốt gây ứ đọng chất bẩn, tổn thương và viêm nhiễm ống tai, có thể gây thủng màng nhĩ lâu dần thành điếc…”.
Khi bị nước vào tai, bạn không nên dùng tăm bông để ngoáy mà nghiêng đầu lắc nhẹ cho nước ra ngoài, sau đó dùng khăn bông lau ở cửa tai. Khi ngứa, bạn có thể dùng tay gãi nhẹ ở cửa tai để giảm ngứa. Không nên dùng tăm bông hay vật gì để ngoáy vì dễ tạo thành vòng luẩn quẩn: càng ngoáy càng ngứa, và ngược lại.
Một số người do cơ địa hoặc mắc một số bệnh nên tiết nhiều ráy tai hơn. Một số khác dùng các dụng cụ hỗ trợ tai như bác sĩ, nhạc sĩ, hay những người thường đeo tai nghe cũng dễ tích lũy nhiều ráy tai hơn. Nếu ráy tai tích tụ nhiều thực sự khiến bạn khó chịu, bạn cần đến khám bác sĩ để làm sạch tai vài tháng một lần, cũng như để giải quyết nguyên nhân bệnh nếu có.
Ngoài ra giữa những lần khám bác sĩ, bạn cũng có thể mua thuốc nhỏ tai để làm mềm ráy tai, giúp ráy tai dễ dàng bị đẩy ra ngoài. Sau đó bạn có thể dùng khăn lau nhẹ là giải quyết xong.
Đại Hải tổng hợp
Xem thêm: