Giáo dục trên bàn ăn của Mỹ đã được nhiều bậc cha mẹ biết đến. Tuy nhiên, nếu được chứng kiến tận mắt cách cha mẹ Mỹ dạy con, mọi người sẽ vô cùng kinh ngạc.

Bé trai 2 tuổi rưỡi ngồi ngay ngắn trên bàn và lặng lẽ ăn từ đầu đến cuối. Mặc dù cậu bé cầm chiếc thìa vẫn còn hơi lúng túng nhưng vẫn bình tĩnh xúc từng thìa cơm đầy đưa vào miệng. Khi thấy những hạt cơm vương vãi trên bàn, cậu bé lại dùng tay nhặt lên rồi đút vào miệng. Sau khi ăn xong, hai tay cởi chiếc yếm đeo trước ngực, cậu nói với cha mẹ: “Con ăn xong rồi ạ”. Lúc này cha mẹ bế cậu đặt xuống đất, cậu bé bưng bát bỏ đồ ăn thừa vào thùng rác rồi đặt bát vào bồn rửa. Tất cả các hành động của cậu bé trông rất thành thục và tự nhiên, chỉ cần nhìn qua là biết, thói quen này đã được bé dưỡng thành từ rất sớm.

Tận hưởng niềm vui trong ăn uống

Ở Mỹ, giáo dục trên bàn ăn là một phần rất quan trọng trong việc nuôi dạy con cái. Quá trình này giúp các bé tận hưởng niềm vui ăn uống, thích ăn và chủ động ăn. 

Ảnh: Nguoitieudung.

Trẻ em Mỹ tập ăn từ khi chúng biết ngậm thìa. Ban đầu, hành động vụng về của chúng sẽ khiến đồ ăn dính quanh miệng hoặc vương vãi ra bàn, tuy nhiên sau một thời gian, trẻ có thể tự ăn cơm một cách ngon lành. Hơn nữa, chúng sẽ tự quyết định ăn bao nhiêu, bởi vì việc ăn nhiều ít là việc riêng của trẻ.

Chỉ khi trẻ chủ động ăn uống thì chúng mới đang thật sự tận hưởng niềm vui khi ăn. Hơn nữa, trong thời gian ăn cơm, cha mẹ cũng không chờ đợi. Nếu trẻ ham chơi không chịu đi ăn thì chúng biết được là bản thân sẽ bị đói.

Trẻ học nghi lễ trên bàn ăn từ sớm

Hầu hết trẻ em Mỹ học cách tự ăn uống từ khi chúng 2 tuổi. Khi cả gia đình ngồi quây quần bên bàn ăn cũng là thời điểm trẻ học những lễ nghi, cả gia đình cùng nhau chuẩn bị đồ và cầu nguyện trước khi ăn, sau đó lại cùng nhau thu dọn bát đĩa khi đã ăn xong. Trẻ nhỏ được dạy bảo cẩn thận rằng phải ăn chậm, không phát ra âm thanh, không gõ bát gõ thìa, ngay cả khi chúng vô tình tạo ra âm thanh, chúng cần học nói lời “xin lỗi”. Ngoài ra, trẻ còn học hỏi ở cha mẹ truyền thống tiếp đãi khách trong gia đình. 

Ảnh: Usis.us

Nghĩ đến cảm thụ của người khác trên bàn ăn là bài học quan trọng đối với trẻ em Mỹ. Cho dù không làm ảnh hưởng đến bữa ăn của người khác thì cũng cần chú ý đến cảm thụ của mọi người. Ví dụ như thích một món ăn nào đó mà một mình ăn bằng hết, đây cũng là điều trẻ không được phép. Trẻ em lớn hơn một chút cũng cần biết phụ giúp cha mẹ làm cơm và dọn dẹp sau khi ăn xong. Hành động này không chỉ giảm bớt việc nhà cho cha mẹ mà còn giúp trẻ học cách chia sẻ công việc với người khác. 

Coi trọng bữa cơm gia đình truyền thống

Đối với người Mỹ, bữa sáng của họ rất đơn giản, chỉ có ngũ cốc và sữa. Tuy nhiên, yêu cầu là mọi người phải ngồi cùng nhau bên bàn ăn và tận hưởng một cách từ từ. Các thành viên trong gia đình cùng nhau cười nói và một ngày tốt lành bắt đầu từ thời điểm đó.

Đối với người Mỹ mà nói, bàn ăn không chỉ là nơi giáo dục trẻ em mà còn là địa điểm mà cha mẹ con cái thể hiện tình cảm gia đình. Dù bận rộn đến đâu, các bậc cha mẹ Mỹ cũng rất coi trọng bữa cơm tối của gia đình. Cho dù họ là tổng thống hay thường dân áo vải, thì việc đoàn tụ cùng gia đình luôn là điều quan trọng nhất. Sau mỗi ngày làm việc, mọi người lại vội vã về nhà để được ngồi bên mâm cơm và thưởng thức bữa tối ngon miệng.

Từ bàn ăn, trẻ học được tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau cũng như tận hưởng niềm vui khi ăn cơm. Điều quan trọng hơn là, trẻ cần bầu bạn cùng cha mẹ để hiểu nhau hơn. Đối với trẻ, khoảng thời gian này là lúc chúng cảm thấy thân thiết nhất.

Ảnh: Istockphoto/ LiudmylaSupynska.

Người ta thường nói “Nuôi con là quá trình thử thách sự kiên nhẫn của cha mẹ”. Tuy nhiên, người Mỹ sẽ nói với bạn rằng sự kiên nhẫn không nằm ở thời gian chờ đợi mà là ở trạng thái chờ đợi. Khi trẻ còn rất nhỏ, họ để chúng tự ăn. Khi đối diện với một bàn đầy món ăn yêu thích, trẻ vẫn tỏ ra bình tĩnh. Đối với những trẻ không tuân thủ giờ giấc ăn uống, cha mẹ sẽ đưa chúng vào quy củ. Trẻ vi phạm quy tắc, chúng biết rằng bản thân sẽ bị đói. Đối với hành động ăn vạ của trẻ, họ xem đó như là chuyện vụn vặt và gác lại.

Còn ở Việt Nam, các bậc cha mẹ thường chú ý đến việc cho con “ăn no” hơn là giúp các bé cảm thụ niềm vui cùng sự hài lòng khi ăn. Thấy con đói bụng là cha mẹ liền xót xa, lấy đồ nấu cho con ăn ngay lập tức. Kết quả là trẻ hình thành cách nghĩ, giờ chưa ăn cũng không cần gấp gáp vì phòng bếp luôn mở cửa 24/24, khi nào đói sẽ có người nấu đồ ăn cho mình. Chúng không hình thành được thói quen ăn uống tích cực, cũng không tuân thủ nghiêm thời gian dùng cơm. Đây cũng là nguyên nhân nhiều cha mẹ Việt thường than phiền rằng con của họ lười ăn.

Cách giáo dục trên bàn ăn của cha mẹ Mỹ tưởng như đơn giản, nhưng lại là quá trình rèn cho trẻ nhiều đức tính tốt đẹp như tự lập, bình tĩnh, biết giúp đỡ và nghĩ cho người khác ngay từ khi còn rất bé. 

San San

Xem thêm video: Phép tắc người con

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__