“Chim khôn chọn chỗ mà đậu, chim dại chê tổ mà xa rời”, là chim lành hay chim xấu chỉ khác nhau ở thái độ mà thôi.

Mỗi lần tụ họp với bạn bè và người thân, chúng ta thường tán gẫu về công việc, chuyện học hành, hôn nhân, thậm chí cả những chuyện thị phi nơi làm việc. Trong lần họp mặt với nhóm bạn thân, một chàng trai trẻ kể rằng anh vừa xin nghỉ việc ở công ty, bạn bè hỏi lý do tại sao, anh bèn làm một bài sớ dài phàn nàn về sếp cũng như đồng nghiệp cũ của mình.

Nào là: “Sếp quá keo kiệt, lương quá thấp”, nào là: “Đồng nghiệp khó hòa đồng, luôn giở trò sau lưng”, rồi thì: “Công ty chẳng có chút triển vọng nào cả, hoàn toàn không nhìn thấy tương lai”…

Người ta nói: Chim khôn chọn chỗ mà đậu, chim dại chê tổ mà xa rời. Những lời phàn nàn cũng là lý do nghỉ việc của rất nhiều người, bởi vì chê bai đối phương cũng là khẳng định rằng bản thân không có lỗi. Chàng trai trẻ kể trên cũng vậy, anh đổ lỗi cho sếp và đồng nghiệp cũ, cho rằng bản thân là “chim khôn” nên mới xin nghỉ việc. Điều này liệu có hợp lý chăng?

“Chim khôn chọn chỗ mà đậu, chim dại chê tổ mà xa rời”

Chuyển việc hay nghỉ việc là chuyện rất bình thường, với nhiều chuỗi nhà hàng hoặc những công ty bán lẻ, việc điều chỉnh nhân lực lại càng có tỷ suất cao hơn. Nếu quan sát kỹ, những người có quan hệ cá nhân tốt, thái độ làm việc cũng tốt, thì thường nhận được lời khen từ đồng nghiệp và khách hàng. Những người có thái độ làm việc không tốt, không tận tâm tận lực thậm chí vô trách nhiệm thì cả khách hàng và đồng nghiệp lắc đầu.

Sự khác biệt giữa hai mẫu người nói trên không chỉ thể hiện ở khả năng làm việc, mà còn phản ánh cả trong thái độ khi nghỉ việc của họ. Người có năng lực thường nói về công ty cũ bằng những lời nhã nhặn và thiện chí: “Công ty và đồng nghiệp đều rất tốt, chỉ là tôi có dự định khác, mọi người vẫn liên lạc với nhau”. Họ không đổ lỗi cho công ty hoặc đồng nghiệp, mà chỉ nói rằng lý do nghỉ việc là của riêng cá nhân mình, như thế khi rời đi vẫn để lại tiếng thơm và ấn tượng tốt đẹp cho mọi người.

Nhưng những người không có năng lực lại thường lắc đầu ngao ngán: “Công ty quá tồi tệ, vì thế tôi không muốn làm nữa”. Những người như thế chỉ thích phàn nàn về công ty, chỉ trích sếp cũng như đồng nghiệp, nguyên nhân xin nghỉ luôn luôn là vì người khác chứ không phải bản thân mình.

“Chim khôn chọn chỗ mà đậu, chim dại chê tổ mà xa rời”, là chim lành hay chim xấu chỉ khác nhau ở thái độ. Chim khôn biết cân nhắc môi trường và các điều kiện khách quan rồi mới đưa ra lựa chọn tốt nhất, cũng chính là “tư duy kiểm soát từ bên trong”. Chim dại thường đổ lỗi cho ngoại cảnh, đa phần là “tư duy kiểm soát từ bên ngoài”.

Người ngốc đặt tâm ở ngoài miệng, người thông minh đặt miệng ở trong tâm

Nhiều lúc, cảm xúc không phải do người khác mang lại mà là do thái độ và hành vi của bản thân. Đối với những điều không suôn sẻ, người ta thường có thói quen phàn nàn và chỉ trích, cho rằng mình luôn đúng. Nhưng những lời phàn nàn và chỉ trích ấy lại không mang đến cho chúng ta bất cứ lợi ích nào, thậm chí còn khiến người khác đánh giá tiêu cực về chúng ta. Vì thế đừng lãng phí thời gian và sức lực vào những lời như thế. 

Một người lãng phí quá nhiều thời gian và tinh thần vào việc chê bai sếp cũ, trong mắt người khác, họ có năng lực tới đâu cũng không thể gọi là nhân tài, mà là người sống vô trách nhiệm.

Benjamin Franklin từng nói: “Người ngu ngốc đặt tâm ở ngoài miệng, người thông minh đặt miệng ở trong tâm”. Nếu muốn là người thông minh nơi làm việc, đôi khi cũng cần giả khờ mà nói lời “ngốc nghếch”… 

Ngọc Linh
Theo Secretchina

Video: Bạn lựa chọn cúi đầu làm bông lúa hay ngẩng đầu làm cỏ dại? 

videoinfo__video3.dkn.tv||69245abc8__

Từ Khóa: