Vào thế kỷ 19, theo sau những cơn đau răng dữ dội trong nhiều tháng liên tiếp, răng của một số bệnh nhân sẽ phát nổ bên trong miệng của họ, hoàn toàn vỡ thành từng mảnh vụn với âm thanh nghe tựa như tiếng súng. Một người phụ nữ đã kể lại rằng vụ nổ có sức công phá lớn đến nỗi nó suýt khiến bà ngã xuống đất.

Tạp chí Thế giới Nha khoa (Dental Cosmos), tạp chí chủ yếu đầu tiên của ngành nha khoa tại Mỹ, đã cho đăng một bài viết miêu tả tình trạng kỳ dị này. Tác giả bài viết, ông W.H Atkinson, một bác sĩ nha khoa tại bang Pennsylvania, đã kể lại việc bắt gặp ba bệnh nhân xuất hiện tình trạng này.

Trường hợp đầu tiên được ghi nhận là của Đức cha D.A từ Springfield, quận Mercer, bang Pennsylvania, vào năm 1817. Theo ghi chép của bác sĩ Atkinson, vị cha xứ này đã trải qua một cơn đau răng dữ dội:

“Lúc 9 giờ tối ngày 31/8, răng nanh hàm trên bên phải (răng số 3) đã bắt đầu đau, và tăng dần cường độ đến mức nó khiến ông gần như phát điên”.

“Trong cơn đau đến khôn tả ông đã chạy qua chạy lại, trong một nỗ lực vô vọng nhằm làm thuyên giảm cơn đau; có lúc ông dúi đầu xuống đất như một con thú bị điên, lúc khác lại húc đầu mình vào góc cạnh hàng rào, và sau đó đi đến con suối và nhúng người mình từ đầu đến chân xuống dưới nước lạnh; những hành vi này đã khiến gia đình ông hoảng sợ, nên họ đã dẫn ông đến một cái chòi và làm đủ mọi cách để khiến ông trấn tĩnh”.

Theo ghi chép của bác sĩ Atkinson, cơn đau răng khủng khiếp này không thể được điều trị, tuy nhiên:

“Lúc 9 giờ sáng ngày hôm sau, khi ông đang đi tới đi lui trong cơn mê sảng, bất chợt xuất hiện một tiếng rạn nứt chói tai, giống như tiếng súng nổ, khiến chiếc răng của ông vỡ thành từng mảnh vụn, mang đến cho ông một cảm giác nhẹ nhõm tức thì. Lúc này ông đã quay sang phía vợ mình và nói: “Cơn đau của tôi đã chấm dứt”.

(Ảnh minh họa: Journal.com)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet)

Trường hợp thứ hai được bác sĩ Atkinson ghi nhận xảy ra vào 13 năm sau đó. Lần này người bệnh là cô Letitia D từ quận Mercer ở bang Pennsylvania. Vị bác sĩ đã ghi nhận được những triệu chứng tương đồng như trong trường hợp của vị cha xứ:  

Trường hợp này không thể được truy xét rõ ràng như trường hợp ban đầu, nhưng cũng khá tương đồng; cơn đau chấm dứt khi chiếc răng phát nổ, mang đến một cảm giác nhẹ nhõm tức thì. Kết quả là chiếc răng đã vỡ thành từng mảnh vụn, và đây là một chiếc răng hàm ở trên”.

Trường hợp thứ ba xảy đến với một bệnh nhân tên Anna P. A vào năm 1855. Cô kể lại rằng một trong những chiếc răng nanh của cô đã bị nứt ra làm hai từ đằng trước ra đằng sau theo sau một tiếng kêu răng rắc. Bác sĩ Atkinson viết:

Trường hợp này có một vết rạn nứt đơn giản từ đằng trước ra đằng sau, được gây ra bởi một cơn đau dữ dội và áp lực tích tụ tại chỗ tủy răng bị viêm. Một tiếng nổ đột ngột, chói tai, và một cảm giác nhẹ nhõm tức thì theo sau đó, cũng như trong các trường hợp khác, đã xảy ra với chiếc răng nanh phía trên bên trái [của cô Anna P. A]”.

Những câu chuyện tưởng chừng quá đỗi kỳ dị bên trên lại không hề đặc thù, vì chúng đã được ghi nhận nhiều lần trong lịch sử. Tạp chí Nha khoa Anh quốc (British Dental Journal) đã cho đăng một câu chuyện xảy ra vào năm 1965, trong đó miêu tả chi tiết các câu chuyện về răng phát nổ khác trong lịch sử.

Một câu chuyện như vậy xoay quanh một bác sĩ nha khoa người Mỹ, ông J. Phelps Hibler. Ông kể về một người phụ nữ trẻ đã phải chịu đựng các cơn đau răng vào năm 1871. Ông đã miêu tả cách chiếc răng bị đau đã “nổ tung với một tiếng nổ gây chấn động, suýt chút nữa đã khiến cô ngã nhào xuống đất”. Ông viết rằng tiếng nổ lớn đến mức tai của cô đã không thể nghe được rõ ràng trong một vài ngày sau khi xảy ra vụ việc.

Vậy tại sao răng của họ có thể phát nổ? Một cách giải thích tiềm năng là do những hóa chất đã được sử dụng để trám răng vào thời kỳ đầu. Trước khi thủy ngân amalgam (một chất được sử dụng để trám lỗ hổng trên răng) du nhập từ Trung Quốc sang các nước phương Tây vào những năm 1830, nhiều kim loại khác đã được sử dụng để trám răng, bao gồm chì, thiếc, bạc và một số hợp kim.

Andrea Sella, giáo sư ngành hóa học vô cơ tại Trường Đại học London, cho biết khi hai nguyên tố kim loại khác nhau được sử dụng để trám răng, chúng sẽ tạo ra một cục pin điện hóa, gần như sẽ biến miệng của bạn trở thành một cục pin sạc điện áp thấp:

“Do có sự kết hợp giữa các nguyên tố kim loại trong miệng, nên có thể xuất hiện hiện tượng điện phân tự phát. Cách giải thích yêu thích của tôi là nếu một vết trám được làm rất cẩu thả và một phần lỗ sâu vẫn chưa được lấp kín, thì sẽ tồn tại khả năng tích tụ khí hiđrô bên trong chiếc răng này”.

nổ
Andrea Sella, giáo sư ngành hóa học vô cơ tại Trường Đại học London. (Ảnh: bbc.co.uk)

Vậy nên sẽ không có gì khó hiểu khi một chiếc răng vốn không còn cứng chắc do bị sâu bệnh có thể phát nổ dưới áp lực tích tụ này. Khí hiđrô còn có thể phát nổ khi bị đốt cháy, tuy nhiên GS Sella cũng thừa nhận rằng một kịch bản như vậy khó có thể xảy ra.

“Tôi không nghĩ là sẽ có một luồng lửa phun ra từ miệng của người đàn ông thời Victoria này [khi chiếc răng phát nổ]. ”

Vì không có ghi chép nào cho biết những người này đã từng được trám răng hay chưa, nên không có cách nào để biết chắc rằng đây có phải là trường hợp đã xảy ra hay không. Vậy đâu là cách giải thích cho hiện tượng kỳ lạ này? Không ai biết. Bức màn bí ẩn bao trùm những chiếc răng phát nổ vào thế kỷ 19, ít nhất là cho đến hiện nay, vẫn chưa có lời giải.

Tác giả: Troy Oakes, Vision Times.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc tại đây.
Thạch Khánh biên dịch

Xem thêm: