Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng cuộc nổi dậy của Wagner vào ngày 24/6 đã mang lại tác động lan tỏa vượt ra khỏi biên giới nước Nga. Một số nhà phân tích cho rằng, đó có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của liên minh với Matxcova do Bắc Kinh dẫn đầu để đối kháng với thế giới tự do.
“Chúng tôi thấy các vết rạn nứt đang lộ diện”, Ngoại trưởng Antony Blinken nói với CBS. “Rất khó nói được là những rạn nứt này đến từ đâu và chúng xuất hiện khi nào”, ông nói, “nhưng tôi không nghĩ chúng ta đã chứng kiến diễn biến cuối cùng”.
Theo nhà phân tích địa chính trị Gordon Chang, những rạn nứt này không chỉ xuất hiện trong chế độ Nga.
Ông Chang, tác giả cuốn “The Coming Collapse of China” (Sự Sụp Đổ Sắp Tới Của Trung Quốc), nói với Đại Kỷ Nguyên ấn bản Anh ngữ, “Trung Quốc đang cố gắng lật đổ toàn bộ hệ thống quốc tế. Mặc dù Trung Quốc hùng mạnh, nhưng họ không mạnh đến thế. Họ cần những đồng minh như ông Putin, và nếu ông Putin sắp không tồn tại nổi, thì Trung Quốc sẽ gặp rắc rối”.
Bắc Kinh đã giữ im lặng khi các lực lượng của ông Prigozhin hành quân đến Matxcova. Họ chỉ lên tiếng lần đầu tiên sau một ngày của thỏa thuận hòa hoãn vốn ngăn chặn quân đội vũ trang của ông Prigozhin tiếp tục tiến quân. “Đây là công việc nội bộ của nước Nga,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Ông Chang cho biết, Bắc Kinh phản ứng chậm trễ như vậy là do “họ không biết phải nói gì”.
“Điều này trở thành vấn đề đối với ông Tập Cận Bình là vì ông ấy đã tuyên bố quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ với Nga,” ông Chang bình luận về nhà lãnh đạo Trung Quốc. “Và đối tác ‘không giới hạn’ này gần như đã bị bỏ qua trong những diễn biến đáng kinh ngạc đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều này đã khiến Trung Quốc có chút dao động”.
Ông Tập và ông Putin công bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” vào ngày khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Lúc đó, hai nhà lãnh đạo này đã tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên sau hai năm, đồng thời chế giễu cái mà họ gọi là việc phương Tây “can thiệp vào công việc nội bộ” của Trung Quốc.
Cuộc gặp đó diễn ra chưa đầy ba tuần trước khi Nga bắt đầu tấn công Ukraina. Khoảng một năm sau, hồi tháng 3, ông Tập Cận Bình trở thành khách mời danh dự tại Matxcova. Khi chia tay ông Putin, nhà lãnh đạo Trung Quốc tươi cười nói rằng họ là hai người đang thúc đẩy “sự thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm”. Nhưng cuộc nổi dậy vừa qua đã khiến Bắc Kinh hoảng hốt.
Trong một cuộc đảo chính chớp nhoáng tương tự vào năm 1992, những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng sản Liên Xô đã nhốt nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong biệt thự nghỉ dưỡng của ông ở Crimea. Sau ba ngày, âm mưu này thất bại nhưng lại là ngòi nổ dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của Liên Xô bốn tháng sau đó.
Ông Chang cho rằng ông Putin cũng đang ở một vị thế tương tự. “Ông ấy đã có thể ngăn chặn cuộc nổi dậy lật đổ ông ấy, nhưng nước Nga đã bị làm cho bất ổn, vì vậy tôi không nghĩ rằng đây là đoạn kết của sự kiện này”.
Đối với chế độ Trung Quốc, vốn luôn trông cậy Nga là một đồng minh hiệu quả để lật đổ trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo, thì đây không phải là điềm lành.
“Trung Quốc cố gắng thể hiện mình là bất khả chiến bại, là thống trị thế giới”, ông Chang nói. “Chà, bây giờ họ trông không đáng sợ lắm. Tuần trước họ trông đáng sợ hơn rất nhiều so với bây giờ”.
Ông Tô Tử Vân (Su Tze-yun), giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, cho biết, hiện tại Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục “túm tụm lại với nhau để sưởi ấm” khi họ đối đầu với phương Tây, mỗi bên sẽ nhận được những gì họ cần từ mối quan hệ này.
Trong bối cảnh cuộc chiến Ukraina kéo dài, Nga có thể sẽ thấy bản thân ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, hiện là khách hàng chính mua loại dầu mà Nga từng xuất cảng sang châu Âu.
Ông Chang nói rằng đây là lúc thế giới tự do cần phải hành động quyết đoán hơn. “Thế giới đang ở một thời điểm quan trọng, và hiện tại liên minh chống lại chúng ta đã rạn nứt và rất có thể tan rã. Điều quan trọng đối với chính phủ Tổng thống Biden và các quốc gia tự do là bảo đảm rằng liên minh đó không thể được gắn kết lại với nhau”.