Đối với người chơi cờ thì khi hạ xuống một quân cờ, cũng đặc biệt chú ý đến những biến hóa của “huyền cơ”, giống như lối chơi cờ hư hư thực thực, khả năng liên tục xây dựng các thế cờ, các loại biến hóa, thay đổi điểm tấn công hoặc thoái lùi tại các thế cờ khác nhau, tỉ dụ như vậy…

Kế thừa những luận điểm ở phần trước, “Dịch nhân truyền” quyển 16 có ghi lại: “Đã từng nghe “Lê Hiên Man Diễn” nói rằng: “Thú chơi cờ nguyên ban đầu vốn không thuộc về nơi phồn hoa chốn nhân gian, mà chính là cách mà các vị tiên nhân dùng để dưỡng tính, là công cụ giúp tinh thần luôn vui vẻ”. Cổ nhân tôn kính Thần bái Thiên, trọng đức tu đạo, cứ tự nhiên trong khi chơi cờ có thể đạt được niềm vui chứng ngộ được đạo. Trong khuôn khổ bài viết này sẽ cố gắng trải nghiệm cách mà cổ nhân đã “chứng ngộ cờ đạo” từ nhiều góc độ, từ đó so sánh với những điều của các gia phái khác…

3. Huyền cơ của cờ đạo: Vạn vật sinh sôi biến hóa, quy luật tuần hoàn không ngừng nghỉ, hài hòa không trở ngại

“Cơ”, chúng ta có thể giải thích rằng đó là: Cơ chế, cơ hội, thời vận, thời cơ, thiên cơ, địa cơ, nhân cơ, sinh cơ, tử cơ, cơ lý, cơ quan, cơ giới, cơ xảo (khéo léo), v.v. Mặc dù từ góc độ ngôn ngữ học mà xét thì những lời giải thích như vậy có vẻ hơi lộn xộn, không theo một thứ tự nào cả, nhưng điều đó không ngăn cản được việc mọi người muốn tìm hiểu sự vận hành hư hư thực thực và sự kỳ diệu tinh vi của “Cơ” được ẩn hàm trong triết lý văn hóa truyền thống Trung Quốc. Có lẽ, đây chính là sự hòa hợp không có chút trở ngại nào của “Cơ”, cũng là lý do dẫn đến sự thiên biến vạn hóa. Cuốn “Thuyết văn giải tự” trong triều đại nhà Hán có nói rằng: “Chủ phát vị chi cơ”. (Nơi gốc rễ mà lan tỏa ra thì đó được gọi là “cơ”)

Hoàng Hiến thời Hán đại trong cuốn “Thiên lộc các ngoại sử – Cơ luận” có nói rằng: “Cờ vây hướng về “cơ”, cũng giống như hư như thực vậy. “Thực” được khuếch trương ra để làm cho nó hư ảo, vì vậy mà có thể hoàn thành hình thế của nó; hư vô mà kích phát được nên mới có thể thành thực, vì vậy mới có thể thay đổi được hình dạng, đó cũng chính là “cơ”. Bao trọn mà thần kỳ, kỳ dị mà biến đổi, vì vậy mà người chơi cờ tâm địa lương thiện biết tận dụng được “cơ” mà không phân tán, có thể giấu được “cơ” mà không tham lam, tiên cơ mà hậu chiến. Đó chính là dựa vào cái toàn vẹn mà khó bị hạn chế. Dựa vào suy luận này, biến hóa của “cơ” trong cờ đạo chính là mấu chốt cho sự thay đổi giữa thực và hư. Tỉ dụ dùng vật thể để đưa ra một phép so sánh, thì nó cũng tương tự như một cánh cửa, nếu mở ra thì sẽ thông suốt không bị cản trở, ra vào tự do; nếu đóng lại thì sẽ có sự cách biệt giữa bên trong và bên ngoài, bên trong thì phong bế, mà bên ngoài cũng bị phân tách. Vì vậy, cánh cửa này giống như một bộ phận then chốt kết nối bên trong và bên ngoài. Như vậy, người chơi cờ cũng đặc biệt chú ý đến sự thay đổi của loại “cơ” này, giống như lối đánh cờ hư ảo, khả năng không ngừng xây dựng các thế cờ, thay đổi điểm tiến công hoặc là phòng thủ của ván cờ, v.v. thiết lập trọng điểm, biến hóa thời vận, tìm kiếm các cơ hội, phục hồi lại sinh cơ, thuận theo thiên cơ, giành được thắng lợi.

Cuốn “Hoàng đế âm phù kinh” có nói: “Con người có thiên tính, cơ có tâm của con người. Lập Đạo Trời, theo đó định con người”. Vì vậy, sự xuất hiện và biến hóa của “cơ” đều đến từ tâm của người chơi. Vậy thì biến hóa của tâm con người như thế nào sẽ kéo theo sự thay đổi mang tính “cơ vận” như thế. Hoàng Hiến trong cuốn “Cơ luận” đã sử dụng một số ví dụ về các vị Thần Tiên, Thánh nhân và danh nhân trong lịch sử để giải thích sự hình thành và tác động của “cơ”, nguyên văn như sau:

“Hy hoàng đắc chi nhi họa kỳ quái, Thần Nông đắc chi nhi nghệ kỳ sắc, Hiên Viên đắc chi nhi điện kỳ binh, Huân Hoa đắc chi nhi thiện kỳ khí, Hạ Vũ đắc chi tại khu kỳ trạch, Ân Thang đắc chi nhi trần kỳ võng, Chu Vũ đắc chi nhi phấn kỳ việt, Thương Hiệt đắc chi nhi tiết kỳ văn, Nữ Oa đắc chi nhi luyện kỳ thạch, Hứa Do đắc chi nhi tẩy kỳ nhĩ, Nghi Địch đắc chi nhi chế kỳ tửu, Tạo Phụ đắc chi nhi thần kỳ ngự, Hậu Nghệ đắc chi nhi tinh kỳ xạ, Y Duẫn đắc chi nhi phụ kỳ đỉnh, Công Thâu đắc chi nhi vân kỳ thê, Ninh Thích đắc chi nhi khấu kỳ giác, Bá Nha đắc chi nhi cổ kỳ cầm, Lão Đam đắc chi nhi thủ kỳ cốc, Khổng Tử đắc chi nhi kích kỳ khánh”. 

 Đại ý của đoạn này là: Phục Hy diễn giải thiên cơ, vẽ ra bát quái; Thần Nông khảo sát tài nguyên đất, học được cách gieo trồng hoa màu; Hoàng đế Hiên Viên sử dụng binh đạo, bày ra sách lược dùng binh; Nghiêu Đế (tên tự là Phóng Huân) Thuấn Đế (tên tự là Trùng Hoa) tuân theo đạo lý, nhường ngôi thoái vị, kế thừa nguyên khí quốc gia; Hạ Vũ vận dụng “Đạo tự nhiên” trị thủy, khai phóng đất đai; Ân Thang thuận theo “nhân tình chi đạo” mà bày ra pháp võng, thu phục được  lòng người; Chu Vũ Vương ứng theo “Thiện ác chi cơ”, dấy binh phạt Trụ, lập ra triều đại nhà Chu; Thương Hiệt cảm ứng theo “văn hóa chi cơ” của thiên địa mà sáng tạo ra chữ viết; Nữ Oa cứu nguy cho Tam giới, ứng theo kiếp nạn mà đội đá vá trời, đi theo con đường “từ bi hộ Pháp”; Hứa Do một đời sống thanh bần không màng thế tục, đến mức phải rửa tai để gột rửa lời mời ông ở lại chốn công danh lợi lộc, dùng vô vi mà chu du tứ hải, lấy “ẩn cơ” chi đạo mà du sơn ngoạn thủy; Nghi Địch đã tạo ra kỹ thuật nấu rượu khi sản lượng lương thực dư thừa; Khi công nghệ kĩ thuật được cải tiến, Tạo Phù đã thiết kế xe ngựa để công việc vận chuyển được thuận tiện. Hậu Nghệ chuyên tâm nghiên cứu kĩ nghệ xạ tiễn, điều thành tựu chính là công danh sự nghiệp, uy vũ nơi sa trường, chính là “công danh chi cơ”; Y Doãn trên lưng mang đỉnh vạc, gánh vác trọng trách chấn hưng đất nước, gặp mặt Ân Thang Vương, có được tước vị, điều thành tựu chính là phò tá quốc gia, có tài an bang trị quốc; Công Thâu Ban (hậu nhân xưng tụng là Lỗ Ban) nghiên cứu cơ chế vận hành của máy móc, chế tạo ra thang mây; Ninh Thích thuở hàn vi thường đi chăn trâu, lúc ca hát đã có được cơ duyên xảo diệu, gặp được Tề Hoàn Công là người ái mộ nhân tài, biểu thị ý nghĩa là “tán thưởng chi cơ”, sau đó dùng thân phận thấp hèn nhưng có tài năng mà thành tựu công danh sự nghiệp. Bá Nha gảy cổ cầm, tấu nên bản cao sơn lưu thủy, tìm kiếm người tri kỷ có thể thông qua đó mà tương liên về tâm ý, tiếng đàn chạm đến nội tâm của Chung Tử, ông thông qua âm luật mà hiểu được tiếng đàn của Bá Nha, quả thật là “tri âm chi cơ”; Lão Đam đi theo con đường truyền đạo – “đạo đức chi cơ”, mà tu luyện trong thanh tịnh; Khổng Tử có cơ hội truyền giảng “nhân nghĩa chi cơ”, chiểu theo học thuật Nho gia, truyền rộng cho thế nhân trong thời mạt Pháp.

“Trang Tử ‧ Chí Nhạc Thiên” nói: “Vạn vật đều xuất phát từ “cơ”, đều nhập vào trong “cơ”. Tất cả các loại biểu hiện của văn hóa, sự vận hành lịch sử và con người đều thuận theo thiên cơ, địa cơ, nhân cơ, các chủng các dạng biến hóa của cơ vận mà đạt được thành tựu.

Loại cơ vận khi chơi cờ này, không cái nào là không nằm trong sự biến hóa vận chuyển của tam tài – Thiên Địa Nhân, hoàn toàn là thông suốt không có một chút mảy may trở ngại nào.  

Ẩn sĩ Phương Chính Dương, thời Minh, tác phẩm: Họa kì đồ (Theo Wikipedia)

Chúng ta cùng xem lại một sự kiện được ghi lại trong ‘Tấn thư – Đỗ Dự Truyện’: 

Sau khi Tấn Vũ Đế diệt nước Thục, ông đã nhiều lần thảo luận việc diệt Ngô với các đại thần trong triều, kết quả là ngày càng có nhiều người phản đối nên ông đành gác lại chuyện này. Cộng thêm cái chết của đại tướng quân Dương Hộ, xem ra việc tiêu diệt nước Ngô sẽ bị trì hoãn rất lâu. Một hôm, Tấn Vũ Đế đang chơi cờ với quan đại thần là Trương Hoa, nhân lúc đang trong lượt di chuyển giữa hai người thì viên quan mới đảm nhiệm chức vụ của Dương Hộ là Đỗ Dự gửi mật thư đến. Khi đó Tấn Vũ Đế còn chưa xem hết tấu chương thì Trương Hoa vốn là người bác thông kim cổ và am hiểu về dịch số, đã lập tức đẩy bàn cờ ra và chắp tay cung kính nói rằng: “Bệ hạ thánh minh thần võ, quốc thái dân an, quốc phú binh cường, hiệu triệu thiên hạ. Ngô vương hoang dâm lại kiêu căng, tàn độc, giết hại hiền tài, bây giờ mang quân đánh dẹp, quả thật là không khó để đưa ra quyết định này”. Vì vậy mà Tấn Vũ Đế đã hạ quyết tâm, gạt bỏ tất cả các ý kiến khuyên can, dựa theo kế hoạch của Đỗ Dự và những người khác, tấn công Giang Nam từ nhiều hướng, cuối cùng cũng tiêu diệt được nước Ngô, tam quốc quy về nhà Tấn, nhất thống giang sơn.

Thời cơ và cơ vận xuất hiện trong câu chuyện lịch sử này đã tiết lộ một điều rằng đây là tình huống vô cùng đặc thù. Đầu tiên, Tấn Vũ Đế không cách nào nắm được thời vận, không biết khi nào mới diệt được Ngô. Các đại thần trong triều đình cũng có ý kiến ​​​​riêng của họ. Thứ hai, Đỗ Dự đã dựa theo kế hoạch được phác thảo từ trước của Dương Hộ, kết hợp với tài năng quân sự thiên bẩm của mình, cuối cùng đã đệ trình một bản tấu chương bí mật lên Tấn Vũ Đế, hiến kế bình định nước Ngô.  Đây chính là vì Đỗ Dự đã nắm bắt được thời cơ. Thứ ba, Trương Hoa tuy là đại thần nhưng cũng chỉ là một người giữ một chức vụ trong triều đình, khó có thể lay động được Tấn Vũ Đế hạ quyết định tiêu diệt nước Ngô, khó có thể đạt được thành công. Thứ tư, Đỗ Dự gửi cho Tấn Vũ Đế là một bản mật tấu, tất nhiên là một người nắm chức vụ cao như Trương Hoa cũng khó có thể biết được nội dung bản tấu chương của Đỗ Dự, càng không nói đến việc có thể biết được chính xác nội dung chi tiết trong đó. Tuy nhiên, Trương Hoa là người tinh thông thuật toán quái, sớm đã biết được quy luật biến hóa của thiên tượng, do vậy mới tiếp tục chờ đợi cơ hội để có thể khích lệ Tấn Vũ Đế hạ lệnh tấn công nước Ngô. Thứ năm, khi Trương Hoa đang chơi cờ với Tấn Vũ Đế, lại trùng hợp đúng vào lúc bản tấu chương của Đỗ Dự được gửi tới, ngay trong thời khắc ấy, quan sát sự vật sự việc, nắm bắt thời cơ, tính toán thiên tượng, suy tính thành tựu, mọi thứ đều hội tụ đủ cả, thiên thời đã đến. Trương Hoa với tư cách nắm giữ chức quan đại thần, đã đặt bàn cờ sang một bên, bỗng nhiên đứng dậy hành lễ và khích lệ Tấn Vũ Đế xuất binh phạt Ngô, cuối cùng cũng tác động đến quyết định sau cùng của Tấn Vũ Đế, bởi vì kế sách diệt nước Ngô đã được soạn sẵn, cuối cùng cũng có thể thành tựu đại nghiệp thống nhất được giang sơn, quy về một mối. Thiệu Ung trong “Quan kỳ đại ngâm” có nhắc đến hai câu đối là: “Thiên cơ bất thường thiết, quốc thủ vô thường thi.” và “Ứng cơ như phá đích, nghênh nhận bất dung ti”. Có thể thấy được rằng, loại “cơ vận” được dùng trong đánh cờ, không cái nào là không được bao quát cùng với “cơ chế” vận hành của tam tài Thiên – Địa – Nhân. Hoàn toàn là thông suốt không có chút trở ngại nào.

Nói đi cũng phải nói lại, sự thay đổi vi tế  của “cơ vận” chủ yếu thể hiện ở bản chất của tâm người. “Cơ vận” có ảnh hưởng khác nhau đối với những người có cảnh giới khác nhau, ngay cả trên phương diện đạo đức cũng tương đối bất đồng. Thiệu Ung cũng cảm thán khi một số người có cách suy nghĩ rằng “Giỏi dùng hãm hại là sách lược đắc ý, ngấm ngầm hành giảo hoạt là thời cơ đắc chí”. (Trích “Quan kỳ trường ngâm” và “Y xuyên kích nhưỡng tập” quyển thứ 5). Người có đạo đức thấp kém thường đem hành vi “ác ý hãm hại, âm hiểm giảo hoạt” v.v. coi như đối sách và thời cơ linh hoạt thông minh, người sáng suốt dựa vào tự nhiên mà phân biệt ra.

Vậy thì, với tư cách là một người tu luyện, người tu hành có cơ hội để thể ngộ, cũng như thu hoạch từ phương diện “chính” trong văn hóa được thể hiện ra trong “cơ vận”, và hiện thực hóa nó thành con đường chân chính hay không?

Hoàng Hiến đã tổng kết trong “Cơ luận”: “Bậc thánh nhân dùng nhân nghĩa làm “cơ vận”, người hiền đức thì lấy lễ nghĩa làm “cơ vận”, bậc mưu sĩ dùng thuật số làm “cơ vận”, người biện sĩ thì dựa vào sự vẫy vùng làm “cơ vận”. Vậy nên, người có chính tín và chính niệm thường dùng “đạo đức” làm điều kiện căn bản. Chắc hẳn một người như thế mới có thể từ trong những biến hóa của cờ đạo mà thể ngộ, cũng như chiêm nghiệm ra những điều thần kì trong đó.

Thiệu Ung cũng có hiểu biết sâu rộng đối với “Chính đạo chi cơ”, dưới đây là một số câu thơ được trích dẫn từ “Y xuyên kích nhưỡng tập” dùng để giới thiệu:

Qua Đồng Quan

Cấm mật nhân ly loạn, ky nhàn vi thái bình.
Sơn hà tuy thiết hiểm, đạo đức khởi dung tranh.

Diễn nghĩa:

Nhẫn nhịn vì chia li loạn lạc, ‘cơ’ nhàn hạ vì thái bình.
Mặc dù sông núi hiểm trở, nhưng đạo đức há có thể tranh biện đúng sai.

(Tập 2 của “Y xuyên kích nhưỡng tập”)

Bài thơ này tập trung vào hoàn cảnh đặc thù về địa lý của “Đồng Quan”, nó chiếm một vị trí then chốt tại Trung Nguyên khi phân chia bố cục địa lí về quân sự thành hai khu vực riêng biệt là nội quan và ngoại quan. Nếu như Đồng Quan bỏ trống, điều đó có nghĩa thiên hạ được hưởng thái bình; còn nếu Đồng Quan bị cô lập, nằm ở thế phòng thủ, vậy thì nó có thể tách rời khỏi những hỗn loạn nơi thế gian. Điều này cũng đồng nghĩa với cái mà mọi người gọi là “địa cơ” khi nói đến bố cục về địa lí, cũng như có mối tương quan chặt chẽ với “thiên cơ “. Dù trong thời bình hay thời loạn thế, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở sự thay đổi của đạo đức con người. Thiên cơ và địa cơ chính là có mối quan hệ tương phụ tương thành.

Loại “vong cơ” này nhất thời lúc ẩn lúc hiện, cũng tương đương với không tồn tại “cơ tâm”, không truy cầu “cơ xảo”, tức là ở trong tâm thái vô vi, giống như những đám mây phiêu lãng, biến hóa tùy duyên. Đây  là bố cục của  “Đào Nguyên Tiên Cảnh họa đồ” -Tác giả: Minh Thù Anh (Theo wikipedia)

Nhàn ngâm

Hốt hốt nhàn niêm bút, thì thì nhạc tính linh.
Hà thường vô đối cảnh, vị thủy tiện vong tình.
Cú hội phiêu nhiên đắc, thi nhân ngẫu nhĩ thành.
Thiên ky nan trạng xử, nhất điểm tự phân minh.

Diễn nghĩa:

Chợt thảnh thơi nâng cây bút, thời thời tâm vui vẻ
Chẳng phải quay lưng với hoàn cảnh, cũng không phải hờ hững vong tình
Đoạn văn vừa khéo lướt qua mà hoàn tất, câu thơ vì ngẫu nhiên mà vẹn tròn
Thiên cơ khó phân công định trạng, một chút cũng rành mạch phân minh

(Trích tập 4 “Y Xuyên Kích Nhưỡng Tập”)

Bài thơ này mô tả khi Thiệu Ung tự mình làm thơ, ông thường cảm thấy dường như là ngẫu nhiên tìm thấy được lạc thú. Dường như là “Thiên cơ” tự nhiên thúc đẩy mà tạo thành như vậy, một điểm nhỏ cũng thông suốt không có trở ngại. Điều này biểu hiện vô cùng rõ nét tài năng thơ ca thiên phú thuần chân của Thiệu Ung.

Vân

Tình không bích vu thủy, na đắc phiến vân phi.
Ánh nhật thành Đan Phượng, tùy phong biến bạch y.
Khứ lai giai tuyệt tích, ẩn hiển lưỡng vong ky.
Thiên lý thùy năng trắc, chung nhiên hà sở quy.

Diễn nghĩa:

Bầu trời trong xanh như ngọc như thủy, mây bay lãng đãng.
Phản chiếu ánh mặt trời trên thành Đan Phượng, nương theo gió biến thành bạch vân.
Đến đến đi đi đều tuyệt tích, như ẩn như hiện lộ ra thiên cơ đã bị quên lãng.
Thiên lý rốt cuộc ai có thể suy đoán thấu triệt, cuối cùng sẽ quy về phương nào.

(Tập 9 của “Y Xuyên Kích Nhưỡng tập”)

Trong bài thơ này, Thiệu Ung đã ví von sự thay đổi và biến hóa thất thường của mây như một phép ẩn dụ để biểu hiện ra trạng thái “vong cơ”. Loại “vong cơ” này thoắt ẩn thoắt hiện, cũng chính là tương đương với trạng thái vô vi  “không có cơ tâm”, “không cầu cơ xảo”, biến hóa tùy duyên tương tự như những đám mây, cuối cùng khiến cho cảnh giới  tinh thần được thăng hoa lên và hợp nhất cùng với “thiên lý”.

“Hạo ca ngâm”

Hà giả vị tri cơ? Duy thần năng tạo vi.
Hành tàng toàn tại ngã, dụng xá kích vu thì.
Mỗi hận tri nhân vãn, thường ưu kiến sự trì.
Dữ thiên vi nhất thể, nhiên hậu thức tuyên ni.

Diễn nghĩa:

Người gì gọi là biết cơ? Chỉ có năng lực của Thần mới tạo ra được sâu xa.
Hành ẩn toàn ở mình, dùng bỏ đánh đi tùy thời
Hận mỗi biết người muộn, thường sầu lo vì trễ gặp sự tình.
Cùng với Trời kết thành một thể, Khổng Khâu tiếp nối tri thức mà truyền bá

(Quyển 16 “Y Xuyên Kích Nhưỡng tập”)

Bài thơ này thể hiện thể ngộ của Thiệu Ung về sự bao hàm của Đạo gia về “tri cơ”. Vậy như thế nào là “tri cơ” đây, đó chính là muốn thể hiện và lý giải mối quan hệ biến hóa vi diệu của “Thần” cùng với sự tác động đến vạn sự vạn vật”. Đối với bản thân con người, nó là thể hiện của nhân tâm. Làm thế nào để giao tiếp với con người cùng với khai mở tri thức về sự vật, bên trong hàm chứa bí ẩn về sự vận hành hài hòa của thiên tượng cùng với nhân gian. Có lẽ, chỉ khi đạt đến trạng thái tu luyện thiên nhân hợp nhất, con người mới có thể giống như Khổng Tử, thông hiểu thiên cơ, lĩnh hội được Thiên Lý.

Ôn Lương ngâm

Quân tử ôn lương đương trách bị,
Tiểu nhân tình ngụy hựu tu tri.
Nhân kinh thế thượng ky quan ác,
Toại giác hồ trung nhật nguyệt trì

Diễn nghĩa:

Quân tử ôn lương cần trách cứ
Tiểu nhân tình ngụy đáng lưu tâm
Vì kinh động mưu cơ hiểm ác nơi trần thế
Giác ngộ thành công Nhật Nguyệt trễ trong bầu. 

(Tập 16 của “Y Xuyên Kích Nhưỡng tập”)

Bài thơ này nhắc nhở thế nhân rằng những người muốn trở thành quân tử không cần quá thiện lương, nhưng cần phải phân biệt được tốt xấu đúng sai, và phải minh bạch được đạo lý đối nhân xử thế. Tất nhiên là những hang ổ hắc ám tồn tại trên nhân thế cũng cần phải được thanh trừ. Khi gặp những chuyện như vậy mới cảm thấy thời gian và cơ hội tu luyện là quý báu và ít ỏi biết nhường nào. “Hậu Hán thư ‧ Tập 82 ‧ Phí Trường Phương truyện” ghi lại điển cố là Phí Trường Phương và Sư phụ tu tiên nhảy vào bầu rượu, người đời sau dựa theo cảnh giới tu Đạo mà diễn giải rằng: “Thiên Địa trong bầu rượu, Nhật nguyệt cũng nằm trong bầu rượu”, thế nhân chi Đạo; tu luyện chi đạo cơ, mà cùng tồn tại nơi nhân thế vậy. 

“Bãi Vịnh Ngâm”

Cửu dục bãi ngâm thi, hoàn kinh ý hốt kỳ.
Tọa trung tri vật thể, ngôn ngoại đáo thiên ky.
Đắc cú bất thắng dịch, thành thiên khởi nhẫn di.
An tri thiên vạn tái, hậu thế vô tuyên ni?

Diễn nghĩa:

Bao lâu mong mỏi ngừng ngâm thơ, còn hơn kinh sợ ý nghĩ buông lơi
Tọa bên trong biết vật thể, lời nói bên ngoài được thiên cơ
Hoàn tất một câu hết sức dễ dàng, hoàn thiện một quyển sách há chẳng phải nhẫn nại sao, 
An yên biết ngàn vạn năm, hậu thế Khổng Khâu không truyền bá?

(Tập 17 của “Y Xuyên kích nhưỡng tập”)

Bài thơ này cho thấy Thiệu Ung có lúc không có ý định làm thơ, cũng cảm nhận được sự hạn chế và trở ngại của ngôn ngữ con người, nhưng khi đả tọa nhập định thì trong đầu não chợt xuất hiện thiên cơ, phi thường huyền diệu, chỉ có thể tâm lĩnh thần hội chứ không thể truyền bằng ngôn từ, cuối cùng cũng không hề dễ dàng mới có thể đặt bút viết ra được bài thơ. Tuy nhiên, trăm ngàn năm sau, liệu sẽ xuất hiện một bậc thánh nhân như Khổng Tử hay không? Có thể đem thiên cơ giảng xuất lai được hay không? Bài thơ phản ánh rằng khi Thiệu Ung tu tâm dưỡng tính, ông thường tâm lĩnh thần hội được những thiên cơ, cũng giống như là thể ngộ, nó cũng ngụ ý rằng trong tương lai, những bậc thánh nhân như “Khổng Tử” sẽ đến và giảng ra “Thiên Cơ”.

(Còn tiếp)

Theo Epoch Times
Toàn Kan biên dịch