Những quốc gia đứng đầu châu Âu đều đã có những phát biểu mạnh mẽ cho thấy họ đã hết ngây thơ trước Nga, Hội nghị An ninh Munich vừa qua cũng cho thấy một châu Âu có thể sẽ hành động nhiều hơn nữa vì Ukraina và bớt dựa dẫm vào Mỹ. Liệu châu Âu già cỗi sẽ có những thay đổi lớn về an ninh? Và liệu Ukraina nó được hưởng lợi từ sự thức tỉnh của châu Âu?.
Một giờ trước khi Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ sáu mươi chính thức bắt đầu vào thứ Sáu ngày 16/2, điện Kremlin đã gửi lời chào mừng. Lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny đã chết trong tù. Người vợ góa của ông, Yulia Navalnaya, bước lên sân khấu trong nước mắt ngay sau đó, và kêu gọi công lý cũng như thế giới cùng nhau “chống lại chế độ khủng khiếp này”.
Ngày hôm sau, Sviatlana Tsikhanouskaya, lãnh đạo phe đối lập Belarus, nói với mọi người rằng bà đã không nhận được tin tức gì từ người chồng đang bị giam cầm của mình, ông Sergei, trong hơn một năm. Bà nói sau khi biết tin về cái chết của ông Navalny: “Tôi cảm thấy những kẻ độc tài đang thử thách giới hạn của mình”.
Anna Wieslander là giám đốc khu vực Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, và là chủ tịch hội đồng quản trị của Viện Chính sách An ninh và Phát triển ở Stockholm đã có bài xã luận, phân tích những gì bà nghe được ở Hội nghị An ninh Munich và sự thức tỉnh mạnh bạo của châu Âu. Sau đây là những nội dung chính trong bài viết của bà.
Tại Hội nghị An ninh Munich 2022, chỉ vài ngày trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraina, các cuộc thảo luận được đánh dấu bằng sự pha trộn giữa sự ngây thơ và kiêu ngạo của phương Tây. Một năm sau, bốn nỗi sợ hãi đã cản trở hành động và phản ứng mạch lạc của họ. Hội nghị năm nay được đánh dấu đặc trưng bởi việc tự vấn lương tâm và sự thức tỉnh mạnh bạo của châu Âu.
“Chúng ta đã làm đủ chưa?” Thủ tướng Đức Olaf Scholz hỏi khi ông dành toàn bộ bài phát biểu của mình cho cuộc chiến của Nga ở Ukraina. Ông nhấn mạnh rằng, mối đe dọa từ Nga là có thật và có thể lan rộng nếu khả năng răn đe và phòng thủ của NATO không đáng tin cậy, cũng như nếu việc hỗ trợ quân sự cho Ukraina thất bại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không tham dự MSC, nhưng những lời của ông từ Paris hôm thứ Sáu trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy đã khẳng định tiếng nói tương tự.
Thay vì lo lắng về việc Nga sẽ bị “đè bẹp” như năm ngoái sau MSC, ông gọi Nga là một “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại lịch sử”, mà trong những tháng qua đã ngày càng trở nên hung hãn “chống lại tất cả chúng ta”.
Ông cảnh báo rằng, một giai đoạn mới đang bắt đầu, và nhiều quốc gia có lý do để lo lắng. Đối với các đồng minh gần Nga, đây là tin cũ đến từ Pháp nhưng vẫn đáng chú ý.
Tổng thống Zelenskyy, người đã phát biểu trực tiếp tại Munich, cũng đặt ra một câu hỏi tu từ về Nga: “Đừng hỏi Ukraina khi nào chiến tranh sẽ kết thúc. Hãy tự hỏi tại sao [Vladimir] Putin vẫn có thể tiếp tục điều đó?”
Việc Berlin và Paris ngày càng nhận thức rõ hơn về mối đe dọa từ Nga và việc Châu Âu không đủ khả năng chống lại mối đe dọa này, xảy ra vào thời điểm Nga đang có bước tiến trên chiến trường, như đã thấy qua sự sụp đổ của Avdiivka. Người Ukraina đang thiếu đạn dược từ phương Tây, và thiếu lực lượng phòng không đủ để bảo vệ lực lượng trên bộ của họ.
Để minh họa cho cam kết của mình đối với cuộc chiến ở Ukraina, Nga đã chuyển sang nền kinh tế thời chiến—được hỗ trợ bởi các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Triều Tiên và Iran—và đang dành gần 30% chi tiêu tài chính cho quân đội vào năm 2024. Phương Tây đã không giải quyết được những lỗ hổng trong lệnh trừng phạt của mình, một thiếu sót có lợi cho cỗ máy chiến tranh của Nga.
Pháp tuần trước đã phát hiện ra một chiến dịch thông tin sai lệch rộng lớn của Nga, được chuẩn bị cho các quốc gia châu Âu trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6. Việc phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng dưới nước ở Bắc Đại Tây Dương và Biển Baltic trong năm qua đã trở nên thường xuyên, đến mức NATO đã thành lập các đơn vị đặc biệt để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, tình báo Mỹ còn cho biết Nga có kế hoạch đưa vũ khí hạt nhân chống vệ tinh vào không gian.
Trong khi đó, Hoa Kỳ phải đối mặt với những thách thức lớn trong vai trò lãnh đạo của mình trong cuộc chiến Ukraina. Một thông điệp liên tục tại MSC, từ các chính trị gia châu Âu đến Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, và cả phái đoàn quốc hội lưỡng đảng Hoa Kỳ, là Quốc hội Hoa Kỳ cần khẩn trương thông qua dự luật hỗ trợ quân sự cho Ukraina.
Mặc dù Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã phát biểu và nhấn mạnh rằng: việc không cung cấp vũ khí quan trọng cho Ukraina sẽ là “món quà dành cho Vladimir Putin”, và rằng “Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu”, nhưng độ tin cậy của Mỹ vẫn thường xuyên bị đặt dấu hỏi trong các cuộc thảo luận trong suốt hội nghị.
Việc cựu Tổng thống Donald Trump bộc phát vào cuối tuần trước, rằng ông sẽ yêu cầu Nga làm “bất cứ điều gì họ muốn” với các đồng minh châu Âu không chi đủ cho quốc phòng, đã gây ra làn sóng chấn động khắp các thủ đô châu Âu. Việc ông Trump đang dẫn trước Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một số cuộc thăm dò bầu cử khiến tuyên bố này càng trở nên đáng sợ hơn đối với châu Âu.
Trong các hành lang của Khách sạn Bayerischer Hof, nỗi sợ hãi thậm chí còn bao trùm, rằng tại MSC vào năm 2025, Châu Âu sẽ bị chèn ép giữa một nước Nga phát xít và một nước Mỹ không thể tin cậy được – một Châu Âu sẽ gần như tự mình chèo chống. Khi những người chơi lớn ở miền Nam bán cầu bước vào sân khấu tại MSC, rõ ràng là họ không đặc biệt quan tâm đến Nga và họ ít can dự vào số phận của Ukraina.
Trước một tương lai như vậy, sau nhiều năm mộng du và mơ về việc nhanh chóng quay trở lại một thế giới mà Nga một lần nữa sẽ là đối tác đáng tin cậy, năm 2024 dường như là năm đánh thức trời giáng đối với châu Âu. Vào năm 2024, ước tính chỉ có 18 trong số 31 đồng minh phương Tây chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội của họ cho quốc phòng.
Đây vẫn là mức khiêm tốn so với thời Chiến tranh Lạnh. Bất chấp thực tế là NATO tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023 đã đồng ý rằng: 2% phải là mức sàn chứ không phải mức trần cho chi tiêu quốc phòng, Đức đã ra tín hiệu tại MSC rằng: 2% là giới hạn trên của họ trong tương lai gần, và Pháp vừa phục hồi lên tới 2% sau khi giảm xuống vào năm 2023.
Công thức tại MSC là củng cố “trụ cột châu Âu” trong NATO, một khái niệm đã được đưa ra trong nhiều năm nhưng có rất ít tiến triển. Tại một sự kiện bên lề nơi tác giả Anna nói về cách suy nghĩ lại chính sách của phương Tây đối với Nga, bà được hỏi liệu trụ cột châu Âu có phải là một đề xuất thực tế hay không.
Câu trả lời của bà là có, miễn là các đồng minh châu Âu không chỉ khẩn trương tăng chi tiêu quốc phòng, mà còn chi tiêu để lấp đầy những khoảng trống đã được xác định về năng lực quân sự, và đầu tư vào những yếu tố hỗ trợ cần thiết để châu Âu khi cần có thể hành động mà không cần tới sự trợ giúp của Mỹ. Đức, Pháp và Anh sẽ cần phải đoàn kết và dẫn đầu trong việc này. Vương quốc Anh hiểu rõ mối đe dọa từ Nga, nhưng nước này ít có ảnh hưởng hơn ở châu Âu kể từ khi rời Liên minh châu Âu.
Vì vậy, chìa khóa cho sự chuyển đổi thành công nằm ở Berlin và Paris. Nếu Đức và Pháp không còn ngây thơ về Nga, và nhận ra rằng đây cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với họ, thì đây sẽ là thời điểm quyết định đối với nền phòng thủ châu Âu. Theo bài Anna, châu Âu phải chống lại Nga một cách đáng tin cậy, bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.