Bắc Kinh đang tiếp đón một loạt Bộ trưởng Ngoại giao của các nước Đông Nam Á trong tuần này, khi Trung Quốc tiến tới tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để cạnh tranh với Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Đông Timor Bendito Dos Santos Freitas, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đều có mặt ở Trung Quốc từ ngày 2-5/4 và dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Trước chuyến thăm của các Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Lào và Đông Timor, Trung Quốc đã tiếp đón Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto. Tại cuộc gặp, Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình nói với ông Prabowo rằng, Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác phù hợp với chiến lược phát triển của Indonesia, sau thành công của tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung do các công ty Trung Quốc xây dựng.
Báo Nikkei Asia nhận định, mục đích thăm Trung Quốc của ba Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia Đông Nam Á có nhiều động cơ khác nhau.
Thủ tướng Đông Timor Xanana Gusmao đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 9 năm ngoái, diễn biến sau đó là nước này và Bắc Kinh đã quyết định nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Các kế hoạch hợp tác bao gồm khả năng phát triển dầu khí với các công ty Trung Quốc.
Tại Lào, ông Tập nói với người đồng cấp Thongloun Sisoulith vào tháng 10 năm ngoái rằng, Bắc Kinh sẽ cung cấp hỗ trợ kinh tế bổ sung nhằm tối đa hóa tuyến đường sắt xuyên biên giới hiện có để mở ra kết nối khu vực. Cả hai nước cho biết tuyến đường sắt cao tốc dài 1.035 km do Trung Quốc xây dựng nối Côn Minh ở miền nam Trung Quốc với thủ đô Viêng Chăn của Lào đã thúc đẩy hoạt động kinh tế kể từ khi hoàn thành vào năm 2021.
Sau khi Bắc Kinh hoãn trả khoản nợ 2 tỷ USD cho Lào vào năm 2022 và 2023, chương trình nghị sự của Kommasith có thể bao gồm việc đàm phán để được cứu trợ thêm. Theo Ngân hàng Thế giới, một nửa số nợ nước ngoài của quốc gia Đông Nam Á này là nợ Trung Quốc.
Trong khi đó, chuyến thăm của ông Bùi Thanh Sơn diễn ra sau chuyến đi gần đây tới Washington, phản ánh chiến lược của Hà Nội nhằm tạo ra sự cân bằng giữa các cường quốc đối địch. Năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã mời Tổng thống Mỹ và Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc đến thăm.
Lần này, các quan chức Trung Quốc và Việt Nam dự kiến sẽ thảo luận về việc mở rộng thương mại qua biên giới chung của 2 bên, cũng như các tuyến đường sắt tiềm năng được đề cập trong chuyến thăm Hà Nội của ông Tập vào tháng 12 năm ngoái.
Ông Thomas Daniel, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia, bình luận: “Hà Nội luôn có tính chiến lược và đa hướng trong các mối quan hệ với Bắc Kinh”. Ông lưu ý rằng Việt Nam cũng đang theo đuổi các mối quan hệ chiến lược mới với Nhật Bản và Mỹ.
.
Việt Nam là thị trường hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung buộc các công ty Trung Quốc và các công ty khác vận chuyển hàng hóa qua Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á này đang tìm cách phát triển chất bán dẫn, đất hiếm và đường sắt cao tốc với đầu vào từ các đối tác Trung Quốc.
Ông Jack Butcher, nhà nghiên cứu và giảng viên bán thời gian tại Đại học Adelaide, nói với báo Nikkei Asia rằng các cuộc gặp của ông Bùi Thanh Sơn với các quan chức Trung Quốc nhằm mục đích “trấn an” nhau rằng mối quan hệ vẫn bền chặt, cũng như củng cố mối quan hệ giữa hai chính phủ.
Theo ông Butcher, trong khi Biển Đông vẫn là một điểm gây tranh cãi, thì Việt Nam cũng đang lợi dụng “cơn sốt giảm rủi ro” để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài muốn giảm thiểu rủi ro ở Trung Quốc và các nơi khác.
Ông Butcher nhận định: “Việt Nam không liên kết và rất muốn giữ nguyên như vậy”.