Gần đây, Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện ngày càng trở nên nổi tiếng, mọi động thái của bà đang thu hút nhiều sự chú ý. Ngoài những bàn tán bên ngoài do cuộc gặp riêng của bà với phu nhân tổng thống Uzbekistan cách đây không lâu, mới đây, một số mạng xã hội ở Trung Quốc đã đăng tải hình ảnh bà Bành trong chuyến thị sát quân đội với dòng mô tả: “Bành Lệ Viện, thành viên chuyên trách Ủy ban đánh giá cán bộ Quân ủy Trung ương, đã đến trường nghiên cứu xây dựng đội ngũ nhân tài cấp cao”.
Theo nhà bình luận gốc Hoa, Chu Hiểu Huy (周曉輝), bức ảnh cho thấy, có vẻ như đây không phải là một bức ảnh mới mà nó được photoshop từ một bức ảnh quảng cáo. Ngoài ra, xét về ngoại hình của bà Bành trong ảnh thì rõ ràng bà trẻ hơn thời điểm hiện tại.
Vì vậy, khả năng cao ai đó đã có ý định sử dụng bức ảnh này để truyền tải danh tính mới hiện tại của bà Bành Lệ Viện, là chức vụ Ủy viên chuyên trách Ủy ban đánh giá cán bộ Quân ủy Trung ương ĐCSTQ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu bà Bành có danh tính mới này hay không vì không còn thông tin nào chứng minh điều đó.
Không thể xác định được danh tính mới của bà Bành Lệ Viện, nhưng Ủy ban Đánh giá Cán bộ Quân ủy Trung ương Trung Quốc, trước đây vốn không thu hút nhiều sự chú ý, thực sự đã tồn tại sau cuộc cải cách quân sự của ông Tập Cận Bình vào năm 2016.
Ngày thành lập chính xác của Ủy ban này vẫn chưa được thông báo chính thức. Tuy nhiên, trong ba năm qua, ủy ban này đã được nhắc đến nhiều lần trong các bài viết về cải cách quân sự trên các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ.
Chẳng hạn, bài viết “Phấn đấu tăng cường quân đội” trên tờ Tân Hoa Xã ngày 19/7/2023 đề cập: “Việc lựa chọn, sử dụng nhân sự là kim chỉ nam cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ và là cánh tay của hệ sinh thái chính trị. Quân ủy Trung ương đã thành lập Tổ lãnh đạo công tác nhân tài và Ủy ban đánh giá cán bộ để kiểm tra, xác định, trao đổi, sử dụng cán bộ một cách toàn diện trên diện rộng… Một đội ngũ cán bộ cao cấp thuần túy”.
Cấp ủy các cấp tăng cường xác định lòng trung thành và kiểm tra chính trị của cán bộ, thực hiện nghiêm túc “tám kiên quyết”, “mười điều nghiêm cấm” và “tứ phải” trong tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự”.
Ngoài ra còn có một bài báo của Tân hoa xã ngày 22 tháng 9 năm 2022, có tiêu đề: “Bài thực hành vĩ đại về cải cách và củng cố quân đội trong thời đại mới”. Bài báo cũng đề cập đến “việc thành lập Ủy ban đánh giá cán bộ Quân ủy Trung ương”.
Trong bài viết của Tân Hoa xã ngày 25/11/2021 cũng có nhận định: “Việc thành lập Ủy ban đánh giá cán bộ Quân ủy Trung ương là biện pháp quan trọng nhằm thực hiện toàn diện, triệt để chế độ trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy, bảo đảm việc lựa chọn, bổ nhiệm nhân sự chính xác, khoa học. Đó là một cuộc khám phá mới nhằm thích ứng với việc cải cách hệ thống lãnh đạo và chỉ huy, đồng thời nâng cao uy tín và thẩm quyền trong việc lựa chọn và bổ nhiệm nhân sự”.
Việc lựa chọn cán bộ như thế nào? Bài viết nêu rõ: “Trong quá trình thăng cấp, bổ nhiệm sĩ quan quân đội, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo, xác minh các vấn đề liên quan đến cá nhân, xem xét tài liệu lưu trữ, đánh giá tình trạng sức khỏe và lắng nghe ý kiến của cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật, cơ quan công tố quân đội”. “Cán bộ nào bỏ sót, che giấu chuyện riêng tư sẽ bị xử lý nghiêm khắc”.
Nhà bình luận Chu Hiểu Huy cho rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, việc thành lập Ủy ban Đánh giá Cán bộ Quân ủy Trung ương ĐCSTQ là nhằm bảo đảm các tướng lĩnh được lựa chọn đều trung thành ở mức cao nhất, và tầm quan trọng của điều đó là hiển nhiên. Trong những năm gần đây, ông Tập nhiều lần đề cập đến “trung thành” trong nhiều bài phát biểu, và nhiều lần nhấn mạnh quan điểm cốt lõi của mình. Các cơ quan liên quan của ĐCSTQ cũng đã ban hành văn bản yêu cầu cán bộ lãnh đạo thực hiện “hai biện pháp bảo vệ” làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của cán bộ.
Việc liên tục nhắc đến “trung thành” cũng giống như việc các quan chức cấp cao của ĐCSTQ thường xuyên nhắc đến “an ninh chính trị”. Nhà bình luận Chu Hiểu Huy chỉ ra rằng, điều đó thực chất có nghĩa là “an ninh của ông Tập” chưa được bảo đảm, và các phe phái khác nhau của ĐCSTQ vẫn đang đe dọa an ninh của ông, cho thấy không ít quan chức cấp cao trong đảng không “trung thành với ĐCSTQ” và với ông Tập Cận Bình.
“Trung thành” không chỉ được nhắc đến với quan chức địa phương mà còn với quân đội, bởi có rất nhiều tướng lĩnh không trung thành. Sau khi hàng chục tướng lĩnh cấp cao, trong đó có tư lệnh và phó tư lệnh Lực lượng hỏa tiễn bị điều tra về tội “không trung thành” vào năm ngoái, tờ báo quân sự của ĐCSTQ thường xuyên đưa ra thông điệp “trung thành”, nói rằng việc tuân thủ các kỷ luật và quy tắc chính trị là “sự bảo đảm quan trọng cho lòng trung thành chính trị tuyệt đối, cho sự trong sạch tuyệt đối và độ tin cậy tuyệt đối của quân đội”.
Vậy thực hiện điều đó ra sao? Nhà bình luận Chu Hiểu Huy cho hay, “phải tăng cường nhận thức chính trị”, nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình, đạt được “hai biện pháp bảo vệ”, thực hiện hệ thống trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy và “duy trì sự nhất quán cao độ với Ban Chấp hành Trung ương Đảng” về mọi mặt. Nói trắng ra là các quan chức phải bảo vệ Ban Chấp hành Trung ương của ông Tập Cận Bình và lắng nghe những gì Cơ quan này nói.
Tuy nhiên, trái với mong muốn của ông Tập Cận Bình, sự bất trung giờ đây đã trở thành hiện thực trong giới quan chức và quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giống như trước khi Liên Xô sụp đổ.
Những quan chức và tướng lĩnh quân đội Trung Quốc miệng nói “trung thành”, chứ thực chất thì họ có thể không sẵn lòng ràng buộc mình với người lãnh đạo đảng khi ĐCSTQ sắp diệt vong. Về phần những tướng lĩnh do Ủy ban đánh giá cán bộ Quân ủy Trung ương lựa chọn, ai có thể bảo đảm thực sự sẽ không có vấn đề gì?
Theo nhà bình luận Chu Hiểu Huy, có thể nói, các lãnh đạo cấp cao của Trung Nam Hải đang lo lắng cho an ninh của chính họ, điều này không bao giờ có thể đạt được nếu dựa vào răn đe, giám sát chặt chẽ và duy trì chế độ ĐCSTQ.
Vậy mục đích của việc ai đó dùng ảnh cũ của bà Bành Lệ Viện để quảng bá cái gọi là chức danh mới của bà là gì?
Theo ông Chu, khả năng cao là điều này nhằm gây rối tình hình chính trị, thu hút sự chú ý của dư luận, gây thêm bất mãn trong nội bộ ĐCSTQ để nhân cơ hội phát động công kích. Rốt cuộc, nguy cơ ông Tập bắt chước Mao Trạch Đông và đẩy Giang Thanh vào con đường chính trị là không hề nhỏ.