Thuật ngữ “khởi tử hoàn sinh” lần đầu tiên xuất hiện trong “Thần tiên truyện” do Cát Hồng thời nhà Tấn viết. Cuốn sách này ghi lại gần một trăm vị ẩn sĩ hoặc Đạo nhân đã tu luyện xuất ra thuật thần tiên. Có thể “Hành 36 thuật … khởi tử hồi sinh, cứu nhân vô số”, Thái Huyền Nữ chính là một trong số họ.
Việc dùng thần thông trị bệnh cứu người không phải là mê tín hay dối trá, trái lại càng chứng minh, cách lý giải của Trung y cổ đại bắt nguồn từ văn hóa tu luyện Đạo gia đối với “bệnh” hoàn toàn khác với y học hiện đại của phương Tây về bản chất.
Ví dụ, trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, Biển Thước đã làm hoàng tử nước Quách khởi tử hoàn sinh, ông cũng nói rõ rằng thái tử kỳ thực không chết, chỉ bất quá mắc phải “chứng bất tỉnh như chết” mà thôi. Mắt thấy bệnh nhân đã tắt thở, phần lớn người ngoài cuộc sẽ cho rằng bệnh nhân đã tử vong. Nhưng ở Trung Quốc cổ đại, có rất nhiều bác sĩ như danh y Biển Thước, sẵn có năng lực phán đoán rất xuất sắc đối với “sống” hay “chết”. Bài viết này sẽ giới thiệu một số vị được ghi chép trong sách y học thời nhà Minh.
Danh y Tôn Lỗ cứu sống phụ nữ khó đẻ
Ở huyện Đông Dương, Chiết Giang, có một bác sĩ tên Tôn Lỗ, hiệu Nam Bính. Ông thiên tính minh tuệ, xuất chúng hơn người, đặc biệt đối với y thuật có ngộ tính cực cao. Ông từng gặp một người họ Đan, có người vợ chết vì khó đẻ. Nhưng sau khi chết ba ngày, ngực của người vợ vẫn còn hơi ấm. Ông tình cờ đi ngang qua nhà Đan, sau khi nhìn thấy người chết, lập tức phán định người phụ nữ chưa chết. Sau đó, ông cho người phụ nữ uống một liều thuốc sắc, cứu sống cô ấy, và đứa bé trong bụng cô đã chào đời một cách thuận lợi.
Tôn Lỗ y thuật hơn người, rất giỏi chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo, phức tạp. Có người có một khối u trên đầu, ngứa ngáy vô cùng. Vừa nhìn thấy, Tôn Lỗ đã nói: “Đây không phải là một khối u bình thường. Đây là khối u của rận. Tất cả chấy rận bên trong phải được làm sạch.” Sau đó, ông cắt khối u ra, lấy ra vài bát chấy rận bên trong. Sau đó, người đàn ông không còn khối u như vậy nữa. Y án của ông có rất nhiều, tất cả đều được ghi vào sách y khoa do ông tự viết.
Danh y Thịnh Dược Long cứu sống một người sắp bị đem chôn
Ở châu Cao Bưu, nằm ở tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, có một vị đại phu tên là Thịnh Dược Long, hiệu Tề Hoàn. Vì được thừa hưởng y thuật từ tổ tiên, nên khi trị bệnh cho người, ông luôn thu được hiệu quả kỳ diệu. Một bà bầu bị nổi mụn mấy ngày, đến ngày thứ chín thì bất tỉnh. Không thể phán đoán được cô còn sống hay đã chết, gia đình cô lập tức đi mời Thịnh Dược Long. Vừa nhìn thấy, ông đã nói: “Người phụ nữ này vẫn chưa chết, chỉ tạm thời ngất đi vì độc khí quá thịnh mà thôi.” Ông kê mấy loại thuốc sắc để chữa trị, bà bầu nhanh chóng tỉnh lại.
Sau đó, ông đi ngang qua một nghĩa trang, nhìn thấy một ông lão đang khóc nức nở ở đó nên chạy đến an ủi. Khi biết người trước mặt là danh y Thịnh Dược Long, ông lão đã hỏi ông: “Con trai tôi vừa qua đời đêm qua, xin hãy xem liệu nó có thể được cứu hay không?” Thịnh Dược Long vào xem người đàn ông đã chết, sau đó, ông chuẩn bị vài bát thuốc sắc. Sau khi rót vào miệng người chết, người đàn ông thực sự đã sống lại.
Thịnh Dược Long không chỉ có y thuật siêu phàm, mà còn rất có lòng nhân ái. Ông thường dùng tiền chữa bệnh của mình để tiếp tế cho những người bần hàn, được người dân địa phương rất kính trọng.
Danh y Mã Canh Sinh cứu sống một người đàn ông đột ngột qua đời
Có một bác sĩ ở huyện Tiền Đường, tỉnh Chiết Giang tên là Mã Canh Sinh, tự Thụy Vân. Khi còn trẻ, ông học ngành y với Chu tiên sinh, sau này Chu tiên sinh thành bố vợ của ông. Không bao lâu, ông đã thập phần tinh thông y lý và dược lý, nhưng lại chưa bao giờ chẩn trị cho mọi người.
Bố vợ ông rất thích chơi cờ. Một ngày nọ, khi đang thi đấu với một số cao thủ cờ vua, một gia đình giàu có đến mời. Ván cờ còn chưa kết thúc, nên bố vợ nhờ Mã Canh Sinh đến nhà bệnh nhân khám giúp mình. Sau khi Mã Canh Sinh gặp bệnh nhân, ông chỉ kê một liều thuốc sắc, đã chữa khỏi bệnh cho người đàn ông.
Kể từ đó, danh tiếng của ông ngày càng tăng vọt. Một lần, ông đi ngang qua một ngôi nhà, nghe tin bên trong có người chết đột ngột nên vào xem. Khi nhìn thấy người đàn ông đó, ông nói: “Anh ta vẫn chưa chết”. Ông kiên trì đổ một bát thuốc sắc vào miệng người đàn ông, rất nhanh đã khiến anh ta tỉnh lại.
Sau này, ông giỏi về y thuật đến mức có thể nhìn khí sắc một người, nghe lời nói là có thể biết ngày mất của người ta trước đó một hai năm. Mọi người đều bội phục y thuật thần diệu của ông, đến nhà ông khám bệnh hỏi thuốc, mà không hỏi ý kiến bố vợ, đều yêu cầu chính ông đến trị liệu. Thậm chí nhiều năm về sau, người dân địa phương vẫn ca ngợi y thuật của ông.
Danh y Phương Huỳnh cứu sống bệnh nhân được các bác sĩ cho là đã chết
Xưa có một bác sĩ tên là Phương Huỳnh ở huyện Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, tự Dụng Hồi. Ông nguyên là một thư sinh, khi rảnh rỗi thường tham gia văn hội của các sĩ đại phu. Sau này, ông cũng nghiên cứu y thuật, có thể trị liệu rất nhiều nghi nan tạp chứng.
Đương thời, có một nhà sư đột nhiên bất tỉnh nhân sự. Các bác sĩ khác cho biết ông ấy đã chết, không thể cứu sống được. Nhưng sau khi Phương Huỳnh đến khám, tưởng nhà sư chưa chết nên đã cố gắng hết sức để cứu nhà sư. Ông tìm một ống tre, thổi một ít bột vào mũi nhà sư. Một lúc sau, nhà sư tỉnh dậy, bắt đầu nôn ọe không ngừng, nôn ra vài lít. Trong vòng hai ngày, cơ thể nhà sư đã hoàn toàn bình phục.
Phương Huỳnh từng cứu sống vô số người. Ông trị bệnh cho người, chỉ lấy tiền của người giàu, không tiêu cho bản thân, mà dùng để cứu tế những người bần hàn. Trong những năm cuối đời, ông viết sách, nhận một đồ đệ. Người đó vốn là thư sinh, sau khi học y thuật của ông, đã trở thành một bác sĩ nổi tiếng ở địa phương.
Danh y Vu Ứng Thần cứu sống cống sinh chết vì bệnh thương hàn
Ở huyện Bình Âm, tỉnh Sơn Đông có một bác sĩ tên là Vu Ứng Thần, hiệu Dương Đông. Ông học Nho từ nhỏ, được chọn vào học tại Quốc tử giám. Sau này ông trở thành giáo sư, có thể giảng dạy. Ông không chỉ có học vấn uyên bác, mà y thuật cũng rất tinh thông.
Có một vị cống sinh bị sốt thương hàn, gia đình anh ta phái người dùng kiệu đến mời Vu Ứng Thần. Trước khi đến nhà bệnh nhân, ông đã nghe thấy những tiếng kêu khóc từ xa. Có người bước ra, nói với ông rằng vị cống sinh đó đã qua đời. Ông vào nhà hỏi người nhà: “Trong lồng ngực cậu ấy còn chút hơi ấm nào không?” Người nhà nghiêng người nói: “Vẫn còn chút hơi ấm sót lại và hơi thở yếu ớt.” Thế là, ông lập tức điều chế một thang thuốc, rót cho người kia từng thìa từng thìa. Sau khi uống vài thìa thuốc sắc, vị cống sinh tỉnh lại. Mấy ngày sau, cậu ấy ăn uống bình thường như chưa từng bị bệnh.
Tài liệu tham khảo: “Khâm định cổ kim đồ thư tập thành”
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch