Dù đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ quân sự Trung-Mỹ, Bắc Kinh lại bỗng ồn ào khoe cơ bắp với Mỹ. Theo chuyên gia, điều này thực sự sẽ càng làm Washington thêm thức tỉnh. Dưới “mối đe dọa từng bước” của ĐCSTQ, Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh các nỗ lực đối phó Bắc Kinh. Bất kể kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ như thế này, quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai sẽ trở nên càng gay gắt hơn. Bắc Kinh sẽ phải gánh hậu quả lớn.
Ngày 24/7, Bộ Tư lệnh Phòng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) phát hiện, truy tìm và chặn đứng hai máy bay ném bom “Tu-95” của Nga và hai máy bay “H-6” của Trung Quốc đang di chuyển trong Khu vực Nhận dạng Phòng không Alaska của Mỹ. Ngày hôm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin xác nhận rằng: “Lần đầu tiên chúng tôi thấy hai quốc gia này bay chung như vậy”, “Tôi cho rằng điểm tiếp cận gần nhất của họ với bờ biển chúng tôi là khoảng 200 dặm”.
Bộ Quốc phòng Nga thì cho biết: “Các máy bay của Nga và Trung Quốc đã bay chung trong hơn 5 giờ, trong một số giai đoạn trên tuyến đường, các tiêm kích nước ngoài đã áp hộ tống máy bay của hai quốc gia”.
Đây là lần thứ tám Nga và Trung Quốc tiến hành tuần tra chiến lược trên không. Lần đầu tiên vào tháng 7/2019, mỗi năm một lần vào các năm 2020 và 2021, sau đó hai lần vào các năm 2022 và 2023, chủ yếu thực hiện ở trên không phận Biển Nhật Bản, Biển Đông và phía Tây Thái Bình Dương. Lần thứ tám này là lần đầu tiên họ tiến hành tuần tra chung trên không phận Biển Chukchi, Biển Bering và phía Bắc Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Vương Hách (王赫), đợt tuần tra này có ý nghĩa rất lớn đối với Trung Quốc. Bởi vì việc máy bay ném bom của Nga bay vòng quanh Alaska không phải là hiếm, nhưng máy bay ném bom của Trung Quốc thì lần đầu tiên tiến vào gần không phận Alaska như vậy.
Máy bay ném bom H-6 đang không ngừng được nâng cấp và cải thiện, đã trở thành một máy bay ném bom chiến lược, có thể mang tên lửa hạt nhân và tên lửa đối đất tầm xa. Phiên bản mới nhất của H-6 có thể tiếp nhiên liệu giữa không trung, là một bộ phận quan trọng của tam giác hạt nhân của Trung Quốc. Sự xuất hiện của H-6 gần Alaska lần này, một cách nào đó, có thể được coi là Trung Quốc đang vội vã “khoe cơ bắp” với Mỹ, khoe sức mạnh về hạt nhân. Tuy nhiên theo ông Vương Hách, tác động của sự kiện này không thể so sánh được với sự cố khinh khí cầu do thám năm 2023.
Đồng thời, đợt tuần tra này cũng cho thấy quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Nga đang được mở rộng. Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Học Phong (张学峰) trong một cuộc phỏng vấn cho rằng, “rất có thể các máy bay ném bom của Trung Quốc này đã cất cánh từ lãnh thổ Nga”. Thực ra, vào tháng 11/2022, các máy bay của Trung Quốc và Nga đã lần đầu tiên hạ cánh tại sân bay của nhau trong quá trình tuần tra không quân chung. Việc hạ cánh tại sân bay của nhau có nghĩa là lực lượng không quân của Trung Quốc và Nga đã đạt được một mức độ tương thích nhất định trong các lĩnh vực như phối hợp chỉ huy, liên lạc, hậu cần. (Tất nhiên, chuyên gia cho rằng, so với liên minh quân sự và tích hợp quân sự của Mỹ và các đồng minh, sự tương thích này vẫn còn khoảng cách rất lớn).
Ông Vương cho rằng, mặc dù Nga đang mắc kẹt trong vũng bùn của cuộc chiến Ukraina và sức mạnh quốc gia bị suy yếu nghiêm trọng, nhưng Trung Quốc lại khai thác và thậm chí lợi dụng bộ máy quân sự khổng lồ của Nga để đấu với Mỹ. Nga cần sự hỗ trợ của Trung Quốc, mặc dù không hài lòng, nhưng cũng không thể không đứng về phía Trung Quốc. Ví dụ gần đây là, chỉ vài ngày trước đợt tuần tra không quân liên hợp này, Hải quân Trung Quốc và Nga đã tiến hành lần thứ 4 tuần tra chung trên biển, khởi hành từ khu vực lân cận phía nam đảo Jeju của Hàn Quốc, xuyên qua eo biển Tsushima, qua Thái Bình Dương, và vào Biển Đông thông qua eo biển Ba Sĩ vào ngày 14.
Kể từ khi bắt đầu vào năm 2021, cường độ tuần tra chung trên biển của Nga-Trung ngày càng tăng, mang ý nghĩa khiêu khích ngày càng rõ rệt đối với Nhật Bản và Mỹ. Lần này là lần đầu tiên Nga tới Biển Đông, Nga phải liều vào khu vực này vì Trung Quốc, bởi vì Nga không có lợi ích đặc biệt ở Biển Đông.
Thông qua các chuyến tuần tra hàng không chiến lược chung với Nga tới Alaska và các chuyến tuần tra hải quân chung tới Biển Đông, ĐCSTQ đang trực tiếp đối đầu với Mỹ và NATO – Trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington vào ngày 10 tháng này, 32 quốc gia thành viên NATO lần đầu tiên chung một giọng tố cáo Bắc Kinh là “động lực quyết định” đằng sau cuộc chiến của Nga chống lại Ukraina, và yêu cầu Trung Quốc ngừng vận chuyển “các linh kiện vũ khí” và các công nghệ có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí.
Có vẻ như đằng nào cũng mang tiếng xấu, Bắc Kinh liền có tâm lý: “Các anh nói tôi là côn đồ, thì tôi sẽ cho các anh xem tôi là côn đồ”.
Hơn nữa, theo ông Vương, Bắc Kinh còn có âm mưu thâm sâu hơn. Nga chỉ là một quân cờ, ĐCSTQ muốn thể hiện sức mạnh của mình trước Mỹ. Để phối hợp với các chuyến tuần tra không quân chiến lược Trung – Nga này, Bắc Kinh cũng sắp xếp cho các tàu hải quân của họ hoạt động gần khu vực Alaska, đi qua Biển Bering. Theo thông cáo của Bộ Chỉ huy Tuần duyên Mỹ ngày 10 tháng 7, vào ngày 6 và 7 tháng đó, Tuần duyên Mỹ đã phát hiện nhiều tàu của Hải quân Trung Quốc hoạt động gần Alaska trong Biển Bering.
Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: “Trong tương lai, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tập huấn xa bờ tương tự, nâng cao năng lực của lực lượng hoàn thành nhiệm vụ”. Ý nghĩa thách thức của hành động này rất rõ ràng.
Thực ra, từ năm 2013, Lực lượng Vũ trang Mỹ đã xác nhận Hải quân Trung Quốc tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ. Lúc đó, các đội hình tàu của ba hạm đội chủ lực của Hải quân Trung Quốc đã nhiều lần vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, thường xuyên tiến hành các hoạt động tập trận xa bờ ở Tây Thái Bình Dương. Vào tháng 9/2021 và tháng 9/2022, các đoàn tàu của Trung Quốc cũng đã bị phát hiện và bị theo dõi ở Biển Bering. Vào mùa hè năm 2023, một đội hình 11 tàu của Hải quân Trung-Nga đã thực hiện một chuyến tuần tra chung, tiến gần khu vực biển Alaska, Mỹ đã cho rằng “hành động này mang tính khiêu khích cao”. Hải quân Mỹ đã điều động bốn tàu khu trục và máy bay tuần tra hải quân P-8 để theo dõi, được xem là một phản ứng mạnh mẽ.
Thượng nghị sĩ liên bang Mỹ đến từ Alaska, ông Dan Sullivan, cho rằng “Chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa đế quốc xâm lược do các nhà độc tài ở Bắc Kinh và Moskva lãnh đạo”.
Dưới sự điều phối kỹ lưỡng của Bắc Kinh, các tàu chiến và chiến đấu cơ ném bom H-6 của Trung Quốc liên tiếp xuất hiện gần Alaska của Mỹ, mang tính chất cảnh cáo mạnh mẽ.
Mọi người biết rằng, tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai ông Biden-Tập vào tháng 11/2023, hai bên đã đạt được cái gọi là “Tầm nhìn San Francisco”, và quan hệ hai nước có xu hướng ổn định. Sau đó, nhiều kênh đối thoại quân sự song phương bị Bắc Kinh ngừng lại sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi vào năm 2022 đã lần lượt được khôi phục, như cuộc họp điện thoại giữa Tham mưu trưởng Quân đội hai nước vào ngày 21/12/2023, cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước vào ngày 31/5/2024, v.v. Mỹ còn đang tìm cách thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương và các Tư lệnh Khu vực Đông và Nam của ĐCSTQ.
Nhưng dù đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ quân sự Trung-Mỹ như vậy, Bắc Kinh lại bỗng ồn ào khoe cơ bắp với Mỹ. Theo ông Vương, điều này thực sự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Washington, rằng: Đối với ĐCSTQ, bất kỳ “rào chắn” nào cũng là vô nghĩa, chỉ là văn phòng phẩm, có thể vứt bỏ bất cứ lúc nào. Để ứng phó hiệu quả với ĐCSTQ, Mỹ cần dựa vào sức mạnh và ý chí, chứ không phải là việc thiết lập “rào chắn”.
Vào ngày 29/7, Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Hoa Kỳ do các lãnh đạo lưỡng đảng của Thượng viện Hoa Kỳ và Ủy ban Quân vụ Hạ viện đồng thành lập, đã xem xét Chiến lược Quốc phòng Hoa Kỳ (NDS) năm 2022 và ban hành một báo cáo nêu rõ Chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ đã “lỗi thời”, cấu trúc lực lượng quân đội không hợp lý, và nền tảng công nghiệp quốc gia của Mỹ “thiếu hụt nghiêm trọng”, không thể đối phó với mối đe dọa kép từ Nga và Trung Quốc. Báo cáo đề nghị hai đảng chung tay phát động “lời kêu gọi chiến đấu” trước nhân dân Mỹ.
Ngày 30/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, tuyên bố rằng cạnh tranh với ĐCSTQ là “thách thức địa chính trị quyết định mà chính sách đối ngoại hiện đại của Mỹ đang phải đối mặt”, và Hải quân và Không quân Mỹ cần tăng cường các hoạt động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Washington phải áp dụng thêm nhiều biện pháp để đối phó với những hành động của ĐCSTQ.
Như vậy, dưới “mối đe dọa từng bước” của ĐCSTQ, Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh các nỗ lực đối phó Bắc Kinh. Bất kể kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ là gì, quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai sẽ trở nên càng gay gắt hơn.