Các quan chức phương Tây tin rằng, họ có bằng chứng cho thấy các công ty Trung Quốc đã bí mật cung cấp vũ khí cho Nga, động thái có thể dẫn đến leo thang đáng kể vì sự tham gia của Bắc Kinh vào cuộc chiến tranh Ukraina.
Một báo cáo mới được thu thập chỉ ra rằng một công ty Trung Quốc đang gửi một loạt phi cơ không người lái quân sự chuyên dụng đến Nga để thử nghiệm, với điểm đến cuối cùng là Ukraina, theo tạp chí Times.
Thỏa thuận này diễn ra vào năm ngoái, theo một quan chức phương Tây, người không thể tiết lộ tên công ty.
Tuy nhiên, họ cho biết hiện có “bằng chứng rõ ràng cho thấy các công ty Trung Quốc đang cung cấp vũ khí sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraina”.
ường như cáo buộc Bắc Kinh có liên quan hoặc biết về vụ chuyển giao này, vị quan chức này nói thêm:
“Chính phủ Trung Quốc có thể không thừa nhận, nhưng họ sẽ phải vật lộn để giữ bí mật về sự hỗ trợ ngày càng tăng của mình”.
Các quan chức phương tây cũng xác nhận báo cáo của hãng Reuters vào đầu tuần rằng, Nga được cho là đã thiết lập một chương trình vũ khí tại Trung Quốc để phát triển và sản xuất phi cơ không người lái tấn công tầm xa để sử dụng trong cuộc xâm lược Ukraina của Nga.
Theo một trong những tài liệu, IEMZ Kupol, một công ty con của công ty vũ khí nhà nước Nga Almaz-Antey, đã phát triển và thử nghiệm bay một mẫu phi cơ không người lái mới có tên Garpiya-3 (G3) tại Trung Quốc, với sự giúp đỡ của các chuyên gia địa phương.
IEMZ Kupol đã gửi một báo cáo cho Bộ Quốc phòng Nga trong năm nay, nêu tóm tắt công việc của mình.
Sau đó, trong một bản cập nhật tiếp theo, IEMZ Kupol đã nói với Bộ Quốc phòng Nga rằng, họ có thể sản xuất phi cơ không người lái bao gồm G3 ở quy mô lớn tại một nhà máy ở Trung Quốc, để vũ khí có thể được khai triển trong cuộc xâm lược Ukraina.
NATO đã phản hồi cả hai báo cáo, nói rằng thông tin được cung cấp cho Tạp chí Times và Reuters “rất đáng lo ngại, và các đồng minh đang tham khảo ý kiến về vấn đề này”.
Phát ngôn viên minh quân sự này cho biết thêm: “Trung Quốc đã trở thành một bên quyết định cho phép Nga tiến hành chiến tranh ở Ukraina thông qua việc cung cấp các công nghệ sử dụng kép, để duy trì ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Chính phủ Trung Quốc có trách nhiệm bảo đảm các công ty của mình không cung cấp hỗ trợ thương vong cho Nga. Bắc Kinh không thể tiếp tục thúc đẩy cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai mà không ảnh hưởng đến lợi ích và danh tiếng của mình”.
Đầu tháng này, Jens Stoltenberg, tổng thư ký sắp mãn nhiệm của NATO, đã cảnh báo rằng trục quyền lực độc tài gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên đang “ngày càng liên kết chặt chẽ hơn” .
Ông cho biết Bắc Kinh đang cung cấp các linh kiện, vi điện tử và bộ vi xử lý mà Nga đang sử dụng để chế tạo hoả tiễn và bom được sử dụng ở Ukraina.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg và các nhà lãnh đạo khác trước đây đã không cáo buộc Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Ukraina.