Nguyễn Tươi kính chào quý vị đến với Chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên!
Kính thưa quý vị, quý vị đã bao giờ được nghe về giấc mộng du ngoạn thiên đàng chưa? Có rất nhiều ghi chép như vậy trong lịch sử. Nếu xứ Trung Hoa có Đường Huyền Tông từng du ngoạn Cung Trăng, ngắm nhìn tiên nữ múa, lắng nghe tiếng nhạc du dương nơi tiên cảnh, khắc ghi âm luật và vũ điệu trong tâm để viết nên tác phẩm ‘Nghê thường vũ y khúc” nổi tiếng nhất của Đại Đường, thì ở nước Đại Việt chúng ta vào thế kỷ 15 cũng có một vị hoàng đế tài hoa vẹn toàn, từng trong mộng du ngoạn chốn Bồng Lai ở tận cùng dải Ngân Hà. Đó chính là vua Lê Thánh Tông, và chuyến du ngoạn xuất thần của ông đã được ông đề cập trong thi phẩm “Tự thuật”. Trước khi thưởng thức thi phẩm này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua về cuộc đời của vị hoàng đế trác việt này nhé.
Sinh thời Vua Lê Thánh Tông
Vua Lê Thánh Tông (25/8/1442 – 3/3/1497) là Hoàng đế thứ 5 của nhà Hậu Lê, trị vì từ năm 1460 đến khi qua đời vào năm 1497, là vị Hoàng đế tại vị lâu nhất thời Hậu Lê, khai sáng một thời kỳ thái bình thịnh trị của nhà Hậu Lê nói riêng và chế độ phong kiến Việt Nam nói chung, với tên gọi là thời kỳ “Hồng Đức thịnh trị”.
Ông được mệnh danh là vị vua hiền minh nhất trong lịch sử phong kiến Đại Việt. Dưới thời Vua Lê Thánh Tông, nước nhà thịnh trị, bờ cõi mở rộng, lân bang thần phục, quân sự hùng mạnh với binh uy áp chế bốn cõi, ngay cả nhà Minh cũng không dám vọng động. Trí tuệ của ông bao gồm cả quân sự, chính trị, kinh tế, thi ca…, không gì không có thành tựu. Lê Thánh Tông trị vì Đại Việt 38 năm, dưới thời đó, sự phát triển của Nho giáo ở Việt Nam đạt đến đỉnh thịnh. Các bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bắt đầu dựng vào thời đại của ông không chỉ có ý nghĩa về lĩnh vực giáo dục, mà chúng thực sự là các công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, lưu lại tới ngày nay, trở thành di sản văn hóa thế giới.
Vua Lê Thánh Tông cũng rất coi trọng việc biên soạn lịch sử dân tộc, với tư cách là công cụ nối liền đạo thống; khôi phục xây dựng kho tư liệu lịch sử dân tộc sau giai đoạn bị triệt tiêu văn hóa và thư tịch Việt cổ dưới thời nhà Minh đô hộ. Lê Thánh Tông giao cho Ngô Sĩ Liên, một đại thần kiêm quan Ngự sử nổi tiếng thời kỳ Hồng Đức, biên soạn một bộ quốc sử mới mang tên Đại Việt sử ký toàn thư, gồm 15 quyển, chép từ thời Hồng Bàng đến khi Lê Thái Tổ đánh đuổi người Minh về nước năm 1428. Bộ sách này còn tồn tại tới ngày nay và là một tư liệu sơ cấp không thể thiếu cho việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời trung đại. Lê Thánh Tông còn sai Ngô Sĩ Liên chép sử về 3 triều vua đầu của nhà Lê (Thái Tổ, Thái Tông và Nhân Tông nhà Lê) gọi là Tam triều bản kỷ. Ngoài ra, Thánh Tông cũng nhiều lần ra chiếu sưu tầm tư liệu, sách vở và dã sử trong dân gian.
Vì sao chỉ trong một đời, mà ông có thể thành tựu được nhiều việc vĩ đại đến vậy?
“Quân quyền Thần thụ”, thiên tử chính là con Trời, là thụ mệnh Trời mà cai trị nhân gian, nên một vị chân mệnh thiên tử, lẽ tự nhiên sẽ duy trì sự kết nối với Thần linh để có thể thay Trời hành Đạo, giữ cho triều đại của mình thịnh trị lâu dài. Lê Thánh Tông chính là một vị hoàng đế như thế. Ông tuân phục Đạo Trời, tôn kính Thần Phật, nên triều đại của ông là triều đại cường thịnh nhất, và cũng là giai đoạn ghi nhận nhiều giai thoại liên quan đến Thần Tiên và linh giới nhất. Tương truyền, Lê Thánh Tông là tiên đồng thác sinh từ thiên giới xuống trần gian để thay Trời trị vì nước Nam.
Thiên tài thi phú
Ngoài thiên tài quân sự và trị quốc, Lê Thánh Tông sẵn có tài năng văn chương thi phú phi thường. Ông sáng lập Hội Tao đàn, xướng họa thơ ca cùng Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận và nhiều quần thần khác. Di sản thơ ca của ông còn lại đến nay khoảng 350 bài, gồm 300 bài thơ chữ Hán và khá nhiều thơ Nôm, tập trung chủ yếu trong Hồng Đức quốc âm thi tập.
Nói đến thơ của ông, nhiều người cho rằng đó chỉ là “khẩu khí” của đế vương, mượn sự vật tầm thường mà nói lên cái chí lớn của mình, nhưng nhận xét này đã vô tình hạ thấp trí huệ siêu phàm của nhà vua. Lê Thánh Tông tinh thông cả 2 loại Hán – Nôm, thơ chữ Hán của ông đã đạt đến trình độ rất cao.
Trong lịch đại đế vương nước Việt, hầu hết đều là hạng thiên tư dĩnh ngộ, học thức uyên thâm, rất nhiều là những thi nhân tài năng, đều có vẻ tiên phong đạo cốt, nhưng so sánh tận cùng thì không ai được bằng vua Lê Thánh Tông. Rất nhiều bài thơ của ông mô tả những trải nghiệm siêu phàm mà người thường không thể có được.
Xưa có câu “ý tại ngôn ngoại”, tức là ý ở ngoài lời, cảnh giới siêu thường thoát tục toát ra trong thơ của vua Lê Thánh Tông không thể nào dùng tư duy vô thần luận để nhận thức, cho rằng đó chỉ là sự khoa trương, tưởng tượng. Dưới đây chúng tôi xin đọc một bài thơ chữ Nôm của ông như một ví dụ:
Vịnh cây chổi
Lời Chúa vâng truyền xuống ngọc giai,
Cho làm lệnh tướng quét trần ai.
Một phen vùng vẫy, trời tung gió,
Bốn cõi tung hoành, đất sạch gai.
Ngày vắng rủ mây cung Bắc Hán,
Ðêm thanh tựa nguyệt chốn lâu đài.
Ôm lòng gốc rễ, lâu càng dãi,
Mòn mỏi lưng còn một cái đai.
Thi nhân chỉ vịnh một cây chổi, nhưng nó lại giống như tả lại cuộc đời của ông từ khi vâng mệnh Thượng Đế xuống nhân gian, thay mặt Trời cao “quét trần ai” bình định thiên hạ, Trời phù hộ cho làm nên đế nghiệp “bốn cõi tung hoành, đất sạch gai”. Nhưng lúc nào, trong lòng cũng đau đáu nhớ nhung nguồn cội nơi thượng giới xa xôi: “Ngày vắng rủ mây cung Bắc Hán, Ðêm thanh tựa nguyệt chốn lâu đài.”
“Ôm lòng gốc rễ, lâu càng dãi, Mòn mỏi lưng còn một cái đai”, cái đai ở đây tượng trưng cho địa vị. Ngai vàng điện ngọc kia giờ trở thành cái nghiệp quấn thân vướng víu, như cây chổi cùn xơ xác đã nhuốm đầy bụi trần, khác gì tấm thân Tiên thánh khiết giờ đã trở nên ô trọc. Thật ngậm ngùi thay.
Du ngoạn chốn Bồng Lai, vua Lê Thánh Tông tình hoài lưu luyến
Ngũ thập niên hoa thất xích khu,
Cương trường như thiết khước thành nhu.
Phong xuy song ngoại hoàng hoa tạ,
Lộ ấp đình tiền lục liễu cù.
Bích hán vọng cùng vân diểu diểu,
Hoàng lương mộng tỉnh dạ du du.
Bồng Lai sơn thượng âm dung đoạn,
Băng ngọc u hồn nhập mộng vô?
“Ngũ thập niên hoa thất xích khu, Cương trường như khiết khước thành nhu” mô tả khái quát chân dung của tác giả: Thân cao bảy thước, tuổi đã năm mươi, sự cương nghị quật cường thuở nào giờ đã nhường chỗ cho mềm yếu nhu mì. Chữ “cương” – và “nhu” được dùng không chỉ mô tả sự thay đổi tính khí, mà còn mô tả sự biến đổi về hình thể, đồng thời cũng triển hiện sự trưởng thành của trí huệ sau tất cả những trải nghiệm cuộc đời. Khi hoa niên dần cạn, những hoài bão tuổi trẻ, sứ mệnh ở thế gian đã hoàn thành, điều mà nhà thơ hướng đến là gì?
Hai câu tiếp theo: “Phong suy song ngoại hoàng hoa tạ, Lộ ấp đình tiền lục liễu cù” vẽ ra một bức tranh thiên nhiên đầy ưu tư, ngoài song gió cuốn hoa vàng rụng, trước đình sương ướt liễu sầu u. Nhà thơ ngắm nhìn hình ảnh gió thổi “hoàng hoa tạ” qua song cửa, mà chìm đắm vào những suy tư về năm tháng nhân sinh trong vòng tuần hoàn sinh lão bệnh tử. Những cành liễu hao gầy run rẩy trong sương ướt trước sân đình, gợi lên nỗi niềm băn khoăn lạc lối của nhà thơ, trong tâm trạng ấy, ông đã thiếp đi lúc nào không hay.
“Bích hán vọng cùng vân diểu diểu, Hoàng lương mộng tỉnh dạ du du”, cảnh tượng đột chuyển, nhà thơ đã đến một phương trời khác. Ông chốc lát bỗng nhiên xuất thần bay lên, bay mãi đến tận cùng của dải Ngân Hà xanh thẳm mây ngũ sắc phiêu phiêu, rồi đột ngột tỉnh mộng. “Hoàng lương mộng”, hay là giấc mộng kê vàng, nhắc đến một câu chuyện thời nhà Đường, kể rằng có một chàng trai nghèo tên là Lư Sinh nương nhờ một lữ điếm. Trong lúc chủ điếm đang chưng kê vàng, Lư Sinh đã có một giấc mộng phú quý, thấy mình giàu có phong lưu chẳng thiếu thốn gì. Nhưng khi chàng tỉnh dậy, kê vàng vẫn chưa chín, bụng vẫn đói meo, khiến chàng tỉnh ngộ. Câu chuyện này ẩn dụ rằng dù có vinh hoa phú quý thì một đời cũng chỉ ngắn ngủi như một giấc mộng hư huyễn mà thôi. Cuộc du ngoạn lên xứ thiên đường của nhà thơ cũng ngắn ngủi như vậy, khiến cho ông dù mộng tỉnh, mà dạ vẫn bàng hoàng.
“Bồng lai sơn thượng âm dung đoạn, Băng ngọc u hồn nhập mộng vô”, lưu lại dư vị của một nỗi niềm nhung nhớ và luyến tiếc khôn nguôi. Những dung diện thần tiên và âm hưởng chốn Bồng Lai// mới đây thôi còn sống động, giờ đã tan biến trong hư vô. Nhà thơ thân là hoàng đế, tại đỉnh cao của quyền lực và phú quý cõi trần gian, nhưng ông chẳng màng hết thảy thực tại, bởi ông đã nhìn thấy sự thù thắng nơi cõi Phật. Kỳ thực, cổ nhân luôn tin rằng linh hồn con người đến từ Thượng giới, nơi đó mới là cố hương của họ, chốn trần gian dẫu phong lưu thế nào, cũng chẳng qua chỉ là quán trọ mà thôi. “Băng ngọc u hồn nhập mông vô” khắc họa nỗi niềm mong mỏi được trở về, chỉ mong sao linh hồn cô đơn thánh khiết của mình lại nhập vào giấc mộng thần tiên.
Tiếp theo, kính mời quý vị cùng thưởng thức bài thơ “Tự Thuật” của thi nhân Lê Thánh Tông, qua giọng ngâm của nghệ sĩ Kiều Oanh, và phần đệm đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.
Sau khi lắng nghe những vần thơ của Lê Thánh Tông, quý vị có cảm thấy đồng cảm không? Nếu có, thì hẳn là quý vị cũng là có gốc gác không tầm thường. Chúng tôi tin rằng, sinh mệnh của mỗi cá nhân chúng ta đều trân quý, đến thế gian vì để hoàn thành sứ mệnh của mình, và mục đích rốt cuộc của đời người, chính là tìm ra con đường chân lý để trở về trên cao ấy. Quý vị hãy chia sẻ với chúng tôi những cảm nhận của mình trong phần bình luận bên dưới nhé. Cảm ơn quý vị đã chú ý theo dõi, xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong những chương trình lần sau.