Quân đội Israel có hệ thống thu thập thông tin tình báo và nhận diện mục tiêu tiên tiến, đặc biệt là trong khu vực biên giới phía bắc nhạy cảm. Có ý kiến cho rằng, cuộc tấn công lần này vào cơ quan của Liên Hợp Quốc không chỉ khó có khả năng là một cuộc tấn công nhầm, mà còn có khả năng là một lựa chọn chiến thuật có chủ ý. Nếu đó là có chủ đích, thì Israel thông qua đó có thể đạt được những lợi thế gì? Và vì sao Israel không kiêng nể cả Liên Hợp Quốc?.

Vào ngày 10 và 11 tháng 10, Israel đã liên tiếp tấn công trụ sở của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Li-Băng (UNIFIL), khiến nhiều nhân viên gìn giữ hòa bình bị thương. Các binh sĩ Israel thậm chí đã bắn vào căn cứ của Liên Hợp Quốc ở Ras Naqoura, khu vực biên giới giữa Israel và Li-Băng, trúng vào lối vào nơi trú ẩn của các nhân viên gìn giữ hòa bình và phá hủy xe cộ cũng như hệ thống liên lạc.

Bất kỳ cuộc tấn công có chủ đích nào nhằm vào nhân viên gìn giữ hòa bình đều vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Phía quân đội Israel đã cho rằng UNIFIL “vô tình bị thương” trong khi quân đội Israel và Hezbollah giao tranh, tuyên bố rằng “các tay súng và cơ sở hạ tầng của Hezbollah gần vị trí của UNIFIL, điều này gây ra rủi ro lớn cho sự an toàn của nhân viên gìn giữ hòa bình”. 

Vào ngày 11, Pháp, Ý và Tây Ban Nha, ba quốc gia châu Âu chính tham gia UNIFIL, đã cùng với hơn 30 quốc gia gửi tuyên bố cho rằng cuộc tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình của quân đội Israel là “đáng lên án,” và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nhân đạo theo Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, yêu cầu ngay lập tức ngừng các cuộc tấn công “vô lý” này. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã phản hồi cùng ngày, cam kết sẽ thúc giục Israel ngừng tấn công các lực lượng của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, hành động tiếp theo của Thủ tướng Netanyahu dường như không để tâm đến sự chỉ trích từ nhiều phía và lời kêu gọi từ Mỹ. Ông công khai yêu cầu UNIFIL rút khỏi Li-Băng, mà vào ngày 13, xe tăng của quân đội Israel đã xông vào trại của UNIFIL. Sau khi rời đi, có đạn nổ cách trại 100 mét, khiến 15 người bị khó chịu do hít phải khói. Quân đội Israel giải thích rằng điều này xảy ra do Hezbollah đã bắn tên lửa chống tăng, khiến 25 người bị thương, vì vị trí rất gần một trạm quan sát của UNIFIL. Nên một chiếc xe tăng hỗ trợ sơ tán thương binh “buộc phải quay trở lại trạm quan sát”, sau đó đã dùng khói để bảo vệ việc sơ tán thương binh. Và rằng “các hành động liên quan không gây nguy hiểm cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc”. 

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Israel không kiêng nể Liên Hợp Quốc. Kể từ khi “Chiến dịch Lũ lụt Al-Aqsa” bùng nổ vào tháng 10 năm ngoái, Israel đã nhiều lần mâu thuẫn với Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc liên tục cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, còn Israel thì liên tục phản bác Liên Hợp Quốc “hỗ trợ khủng bố”. Thậm chí, sau khi tấn công Li-Băng, vào ngày 2 tháng 10, Israel đã tuyên bố Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres là “nhân vật không được hoan nghênh” và cấm ông nhập cảnh. Nay, Israel còn có những hành động thực tế đe dọa sự an toàn của UNIFIL, điều này không chỉ xuất phát từ những tính toán chiến lược ngắn hạn mà còn từ sự căng thẳng lịch sử lâu dài giữa Israel và Liên Hợp Quốc.

Tại sao Israel lại xảy ra xung đột với UNIFIL

Trước tiên, cần quan sát nguyên nhân xung đột giữa hai bên tại miền nam Li-Băng. Nhân vật then chốt trong vấn đề này chính là Hezbollah, lực lượng vũ trang lớn nhất Li-Băng.

Như mọi người đều biết, Hezbollah là tổ chức vũ trang lớn nhất tại Li-Băng và là đại diện cho lực lượng chính trị của người Shiite tại quốc gia này, được Iran và Syria hỗ trợ trong thời gian dài. Kể từ khi Israel xâm lược Li-Băng vào năm 1982, Hezbollah đã dần dần phát triển thành một lực lượng quân sự mạnh mẽ với các đơn vị tinh nhuệ và một lượng lớn vũ khí, trở thành kẻ thù số một của Israel tại Li-Băng và thiết lập một mạng lưới phòng thủ chặt chẽ ở miền nam Li-Băng. 

Khu vực này, do nằm sát biên giới phía bắc Israel, đã trở thành mặt trận đối kháng lâu dài giữa hai bên. Trong cuộc chiến Li-Băng lần thứ hai bùng nổ vào năm 2006, mặc dù Israel đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào Hezbollah, nhưng không thể triệt tiêu ảnh hưởng của họ, mà ngược lại còn thúc đẩy Hezbollah củng cố vị thế tại miền nam Li-Băng.

Từ một góc độ vĩ mô hơn, trong bối cảnh phát triển sau này, miền nam Li-Băng không chỉ là vùng đệm giữa Li-Băng và Israel, mà còn là căn cứ quan trọng để Iran mở rộng ảnh hưởng tại Li-Băng và toàn bộ Trung Đông thông qua Hezbollah. Do đó, Israel coi Hezbollah là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh phía bắc của mình, đặc biệt khi Hezbollah nắm giữ hàng chục nghìn tên lửa và rocket, trong bối cảnh Iran tiếp tục hỗ trợ họ nâng cao tầm bắn, thực tế là các thành phố lớn ở phía bắc Israel đều nằm trong tầm bắn của Hezbollah.

Sau khi cuộc chiến Gaza bùng nổ vào năm 2023, Hezbollah đã càng thêm can thiệp vào các hoạt động của quân đội Israel, liên tục phóng rocket và máy bay không người lái về phía Israel, dẫn đến việc Israel phải sơ tán 100.000 cư dân ở khu vực phía bắc. 

Ngày 30/9, Israel đã khai triển quân đội về phía bắc để tấn công Li-Băng, tuyên bố “để bảo đảm an toàn cho người dân phía bắc trở về nhà”, và đã xảy ra các trận chiến dữ dội với Hezbollah, kéo dài cho đến nay.

Mặc dù UNIFIL đã đóng quân ở khu vực này nhiều năm, nhưng vai trò và ảnh hưởng thực tế của họ khá hạn chế. Trong những năm qua, Hezbollah đã tiếp tục mở rộng sức mạnh quân sự tại miền nam Li-Băng, không những không bị suy yếu mà còn gia tăng, và thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột quy mô nhỏ với Israel. Điều này cũng dẫn đến sự không tin tưởng lâu dài của Israel đối với UNIFIL, khi họ chỉ trích UNIFIL không thể ngăn chặn hiệu quả việc mở rộng lực lượng vũ trang của Hezbollah, đồng thời nghi ngờ khả năng thực thi Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an. Đặc biệt khi Hezbollah tiếp tục nhận vũ khí từ Iran và Syria, thì những chỉ trích của Israel đối với UNIFIL càng trở nên gay gắt.

Xét trong bối cảnh này, có thể hiểu được xung đột giữa quân đội Israel và UNIFIL lần này. Phía Israel giải thích rằng đây là một “sai sót chiến thuật”, tức là một cuộc tấn công nhầm trong hoạt động quân sự. Tuy nhiên, dựa trên hồ sơ lịch sử của quân đội Israel và khả năng tấn công chính xác của họ, tờ Hongkong 01 cho rằng, giải thích này rõ ràng không thuyết phục. 

Thế giới đều biết rằng quân đội Israel có hệ thống thu thập thông tin tình báo và nhận diện mục tiêu tiên tiến, đặc biệt là trong khu vực biên giới phía bắc nhạy cảm. Do đó, tờ Hongkong 01 cho rằng, cuộc tấn công lần này không chỉ khó có khả năng là một cuộc tấn công nhầm, mà còn có khả năng là một lựa chọn chiến thuật có chủ ý.

Mục tiêu hàng đầu của Israel là loại bỏ những ràng buộc mà UNIFIL đặt ra đối với các hoạt động quân sự của họ. Dù lực lượng gìn giữ hòa bình không thể ngăn chặn Hezbollah, nhưng họ vẫn sẽ hạn chế hoạt động của quân đội Israel, đặc biệt là khi Israel mong muốn mở rộng các cuộc tấn công quân sự. Sự hiện diện và cơ sở của UNIFIL sẽ trở thành những yếu tố mà Israel phải cân nhắc khi thực hiện hành động. 

Vì vậy, Israel sẵn sàng đối mặt với sự phê phán để tấn công UNIFIL, với mục đích gửi thông điệp tới Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế rằng an ninh quốc gia không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào từ các lực lượng bên ngoài, “dù bạn là Liên Hợp Quốc cũng vậy”.

Tiếp theo là nhằm răn đe Hezbollah và cộng đồng quốc tế. Israel có thể muốn thông qua hành động này để cho cộng đồng quốc tế, Liên Hợp Quốc và Hezbollah thấy rằng Israel sẽ không ngần ngại bảo vệ an ninh biên giới phía bắc bằng mọi giá. 

Thêm vào đó, Israel cũng muốn làm suy yếu lợi thế chiến lược của Hezbollah. Đối với Hezbollah, sự hiện diện của UNIFIL thực sự đã cung cấp một mức độ bảo vệ nhất định. Nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc yêu cầu các bên phải kiềm chế, điều này có nghĩa là Israel không thể tùy tiện thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn trên mặt đất. 

Nếu Israel có thể làm suy yếu uy tín của UNIFIL hoặc giảm mức độ can thiệp thực tế của họ vào miền nam Li-Băng, thì Hezbollah chắc chắn sẽ mất đi “tấm đệm” này. Vì vậy, một trong những mục tiêu của việc tấn công UNIFIL có thể là để làm suy yếu lợi thế chiến lược của Hezbollah trong các cuộc xung đột trong tương lai.

Căng thẳng lịch sử giữa Israel và Liên Hợp Quốc

Tất nhiên, điều này cũng phản ánh sự căng thẳng lâu dài giữa Israel và Liên Hợp Quốc.

Tờ Hongkong 01 cho rằng, Israel có sự không tin tưởng và thậm chí là thù địch lâu dài đối với Liên Hợp Quốc và các tổ chức phụ thuộc của nó, cho rằng Liên Hợp Quốc thường thiên vị các quốc gia Ả Rập và đối xử quá khắt khe với Israel trong các vấn đề Trung Đông. 

Kể từ khi Israel được thành lập vào năm 1948, Liên Hợp Quốc đã nhiều lần chỉ trích hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Israel trong việc xử lý xung đột Israel-Palestine. Israel cho rằng Liên Hợp Quốc không thể ngăn chặn hiệu quả những cuộc tấn công từ các quốc gia Ả Rập và các tổ chức vũ trang Palestine. Nhiều nghị quyết của Liên Hợp Quốc, chẳng hạn như Nghị quyết 242 sau cuộc chiến sáu ngày năm 1967 và các nghị quyết sau đó liên quan đến vấn đề Palestine, đều có dấu hiệu rõ ràng về sự chống đối Israel, thậm chí là chống Do Thái.

Trong hệ thống Liên Hợp Quốc, có nhiều tổ chức phụ thuộc như Cơ quan Tình trạng và Cứu trợ Người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) bị Israel coi là những người ủng hộ các lực lượng Palestine. Điều này đã làm gia tăng sự không tin tưởng của Israel đối với toàn bộ hệ thống Liên Hợp Quốc.

Không phải ngẫu nhiên mà Israel đã nhiều lần chỉ trích Liên Hợp Quốc và các tổ chức phụ thuộc của nó về sự “không công bằng” trong việc xử lý xung đột Israel-Palestine và vấn đề Li-Băng, đặc biệt là liên quan đến Hezbollah. Israel cho rằng, mặc dù UNIFIL về mặt danh nghĩa là lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng trong thực tế lại không đủ khả năng để ngăn chặn các hoạt động vũ trang của Hezbollah, mà còn cho phép tổ chức này tăng cường sức mạnh. Đặc biệt, sau khi cuộc chiến Gaza bùng nổ vào năm 2023, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Hội đồng Nhân quyền đã nhiều lần lên án các hoạt động quân sự của Israel, điều này càng làm gia tăng sự không hài lòng của Israel đối với Liên Hợp Quốc. 

Vì vậy, Hongkong 01 cho rằng, Israel rõ ràng muốn thông qua cuộc tấn công này để thể hiện sự bất mãn lâu dài đối với Liên Hợp Quốc, không chỉ trong vấn đề Israel-Palestine mà còn trong vấn đề Israel-Li-Băng.

Tất nhiên, việc Israel khai hỏa vào lực lượng UNIFIL đã gây ra sự chỉ trích rộng rãi từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Liên Hợp Quốc và các quốc gia gửi quân tham gia UNIFIL, kêu gọi Israel tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Những tiếng nói này có thể dẫn đến áp lực ngoại giao gia tăng đối với Israel, nhưng xét đến lập trường cứng rắn của Israel trong các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia, Israel khó có khả năng sẽ kiềm chế hành động của mình; ngược lại, điều này có thể làm gia tăng sự đối đầu giữa Israel và Liên Hợp Quốc, đặc biệt là trong tiến trình hòa bình Trung Đông và vấn đề Li-Băng.

Vai trò của UNIFIL sẽ ngày càng trở nên khó xử. Trước đó, hiệu quả của Liên Hợp Quốc trong việc gìn giữ hòa bình tại Li-Băng đã bị nghi ngờ. 

Nếu xung đột quân sự giữa Israel và Hezbollah tiếp tục leo thang, UNIFIL có thể sẽ buộc phải rút lui và không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại khu vực này. Điều này chắc chắn sẽ là một cú sốc nghiêm trọng đối với uy tín của Liên Hợp Quốc, và có thể là một phần trong tính toán thực sự của Israel.

Cuối cùng tờ Hongkong 01 nhận định rằng, hành động bắn vào UNIFIL của Israel, bề ngoài có vẻ như là một sự cố quân sự ngẫu nhiên, nhưng thực tế phản ánh sự không tin tưởng lâu dài của Israel đối với hệ thống Liên Hợp Quốc, cùng với nỗi lo lắng và ám ảnh mạnh mẽ về an ninh của chính mình.