Theo chuyên gia, chính quyền Trung Quốc có lẽ luôn thiếu tự tin trong việc tấn công Đài Loan, và các cuộc diễn tập quanh Đài Loan chỉ mang tính biểu diễn. Thực tế số vũ khí mang theo và khả năng của các khí tài cho thấy khả năng thực chiến của Trung Quốc khó có thể theo kịp Mỹ.

Vào ngày 14/10, cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan của Trung Quốc đã kết thúc một cách vội vàng.

Theo nhà bình luận gốc Hoa, Thẩm Chu (沈舟) thực chất đó chỉ là một màn kịch xung quanh Đài Loan, với các thông tin tuyên truyền lớn được chuẩn bị sẵn sàng để liên tiếp công bố.

Trung Quốc được cho là đã huy động tổng cộng 153 phi cơ quân sự, và trong các video được phát hành, họ tuyên bố rằng có vũ khí thật được sử dụng để tấn công. 

Tuy nhiên, các video và hình ảnh tiết lộ rằng, số lượng vũ khí mà chiến đấu cơ Trung Quốc mang theo là khá thấp, cho thấy rõ ràng khả năng chiến đấu trên không, cũng như khả năng không kích của họ đều không đủ mạnh.

Phi cơ ném bom H-6 của Trung Quốc có khả năng mang vũ khí hạn chế

H-6 của Trung Quốc là lực lượng chủ lực thực hiện các cuộc không kích quanh phía đông Đài Loan, nhưng đạn dược mà nó có thể mang theo rất hạn chế. 

H-6 có nguồn gốc từ phi cơ ném bom Tu-16 của Liên Xô, và Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ phi cơ ném bom hiện đại, nên chỉ có thể liên tục sửa đổi dựa trên nền tảng của Tu-16. 

Để tăng cường tầm bay, Bắc Kinh đã cải biến khoang vũ khí dưới bụng thành bình nhiên liệu, chỉ còn lại 6 điểm treo vũ khí, làm giảm đáng kể số lượng vũ khí có thể mang theo.

Trung Quốc tuyên bố rằng 6 điểm treo của phi cơ ném bom H-6 có thể mang theo 6 hoả tiễn chống hạm YJ-12 hoặc 6 hoả tiễn không đối đất Trường Kiếm 20 (长剑), nhưng theo nhà bình luận Thẩm Chu, thực tế, hai loại hoả tiễn này quá nặng, nên H6 không thể mang theo đủ 6 quả.

Video từ cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan vào ngày 14/10 do quân đội Trung Quốc phát ra cho thấy, trong hình ảnh xa, phi cơ ném bom H-6 đã treo 2 hoả tiễn lớn, ước tính là loại chống hạm YJ-12. 

Trong hình ảnh gần, phi cơ H-6 treo 1 hoả tiễn ở bên ngoài cánh, ước tính là loại không đối đất KD-88; bên trong cánh cũng nghi ngờ treo 1 quả hoả tiễn, nhưng giá treo ở giữa cánh thì trống.

Từ video này, có thể thấy phi cơ ném bom H-6 chỉ có 6 điểm treo, nhưng trong các cuộc diễn tập thực chiến, để bảo đảm an toàn khi bay và bảo đảm tầm bay, tối đa H6 chỉ có thể mang theo 4 hoả tiễn. Hoả tiễn chống hạm YJ-12 nặng khoảng 3 tấn, chỉ có thể mang theo 2 quả; loại không đối đất Trường Kiếm 20 nặng khoảng 2,5 tấn, cũng chỉ có thể mang theo 2 quả.

Ngoài ra, phi cơ ném bom H-6 khó có thể mang thêm hai hoả tiễn không đối đất KD-88, mỗi loại nặng khoảng 850kg, nhưng đầu đạn chỉ nặng 165kg và sức công phá của nó cũng có hạn. 

Ngay cả đối với hoả tiễn KD-88, phi cơ ném bom H-6 có thể chỉ mang được 4 quả, nên 2 giá treo vẫn trống. Hoả tiễn không đối đất KD-88 là biến thể của hoả tiễn chống hạm YJ-83 do Trung Quốc cung cấp cho Iran, và Teran cung cấp cho tổ chức Houthi ở Yemen.

Nhà bình luận Thẩm Chu chỉ ra rằng, KD-88 và YJ-83 đều tương đối lạc hậu, tốc độ bay Mach 0,9 và tốc độ đầu cuối tối đa Mach 1,4 nên dễ dàng bị đánh chặn. 

Tàu Aegis của Mỹ đã liên tục đánh chặn các hoả tiễn tương tự do tổ chức Houthi ở Yemen phóng ở Biển Đỏ, và đã tích lũy đủ kinh nghiệm thực tế. 

Mục tiêu của hoả tiễn chống hạm YJ-12 chủ yếu là chiến hạm Mỹ. Nó có tầm bắn 500km và nặng khoảng 3 tấn, nhưng đầu đạn chỉ nặng 300 kg.

Vào ngày 14/10, phi cơ ném bom H-6 đã tham gia cuộc tập trận quân sự nhắm vào Đài Loan, mô phỏng đường vòng quanh phía đông Đài Loan. 

Vì vậy, trong hình ảnh cận cảnh của video, có thể thấy rõ hoả tiễn không đối đất KD-88, nhưng hoả tiễn Patriot và Thiên Cung – 3 (天弓) của Đài Loan đều có khả năng đánh chặn.

Phi cơ ném bom H-6 có thể mang theo hoả tiễn hạn chế, gây khó khăn cho việc thực hiện các cuộc tấn công bão hòa và có nguy cơ bị bắn hạ bất cứ lúc nào ngoài chuỗi đảo đầu tiên. 

Bất kỳ chiến đấu cơ nào của Đài Loan đều có thể dễ dàng tiêu diệt phi cơ ném bom H-6. Theo ông Thẩm, nếu Bắc Kinh cử chiến đấu cơ hộ tống phi cơ ném bom H-6, nó sẽ chỉ có thể phải đối đầu với các trận không chiến, và sẽ khó tham gia các cuộc không kích.

Ông Thẩm chỉ ra rằng, phi cơ ném bom H-6 có khả năng mang theo hoả tiễn hạn chế, khó có thể thực hiện các cuộc tấn công bão hòa, và luôn có nguy cơ bị bắn hạ ngoài chuỗi đảo thứ nhất. 

Bất kỳ loại chiến đấu cơ nào của Đài Loan cũng có thể dễ dàng bắn hạ phi cơ H-6. Nếu Bắc Kinh cử chiến đấu cơ để hộ tống phi cơ H-6, chúng chỉ có thể chủ yếu ứng phó với không chiến, khó có thể tham gia vào các cuộc không kích.

Chiến đấu cơ J-16 mang theo loại hoả tiễn nào?

Trung Quốc đã phát hành thêm video về các cuộc diễn tập quân sự quanh Đài Loan, trong đó có một đoạn video ngắn cho thấy chiến đấu cơ J-16 hoặc Su-30 cất cánh với vũ khí. 

Mỗi bên cánh phi cơ đều treo 2 hoả tiễn không đối không, tổng cộng là 4 quả; bên ngoài là 2 quả hoả tiễn không đối không tầm ngắn PL-8 hoặc PL-10, bên trong là 2 quả không đối không tầm trung PL-12 hoặc PL-15.

Trong một video khác, có hai chiến đấu cơ xuất hiện. Từ xa, khó có thể nhìn rõ tình trạng treo vũ khí của phi cơ, nhưng ở hình ảnh gần có thể thấy một phần cánh của một chiến đấu cơ. Giá treo bên ngoài trống, trong khi giá treo bên trong có treo một hoả tiễn.

Phi cơ J-16 hoặc Su-30 của Trung Quốc có 12 điểm treo, nhưng trong các cuộc diễn tập thực chiến, họ chỉ treo 4 hoả tiễn không đối không. Theo nhà bình luận Thẩm, có lẽ cũng vì lý do an toàn bay. 

Chiến đấu cơ chủ lực J-16 và Su-30 sẽ chủ yếu đối phó với các cuộc không chiến khả thi, trong khi nhiệm vụ không kích sẽ ở vị trí thứ hai.

Bắc Kinh tuyên bố rằng J-16 và Su-30 là “xe tải bom”, nhưng trong các cuộc diễn tập, chúng chỉ mang theo 4 hoả tiễn không đối không. 

Ông Thẩm chỉ ra rằng, có lẽ vì thiếu sự hỗ trợ của phi cơ tiếp nhiên liệu, nên khó có thể tham gia không chiến lâu dài, vì vậy chỉ có thể mang ít vũ khí để bảo đảm thời gian bay và khả năng cơ động. 

Động cơ của chiến đấu cơ Trung Quốc luôn bị đánh giá không cao, và nếu phi cơ mang đầy vũ khí, động cơ có thể trở nên quá tải; nên việc mang ít vũ khí có lẽ cũng là một lựa chọn không thể tránh khỏi.

Chiến đấu cơ J-10 mang theo loại hoả tiễn nào?

Chiếc chiến đấu J-10 nhẹ của không quân Trung Quốc là loại có số lượng nhiều nhất trong lực lượng. Trong video của quân đội Trung Quốc, phi cơ J-10 cũng mang theo 4 hoả tiễn không đối không, bên ngoài là 2 quả không đối không tầm ngắn PL-8, bên trong là 2 quả không đối không tầm trung PL-12. Theo ông Thẩm, điều này cho thấy J-10 chủ yếu được sử dụng để đối phó với các cuộc không chiến khả thi.

Phi cơ J-10 có tầm bay tương đối ngắn, vì vậy bên trong đã treo thêm 2 bình nhiên liệu phụ để tăng cường tầm bay. 

Trước đây, phi cơ J-10 chủ yếu xuất hiện trên không phận eo biển Đài Loan, do khả năng hạn chế, nên chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ phòng không, ngăn chặn phi cơ Đài Loan tấn công các mục tiêu ven biển tỉnh Phúc Kiến.

Phi cơ J-10 cũng có thể tham gia nhiệm vụ hộ tống cho đội tàu đổ bộ của quân đội Trung Quốc, nhưng một khi bỏ bình nhiên liệu phụ để chuẩn bị tham gia không chiến, thời gian bay sẽ bị hạn chế.

Trong video được Bắc Kinh công bố, khó có thể xác định chính xác chiến đấu cơ J-11, và theo ông Thẩm, trước đây loại này cũng rất ít xuất hiện trên không phận eo biển Đài Loan. 

Số lượng phi cơ J-11/Su-27 của không quân Trung Quốc đang giảm, ước tính sẽ không còn tiếp tục được sản xuất. Lữ đoàn J-11 duy nhất của khu vực chiến đấu phía Đông được khai triển tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, cách Đài Loan khá xa.

Video được Bắc Kinh công bố cũng có hình ảnh của J-20, nhưng không có cảnh hiển thị vũ khí mang theo, không thể xác định liệu đó có phải là video ngày 14 tháng 10 hay chỉ là video cũ được sử dụng lại.

Sự khác biệt về khả năng mang vũ khí của chiến đấu cơ Trung-Mỹ

Nhà bình luận Thẩm Chu cho hay, chiến đấu cơ của Trung Quốc cố tình thể hiện khả năng mang vũ khí thật, nhưng số lượng vũ khí lại chênh lệch lớn so với quân đội Mỹ; khả năng mang vũ khí của phi cơ ném bom hoàn toàn không cùng cấp độ, khả năng không kích kém xa. Nếu so sánh chiến đấu cơ, video diễn tập của Trung Quốc thật sự gây xấu hổ.

Chiến đấu cơ F-15 của quân đội Mỹ ban đầu được thiết kế như một chiến đấu cơ ưu thế trên không, sau đó họ đã phát triển thêm phiên bản đa năng F-15E, có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí không đối không, không đối đất và không đối hạm. 

Trong chế độ chiến đấu hoàn toàn, F-15 có thể mang theo 8 quả hoả tiễn không đối không AIM-120. Hiện tại, quân đội Mỹ có 219 phi cơ F-15E và khoảng 200 phi cơ F-15A/C đang hoạt động. 

Phiên bản mới nhất F-15EX có khả năng mang vũ khí còn lớn hơn, trong chế độ không chiến, có thể mang theo 12 quả hoả tiễn không đối không AIM-120.

Ông Thẩm chỉ ra rằng, khả năng mang vũ khí của J-16 hoặc Su-30 của quân đội Trung Quốc được trình bày trong các cuộc diễn tập tỏ ra có sự chênh lệch rõ rệt khi so với F-15 của quân đội Mỹ.

Chiến đấu cơ F-16 của quân đội Mỹ có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí không đối không, không đối đất và không đối hạm; trong chế độ không chiến hoàn toàn, nó có thể mang theo 6 quả hoả tiễn không đối không AIM-120.

Theo ông Thẩm, khả năng mang vũ khí của chiến đấu cơ Trung Quốc cũng khó có thể so sánh với F-16 của quân đội Mỹ; không quân Trung Quốc gặp khó khăn trong việc phát triển khả năng ném bom chiến thuật đa năng.

Chiến đấu cơ F-35 của quân đội Mỹ có khoang vũ khí nội bộ có thể mang theo 4 quả hoả tiễn không đối không, hoặc có thể mang 2 quả không đối không và 1 quả không đối đất hoặc bom dẫn đường chính xác; khi không cần chế độ tàng hình, 6 điểm treo bên ngoài có thể mang theo các loại vũ khí khác nhau. Phi cơ J-20 của Trung Quốc vẫn chưa thể hiện khả năng tương tự.

Nhà bình luận Thẩm Chu cho hay, một sự khác biệt lớn khác giữa chiến đấu cơ Trung-Mỹ là quân đội Mỹ thường thực hiện các cuộc không kích vào ban đêm, trong khi chiến đấu cơ của Trung Quốc lại không thích ứng với chiến đấu ban đêm.

Theo thông tin do quân đội Đài Loan công bố, Bắc Kinh đã điều động tổng cộng 47 chiến đấu cơ chính và phụ trong khu vực eo biển Đài Loan, trong đó có 28 phi cơ vượt qua đường trung tuyến eo biển, bắt đầu từ 5 giờ 02 phút sáng và kết thúc vào 20 giờ 57 phút tối theo giờ địa phương.

Trong khu vực phía tây nam Đài Loan, có 41 chiến đấu cơ chính và phụ được điều động, bắt đầu từ 6 giờ 43 phút sáng và kết thúc vào 18 giờ 14 phút tối theo giờ địa phương.

Tại khu vực phía nam Đài Loan, có 8 chiến đấu cơ chính và phụ được điều động, bắt đầu từ 7 giờ 41 phút sáng và kết thúc vào 13 giờ 41 phút chiều.

Trong khu vực phía đông Đài Loan, có 42 chiến đấu cơ chính và phụ được điều động, bắt đầu từ 5 giờ 16 phút sáng và kết thúc vào 17 giờ 31 phút chiều.

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ở khu vực phía đông nam Đài Loan được cho là đã điều động 9 chiến đấu cơ chính và trực thăng, bắt đầu từ 5 giờ 20 phút sáng và kết thúc vào 18 giờ 22 phút tối.

Cuối cùng, ở khu vực phía bắc Đài Loan, có 6 chiến đấu cơ phụ được điều động, bắt đầu từ 5 giờ 02 phút sáng và kết thúc vào 18 giờ 34 phút tối.

Chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc không hoạt động vào ban đêm và thường ít thực hiện các cuộc tập huấn tương tự. Lần này, 153 phi cơ được điều động, tương đương với khoảng 4 lữ đoàn, ước tính rằng hơn một nửa lực lượng không quân chủ lực của chiến khu phía Đông đã được huy động, gần như đạt đến giới hạn hoạt động của các sân bay ven biển của Trung Quốc. 

Theo ông Thẩm, sau một ngày bận rộn, có lẽ vào ban đêm Trung Quốc cũng không có đủ nhân viên kỹ thuật mặt đất để thực hiện các hoạt động liên tục.

Hàng không mẫu hạm Trung Quốc tham gia để tăng cường sức mạnh

Để tăng cường tuyên truyền cho các cuộc diễn tập quân sự quanh Đài Loan, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc đã di chuyển đến khu vực phía đông Đài Loan vào ngày 14 tháng 10, và trên đó đã thực hiện các chuyến cất cánh và hạ cánh của chiến đấu cơ J-15 và trực thăng. 

Tuy nhiên, quân đội Đài Loan sau đó đã công bố hình ảnh phi cơ F-16 khóa mục tiêu vào J-15, khiến quân đội Trung Quốc lại một lần nữa rơi vào thế khó xử.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo rằng vào ngày hôm đó, tàu hộ tống của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh chỉ có duy nhất 1 tàu khu trục lớp 055. 

Có lẽ do hạn chế về nhiên liệu, các tàu hộ tống khác chỉ có thể quay về cùng với tàu tiếp tế, hoặc các tàu hộ tống khác phải đi về để hộ tống tàu tiếp tế khác, không thể đồng hành cùng tàu Liêu Ninh.

Theo ông Thẩm, hàng không mẫu hạm Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập chủ yếu chỉ để tăng cường số lượng, trong khi phi cơ J-15 thiếu khả năng tấn công không kích, chủ yếu chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không ngắn hạn. 

Việc Bắc Kinh đưa hàng không mẫu hạm đến khu vực phía đông Đài Loan không có nhiều ý nghĩa thực chiến, mà ngược lại, tàu này lại có thể trở thành mục tiêu. 

Trước đó, phim tuyên truyền của quân đội Trung Quốc mang tên “Tôi luyện” (淬火) đã thừa nhận rằng, khả năng radar, phòng không và tác chiến điện tử của hải quân Trung Quốc là không đủ, tự mình còn khó bảo vệ, huống chi là bảo vệ hàng không mẫu hạm.

Lực lượng hoả tiễn Trung Quốc được cho là đã phóng 2 quả hoả tiễn vào đất liền. Nhà bình luận Thẩm Chu cho hay, video diễn tập do Bắc Kinh công bố chứng minh rằng, khả năng không kích của không quân Trung Quốc thực sự rất hạn chế, chỉ có thể chủ yếu dựa vào hoả tiễn tầm ngắn và pháo phản lực tầm xa; nhưng gần đây, Iran đã sử dụng 200 hoả tiễn tấn công Israel với hiệu quả rất hạn chế; quân đội Nga đã phóng hàng chục nghìn hoả tiễn nhưng vẫn không đánh bại được Ukraina. 

Theo ông Thẩm, chính quyền Trung Quốc có lẽ luôn thiếu tự tin trong việc tấn công Đài Loan, và các cuộc diễn tập quanh Đài Loan chỉ mang tính biểu diễn.