Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Năm 286 TCN, nước Tề đã diệt nước Tống, quân vương của nước Tề là Tề Mẫn vương ngày càng kiêu ngạo, thế lực nước Tề càng ngày càng hưng thịnh (1), tuy nhiên mặt trời có lúc mọc lúc lặn, trăng khi đầy khi vơi, quốc lực lớn mạnh nhưng tiềm ẩn mối hoạ loạn lạc, rất nhanh sau đó, nước Tề lâm vào đại hoạ vong quốc. Đại hoạ này sản sinh như thế nào, nước Tề có cơ hội thay đổi cục diện hay không?

Cái hoạ vong quốc của nước Tề bắt đầu từ Yên Dịch vương. Phụ thân của Yên Dịch vương là Yên Văn công, chính là người coi trọng Tô Tần từ sớm. Vào năm Tô Tần còn nắm ấn tướng sáu nước – tức năm 333 TCN, Yên Văn công bệnh chết. Sau khi Yên Văn công chết, Yên Dịch vương kế vị và làm vua 12 năm.

Tô Tần vong ơn phụ nghĩa, hắn đã thông gian với mẹ của Yên Dịch vương. Yên Dịch vương sau khi biết chuyện, ông không những không trừng phạt Tô Tần mà giả câm giả điếc. Tô Tần cảm thấy trong tâm hổ thẹn, thế là hắn đã làm hai việc. Việc thứ nhất: kết giao với Tướng quốc nước Yên là Tử Chi, việc thứ hai là chạy đến nước Tề và sau đó chết ở Tề.

Lại nói, Tô Tần kết thông gia với Tướng quốc nước Yên là Tử Chi, đồng thời em trai của y là Tô Đại cũng kết giao hảo bằng hữu với Tử Chi. Tử Chi là một người rất có dã tâm. Sau khi Yên Dịch vương tạ thế, con trai của ông là Yên vương Khoái lập tức kế vị.

Khi Yên vương Khoái kế vị được ba năm, có một lần Tô Đại đi sứ từ nước Tề trở về, Yên vương hỏi ông: “Ngươi cảm thấy tiền đồ phát triển của nước Tề như thế nào?”. Tô Đại đáp: “Tôi cảm thấy nước Tề không thể xưng bá”. Yên vương hỏi tiếp tại sao, thế là Tô Đại đáp: “Tề vương tuy tín nhiệm Mạnh Thường Quân, nhưng lại không trọng dụng ông ấy, không thể đem hết trọng trách giao cho Mạnh Thường Quân”.

Yên vương hỏi thêm: “Nước chúng ta có nhân tài như Mạnh Thường Quân không?”. Tô Đại nói: “Là có. Chính là nhân tài như Tướng quốc Tử Chi”. Thế là Yên vương Khoái đem tất cả việc chính trị quốc gia giao cho Tử Chi xử lý.

Tử Chi nghe nói Tô Đại nói lời tốt cho ông ta, bèn thưởng cho Tô Đại 100 cân vàng, gọi là chút tiền coi như tạ lễ.

Thủ hạ của Yên vương còn có một vị đại thần tên là Lộc Mao Thọ. Lộc Mao Thọ cũng cùng một hạng với Tử Chi. Có một lần Lộc Mao Thọ nói với Yên vương: “Vì sao quân vương cổ đại đều nguyện ý xưng tụng vua Nghiêu, vua Thuấn? Bởi vì Nghiêu và Thuấn là nhường ngôi (2), họ lấy vương vị nhường cho người khác chứ không phải nhường cho con trai của họ. Khi đó Nghiêu ban đầu muốn lấy thiên hạ nhường cho thầy của mình là Hứa Do, nhưng Hứa Do không nhận. Nghiêu không những có được mỹ đức mỹ danh là nhường thiên hạ, mà còn vì mỹ đức ấy nên giữ được thiên hạ”.

Lộc Mao Thọ nói thêm: “Ngài hiện tại hãy thử đem quốc gia nhường cho Tử Chi xem, thần cho rằng Tử Chi không dám nhận, như thế ngài vừa có mỹ danh mỹ đức nhường ngôi lại còn không bị mất nước”. Yên vương Khoái thật sự hồ đồ, ông cứ thế mà nghe theo. Ông lấy ngôi vị nhượng cho Tử Chi, Tử Chi tiếp nhận mà không hề biết ngượng.

Yên vương Khoái rất lười biếng, ông không muốn xử lý việc chính sự, trái lại chỉ muốn làm đại thần. Việc chính sự nước Yên nghiễm nhiên rơi vào tay Tử Chi. Ba năm sau nước Yên gặp đại loạn, nhiều người vẫn nghĩ rằng Yên vương Khoái vốn dĩ sẽ chọn Thái tử Bình kế vị.

Tử Chi cảm thấy bản thân điều hành quốc sự không tốt, mọi người sắp sửa làm loạn vì Thái tử còn sống. Do đó y bèn phái người đi giết Thái tử, từ đó sự bất mãn của quan dân trăm họ đối với Tử Chi càng ngày càng kịch liệt.

Khi Nghiêu, Thuấn nhường ngôi không phải ngay lập tức truyền cho cá nhân nào đó, mà là phải qua một phen khảo nghiệm, lại qua một phen dẫn dắt. Phải chứng minh được người này, thứ nhất rất có đạo đức, thứ hai có trí huệ và năng lực kinh bang tế thế, sau đó mới nhường ngôi. Khi đó con của vua Nghiêu là Đan Chu, phẩm chất đạo đức không đủ tốt nên Nghiêu mới đem đế vị truyền cho Thuấn.

Sau khi Nghiêu băng hà, Thuấn ở ẩn tại Nam Hà, ông muốn lấy thiên hạ nhường lại cho con của Nghiêu là Đan Chu, nhưng kết quả là người thời đó hễ muốn làm quan, đều tìm Thuấn để phân xử; chư hầu khi đến triều kiến, đều đến chỗ Thuấn để triều kiến; thiên hạ có việc gì đều tìm đến Thuấn. Sau ba năm, Thuấn thấy lòng người trong thiên hạ đều hướng về ông nên mới đăng cơ đế vị.

Sau khi Thuấn băng hà, Vũ (tức vua Đại Vũ) cũng không lập tức kế vị, ông muốn đưa đế vị cho con của Thuấn là Thương Quân, còn bản thân Vũ lánh cư ở Dương Thành. Sau này bách tính đối với Vũ cũng như đối với Thuấn năm xưa, chư hầu triều kiến đều tìm đến Vũ, Vũ mới đăng cơ đế vị.

Năm đó Vũ cũng chuẩn bị nhường ngôi, người sẽ tiếp nối Vũ là Cao Đào, Vũ sẽ đem chính trị quốc gia dần giao cấp cho Cao Đào. Kết quả Cao Đào chết trước khi Vũ băng hà, thế là Vũ chọn người nối ngôi khác, người này gọi là Bá Ích. Bá Ích vừa được chọn kế vị không lâu thì Vũ đã băng hà.

Bá Ích, người vừa mới chỉ định kế vị, về đức hạnh không quá cao, về tiếng tăm cũng không quá lớn, mà Khải con của Vũ là một người rất hiền minh, cho nên bách tính nguyện ý tìm đến Khải, hơn nữa nói đây lại là con của quốc vương, cho nên đến đây là kết thúc lịch sử của việc nhường ngôi. Từ đó bắt đầu vương triều đầu tiên của Trung Quốc, chính là Triều Hạ.

Quay lại vấn đề nhường ngôi ở nước Yên, Tử Chi không phải là người có đạo đức, ông không những không khước từ thiên hạ mà còn phái người đi giết cả con trai của quốc vương. Thái tử Bình lưu vong đến nước Tề. Tề vương đã giúp đỡ hỗ trợ Thái tử Bình, ông nói sẽ giúp thái tử khôi phục lại vương vị. Lần đầu, Thái tử Bình và tướng quân Thị Bị (ở nước Yên) bắt đầu dẫn binh tiến đánh Tử Chi, hai bên giao chiến…

Có vài vạn người chết trong trận chiến. Ban đầu Thị Bị cùng với Thái tử Bình đi đánh Tử Chi nhưng sau đó ông lại quay ngược lại đánh Thái tử Bình. Đến lúc này, nước Tề mới phái đại tướng quân Khuông Chương đến giúp Cơ Bình (Thái tử Bình).

Khi đại quân đến nước Yên, bách tính nước Yên không những không lên thành chống trả, mà còn mở rộng cửa thành để nghênh tiếp quân binh, cho nên quân đội nước Tề không phải lưu lại đóng quân mà là xông thẳng một mạch, rất nhanh đã công chiếm được đô thành của nước Yên. Khi đó Yên vương Khoái – chính là người đem vương vị nhường ngôi cho kẻ khác – ông đã treo cổ tự sát. Phản thần Tử Chi dẫn quân kháng cự, kết quả bị tóm gọn, bị quân binh băm nát như tương.

Sau khi quân đội nước Tề tiến vào đô thành nước Yên, đã phá huỷ tông miếu nước Yên, lấy bảo vật của nước Yên đem về nước Tề. Khi đó thái tử Cơ Bình của nước Yên rất oán hận, bởi vì như vậy tương đương với vong quốc, ông phát hịch văn bố cáo thiên hạ nói: “Hiện tại, ta muốn kế thừa vương vị của nước Yên”. Kết quả quan dân bách tính nghe nói Thái tử Bình muốn kế vị, tất cả các thành từng bị quân Tề chiếm đóng lập tức chống lại nước Tề, quay trở lại với nước Yên.

Cuối cùng, nước Tề hễ thấy tình hình quân như vậy, biết là không thể lưu lại nước Yên, bèn thu quân trở về. Sau khi quân Tề rút binh, thái tử nước Yên – Cơ Bình kế thừa vương vị nước Yên, đây chính là Yên Chiêu vương rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Nguyên xưa.

Lời bạch: Yên vương Khoái ngưỡng mộ Nghiêu – Thuấn nhường ngôi, đem vương vị giao cho Tử Chi, dẫn đến nội loạn sau đó, tử vong mấy vạn người. Năm 314 TCN, Tề vương xuất quân diệt nước Yên, Yên vương Khoái muốn học Nghiêu – Thuấn nhưng chết ở chiến loạn, Tử Chi muốn ‘học đòi’ làm Thuấn – Vũ nhưng bị chết thảm. Việc nhường ngôi vì sao thất bại ở nước Yên?

Yên vương Khoái nhường ngôi bởi vì… sai thời đại. Thời Nghiêu – Thuấn, đạo đức tổng thể của con người rất cao thượng. Thêm một nguyên nhân nữa là, thời đó quân vương sinh sống trong hoàn cảnh rất gian khổ, hầu như không có hưởng thụ, chỉ có trách nhiệm.

Lật lại sách sử, chúng ta sẽ thấy thời kỳ Nghiêu – Thuấn đều là xử lý việc đại sự trong lều cỏ, đến thời Vũ cũng là thành luỹ bậc thềm đều là đất đắp. Khi Đại Vũ trị thuỷ, trong vòng 9 năm, 3 lần ông qua cửa nhà mình nhưng không vào, cả ngày hầu như ông ngâm mình trong nước, những sợi lông chân đều rụng hết… cho nên quân vương thời đó vô cùng gian khổ; ngoài ra họ thực sự là những bậc đế vương có trí huệ, ôm ấp trong lòng chí lớn và trị lý thiên hạ.

Nghiêu và Thuấn được xưng là ‘Đế’ (帝). Thế nào là Đế? Chỉ có người có ‘Thần tính’ mới có thể gọi là Đế. Nghiêu và Thuấn đều là Đế vương ‘trên hợp Thiên tượng, dưới ứng dân tâm’, vô cùng hiền đức.

Đến thời Chiến Quốc đã là thời kỳ ‘cá lớn nuốt cá bé’: Tam gia phân Tấn, họ Điền thay Tề, đại thần giết vua soán vị thời Xuân Thu… thời Chiến Quốc đã thường phát sinh những chuyện phức tạp như vậy. Thời này mà còn nghĩ đến việc nhường vương vị, như vậy khẳng định sẽ có rất nhiều người, hoặc là mua danh chuộc tiếng, hoặc là dựa vào bạo lực tranh đoạt quyền hành, đây căn bản không phải thời đại thích hợp để nhường ngôi. Khi đạo đức con người đi về phía bại hoại, nhường ngôi đã không còn là lựa chọn thích hợp nữa.

Nhường ngôi thất bại còn có một nguyên nhân nữa, đó là phó thác nhầm người. Người như Tử Chi: Tô Đại nói lời tốt cho ông ta, ông ta đưa cho Tô Đại tiền; Tử Chi cho rằng bách tính hướng về Thái tử Bình, thế là ông ta muốn truy sát thái tử; Tử Chi không phải là người thực sự có đạo đức, tại vị chỉ ba năm nhưng đem lại đại loạn, đại họa cho nước Yên.

Còn có một nguyên nhân nữa, chính là thuở xưa Nghiêu – Thuấn đều là người đại trí huệ, còn Yên vương Khoái nói rõ ra là một người xuẩn ngốc, qua sự việc ông ta chọn Tử Chi là thấy được nhãn quan sai lầm rồi. Ông ta nhường ngôi là muốn có được uy vọng như vua Nghiêu – Thuấn, nhưng ông ta lại lười xử lý việc triều chính nên mới đem vương vị giao cho Tử Chi.

Do Yên vương Khoái đã tự sát, vương vị thì nhường cho người khác cho tên thuỵ hiệu (tên thuỵ – tên sau khi chết) cũng không có, và sau khi chết sử sách cũng không có bất cứ tổng kết nào về cuộc đời của ông.

Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch

Chú thích:

(1) Nguyên gốc là Như nhật trung thiên 如日中天, như trời giữa trưa, hưng thịnh.

(2) Nguyên gốc là Thiện nhượng 禪讓: nhường ngôi.