Sắp tới ngày ông Công ông Táo. Sáng nay Ông nội bảo năm nay cả nhà sẽ lại đón giao thừa, đón Tết ở quê. Cu Bi sung sướng, háo hức. Cho đến giờ, ấn tượng về lần đón Tết ở quê năm ngoái vãn còn in đậm trong đầu cậu. Nhớ năm ngoái, khi Ông nội thông báo về quê đón Tết, cu Bi không hiểu đón Tết ở quê thì khác gì với đón Tết ở Hà Nội, tỏ vẻ phụng phịu không muốn đi. Ông nội bảo Bi cứ về khắc biết.
Sáng 29 tháng Chạp năm ngoái, cả nhà về đến quê. Ông nội kéo Bi vào cùng mọi người gói bánh. Bi lạ lắm, hóa ra cái bánh chưng Bi vẫn ăn ngày Tết lại vốn được chuẩn bị công phu, cầu kỳ đến thế. Bi bảo Ông nội: Bánh làm mất công vậy mà trước đây cháu toàn bỏ thừa, giờ thấy tiếc, phụ công người làm quá ông ạ.
Ông nội cười bảo Bi: Bi biết vậy là tốt. Bánh chưng vốn là loại bánh tượng trưng cho Trời, là tấm lòng của chúng ta gửi tới Trời đất, ông bà tổ tiên, vậy nên gạo thịt phải là thứ gạo thịt ngon nhất trong nhà có. Tối nay sẽ luộc bánh chưng. Tối hôm đó, bên nồi bánh chưng, Bi được Ông nội kể cho nghe sự tích bánh chưng bánh dày. Tảng sáng, cu cậu lăn ra ngủ, thi thoảng lại mỉm cười. Mùi bánh chưng thơm vẫn quẩn mãi trong giấc mơ của cu cậu.
Sáng sớm, Ông nội lôi cu cậu đi chợ chọn cành đào. Lần đầu tiên trong đời, cậu được đi chợ Tết ở quê, đâu đâu cũng nhộn nhịp, màu đỏ hoa đào hòa lẫn màu vàng hoa mai. Bi bảo Ông nội: chợ Tết ở quê vui hơn chợ Tết Hà Nội, cái gì cũng có.
Ông bảo hoa đào là hoa tết truyền thống của ngoài Bắc, hoa mai vàng là của miền Nam, nhưng giờ ngoài Bắc cũng chơi mai vàng, ai thích gì mua đấy. Bi hỏi ông: sao mỗi nhà không trồng hoa chơi Tết mà lại phải đi mua, cây hoa đẹp vậy sao lại chặt bán, phí quá. Câu nói của con trẻ khiến Ông nội trầm ngâm giây lát. Biết trả lời thế nào.
Chậu đào thế được đặt giữa sân gạch đỏ, lộng lẫy. Ông nội bảo mọi người: Năm nay mua cây đào này, hết Tết nhớ chăm sóc tốt, sang năm lại chơi hoa, không mua cành đào nữa. Bi nhìn Ông cười. Cây đào thế là kết quả có hậu của câu chuyện mà chỉ có Ông nội và Bi biết.
Đêm giao thừa. Bi hỏi Ông: cháu thấy bảo trước kia có pháo hả ông? Tối nay có pháo không ông? Ông ngẩn người rồi cười buồn. Ừ nhỉ? Vậy là một nét văn hóa truyền thống cả ngàn năm đã bị con người ngày nay loại bỏ. Không quản được thì bỏ, con người ta bất lực như vậy.
12 giờ đêm. Pháo hoa trong ti-vi nổ ròn rã, ai đó mở băng đĩa tiếng pháo nổ. Trong nhà, mùi hương trầm dù thơm thoang thoảng vẫn không lấp nổi cảm giác thiêu thiếu bởi thiếu vắng mùi pháo năm nào. Bi cũng đứng chắp tay, thi thoảng lại liếc nhìn ông nội đang thành kính chắp tay trước bàn thờ tổ. Trong lòng cậu trào lên một cảm giác rất lạ…
Ông nội đưa cho Bi phong bao lì xì với lời chúc ngoan, khỏe, học giỏi. Bi hỏi ông nội: sao ông nội không chúc Bi khỏe trước? Ông bảo: người ngoan là người có cái tâm tốt. Tâm phải tốt đã vì tâm là gốc con người. Sức khỏe quan trọng nhưng chỉ đứng sau ngoan thôi. Bi không nói gì. Không hiểu cu cậu có hiểu lời nhắn nhủ của ông không.
Sau bữa sáng Mồng 1, đợi đến đầu chiều, ông nội dắt Bi đi chúc tết các nhà hàng xóm. Bi lạ lẫm khi đi đến đâu ông và mọi người cũng chúc nhau một câu y như nhau: chúc ông bà sức khỏe, làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái. Bi thì thào hỏi ông: lãi gấp 5, gấp 10 thì nhiều quá ông nhỉ? Ông cười nói nhỏ: Nhiều mà. Ta nên mong nhiều thứ tốt đẹp cho người khác cháu ạ.
Ba ngày Tết ở quê, Bi được ông dắt đi hết cả làng, biết thêm được nhiều người. Cu cậu không nghĩ rằng ngày Tết ở quê lại vui và ấm áp như vậy. Quê khác Hà Nội quá. Nơi cu cậu ở từ nhỏ, có ngôi nhà đối diện cậu còn chưa sang chơi bao giờ. Cậu tự hỏi, sao người Hà Nội không đi thăm hàng xóm như người ở quê…
Chiều mồng 3 Tết, cả nhà lại ra Hà Nội. Cu cậu còn quay đầu nhìn mãi. “Ông ơi, sang năm, ông lại cho cháu về quê đón Tết nhé, cháu thích Tết ở quê lắm”. Cậu tóm tay ông, thủ thỉ.
“Ừ, sang năm, ta lại về quê…”. Ông nội nhủ thầm rồi chợt trầm ngâm. “Liệu mình còn về quê được bao lần nữa….”.
Đăng An