Đã gần 6 năm thấm thoắt trôi qua, nhưng chẳng ai quên được cái khung cảnh hỗn độn và đầy tang thương của đêm hôm 23/12/2011 – cái đêm mà bé gái Đặng Ngọc Thanh Tâm (3,5 tuổi) đã trút hơi thở cuối cùng vì kiệt sức, sau 8 tiếng chống chọi với cơn đau từ 46 mũi nọc độc của bầy ong hung dữ khi xả thân cứu em. Cô bé dũng cảm ấy được xóm làng gọi bằng cái tên thân thương: “Cô bé Thiên sứ”.

6 năm qua đi, mộ phần “Cô bé Thiên sứ” có lẽ cũng đã phủ rêu xanh. Nhưng ai nấy cũng đều cảm thấy xót xa và tiếc thương cho cô bé đoản mệnh năm nào. Mãi đến tận bây giờ, chị Lê Thị Hồng Chi (mẹ của Tâm và Đạt) vẫn không thể cầm được nước mắt mỗi khi kể về con gái đã mất của mình. Sự việc như mới vừa xảy ra hôm qua và nỗi đau của người làm cha mẹ khi mất đi đứa con yêu thương vẫn chưa vơi đi…

Buổi chiều định mệnh…

Người mẹ trẻ vẫn nhớ như in từng chi tiết đã xảy ra vào cái ngày định mệnh ấy. Đó là vào buổi trưa ngày 23/12/2011, chị ôm con trai út là bé Đặng Tấn Đạt (1 tuổi) ra chiếc võng trước sân nằm cho mát mẻ.

“Như mọi hôm, do trong nhà nóng nực nên tôi mắc võng ở ngoài sân, dưới một gốc gây to để bé Đạt nằm ngủ rồi đưa con gái lớn đang học lớp 4 đến trường. Tôi chưa kịp dặn dò thì bé Tâm đã nói: ‘Mẹ cứ đưa chị đi học đi, con ở nhà trông em’. Tôi đi khoảng 5 phút trở về thì chứng kiến cảnh tượng hãi hùng”, chị Tâm kể. Đó là lần cuối cùng chị nhìn thấy nụ cười của con gái.

1_HZHE.jpg
Chị Chi và bé Đạt (ảnh: Báo Pháp luật).

“Chạy đi Đạt ơi…”

Đó là câu nói của con gái ám ảnh chị Hồng Chi mãi cho đến tận bây giờ. Giờ đây khi kể lại, chị vẫn chưa hết bàng hoàng:

“Tôi vừa ra khỏi ngõ một chút, đã nghe tiếng các con mình kêu khóc, tôi liền vội chạy vào. Rất nhiều ong vò vẽ vây quanh hai con tôi. Bé Tâm đang lấy thân mình che chở và ôm lấy em trai, kêu lên thất thanh: “Chạy đi Đạt ơi…!”. Tôi điếng người, một tay ôm hai con, một tay gỡ mấy con ong đang chui vào mớ tóc của Tâm. Lúc đó, con bé vẫn không than đau mà chỉ nói: ‘Mẹ ơi, ong đánh con và em Đạt. Mẹ cứu em Đạt với’. Tôi ôm hai đứa chạy được chừng 10 mét thì bầy ong thôi không đuổi theo nữa”, người mẹ nức nở.

Nguyên nhân khiến bầy ong vỡ tổ sau đó được xác định là một nhánh cây nơi bầy ong làm tổ bị gió thổi gãy rơi xuống đất. Vị trí tổ ong cách giá võng chưa đầy 10 bước chân.

Có lẽ vì muốn ôm em chạy nhưng không đủ sức, nên bé Tâm đã dùng tấm thân bé nhỏ của mình làm lá chắn cho em trai. Trong giờ phút đầy cấp bách ấy, chị Chi rất muốn cứu hai con nhưng vì quá hoảng loạn và chồng đang đi công tác xa, chị chỉ biết kêu cứu với những người hàng xóm thân thuộc. Sau khi bầy ong bay đi, và hai em được đưa vào nhà, cơ thể của Tâm và Đạt đã có dấu hiệu sốt cao, nóng bừng như lò lửa. Đến khoảng 13h30 cùng ngày, mọi người nhanh chóng đưa hai đứa bé đến bệnh viện thị xã Bà Rịa cấp cứu.

Chiều 14h cùng ngày, khi đang làm việc, anh Thành (ba của bé Tâm và Đạt) nhận được điện thoại của vợ từ di động của người thợ cùng làm (vì điện thoại anh bị hỏng). Trong điện thoại, chị Chi chỉ nói được mấy câu: “Anh ơi về nhanh lên. Hai con mình bị ong đốt nặng lắm…” rồi khóc nấc. Anh Thành, thấy vậy, ngay lập tức mượn xe máy của bạn thợ cùng làm, tức tốc lái xe về nhà.

Hy vọng mong manh

3_eebu.jpg
Cây có tổ ong tấn công hai chị em (ảnh: Báo Pháp luật).

Tại bệnh viện đa khoa thị xã Bà Rịa, các bác sĩ ghi nhận bé Tâm bị 46 vết ong đốt chủ yếu ở vùng đầu và lưng, còn bé Đạt bị gần 30 vết ở tay và một ít ở vùng đầu. Cả hai chị em đều trong tình trạng nguy kịch vì nhiễm độc nặng. Lúc anh Thành vào tới nơi, bé Tâm vẫn còn khá tỉnh táo, vẫn biết gọi ba, gọi mẹ và nói chuyện như mọi ngày. Nhưng anh Thành cứ bồn chồn, lo lắng, không yên tâm. Anh hỏi bác sỹ điều trị trực tiếp cho bé Tâm thì nhận được câu trả lời: “Không sao đâu! Tình trạng của cháu rất ổn định. Gia đình cứ yên tâm!”.

Nhưng đến gần 20h cùng ngày thì bé Tâm có những biểu hiện bất thường. Mặt cháu, nhất là hai mắt sưng mọng lên, tím tái. Kèm theo đó là cháu bắt đầu nôn mửa không ngừng. Hốt hoảng, anh Thành kêu cứu lên bác sỹ điều trị trực ca đêm hôm ấy. Sau khoảng hơn 1 tiếng hội ý, kiểm tra, bác sỹ quyết định đưa cả hai bé Tâm và Đạt chuyển viện vào bệnh viện Nhi Đồng II (TP.HCM).

Đoạn đường gần 100 cây số trở nên dài lê thê và bất tận, cộng thêm khoảng thời gian bị tắc đường, khiến sự sống hai con của chị Chi càng trở nên mong manh hơn. Và do sức khỏe của bé Tâm vốn rất yếu, lại không được chẩn đoán, điều trị chu đáo ngay từ giai đoạn đầu, bé đã tử vong ngay trên đường vào TP.HCM, khi chỉ còn cách cổng bệnh viện chừng 100m.

Chị Chi đau đớn nhớ lại những giây phút cuối cùng, khi đang trên xe cấp cứu, bé Tâm bất chợt mở mắt, người mẹ nắm vội bàn tay bé nhỏ của con và cổ vũ bé hãy cố lên. Nhưng khi cánh cửa xe hé mở cũng là lúc Tâm gọi mẹ lần cuối: “Mẹ ơi, mẹ ơi!” rồi ngừng thở, cánh tay em rơi ra khỏi bàn tay mẹ. Người mẹ trẻ như chết lặng với những gì đã xảy ra, con gái mất và con trai thì trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Chị Chi phải nhờ người em gái ở lại bệnh viện túc trực bên Đạt, rồi đưa con gái về làm đám tang.

Xót thương cho hoàn cảnh của chị Chi, đêm ấy, hàng trăm người đã đi xe máy vượt đoạn đường dài để tiễn bé Tâm về nơi an nghỉ cuối cùng. Lúc lập bàn thờ cho con, người mẹ mới kịp nhớ con không có một tấm hình nào để làm ảnh thờ. May mắn thay, người dì của bé xem lại trong điện thoại mới tìm được một tấm ảnh nhòe mờ, nên in ra làm di ảnh.

Anh Thành và chị Chi bấy giờ chưa có nhà riêng nên phải sống nhờ trên đất bà ngoại, vì thế bàn thờ của bé Tâm cũng phải đặt nhờ ở nhà bà ngoại. Cả gia đình sống nhờ tiền công lao động của Thành. Mất đi một đứa con, một đứa còn lại đang không biết sống chết thế nào, tang thương tràn ngập nhà của hai vợ chồng trẻ.

Kể từ ngày Tâm đi mãi không về nữa, bà ngoại vì quá thương nhớ đứa cháu gái ngoan mà cũng đổ bệnh nặng phải nằm liệt giường. Còn vợ chồng chị Chi và anh Đặng Thành (34 tuổi, ba của Tâm) vẫn chưa thể nguôi ngoai sau nỗi đau mất con. 

2_ylyl.jpg
Phần mộ bé Tâm (ảnh: Báo Pháp luật).

Như một phép màu xua tan đi nỗi đau cho gia đình chị Chi, sau hơn nửa tháng lọc máu trong phòng cách ly, bé Đạt dần hồi phục và được xuất viện.

“Chị em nó dù đã hai thế giới khác nhau nhưng vẫn như có thần giao cách cảm khiến vợ chồng tui nhiều lần ngỡ ngàng đến khó tin. Hôm đưa bé Đạt từ bệnh viện về, chồng tui ôm con trên tay. Vừa bước vào nhà, bé Đạt chỉ tay vào tấm di ảnh nhòe của bé Tâm trên bàn thờ. Bé chỉ rất lâu, mãi đến khi có người đốt một cây nhang thắp lên thì bé Đạt chắp hai tay lạy 3 lạy. Cả nhà tui đều giật mình, rồi ai cũng nhìn nhau lặng lẽ rơi nước mắt…”, chị Chi nhớ lại khoảnh khắc khi anh Thành bế Đạt từ viện trở về nhà.

Một lần khác, khi ấy Đạt vừa tròn 3 tuổi, lúc được dì đưa đi ăn sáng, Đạt lại gọi 3 bát hủ tiếu. Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, thì dì và tất cả mọi người trong quán đều phải lạnh sống lưng, khi bé Đạt nhìn về phía chiếc ghế không có người và nói: “Em gọi cho chị đó. Chị ăn ngon nhé. Em thương chị”. Rồi mấy hôm trước đi học về, Đạt bỗng nhiên sà vào lòng mẹ thủ thỉ nhắc chuyện chị vì cứu mình mà mất, bảo thương chị lắm, làm vợ chồng chị Chi thêm nhói lòng và lặng lẽ rơi nước mắt…

Chẳng bao lâu nữa sẽ lại đến đám giỗ lần thứ 6 của bé Tâm, cả gia đình và láng giềng vẫn chưa thể quên đi đau thương khi mất đi cô bé dũng cảm đáng yêu ấy. Tại nạn xảy ra như một lời nhắc nhở, một gậy cảnh tỉnh dành cho các bậc cha mẹ rằng hãy cẩn thận chăm sóc con cái, và các bệnh viện tuyến dưới cần có trách nhiệm hơn khi chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhân. Câu chuyện của em còn để lại cho người còn sống những bài học quý giá về tình người, về tấm lòng thiện lương trong sáng không màng tính mạng bao bọc người thân. Ai nấy đều tin tưởng rằng, ở một nơi xa bé Tâm sẽ rất hạnh phúc, bởi bé đã cứu sống được em trai của mình và dành trọn tấm lòng để yêu thương người khác…

Thu Ngân tổng hợp

Video xem thêm: Trong cuộc đời, điều gì mới là trân quý nhất?

videoinfo__video3.dkn.tv||4f7ddec95__