Nữ đạo diễn Dương Khiết ra đi ở tuổi 88. Sinh thời, tuy làm nên kiệt tác bất hủ, nhưng bà đau đáu với một nỗi đau lớn mang tên Tây Du Ký mà không phải ai cũng biết… Vậy nỗi đau ấy là gì?
Khó khăn không chùn bước chân: Quãng đời làm phim Tây Du Ký cực nhọc không khác gì đi thỉnh kinh
Trên trang cá nhân, Lục Tiểu Linh Đồng đã hồi tưởng về nữ đạo diễn tài năng: “Dương đạo diễn không chỉ là ân sư của tôi mà còn là người dẫn dắt tôi trên con đường nghệ thuật. Không có Tây du ký thì không có Lục Tiểu Linh Đồng ngày hôm nay. Không có Tây du ký thì khán giả không thể thấy tôi đóng Mỹ Hầu Vương trên màn ảnh”.
“Với riêng tôi, Dương Khiết không chỉ là người thầy mà còn là người có ơn lớn. Không có bà, không có Tây du ký, chắc chắn sẽ không có Lục Tiểu Linh Đồng ngày hôm nay. Khán giả mãi mãi không biết đến Mỹ hầu vương do Lục Tiểu Linh Đồng đóng”, ông chia sẻ thêm.
Tây du ký đã tạo nên cơn sốt ở Trung Quốc cùng nhiều nước châu Á. Sau ba thập niên, có nhiều phim đề tài Tây du ký ra đời, song phiên bản của đạo diễn Dương Khiết luôn giữ sức sống mãnh liệt.
Tờ Sina miêu tả đây là “thần kỳ phim truyền hình”, phim để đời của ba thế hệ từ 7x đến 9x, và cả những thế hệ trẻ ngày nay…
Dũng mãnh vượt qua khó khăn, song “Tây Du Ký vẫn là nỗi đau của đời tôi, là tấn bi kịch”, vì sao?
“Dương Khiết, nếu để cô quay Tây du ký, cô có dám nhận không?”, lãnh đạo cấp cao Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc năm 1981 hỏi Dương Khiết. Bất ngờ trước đề nghị đột ngột song hiểu rõ ý nghĩa công việc nên Dương Khiết nhận lời làm phim.
Lúc đó, Nhật Bản đã làm Tây du ký, lãnh đạo đài nói chỉ cần làm hay hơn Nhật Bản là được, nhưng Dương Khiết đáp: “Lãnh đạo, yêu cầu của anh thấp quá”. Và thực tế đúng như vậy, Dương Khiết đã trở thành huyền thoại làng truyền hình Trung Quốc với bộ phim này.
Sức sống mãnh liệt và giấc mơ của hàng triệu triệu tâm hồn, nhưng những thử thách lớn khi làm phim đôi khi vượt sức chịu đựng của bà
Đây là tác phẩm đầu tiên trong Tứ đại danh tác được đưa lên màn ảnh nhỏ, là phim được phát lại nhiều lần nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thời gian cho thấy dù kỹ xảo hạn chế, Tây du ký vẫn có sức sống mãnh liệt, là giấc mơ ngây thơ, bay bổng của hàng triệu tâm hồn.
Trong một talkshow năm 2011, Dương Khiết nói Tây du ký là nỗi đau suốt đời của bà. “Tôi không thấy vẻ vang về Tây du ký. 10 năm sau khi phát sóng lần đầu, tôi không xem nó, bật tivi thấy Tây du ký là tôi tắt”, bà nói. Vì sao?
Nỗi khổ đau thứ nhất: Mâu thuẫn trong đoàn làm phim, bà phải xử lý mâu thuẫn của hàng trăm con người
Nỗi khổ tâm lớn nhất đối với bà là mâu thuẫn với các thành viên đoàn phim, trong đó có mâu thuẫn với các diễn viên chính. “Tôi không biết nên nói thế nào. Đã xảy ra những việc không vui”, bà nói.
Bên cạnh việc xử lý mâu thuẫn với hàng trăm con người, nữ đạo diễn nhọc nhằn vì hàng loạt công việc từ nhỏ đến lớn: chọn diễn viên, tìm nhạc phim, xin kinh phí…
Nỗi khổ đau thứ hai: Bị lãnh đạo nghi ngờ về năng lực
Từng có lúc Dương Khiết bị lãnh đạo nghi ngờ về năng lực, song bà luôn rắn rỏi, quyết liệt để được quyết định các vấn đề về tác phẩm của mình.
Trong một cảnh cháy chùa, đạo diễn muốn đốt cháy cả mô hình chùa lớn còn chủ nhiệm sản xuất muốn đốt… giấy. Cãi nhau lên xuống, lãnh đạo đài buộc phải nghe theo nữ đạo diễn.
Nỗi đau thứ ba: bị hàm oan “Đoàn phim Tây Du Ký lợi dụng cơ hội đi ngao du hưởng thụ khắp nơi”
Vương Sùng Thu kể lại: “Để đóng Tây du ký, đoàn đi khắp mọi miền non nước của tổ quốc. Du lịch lúc đó đâu có như bây giờ, có nơi còn không có nhà nghỉ. Lúc đến núi Thanh Thành, chúng tôi ở một nơi xứng đáng gọi là khu ổ chuột. Chuột ở đấy nhiều lắm, mỗi ngày mọi người đều phải nghe tiếng chuột rục rịch…“.
Nhà quay phim giải thích, mục đích tới nhiều nơi lấy cảnh quay là để những địa danh nổi tiếng Trung Quốc hòa quyện cùng Tây du ký. Nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó, có người nói với lãnh đạo Đài truyền hình: “Đoàn phim Tây du ký lợi dụng cơ hội đi ngao du hưởng thụ khắp nơi”.
Nỗi đau thứ tư: Sự tiếc nuối vì thiếu tiền mà không thể làm Tây Du Ký đẹp hơn
Sinh ra để đạo diễn Tây du ký, cả cuộc đời Dương Khiết đau đáu vì bộ phim. Nữ đạo diễn tiếc nuối vì thiếu tiền, bà không thể làm Tây du ký đẹp hơn.
Kỹ xảo thô sơ, nhiều cảnh quay không được như ý… là điều được bà nhắc đi nhắc lại. Sau 3 thập niên, xung đột trên trường quay cũng như những gian khổ trèo đèo lội suối đều trở thành hồi ức.
Tất cả rồi sẽ trôi đi, chỉ còn lại kỷ niệm thân thương và một mối duyên quá lớn của đời người
Dương Khiết tổng kết quá trình làm phim trong một chương trình truyền hình năm 2004:
“Tôi nhớ hai câu trong bài Nếu đời nỡ dối lừa em của Pushkin: ‘Tất cả chỉ là khoảnh khắc/ Tất cả rồi sẽ trôi đi’. Những thứ trôi đi rồi sẽ trở thành kỷ niệm thân thương. Chúng ta hãy giữ tháng ngày ấy trong tâm hồn, coi đó là những kỷ niệm thân thương nhất. Bởi đó là mối duyên trong cuộc đời”.
Một trong những điều làm nên sự kỳ diệu của bộ phim Tây Du Ký 1986, mà không một bộ phim nào có thể vượt qua, là những bài hát và bản nhạc xuất thần trong phim. Phụ đề tiếng Việt sẽ giúp độc giả thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của nội dung, ca từ và âm nhạc.
1. Mời quý độc giả thưởng thức trường đoạn vô cùng xúc động khi Tôn Ngộ Không bị giam dưới núi Ngũ Hành Sơn: Muốn trở thành ngọn cỏ con, muốn trở thành chim én…
2. Bài hát chính của phim: Xin hỏi đường ở nơi nào
3. Tình Nhi Nữ: Mối tình của Tây Vương Nữ Quốc
4. Gặp gỡ khó, xa càng khó
5. Thổi không tan nỗi sầu này
Đạo diễn Dương Khiết có lẽ đã để lại cho đời một kiệt tác cho các thế hệ khán giả, như đã hoàn tất ý chỉ của Thần, để lại con đường tìm về thiên giới, trở về quê hương đích thực cho con người. Sinh lão bệnh tử là quy luật của đời người. Nhưng sứ mệnh cao cả bà đã hoàn thành, bà có thể mỉm cười thật tươi ở nơi ấy, nơi phiêu diêu tự tại, như trong lời bài hát trong phim:
Muốn trở thành ngọn cỏ con. Phủ xanh đồi hoang bát ngát. Chỉ muốn làm con chim én. Sải cánh bay lượn giữa trời biển. Nào có sợ lửa trời thiêu đốt. Nào có sợ lôi tạc điện chớp. Chỉ cần được tiêu diêu tự tại. Chỉ cần được vui vẻ sảng khoái. Đã biết bao nhiêu năm tháng, thương thấu nỗi niềm riêng. Vì sao mà, vì sao mà Trời lại đành đoạn an bài?
Hà Phương