Theo một thống kê có uy tín nhất của Anh quốc cho biết, trong năm 2014 tổng số tiền người Trung Quốc chi cho các mặt hàng xa xỉ lên đến khoảng 130 tỷ USD (tương đương 2.730.000 tỷ VND, Nguồn: tạp chí Fortune và trang juwai.com). 

Nói cách khác, theo ước tính thì một nửa các sản phẩm cao cấp, đắt tiền trên thế giới đã được người Trung Quốc mua về trong năm 2014. Trước sự hào phóng của người Trung Quốc, tại sao người Anh lại không mấy hứng thú với các mặt hàng xa xỉ đó? Sau thời gian quan sát, tìm hiểu một Hoa Kiều định cư ở London kể lại như sau:

Chạy theo hình thức, thể hiện đẳng cấp – Vòng luẩn quẩn khó thoát ra

“Ở con phố đối diện nơi tôi ở, ngoài cô Simth (một tiểu thư thuộc giới trung lưu điển hình ở Anh), còn có anh Anthony nhà quản lý trung cấp của một cơ quan tài chính, bà Meryl giáo viên tiểu học (cũng thuộc giới trung lưu). Tuy cuộc sống có phần khá giả nhưng họ vẫn thường ăn mặc rất giản dị, không khác gì so với những người dân bình thường khác”.

Cuối năm 2008 trong buổi tiệc thường niên đón chào năm mới, vì là lần đầu tiên tôi chính thức tham dự sự kiện cộng đồng ở Anh. Do đó, tôi đã thuê một chiếc áo hiệu Prada cũ với giá 250 bảng Anh (tương đương 8.282.750 VND) để không bị mất mặt trước mọi người.

Tôi nghĩ bà Meryl sẽ rất lộng lẫy trong một bộ y phục đắt tiền thể hiện đẳng cấp “thật sự” của mình. Nhưng đêm đó, bà chỉ mặc một chiếc váy dạ hội màu xanh da trời của CK, khiến tôi phải tròn mắt kinh ngạc. “Tôi chọn CK vì nó phù hợp với giai tầng của mình,” Meryl giải thích.

Bà đưa ra một ví dụ sinh động: Gà rừng sẽ không vì có thêm bộ lông ngũ sắc mà biến thành chim công. Trong thực tế, người Anh không thích những thương hiệu cao cấp, sang trọng.

Người tiêu dùng chủ yếu chỉ chọn một số nhãn hàng trung bình, chẳng hạn như thương hiệu Jinling rất được ưa chuộng từ các tín đồ thời trang, nghệ sĩ, vận động viên chuyên nghiệp đến những người bình thường khác cũng đều sử dụng.

Người Anh không có thói quen dạy con cách sống bề ngoài, chạy theo hình thức. Dù là người trưởng thành hay trẻ vị thành niên thì họ cũng sẽ không bỏ cả mấy tháng tiền lương của mình ra mua một đôi giầy LV (Louis Vuitton) chỉ để ra vẻ mình là người giàu có. Đơn giản là vì họ không quan tâm đến hư danh bên ngoài.

(Matthew Lloyd/Getty Images)
(Ảnh: Matthew Lloyd/Getty Images)

Có lần tôi vô tình gặp Mark – con trai Meryl, đang chăm chú lựa quần jean giảm giá của Levi’s. Tôi hỏi: ”Sao cậu không chọn mua những chiếc quần mới ra mắt, hợp thời trang hơn?“ Câu trả lời của cậu bé làm tôi ấn tượng sâu sắc:

“Cha mẹ cháu không phải là người giàu có gì. Cho dù, thường xuyên khoác lên mình những bộ cánh mới nhất của Levi’s thì cháu cũng không thể nào trở nên giàu có được. Và sau 18 tuổi, cháu cũng sẽ phải đi làm kiếm tiền để tự nuôi bản thân mình. Lúc đó, lại càng không có tiền để mua hàng hiệu; cho nên, như bây giờ với cháu đã là quá tốt rồi ”.

Nhìn cậu bé hài lòng với những món đồ không quá xa xỉ của mình mà tôi lại thấy chạnh lòng. Nhớ đến bộ lễ phục đắt tiền hiệu Prada mà tôi đã thuê trước đây. Đúng là cái sĩ diện hão đó hại chết người ta mà!

Chạy theo hàng hiệu hay phù hợp với nhu cầu riêng của bản thân?

Dần dần, tôi phát hiện ra: một nguyên nhân khác khiến người Anh không thích dùng các món hàng quá đắt tiền. Đó chính là vì ở Anh quốc có quá nhiều hãng thời trang, họ có thể chọn bất kì thương hiệu nào mình yêu thích.

Lễ Giáng sinh năm trước, tôi cùng đồng nghiệp Jenny đi dạo ở ”Bách hóa Harrods“. Tuy là người thừa kế số tài sản khá lớn của ông bà, nhưng cô vẫn đi làm thuê, vẫn chi tiêu rất có chừng mực giống như bao người khác. Do đó, tôi rất ngạc nhiên khi cô đến đây để mua quà cho chồng và con mình – những mặt hàng đắt tiền. Rất nhanh chóng Jenny chọn được hai chiếc khăn choàng cổ.

Liếc nhìn giá của chúng. “Trời ơi, đúng là không hề rẻ mà!”, tôi nghĩ thầm, rồi cùng cô đến quầy hàng của Burberry. Tôi hỏi: “Sao bạn không chọn cho chồng mình một chiếc khăn sọc caro của Burberry nhỉ? Giá của nó cũng không chênh lệch nhiều so với hai cái khăn bạn đã chọn kia mà”.

Cô nhìn tôi với vẻ khó hiểu. Chẳng phải khi chọn khăn ta phải xem nguồn gốc, xuất xứ rồi đến cách phối màu, hoa văn, kiểu dáng trên khăn. Xem từ thiết kế cho đến chất lượng của khăn hay sao?

Cuối cùng cô hỏi tôi: ”Giá cả không khác nhau nhiều nhưng chất lượng thì không giống nhau. Nếu là bạn thì bạn sẽ chọn cái nào? Đương nhiên là sản phẩm có chất lượng rồi! Tại sao tôi lại phải vì cái mác hàng hiệu mà mua nó với cái giá trên trời đó?”. Những lời cô nói khiến tôi không biết trả lời sao.

Tôi đã học được một điều: ở Anh quốc người ta luôn chú trọng đến chất lượng, thực chất bên trong, chứ không phải là vẻ ngoài hư ảo.

Kỳ thật, còn có một nguyên nhân sâu xa khác khiến họ không muốn trói buộc mình trong những món hàng xa xỉ chỉ để thể hiện đẳng cấp. Đó là do, họ nghĩ con người đến đây đều mang theo thân thể, đều cùng ở trong một tầng này của vũ trụ.

Những ham thích thể hiện tính cách riêng, lập dị mà ngày càng nhỏ đi thì càng tốt. Tất nhiên, sử dụng các món hàng đắt tiền, những thương hiệu nổi tiếng càng không thể giúp họ thực hiện được mục tiêu này.

Tháng 6/2012, công ty chứng khoán của chồng tôi tổ chức một bữa tiệc từ thiện, tôi cũng được mời tham dự.

Bởi vì tôi nghe nói những người nổi tiếng như “nhà đầu tư vĩ đại” Warren Buffett và Bill Gates cũng có trong danh sách khách mời. Do đó, nhân cơ hội hiếm có này tôi cố tình đi tìm và đến gần “hai nhân vật chính” để có thể quan sát kỹ hơn phong cách thời trang của họ. Tôi phát hiện ra rằng dù là Bill Gates hay Warren Buffett cũng đều khoác lên mình “bộ cánh” của các thương hiệu thời trang phổ thông, không quá cao cấp.

(Ethan Miller/Getty Images)
Bill Gates (phải) và Warren Buffett (Ethan Miller/Getty Images)

Tôi kéo Sophie – vợ người đồng nghiệp của chồng tôi – lại hỏi xem Buffett và Gates mặc quần áo của thương hiệu quần áo nào. Sophie là biên tập viên cao cấp của tạp chí thời trang nhưng kết quả là cô thực sự bối rối vì không thể tìm thấy nguồn gốc của những bộ quần áo đó. Tuy nhiên, điều này cũng được Sophie phân tích và giải thích một cách hợp lý:

“Những người như Buffett và Gates hoàn toàn không cần phải chọn những thương hiệu cao cấp để thể hiện đẳng cấp ở đây. Đơn giản là vì họ đều là những người tâm huyết với các hoạt động thiện nguyện, họ đến để làm từ thiện. Cho nên, nếu như ăn mặc quá sang trọng thì chẳng khác nào họ tự biến mình thành kẻ thô tục.

Cho bản thân hay cho gia đình

Càng tìm hiểu kỹ về lối sống của người Anh, tôi lại càng thấy được cách chi tiền của họ không giống người nơi khác. Trái ngược hoàn toàn với người Trung Quốc ưa thích dùng các món hàng xa xỉ để đánh bóng bản thân, thì người Anh lại thích mua các món quà cho người thân của mình. Điều này, giúp cho cuộc sống gia đình của họ trở nên đầm ấm và hạnh phúc hơn.

Chẳng hạn như: Tiffany – người thường đến lớp dạy yoga của tôi. Cô ăn mặc rất giản dị, tôi cứ nghĩ cô cũng như bao người dân thông thường khác, không có gì đặc biệt. Chỉ khi tôi tận mắt chứng kiến cô ấy mua cho mỗi người trong gia đình một bộ quần áo (đạt tiêu chuẩn) giống như của đội Denver Broncos có giá lên đến 270 bảng Anh/bộ (hơn 9 triệu đồng), khi cùng tôi đi xem họ thi đấu. Tôi đã bị sốc suốt buổi thi đấu hôm đó.

Tôi hỏi: “Tiffany, chẳng lẽ bạn không muốn mua những bộ quần áo tương xứng hơn với mức thu nhập của bạn sao?”.

Cô nháy mắt với tôi, mỉm cười nói: “Tôi thì thế nào cũng được, tôi muốn dành tiền của mình cho người thân hơn”. Nhiều người cho rằng người Anh không quan tâm nhiều đến gia đình. Nhưng thực tế, họ rất coi trọng tình cảm gia đình, và giành nhiều công sức để vun vén cho nó.

(Getty Image)
(Ảnh: Getty Images)

Sau này, tôi mới phát hiện ra: người Anh dù thuộc giới hạ lưu đi chăng nữa. Họ cũng sẽ không bỏ tiền để mua những món hàng xa xỉ. Thay vào đó, họ mua thêm các đồ dùng trong nhà hoặc thay mới các vật dụng đã cũ kĩ.

Có một lần trong giờ nghỉ, Lucy kể với tôi về cái tủ lạnh hai cửa mà cô đang sử dụng ở nhà. “Tủ lạnh hiệu gì vậy?” tôi hỏi. “Kenmore” câu trả lời của cô làm tôi hơi ngạc nhiên vì sản phẩm của thương hiệu này không hề rẻ.

“Đối với tôi mà nói, chỉ cần có thể mang đến cho chồng một cốc bia lạnh sau khi anh đi làm về, hay một que kem ngon cho con sau những giờ học căng thẳng trên lớp, cũng đủ làm tôi thấy hạnh phúc rồi”. Nhìn nụ cười tươi và sự chân thành của Lucy, tôi quyết tâm sẽ mua cho gia đình một chiếc tủ lạnh tốt hơn trong vài ngày tới.

Đâu mới là hạnh phúc thật sự? Bạn sẽ chọn cách sống như thế nào? Chỉ lo cho bản thân mình, chạy theo các món đồ đắt tiền để thể hiện mình là người giàu có. Hay giống như người Anh, luôn giành hết mọi thứ cho gia đình, cùng mọi người đi qua những tháng năm thăng trầm của cuộc đời?

Thanh Thanh