Trong tự nhiên có rất nhiều loài hoa đẹp, nhưng mang một vẻ đẹp mong manh với đời sống ngắn ngủi mà rực rỡ cho đến tận lúc tàn thì chỉ có hoa anh đào Nhật Bản. Người Nhật có câu: “Nếu là hoa, nguyện làm hoa anh đào; Nếu là người, nguyện một kiếp Samurai”, bởi vẻ đẹp của hoa anh đào phản ánh chính xác tinh thần võ sĩ đạo.
Một bông hoa hay một cây hoa anh đào đứng một mình sẽ không quá ấn tượng, mà nó chỉ thật sự đẹp khi nở rộ trong một rừng hoa. Và cuộc sống ngắn ngủi của hoa anh đào là hiện thân của sự cho đi và rực rỡ đến tận phút cuối cùng. Sau một mùa đông khắc nghiệt lạnh giá, tới khi xuân đến, nắng ấm tràn về, những bông hoa anh đào nở bung khoe hết sắc hoa trong nắng, nhuộm hồng cả không gian, ướp hương thơm ngát cho không khí, trải thảm êm ái cho mặt đất và gieo vào lòng người những cảm giác trong trẻo, man mác. Để rồi khi rơi xuống, nó không cố gắng bấu víu vào đài hoa như nhiều loại hoa khác, mà chỉ cần một cơn gió thoảng qua, những cánh hoa sẽ nhẹ nhàng lìa cành, khi rơi xuống đất vẫn còn tươi nguyên và thoang thoảng mùi thơm.
Đó chính là tinh thần Samurai đoàn kết, hy sinh vì người khác, cống hiến hết mình và coi nhẹ cái chết. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh to lớn góp phần giúp Nhật Bản vực dậy sau rất nhiều nỗi đau thương mất mát trong quá khứ.
Có 7 quy tắc đạo đức mà các võ sĩ, Samurai ở Nhật Bản thời trung cổ phải tuân theo, và nó phản ánh tinh thần võ sĩ đạo rất mạnh mẽ, chính trực và thanh tao:
義 (Gi – Công lý): Đối với các Samurai việc đánh giá danh dự và công lý phải rất rõ ràng, trắng là trắng mà đen là đen. Họ luôn đặt danh dự và lòng tự trọng lên trên tiền bạc, tự chủ được bản thân không để những ham muốn cám dỗ làm sa ngã, tinh thần trượng nghĩa chống lại cái ác, cái xấu xa. Đối với họ, niềm tin không phải ở người khác, mà trong chính bản thân mình. Con người trung thực không bao giờ sợ sự thật.
仁 (Jin – Nhân từ): Đó là sự từ bi cho người khác. Đó chính là sự cảm thông và bao dung, độ lượng, có thể dung chứa mọi bất đồng kể cả kẻ thù của mình, hay có thể nói đó là thuộc tính cao nhất của tinh thần. Lòng nhân từ có thể cuốn trôi bất cứ điều gì cản trở sức mạnh dưới sự ảnh hưởng của nó, cũng giống như sức mạnh của nước có thể dập tắt lửa. Sức mạnh của Samurai là để dùng cho lợi ích chung chứ không phải những toan tính, hận thù cá nhân.
勇 (Yu – Can đảm): Đối với các võ sĩ, trốn tránh nguy hiểm có nghĩa là không còn sống. Samurai phải có tinh thần của một người anh hùng, nhưng không phải là sự hy sinh mù quáng, Samurai sáng suốt và mạnh mẽ, họ lấy sự tôn trọng và thận trọng thay thế nỗi sợ. Cái chết cho một nguyên nhân không xứng đáng được gọi là cái chết của một con vật. “Đó là sự can đảm thật sự để sống khi đáng sống, và chỉ chết khi thật sự phải chết”. Người Nhật nói chung có triết lý rằng “nếu chết thì phải chết đẹp”, đẹp ở đây không phải là ở hình thức mà là sự trong sạch của tâm hồn. Tinh thần võ sĩ đạo coi trọng cái chết, họ luôn quan niệm rằng “một cái chết có ý nghĩa, hơn là một cuộc sống vô nghĩa”.
礼 (Ray – Tôn trọng): Mọi hành động phải xuất phát từ sự thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Họ quan niệm: “Hình thức lịch sự cao nhất là sự tôn trọng”. Samurai không cần thiết phải tàn nhẫn để chứng minh sức mạnh của họ. Ngay cả với kẻ thù độc ác nhất các Samurai cũng phải lịch sự. Nếu không có phẩm chất này, họ nghĩ mình sẽ không hơn gì một con thú.
誠 (Makoto – Sự chân thành): Samurai đã nói là làm, không gì khác có thể cản trở. Không cần phải nhiều lời, không cần hứa gì thêm. Những gì Samurai nói ra sẽ được đảm bảo thực hiện.
名誉 (Meyё – Danh dự): Ý thức về nhân phẩm là giá trị cốt lõi trong mỗi con người, “Mất danh dự giống như một vết sẹo trên cây mà theo thời gian, thay vì giúp cây phát triển lại làm cho nó còi cọc hơn”. Với các Samurai, người duy nhất được phán xét ta là “chính ta”, nên những hành động của bạn phải thể hiện chính con người của bạn và luôn được đánh giá cẩn trọng.
忠義 (Chu gi – tận tâm): Đây được xem là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà một võ sĩ phải có. Trong cuộc xung đột giữa lòng trung thành và tình cảm các võ sĩ không bao giờ có được sự lựa chọn nào khác ngoài lòng trung thành. “Một samurai buộc phải đấu tranh với trí tuệ và lương tâm của mình bằng cách thể hiện sự trung thành”. Samurai tự chịu trách nhiệm cho mỗi một hành động của mình bằng tất cả sự trung thành, không ích kỷ.
Với những phẩm chất cao thượng đó, tinh thần Samurai trường tồn với thời gian, và những thứ trường tồn được với thời gian là bởi nó đã vượt qua được mọi sự đánh giá, kiểm nghiệm và nghi hoặc. 7 quy tắc của võ sĩ đạo nêu bật cái đức của kẻ quân tử, sống đẹp, sống vì người khác, coi màng danh lợi, hy sinh bản thân và chết ngẩng cao đầu, không nuối tiếc. Có thể thấy những dân tộc vĩ đại trên thế giới đều có triết lý hay hệ tư tưởng nhân văn lâu đời của riêng mình. Tinh thần võ sĩ đạo chính là triết lý của người Nhật Bản, là kim chỉ nam về cách làm người, cách sống và cách chết sao cho đáng. Hiếm có một dân tộc nào lại coi trọng cái chết như Nhật Bản, và cũng bởi họ coi trọng nó nên họ không sợ chết và có trách nhiệm khi còn sống. Đây là ảnh hưởng của tín ngưỡng Thần Đạo và Phật giáo lâu đời của cả dân tộc.
Những đội quân thiện chiến nhất trong lịch sử thế giới đều là những đội quân không màng tới sống chết. Người Nhật Bản quật cường và đầy nghị lực cũng bởi họ sống là để có được cái chết đẹp, bởi họ tin, sau cái chết, điều họ mang được theo bên mình chính là điều có thể khiến họ ngẩng cao đầu ở kiếp sau, bởi chết không có nghĩa là hết. Vậy nên sống thì phải cho ra sống, phải sống cuộc đời của kẻ quân tử, và chết thì không hối tiếc, luyến lưu, như cánh hoa anh đào kia, một khi đến lúc phải rơi xuống thì chỉ cần một ngọn gió nhẹ, không bám víu, không úa tàn và hương thơm vẫn còn lan tỏa trong không gian.
Thu Hiền
Xem thêm:
- ‘Sống đơn giản cho đời thanh thản’ – Danshari, trào lưu giúp người Nhật sống hạnh phúc
- Vì sao trong thời gian ngắn Nhật xuất khẩu được gạo từ nơi nhiễm phóng xạ nhất ra thế giới?
- Con người cao ở “nhẫn”, quý ở “thiện” và hơn nhau ở “ngộ”!