Với những tâm hồn yêu hương vị ngọt ngào, những chiếc kẹo là một phần không thể thiếu của tuổi thơ. Được nhận một chiếc kẹo với một đứa trẻ có thể tạo nên cả một ngày vui vẻ. Đó là lý do người lớn đã khéo léo gửi vào những chiếc kẹo truyền thống rất nhiều những điều thú vị và cả những bài học sâu lắng, ngọt ngào, đặc biệt là cho dịp trung thu sắp đến.
1. Kẹo hồ lô – thông điệp của may mắn
Nếu bạn yêu thích những bộ phim cổ trang của Trung Quốc hẳn sẽ không thể nào quên hình ảnh những xiên kẹo hồ lô bóng đỏ thường xuất hiện nơi những phiên chợ, những con phố đông đúc. Ngoài đời thật, từ rất lâu rồi, chiếc kẹo hồ lô đã gắn liền với tuổi thơ của người Trung Quốc. Mỗi khi mùa đông lạnh giá trở vể, trên những con phố, những tiếng rao bán kẹo trầm trầm vang lên, phá tan cái u tĩnh của những thành phố như Bắc Kinh. Để rồi, khi nhìn thấy sắc đỏ quen thuộc, ai cũng cảm thấy mùa đông bớt đi nhiều phần tê tái.
Chiếc kẹo này có một câu chuyện xuất xứ rất thú vị. Là chiếc kẹo dân gian nhưng nó đã chu du vào tận hoàng cung, trở thành thuốc chữa bệnh cho một phi tần được nhà vua sủng ái, và khiến cho các thái y cũng phải trầm trồ thán phục sự công hiệu của thứ kẹo quá đỗi đơn giản này.
Kẹo hồ lô với nhiều người vẫn là một bí ẩn, nhưng trên thực tế, công thức làm nên loại kẹo này thật đơn giản. Ban đầu, người ta sẽ xiên hai trái táo gai, trái to ở dưới, trái bé ở trên rồi nhúng qua đường được đun nóng chảy, sao cho trái táo được hoàn toàn bao trong lớp đường. Lớp đường này khi khô lại sẽ làm thành một lớp kính bọc trong suốt, khiến màu đỏ của táo gai trở nên thắm hơn và làm những chiếc kẹo có thể sáng bóng lên ngay cả dưới ánh nắng yếu ớt của mùa đông.
Hình dạng truyền thống quả dưới nhỏ, quả trên to chính là nguồn gốc của tên gọi “kẹo hồ lô”. Nhưng sau này, trong dân gian, người Trung Quốc đã làm những xiên kẹo hồ lô này với tám hay mười viên. Những con số này tượng trưng cho sự may mắn và viên mãn. Đó cũng chính là ý nghĩa của màu đỏ trong văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Cũng bởi vậy, việc tặng một xiên kẹo hồ lô cho những đứa trẻ vào dịp tết đến, xuân về đã trở thành truyền thống của người Trung Quốc. Họ muốn cầu chúc cho những đứa trẻ gặp nhiều may mắn và những điều tốt đẹp nhất trong một năm mới. Đây cũng là cách mà người Trung Quốc xưa dạy cho những đứa trẻ của mình cách hướng những suy nghĩ tốt lành tới những người xung quanh.
Bạn có biết, người Trung Quốc còn yêu mến kẹo hồ lô tới mức họ sáng tác những bài hát và những vần thơ để tặng cho chiếc kẹo của mình. Những tác phẩm chỉ mới nghe thôi đã có thể khiến cả một bầu trời êm dịu ùa về.
2. Amezaiku – quý giá từng khoảnh khắc
Amezaiku có nghĩa là ”kẹo mút được chế biến một cách công phu”, nó rất phổ biến trong các lễ hội văn hóa từ thời Edo. Những sạp hàng của các nghệ nhân làm kẹo cũng thường đông đúc trẻ em đứng xung quanh, ngắm nghía và trầm trồ như góc phố có tò he của người Việt.
Những chiếc kẹo đủ màu sắc của người Nhật được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản và có ở khắp nơi. Nguyên liệu chính làm ra những chiếc kẹo này là một loại siro làm từ tinh bột bắp hoặc khoai tây, đường và nước. Đun chảy siro không phải là một điều đơn giản, người nghệ nhân cần tính toán tới nhiệt độ môi trường xác định để tạo được hỗn hợp với nhiệt độ hợp lý nhất cho việc tạo hình.
Vì siro sẽ đông trong thời gian rất ngắn, các nghệ nhân Nhật Bản khi chế tác kẹo cần đặt hết sự tập trung và tâm hồn của mình, tận dụng từng khoảnh khắc để tạo hình cho chiếc kẹo.
Thông thường, nghệ nhân làm kẹo Amezaiku chỉ có từ 3 đến 5 phút để thực hiện tất cả các thao tác khắc, tỉa, nhuộm màu và hoàn thiện tác phẩm của mình. Họ sẽ không còn cơ hội để thay đổi hay chỉnh sửa bất kì một chi tiết nào khi thời gian kết thúc, cũng chính là lúc siro đông cứng.
Nhìn ngắm những chiếc kẹo Amezaiku, người ta cũng khó lòng có thể ăn chúng mà không cảm thấy “không nỡ”, bởi mỗi chiếc kẹo đều thật quá sống động.
Ngày nay, những chiếc kẹo Amezaiku không còn được chế tác thường xuyên trong các lễ hội, và được bày bán chủ yếu trong những cửa hàng đẹp đẽ. Các mẫu mã cũng trở nên đa dạng hơn rất nhiều. Nhưng, tính chất tinh tế của những chiếc kẹo không hề thay đổi.
Những ông bố, bà mẹ Nhật Bản hẳn sẽ rất hạnh phúc khi trao tặng cho những đứa trẻ của họ chiếc kẹo ngọt ngào này. Bởi họ biết, mình vừa trao cho con một ví dụ rất sinh động về sức mạnh của sự tập trung.
Khi nhìn ngắm những chiếc kẹo, lắng nghe sự giảng giải nhẹ nhàng của cha mẹ, những đứa trẻ sẽ cảm nhận được rằng: chúng sẽ có thể tạo được những điều kì diệu nếu đặt hết tâm trí và tình yêu đối với công việc vào từng phút giây mà chúng có để hoàn tất công việc ấy.
3. Tò he – những câu chuyện bước vào đời thật
Ở Việt Nam, chúng ta cũng có một món quà mà người lớn gửi gắm sự khéo léo và tình thương của mình cho những đứa trẻ nhiều như vậy, đó chính là những con tò he.
Ngày nay, chúng ta thường thấy ở những nơi có nhiều người qua lại như cổng các công viên, quanh những khu hồ đông đúc, có những người “nghệ sĩ” già ngồi bên chiếc tủ nhỏ của mình và say sưa nặn những con tò he rực rỡ. Nay, người ta chỉ coi tò he là một món đồ chơi, nhưng xưa kia, sau khi chơi xong, các bạn nhỏ sẽ vô tư thưởng thức những chú tò he của mình.
Tò he được làm từ loại đất nặn đặc biệt, chế biến từ hỗn hợp 10 phần gạo tẻ, 1 phần gạo nếp, ngâm nước, xay nhuyễn, hấp chín rồi nhào tay. Khâu làm bột tò he của người Việt cũng cầu kì và đòi hỏi sự tỉ mẩn không kém gì những chiếc kẹo Amezaiku của người Nhật, bởi chỉ thiếu một chút gạo nếp, hay đun quá lửa, bột cũng không đủ độ dẻo để tạo hình.
Ngày trước, màu sắc của những con tò he được những nghệ nhân lấy từ thực vật, cây cỏ trong thiên nhiên, chứ không dùng màu công nghiệp như bây giờ: Màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng… Các bác làm tò he, sau khi đã tạo hình sản phẩm còn cẩn thận quét lên đó một chút mạch nha để tạo độ bóng cũng như độ ngọt cho món ăn Tò he vì thế không chỉ đẹp mà còn ngon.
Ngày xa xưa, khi chưa có ti vi, máy tính, điện thoại, tò he đem tới cho trẻ thơ cả một thế giới mới mẻ và kì thú. Người lớn thường chọn những nhân vật gắn liền với những câu chuyện mà đứa trẻ nào cũng thuộc nằm lòng Tôn Ngộ Không, Quan Công, Lưu Bị,… hay những nhân vật bước ra từ cổ tích Thánh Gióng, mười hai con giáp, những rồng, phượng, những cô tiên để tạo hình cho tò he, hay đơn giản hơn là tái hiện lại những món quà của thiên nhiên như hoa và trái. Tò he khi ấy như một phép thần thông của người lớn, mang cả thế giới kì diệu trong trang sách ra tặng lại cho những đứa trẻ của mình.
Con trẻ ngày trước chỉ biết tất cả những nhân vật và hình ảnh ấy qua câu chữ, qua lời kể. Nhưng nhờ bàn tay tài hoa của người lớn, mọi thứ hiện ra thật chân thực và sống động biết bao. Với những Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Đường Tăng, Sa Tăng, những đứa trẻ có thể tự do diễn lại những chuyến hành trình theo trí nhớ và tưởng tượng của chúng. Những buổi chiều chơi tò he cùng lũ bạn trong những giọt nắng lấp lánh qua khe lá rớt xuống hiên nhà có lẽ sẽ còn ở lại mãi trong lòng nhiều người Việt như một kí ức tuổi thơ vô cùng quý giá.
Thực ra, trẻ thơ có cần nhiều đến thế những bánh kẹo từ trời Tây, những món đồ chơi đắt tiền để có được những giây phút vui vẻ, có được những trải nghiệm không thể quên và học được những bài học quý báu của cuộc sống? Hay đơn giản chúng cần tình thương và sự quan tâm của người lớn, thể hiện chính trong nỗ lực mang tới những điều đẹp đẽ, tốt lành và thanh bình cho quãng thời gian tuổi thơ quý giá.
Hải Lam