Có lẽ khi viết những dòng thơ trữ tình xót xa mang sắc điệu trào phúng rất riêng của phong vị Tú Xương, nhà thơ bên dòng sông Vị không hề nghĩ đến việc đặt tên. Thế nhưng, người đời sau bằng cảm nhận dân dã đã dùng hai tiếng “Thương vợ” không chê vào đâu được đặt tên, chuyển tải tác phẩm vào trong tâm thức mọi độc giả qua nhiều thế hệ.
Kẻ sĩ ngẫm về mình, chửi chính mình: Tiếng chửi là để tiếng Thương được cất lên?
Tú Xương bao giờ cũng phanh phui những thói đời quanh mình trực diện và mãnh liệt. Thế nhưng tiếng chửi ở đây hoàn toàn khác, là nhìn vào chính mình, và cười chính bản thân mình, là để cho tiếng ‘Thương vợ’ được cất lên.
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc”
Quả là kín đáo, sâu xa một thể tất nhân tình.
“Có chồng hờ hững cũng như không!”
“Thói đời” của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho ta thấy “Vũng thành đồi” chỉ qua một cuộc “biến cải” trong chớp mắt. Vì thế mà con người nếm đủ hết những đối cực: “Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi.” Dĩ nhiên ngọt bùi ít hơn nhiều so với Mặn nhạt chua cay!
Tú Xương sống trong dòng sông đời giao thoa những lớp sóng kim tiền và đạo đức của buổi Á Âu lẫn lộn thì “thói đời” càng phơi bày những biến động khôn lường.
Cái bảng giá trị của đời, của xã hội, của tài, tình thay đổi như bảng biểu kê ở các trung tâm thị trường chứng khoán bây giờ.
“Hờ hững” không chỉ tuyệt hay khi nằm trong chu cảnh của hai dòng kết mà bản thân nó có đến 3 tầng nghĩa bổ sung cho nhau. Người ta nói thương hờ khóc mướn hoặc hờ khóc (như trong Vợ nhặt của Kim Lân).
“Hờ” là biểu hiện của hình thức giả dối với nội dung.
“Thương hờ” là có vẻ như thương nhưng thương một cách cơ học, tệ hơn cả sự vô tình. Đó là sự gá tình gá nghĩa, là nghĩa vụ ràng buộc đày đoạ? Là chữ Tình vốn nhìn dưới góc độ nào cũng đầy vị tư, ích kỷ của con người.
Vâng, ở đây chỉ Tình chứ không Thương! Một cú sốc tâm lý khi mình phát giác ra điều mình quan tâm đã mất, đã không là sự thật. Cả “hờ “và” hững” gộp lại nó tạo nên một hình thức của từ láy. Mà từ láy trong tiếng Việt là loại từ có hàm lượng mờ nghĩa nhiều nhất, có khả năng để cho thơ ca khai thác đời sống tâm hồn rất phong phú và phức tạp của con người. Không phải ngẫu nhiên mà Kiều trách kim:
“Trách lòng hờ hững với lòng”
Như vậy, đã là lòng (chữ Tâm), là những giá trị tinh thần đích thực thì không “hờ hững”. “Hờ hững” là đối diện mà không “đàm tâm” được. “Hờ hững” làm cho đối thoại của những tấm lòng tri kỉ tri âm không còn ý nghĩa và như thế sự kết giao trăm năm là điều không thể có! Nếu Tú Xương nói “hững hờ” thì hiệu quả ắt giảm đi nhiều:
“Hững hờ cốc sữa biếng cầm tay” (Bản dịch” Dương phụ hành”, Cao Bá Quát Sgk văn 11).
“Hững hờ” thiên về hành động. Ở đây là cầm cốc sữa cho lấy có, chứ thực ra không quan tâm, không muốn uống. Từ “hờ hững” của Tú Xương lại nói đến sự lạnh nhạt trong quan hệ vợ chồng. Sự không chú ý của chồng với vợ!
Hai câu kết chứa một tiền giả định: Nếu không có Thói Đời bạc bẽo thì người chồng không “hờ hững” với vợ!
Đúng là cuộc đời “Khi cười, khi khóc, khi than thở” của Tú Xương đã quá hững hờ với ông, quá tệ bạc với ông khiến ông phẫn uất, ông ngông, ông bao đồng chuyện thiên hạ mà nhiều lúc quên cái hi sinh lớn lao của vợ mình là bà Tú. Nhưng ở đây, chỉ là ông ngẫm về mình, ông chửi chính mình. Một thoáng giác ngộ, bừng tâm lại mới thấy bà Tú thật là đáng trọng, đáng kính đến nhường nào!
Nhân vật trữ tình đã hiểu nỗi đau âm thầm của bà Tú, của mọi người phụ nữ Việt Nam. Những lam lũ và cuộc sống tối mặt tối mày của người phụ nữ ở xứ sở này hình như từ xưa đến nay là vậy.
Người phụ nữ Việt Nam có thể chịu đựng được những nỗi đau lớn lao. Thậm chí, từ những bi kịch họ đã hành động. Đó là Hai Bà Trưng, bà Triệu, là nữ tướng Bùi Thị Xuân trước lúc bị voi giày đã nhìn được ánh mắt yêu thương của chồng là Trần Quang Diệu cùng trên bãi tử hình….
Ngọc trai oan hồn Mị Châu sáng trong lên khi nước giếng Trọng Thủy nhỏ vào phải chăng từ sâu xa, sự thủy chung (dĩ nhiên không phải là sự hờ hững) đã làm cho mát dạ người chín suối? Đây cũng là lí do sâu xa để Đồ Chiểu thấy nỗi đau của người mẹ già và người vợ trẻ khi mất người thân.
“Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ ( ….)
Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng (…)
Con dù lớn, với người mẹ thì vẫn là đứa trẻ thơ cần ân cần, chăm sóc; vợ dù khỏe vẫn là người “vợ yếu”. Họ cần tình yêu thương hơn mọi thứ trên đời để được hi sinh và dựa cậy. Dĩ nhiên đó là điểm tựa tinh thần!
Việc nuôi một ông Tú dài lưng tốn vải do thất cơ lỡ vận đối với bà Tú và của những người phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh như vậy không phải là điều lạ trong xã hội Việt Nam. Dường như đức kiên tâm và chịu đựng những bỉ cực cuộc đời thế này là điều mà phụ nữ Việt Nam mặc nhiên chấp nhận.
Họ thà nuôi chồng, định hướng đường bay cho chồng vào vùng trời nhân nghĩa chứ không khuyến khích chồng tìm tiền bạc trong tội lỗi độc ác.
Tác giả Tú Xương đã nhận thức một nhân vật bà Tú và ông Tú trong một gia đình 5 miệng ăn với tư cách là người kể hàm ẩn, ở bên ngoài. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó lại là sự thật. Điều của Tú Xương làm Nguyễn Công Trứ, Tản Đà cũng làm theo cách khác mà thôi!
Ắt hẳn, có thể còn nhiều cách tiếp cận bài “Thương vợ” sâu sắc và độc đáo hơn. Một thoáng với bà Tú, để hiểu nhiều hơn vể người phụ nữ vốn là bà, mẹ, người phụ nữ ta yêu. Những “Đấng” người đó gần gũi mà chứa bao vũ trụ bí mật không cùng. Họ là văn hóa Việt Nam, là Mẹ Việt Nam….
Với Mẹ mình, nhiều lúc thức nhận lại cái đạo con cho tròn, không phải là không ý nghĩa
Với người phụ nữ Việt Nam, ta hiểu cái bất biến của hình tượng bà Tú vô cùng cần thiết cho đời sống thường biến của dân tộc Việt Nam.