Người ta vẫn nói hôm nay dù có khó khăn, ngày mai cũng chưa hẳn đã dễ dàng, nhưng không có cơn mưa nào kéo dài mãi mãi. Câu chuyện mẹ kế người Việt hóa giải thành công thông điệp “bánh đúc có xương” trên nước Úc sẽ là minh chứng cụ thể cho thông điệp ấy.
Mạnh mẽ đối diện thử thách mới khi xác định mình sẽ tái hôn
Với những người phụ nữ mà hôn nhân đã qua một lần đổ vỡ, khi quyết định tiến thêm bước nữa họ thường phải đối mặt với rất nhiều thử thách, nhất là mối quan hệ con anh, con tôi, con chúng ta… Làm thể nào để có thể cân bằng được trọn vẹn những sự ràng buộc ấy của hai người?
Luyến là một phụ nữ người Việt, cũng có một hoàn cảnh tương tự. Khi đã qua một lần đổ vỡ, có con riêng và chuẩn bị kế hoạch tiến tới mối quan hệ với người chồng mới hiện tại định cư ở Úc, Luyến chia sẻ lại hành trình hóa giải quan niệm “bánh đúc có xương” của mình với hy vọng có thể cũng tháo gỡ những khó khăn với những chị em cùng chung cảnh ngộ.
Chuyện từ cách đây 3 năm, khi đó chồng Luyến có hai con riêng một bé 10 tuổi, 1 bé 13 tuổi, con của Luyến lúc bấy giờ lại mới chỉ lên 3. Cô chia sẻ về những ngày đầu tiên lên kế hoạch cho một cuộc sống mới:
Hành trình chinh phục và phá vỡ định kiến mẹ kế con chồng
“Giống như các gia đình khi sinh thêm con, họ phải làm công tác tư tưởng cho con để khi em bé chào đời các con không thấy bị bỏ rơi mà đón nhận và yêu thương em. Mình cũng nghĩ đến và đặt 3 đứa trẻ trong tình huống đó, hai đứa kia đang sống với bố giờ có thêm em là con riêng của mình, chắc chúng ít nhiều chạnh lòng nên mình quyết định trong khi chờ visa của con thì mình sang trước một mình vài tháng để con ở nhà với bà ngoại. Với mình đây không phải là quyết định dễ dàng gì”.
Đến nước Úc, Luyến bắt tay luôn với những thử thách đầu tiên, cô kể lại:
“Hai đứa trẻ mỗi đứa một tính cách, bé trai lớn hơn, trầm, ít nói, ít giao tiếp, ít bạn, lười học, nghiện game và ở rất bẩn. Con chiếm dụng phòng sinh hoạt chung của gia đình làm phòng chơi game, trên sàn nhà bầy bừa đầy đồ ăn thừa, vỏ bánh kẹo, biscus, vỏ kem, tất bẩn, vỏ đồ ăn… thậm chí chúng được giấu dưới gầm sofa, trong các khe của ghế…, tường trắng được trang trí bằng những vết tay dính chocolate…, phòng ngủ cũng bề bộn không kém với quần áo bẩn sạch lẫn lộn dưới sàn nhà..
Bé gái được bố mẹ chiều từ nhỏ nên ích kỷ, luôn đòi hỏi, hay giận dỗi, hay ghen tị ngoài tính bừa bộn giống anh như ở trên ra thì nhiều đêm con bé đứng ở cửa phòng mình khóc rồi vào phòng mình lên giường ngủ cùng vợ chồng mình, dù khi đó con đã 10 tuổi và cao hơn 1,6m rồi.
Chồng mình không hợp tính với bé trai nên khi không vừa ý hay quát con, quá chiều bé gái đến mức ai cũng thấy phân biệt đối xử để con bé lấn tới, chỉ có mỗi mình anh là không nhận ra điều đó. Còn nhiều chuyện nữa mà mình không thể kể hết…
Mình nhận ra rằng có rất nhiều việc mình phải làm trước khi đón con của mình sang”. Quá trình làm quen, chia sẻ, tạo lên sự gắn kết với hai con của chồng cũng không hề dễ dàng gì, vô cùng gian nan nhưng Luyến vẫn quyết tâm bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất, cô trải lòng mình:
“Đi đâu mình cũng mua quà cho bọn trẻ, dù sau đó chúng thể hiện rõ là chúng không thích nhưng điều đó không làm mình thay đổi.
Mình dọn phòng cho chúng, kiên nhẫn từng ngày dù quần áo sạch vừa bỏ vào tủ hôm sau đã bị hất tung xuống đất, dù tường nhà được lau sạch hôm sau đã đầy chocolate…. mình nhờ chồng mình nhắc con là hãy cẩn thận hơn khi lấy đồ, mình không có một thái độ nào khác.
Mình cải tạo khu vườn của mình khiến chúng mang một diện mạo khác mới mẻ nhiều màu sắc, thu hút bọn trẻ ra vườn chơi nhiều hơn là ở trong nhà”.
Khi con gái của chồng mình vào phòng mình ngủ, mình vẫn ngủ ngon lành chỉ có chồng mình là không ngủ được, anh ấy mệt mỏi nên khó chịu, mình phân tích cho chồng hiểu rằng con lớn rồi nên biết nói không với con, với những đòi hỏi vô lý của con và nên quan tâm đến con những cái cần thiết cho dù con không hỏi…. anh ấy nghe mình nên sau này chuyện này không lặp lại nữa.
Khi chồng mình và con trai xảy ra tranh luận, mình luôn khuyên chồng mình nên bình tĩnh, mình đứng về phía con để phân tích cho anh hiểu, đồng thời con cũng cảm thấy là nó có thêm một đồng minh.
Đôi khi hai đứa trẻ hỏi điều gì mà bố chúng không đồng ý mà mình thấy đòi hỏi đó hợp lý, mình thường thay mặt chúng giải thích cho chồng mình để chồng mình đồng ý với chúng.
Hai đứa cũng không ăn được nhiều món ngoài những món quen thuộc, nên mình thường nấu cho chúng những món ấy. Bên cạnh đó mình nấu món khác cho chồng và mình, khuyến khích chúng thử món mới.
Khi hai vợ chồng nói chuyện, mình thường chia sẻ với anh ấy về những ưu và nhược điểm của các con để chồng mình góp ý và khích lệ chúng, nhắc chồng mình đối xử công bằng giữa hai đứa trẻ.
Khi các con làm được việc tốt ở trường hoặc ở nhà mình đều có phần thưởng cho các con…., mình thường viết cho các con những bức thư ngắn, nói với chúng rằng mình rất yêu quý chúng và xem chúng như những người bạn và nói với các con rằng chúng có thể nói với mình bất cứ chuyện gì, đồng thời chỉ ra cho con thấy những ưu điểm của con”.
Hạnh phúc đến sau những ngày kiên trì gửi gắm những yêu thương.
Sau một năm nhẫn nại bền bỉ chăm sóc các con của chồng, mọi thứ có thay đổi và tiến triển khá hơn rất nhiều, Luyến thấy cũng đã là thời điểm thích hợp để đón con mình sang. Đến hôm nay đã trải qua hơn 3 năm chung sống cùng nhau, các con của anh chị yêu thương nhau như anh em ruột thịt, em trai bé đều được annh chị rất cưng chiều.
Hai bạn lớn giờ không còn bừa bộn như xưa nữa, đặc biệt bé gái thay đổi hoàn toàn, con biết lo lắng quan tâm đến người khác, biết giúp mình việc nhà, biết trông em và nhường nhịn em. Mỗi buổi tối nhìn đám trẻ trò chuyện chơi đùa cùng nhau, Luyến lại thấy ấm áp vô cùng.
Có được niềm hạnh phúc ấy, Luyến hạnh phúc chia sẻ:
“Hôm Giáng sinh con tặng quà cho mình và tấm card con viết con thấy thật may mắn vì bố con đã kết hôn với mình. Nhìn lại chặng đường đã qua không ít gian nan nhưng thành quả thật xứng đáng. Mình cũng mong rằng những ai trong hoàn cảnh của mình sẽ có thêm nghị lực và có thể tham khảo ít nhiều từ câu chuyện của mình”.
Cha ông ta thường nói: “Có công mài sắt có ngày lên kim”, cho dù ở thời đại nào thì kiên trì nhẫn nại vẫn luôn là yếu tố hàng đầu giúp chúng ta vượt qua những vấn đề nan giải của cuộc sống.
“Ai đời bánh đúc có xương, ai đời dì ghẻ mà thương con chồng”, quan niệm đó dường như đã vô tình hằn sâu vào cách suy nghĩ của mọi người, tạo ra định kiến, tạo ra khoảng cách giữa mẹ kế và con chồng. Kỳ thực, bất kỳ người mẹ nào cũng có tình yêu thương dành cho con, dành cho người được gọi là “con”. Chỉ là đôi khi gánh nặng cuộc sống và những lo toan bộn bề khiến mối quan hệ không được thuận hòa, suôn sẻ. Khi ấy, điều cần nhất chính là chúng ta mở lòng, chia sẻ chân thành với nhau mọi khúc mắc, khó khăn và đón nhận nhau một cách bao dung, độ lượng. Bởi vì mọi mối quan hệ trên cuộc đời đều bắt nguồn từ một chữ Duyên, vậy nên hãy trân quý tất cả những gì và những ai xuất hiện trong cuộc đời mình, bạn nhé!
Gia Viên