Truyền thống của một gia tộc cũng giống với một món đồ cổ thượng hạng. Nó được rất nhiều người bảo hộ và mài giũa, được tích lũy từ từ, lặng lẽ trong dòng thời gian dài đằng đẵng. Sự kế thừa này cũng giống như một món đồ cổ vậy, sẽ được tráng một lớp mạ thâm trầm, linh thông, trầm tĩnh ôn nhu và tỏa ra hơi thở cổ xưa.

Phía sau những con người xuất chúng này là bóng dáng một người cha ưu tú

Trong những danh gia Dân quốc (Đài Loan), ngoài “3 chị em họ Tống” đứng trên đỉnh cao quyền lực ra, còn có “4 chị em Hợp Phì” lẫy lừng giới văn hóa.

Diệp Thánh Đào từng nói: Bốn tài nữ nhà họ Trương ở ngõ Cửu Như, ai lấy được họ đều có phúc cả đời.

Sau này, họ lần lượt được gả cho nghệ sỹ kinh kịch Cố Truyện Giới, một nhà ngôn ngữ văn tự học nổi tiếng Chu Hữu Quang, một tác gia nổi tiếng Thẩm Tòng Văn và một nhà Hán học nổi tiếng Phó Hán Tư.

Bốn chàng rể quả nhiên đều có tài năng phi phàm. Họ đã trở thành những giai thoại trong lịch sử cận đại của Trung Quốc. Bốn vị tài nữ đều cao quý, có khí chất và được tôn xưng là những bậc “khuê tú cuối cùng”. Ngoài bốn người con gái này ra, sáu người con trai nhà họ Trương cũng có tài năng xuất chúng, tinh thông kim cổ…

Phía sau những con người xuất chúng này là bóng dáng một người cha ưu tú. Ông là nhà giáo dục tiến bộ nổi tiếng thời đầu Dân quốc. Chính gia phong tiến bộ của ông và sự thấu hiểu về giáo dục đã tạo nên 10 người con kiệt xuất.

Người cha và “4 chị em Hợp Phì”. (Ảnh: Chinashande)

1. Khởi điểm của sự giáo dục tốt cho con cái: Sự uyên bác của cha và định hướng tinh tế cho các con

Sự giáo dục tốt trước tiên được quyết định bởi người cha. Lời này đã được ứng nghiệm đối với 10 chị em nhà họ Trương.

Trương Vũ Linh, ông bố của nhà họ Trương sinh ra là con em của một danh gia vọng tộc nổi tiếng điển hình. Trương Thụ Thanh, ông nội của ông là cánh tay phải của Lý Hồng Chương, nhân vật thứ hai của Hoài Quân. Nhà họ Trương có hàng vạn héc ta ruộng tốt. Hàng năm dưới tên của Trương Vũ Linh có tô thuế 10 vạn gánh, ông là một đại địa chủ điển hình.

Mặc dù xuất thân trong gia đình đại quý tộc, nhưng lúc đó Trương Vũ Linh lại luôn giữ mình thanh liêm, trong sạch. Ông ghét cay ghét đắng những trò cờ bạc, xưa nay ông không hề chơi bất kỳ loại bài giấy nào. Ông không hút thuốc và không động đến dẫu chỉ một giọt rượu. Nhưng từ nhỏ ông lại nghiền đọc sách như sinh mệnh của mình và cả đời mình ông rất nhiệt thành với việc dạy học tình nguyện.

Cảnh giới và trí huệ không hề tầm thường của một người cha

Đầu hạ năm 1914, vị tài nữ thứ 4 của Trương Vũ Linh ra đời.

Bởi lẽ ba người con trước đều là con gái, nên khi biết rằng cái thai thứ 4 cũng là con gái, vợ ông chỉ liếc nhìn rồi òa khóc nức nở vì thất vọng. Vợ ông thở vắn than dài, ủ rũ đến cùng cực. Bạn bè đang chờ đợi chúc tụng ở ngoài cửa (Từng có người họ hàng quả quyết rằng thai nhi này nhất định là con trai) cũng lặng lẽ mang quà ra về…

Chỉ có Trương Vũ Linh vẫn vô cùng hứng khởi. Ông đặt tên cho cô con gái thứ 4 là “Sung Hòa” và yêu thương như 3 cô chị.

Trương Vũ Linh cả đời có tổng cộng 10 người con và ông rất kén chọn khi đặt tên cho các con mình.

Bốn cô con gái có tên lần lượt là: Nguyên Hòa, Doãn Hòa, Triệu Hòa, Sung Hòa. Sáu người con trai sau này lần lượt được đặt tên là: Tông Hòa, Dần Hòa, Định Hòa, Vũ Hòa, Hoàn Hòa, Ninh Hòa.

Ông hy vọng rằng trong tâm các con trai của mình nhất định phải có nhà, còn tâm các con gái của mình nhất định phải rộng lớn, khoáng đạt.

Cảnh giới và trí huệ này có thể thấy là không hề tầm thường.

(Ảnh: sina.com.vn)

2. Phương pháp giáo dục chuẩn mực: Vui chơi thỏa thích, dẫn dụ tài tình

Trương Vũ Linh giáo dục con mình bằng cách cho chúng vui chơi, chơi một cách thoải mái.

Năm 1917, nhà họ Trương chuyển nhà đến mảnh đất quý trữ tình mềm mại vùng Tô Châu. Những tòa nhà lộng lẫy, tầng tầng lầu các đình đài uốn lượn men theo hồ nước như tòa lâu đài để các con tha hồ chạy nhảy, vui đùa.

“Hàng ngày hễ chúng tôi ra khỏi thư phòng là như chim bay về rừng, nơi này không còn yên tĩnh được nữa. Đôi khi chúng tôi học Vương Hy Chi “rửa nghiên bên hồ”, còn đa số thời gian chúng tôi leo núi, nghịch nước điên đảo”. Một đoạn hồi ức trong cuốn “Chuyện cũ nhà họ Trương”.

Bọn trẻ đều có thể ra vào tự do bất cứ nơi nào trong nhà. Ngay cả những cuốn tàng thư mà cha trân quý nhất bọn trẻ cũng có thể tùy ý đọc mà không bị hạn chế.

Con cái nhà họ Trương, dù là nam hay nữ đều có thể tự do phát triển sở thích của bản thân.

Cha họ đã cho các con có không gian hình thành cá tính của mình trong giới hạn tối đa.

Mặc dù các con vui chơi hết mình, nhưng ông đồng thời cũng giáo dục con cũng rất gia giáo, nghiêm khắc.

“Còn nhớ hồi nhỏ trong nhà có khách, bọn trẻ nhất định phải đứng ở trong phòng khách chào hỏi một cách quy củ. Chờ người nhà bưng hộp kẹo lên thì phải lập tức rút lui trong yên lặng, không được xảy ra chuyện đòi ăn kẹo trước mặt khách”. Bốn chị em bồi hồi nhớ lại.

Vào đêm giao thừa, người cha Trương Vũ Linh bắt gặp các con mình đang xóc xúc xắc, chơi đô mi nô với mấy người công nhân, mỗi ván đặt cọc vài xu. Ông vốn ghét cay ghét đắng chuyện cá cược, dẫu rằng các cô gái nhỏ chỉ tình cờ chơi một lần.

Vậy nên năm đó ông ra điều kiện cho các cô gái, dẫn dụ họ theo hướng khác: “Nếu không chơi đô mi nô thì các con có thể hát Côn khúc (một dạng ca kịch nổi tiếng của Trung Quốc), và còn được lên sân khấu biểu diễn nữa”.

Rất nhiều năm sau đó, khi đọc đến đoạn này, đột nhiên tôi mới hiểu ra “tình yêu và tự do” mà ông khích lệ các con theo đuổi có chừng mực và ranh giới ở đâu? Chính là việc ông vừa cho con mình có không gian tự do khám phá và hình thành cá tính ở mức độ tối đa, lại vừa biết cách dẫn dụ con theo đúng hướng một cách tinh tế vào thời điểm then chốt.

Ngay cả việc bồi dưỡng sở thích đọc sách cho con cái cũng vậy.

Trương Vũ Linh theo đuổi kiến thức như đói cơm khát nước. Ông vô cùng coi trọng việc giáo dục con cái. Ông còn mời riêng vài thầy giáo về dạy cho con. Nhưng ông không hề can thiệp vào giáo trình cụ thể, mà chỉ tham gia tuyển chọn tài liệu từ những áng văn cổ như cuốn “Văn Tuyển”, “Sử Ký”, “Mạnh Tử”, để những chuyên gia viết lời diễn giải cho các cô đọc.

Sự giáo dục tốt chính là tình yêu và sự tự do đầy đủ nhất mà cha mẹ dành cho con cái. Trong những thời điểm then chốt cha mẹ còn phải khéo léo dẫn dắt con mình.

Vừa có không gian để khám phá, vừa tự ý thức được tích lũy kiến thức một cách tự giác như chuyện đọc sách mỗi ngày. (Ảnh: Genk)

3. Điểm then chốt trong giáo dục là một tầm nhìn khoáng đạt và chí nguyện thanh cao

Con cái nhà họ Trương ai nấy đều có tư chất của riêng mình. Họ có chí nguyện bay bổng, cao xa nhưng có một đặc điểm chung là đều thích đọc sách và hát Côn khúc. Đây là do ảnh hưởng trực tiếp từ cha mình.

Tô Châu vốn là vùng đất địa linh nhân kiệt. Hàng ngày Trương Vũ Linh ngoài việc tới hội quán xem Côn khúc, đọc báo địa phương ra, chỉ cần có chút thời gian rảnh ông sẽ dẫn các chàng hầu đi chợ sách. Sau khi đã quen với chủ quán thì ông chỉ cần vào hiệu sách mới là họ sẽ trực tiếp bó sách mang đến tận nhà họ Trương.

Sách nhiều đến nỗi thư phòng của họ Trương ở Tô Châu nổi tiếng về sự phong phú. Mỗi một tầng lầu nhà họ Trương có 4 thư phòng lớn, cha một phòng, mẹ một phòng, 2 phòng còn lại cho các con dùng chung. Trên tầng 2 là một kho sách tàng thư với con số lên đến hàng nghìn cuốn sách cổ, còn chưa kể đến vô số những bản điêu khắc cổ văn.

Thậm chí nhà họ Trương còn khuyến khích tất cả bảo mẫu trong nhà chăm chỉ đọc sách. Các bảo mẫu có thể luyện viết chữ lớn trên giấy kẻ ca rô, đọc tiểu thuyết dưới ngọn đèn dầu. Khi chải đầu họ có thể lấy việc nhận mặt chữ làm niềm vui.

Dương Giáng từng nói sự giáo dục tốt không phải là giáo dục một cách bị động, bị quản giáo mà là khơi gợi niềm hứng thú và sự tự giác. Từ đó họ sẽ được giáo dục một cách không tự biết.

Dưới sự ảnh hưởng bầu không khí này, người cha không hề chuyên quyền hay gượng ép các con nhưng các cô gái đều trở nên ưu tú, học rộng biết nhiều, tinh thông kim cổ.

Sự giáo dục tốt không phải là giáo dục một cách bị động, bị quản giáo mà là khơi gợi niềm hứng thú và sự tự giác. (Ảnh: ĐKN)

Việc học Côn khúc cũng vậy, truyền thống này được bắt đầu từ cụ nội Trương Thụ Thanh. Côn khúc vẫn luôn là niềm yêu thích nhiệt thành không thể bỏ của nhà họ Trương. Đến đời cha Trương Vũ Linh, sức hấp dẫn của những giai điệu cổ xưa này vẫn khiến ông phải say như điếu đổ.

Điều thú vị là trong một buổi diễn thuyết gần đây có một diễn giả cũng từng nói: “Nếu chúng ta không để con cái trải nghiệm thế giới, thưởng thức cầm kỳ thi họa, thì tôi có thể đảm bảo rằng 30 năm sau chúng không thể tìm được công việc. Bởi lẽ chúng không thể nào thắng được máy móc”.

Một tầm mắt khoáng đạt và chí nguyện thanh cao vẫn luôn là sức mạnh mềm xuyên thế kỷ, chẳng khi nào lỗi thời.

4. Mục đích cuối cùng của giáo dục: Tìm kiếm hạnh phúc từ bên trong tâm hồn mỗi người

Mục đích cuối cùng của giáo dục là để con trẻ có được khả năng sống hạnh phúc. Nhà họ Trương cũng như vậy.

4 cô gái nhà họ Trương, dưới sự giáo dục khoáng đạt của cha, mỗi người một vẻ mặn mà. Chị cả là một hình mẫu khuê nữ đại gia điển hình, vừa thông minh, lại lương thiện. Chị hai thông minh lanh lợi, nhưng cũng nhiều ý kiến nhất. Chị ba lại thích mặc quần áo con trai, cắt tóc ngắn, trông cũng oai phong, thanh tú. Em tư rất mực quy củ, nhưng từng nhất cử nhất động lại vô cùng tao nhã.

Dẫu cho ai nấy đều có tài hoa lỗi lạc và xứng đáng kén được rể hiền. Nhưng trong những năm tháng loạn lạc ấy mỗi người lại phải chịu đủ những chìm nổi phong ba, trải qua muôn vàn gian khó trong cuộc đời.

Bốn chị em nhà họ Dương lần lượt lìa đời ở tuổi 96, 93, 93 và 102. Không thể không nói rằng đó là do các cô đều có trí huệ và tâm thái tuyệt vời. Đến giờ tôi mới hiểu rằng hạnh phúc của nhà họ Trương chính là họ biết cách tìm niềm vui bên trong chính bản thân mình.

Họ làm những việc khiến tâm mình giàu có và có giá trị, chứ không bị danh lợi níu kéo. Họ không dùng ánh mắt thế tục để hỏi xem rốt cuộc chuyện đó có đáng hay không.

Chân dung của bốn chị em nhà họ Dương. (Ảnh: Zhihutai.com)

5. Sự kế thừa truyền thống giáo dục: Gia phong là bất động sản quý giá nhất

Mã Bá Dung, tác gia mà tôi yêu mến từng viết một đoạn như thế này trong cuốn tiểu thuyết về đồ cổ rằng: “Truyền thống của một gia tộc cũng giống với một món đồ cổ thượng hạng. Nó được rất nhiều người bảo hộ và mài giũa, được tích lũy từ từ, lặng lẽ trong dòng thời gian dài đằng đẵng. Sự kế thừa này cũng giống như một món đồ cổ vậy, sẽ được tráng một lớp mạ thâm trầm, linh thông, trầm tĩnh ôn nhu và tỏa ra hơi thở cổ xưa”.

Đồ cổ có hình, còn truyền thống lại vô hình. Dẫu rằng nó nhìn không thấy, sờ không được nhưng lại thẩm thấu vào trong huyết mạch của từng thế hệ sau trong gia tộc, trở thành sợi dây kết nối tinh thần vô hình giữa các thành viên trong gia đình. Thậm chí truyền thống ấy còn trở thành tính cách và một phần trong vận mệnh của họ.

Là một người cha, dẫu không để lại cho con cái hàng vạn héc ta ruộng đồng, nhưng ông đã lưu lại huyết mạch tinh thần quý giá nhất cho gia tộc mình. Gia phong mới thực sự là bất động sản trong gia đình đó.

Theo Soundofhope
Nhã Văn biên dịch