Kim Bình Mai được biết đến là một bộ tiểu thuyết đầu tiên mà cốt truyện hoàn toàn là hư cấu, sáng tạo cá nhân của văn học Trung Quốc. Tác phẩm này được đánh giá là một trong tứ đại kỳ thư viết về nhân tình thế thái.
Kim Bình Mai đến nay vẫn chưa xác định được tác giả chính xác của bộ tiểu thuyết này, ngoài cái tên làm bút hiệu là Tiếu Tiếu Sinh.
Theo cuốn Vạn Lịch dã hoạch biên, Thẩm Đức Phù chỉ nói tác giả là một “đại danh sĩ” thời Gia Tĩnh (niên hiệu vua Minh Thế Tông từ 1522 đến 1566). Ý kiến này có thể xác đáng, vì thời gian sáng tác và thời gian sống của tác giả là tương đối trùng hợp.
Tuy nhiên điều này cũng chỉ là phán đoán, qua tác phẩm người ta thấy tác giả dùng tiếng địa phương Sơn Đông rất thành thạo, nên người đời sau mới phỏng đoán rằng tác giả của Kim Bình Mai rất có thể là người Sơn Đông và có quãng thời gian sinh sống ở Bắc Kinh. Chính vì thế mà bối cảnh trong tác phẩm được xây dựng lên từ đó.
Nếu như ‘tứ đại danh tác‘ của Trung Hoa là Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký, Hồng Lâu Mộng, thì ‘tứ đại kỳ thư’ lại thay thế Hồng Lâu Mộng bằng Kim Bình Mai.
Tại sao một tác phẩm nhiều chi tiết ‘có vấn đề’ như Kim Bình Mai lại được đánh giá là một trong tứ đại kì thư sau: Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký? Phải chăng có thông điệp ẩn chứa bên trong?
Cái giá phải trả là quá đắt khi con người ta đánh mất đi đạo đức, nhân tính để chạy theo sự khoái lạc nhất thời
Nội dung trong Kim Bình Mai, miêu tả về cuộc đời nhiều tội ác và trụy lạc của nhân vật Tây Môn Khánh, hiệu Tứ Truyền, là người Thanh Hà, vốn là chủ một hiệu thuốc nhưng không ưa đọc sách, chỉ giỏi chơi bời phóng đãng, lại kết bạn với một bọn du côn đàng điếm.
Qua hình tượng Tây Môn Khánh, tác giả rất chân thực gây dựng lên một hình tượng mà biểu lộ phần con nhiều hơn phần người trong từ ‘‘con người’’. Hoàn toàn đam mê hưởng thụ, những thú vui khoái lạc lấn át đi cả phần lý trí.
Mặc dù Tây Môn Khánh đã có 1 vợ chính và thêm 3 người thiếp, nhưng cái thú trụy lạc trong ông ta chưa bao giờ thấy đủ. Chính vì phần ma tính dẫn lối mà khi thấy Phan Kim Liên vợ của Võ Đại (được nhắc tới trong Thủy Hử là Võ Đại Lang) có nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần, liền lập mưu giết chồng đoạt vợ.
Lưới trời như còn quá thưa mà lọt mất Tây Môn Khánh, khi Võ Tòng em trai Võ Đại báo thù, thì giết lầm người khác nên Tây Môn Khánh lại ung dung trong lối sống trụy lạc.
Sau này nhờ thông đồng với quan lại, Tây Môn Khánh trở thành một cường hào. Sau lại luồn cúi mua chuộc và kết thân với Thái Kinh, một trọng thần của triều đình. Y nhận ông này là cha nuôi, thì Tây Môn Khánh được làm một chức quan trong việc xử án ở huyện. Quyền hành cùng với những thú tính mạnh mẽ, ông ta một tay che trời, uy hiếp dân lành, đổi trắng thay đen, ăn chơi hưởng lạc.
Lưới trời tuy thưa mà khó lọt
Sự phóng đãng trụy lạc khi có tiền, có địa vị khiến ông ta phải nhận một trái đắng là đau đớn thống khổ, bạo bệnh dày xéo thân xác cho tới chết.
Xưa vì thân xác kia mà cung phụng, vì hưởng lạc mà phạm tội, thì nay khi bệnh hoạn, cái thân kia chẳng thể cứu ông ta, tiền bạc địa vị không thể mua được nữa.
Nằm đó mà nếm sự đau đớn tột cùng, sống không được, chết chẳng xong.
Đây là cái giá của những kẻ sống mà ham mê hưởng thụ trụy lạc, phóng túng đạo đức mà tội ác gây ra cao như núi. Lưới trời tuy thưa mà khó lọt, kẻ đồi trụy có thể không bị người đời báo oán ngay sinh thời, nhưng cũng chẳng thể ung dung mà nhởn nhơ với luật nhân quả. Nhân gieo đó có thể chưa cho quả ngay, quả có thể đến muộn, nhưng không có nghĩa là không đến. Quả là một bài học mang tính giáo huấn thông qua nhân vật Tây Môn Khánh này.
Những nhân vật nữ trong tác phẩm, những kẻ thuận theo sự trụy lạc của Tây Môn Khánh mà ô uế phẩm hạnh đạo đức của một nữ nhân, cũng chẳng kẻ nào thoát khỏi, kẻ bị giết, kẻ bị bán, kẻ cũng bị chết do chính những cái thú tính mà mình gây ra.
Đến đây người đời như chợt hiểu, nhân quả là một sợi dây định mệnh vô hình mà uy lực vô cùng mạnh mẽ. Nhân quả không chỉ đến với những kẻ chủ chốt gieo rắc tội ác, mà còn đến với những kẻ bị lôi kéo, những vai phụ trong vở diễn độc ác kia cũng chẳng ngoại trừ.
Có một tầng ý nghĩa nữa trong Kim Bình Mai. Đó là mặc dù Tây Môn Khánh và những kẻ thông gian với hắn trốn thoát được báo oán của người đời, nhưng tới gần cuối chuyện, thì người đọc lại thấy sự loạn lạc của thế thời.
Sự loạn lạc của thế thời là thuận theo thiên ý
Nhiều nhà bình luận văn học cho rằng, đó chính là thuận theo thiên ý. Bởi con người khi không còn xứng đáng là một con người, người không trị được ắt có trời trị. Điều này khiến ta một lần suy ngẫm, vậy bài học nhân sinh sâu sắc của Kim Bình Mai chính là lời nhắc nhở về giữ gìn đạo lý, lối sống đó mới là cuộc sống của con người. Nuông chiều cung phụng bản thân, đi theo tiếng gọi thú tính, đồi trụy trong hành vi và tư tưởng sẽ chẳng có chỗ mà dung thân.
Tới đây thì ta cũng gần như sáng tỏ được lối hành văn trong Kim Bình Mai và thủ pháp nghệ thuật của tác giả. Nếu như thời đó người ta dựa vào những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử mà gây dựng tác phẩm, thì ở Kim Bình Mai lại là sự phản ánh trần trụi một cách chân thật.
Mượn cái mà khó chấp nhận nhưng âm thầm tồn tại để nhắc nhở thế nhân. Đây được gọi là thủ pháp ngược. Chính vì vậy mà Kim Bình Mai mang nét đặc sắc riêng biệt phía sau cái nổi bề mặt đáng phê phán là một tảng băng chìm với triết lý và bài học thâm sâu.
Quay đầu là bờ, con người từ nay bước trên con đường tu hành chịu khổ chính là tự mình trả nợ nghiệp thế gian
Có một tình tiết đáng chú ý là gặp cảnh thế thời loạn lạc, Nguyệt Nương dắt đứa con trai độc nhất của họ Tây Môn là Hiếu Ca trốn chạy. Trên đường thì gặp một nhà sư, vị tăng này đã cho biết Hiếu Ca chính là kiếp sau của Tây Môn Khánh, phải xuất gia quy y Phật mới khỏi nạn. Nghe lời, Nguyệt Nương bèn gửi con vào cửa Phật, sau trở thành nhà sư Minh Ngộ.
Tới đây người đọc có phần vỡ ra một lẽ, trong luân hồi tạo nghiệp, cái món nợ nghiệp đó sẽ phải trả từ kiếp này tới kiếp khác, chưa hết được thì vẫn cứ phải trong luân hồi mà chịu khổ đau để hoàn nghiệp.
Lối giải thoát của con người chính là quy y Phật Pháp, bước trên con đường tu hành, chịu khổ, chịu nạn mà cam tâm nguyện ý chịu đựng. Một lòng không oán thán bởi những tội lỗi mà mình gây ra.
Ở đây thông điệp của tác phẩm rất rõ ràng, con người lựa chọn tiếp tục cho luân hồi hay tìm con đường giải thoát?
Giải thoát không có nghĩa là chạy trốn khỏi món nợ trần gian mà thành Phật. Mà chính là chấp nhận chịu cái khổ trong muôn vàn cái khổ để hoàn trả nợ nghiệp, rũ bỏ bụi trần. Từ giáo lý nhà Phật mà minh bạch ra nhân quả cuộc đời, biết buông đi và biết hành theo lời Phật. Để từ đó giải thoát chính mình khỏi chính những món nợ nghiệp mà mình đã từng tạo.
Có những ẩn ý rất sâu sắc trong Kim Bình Mai. Khi người đời nhìn vào những gì nổi trội bề mặt rồi vội vàng phê phán, thậm chí bài xích. Nhưng ẩn chứa bên trong hay tảng băng chìm của tác phẩm lại nằm ở những tình tiết khiến người đời như ngỡ ngàng bởi sự thâm sâu của nó. Có lẽ đó chính là lý do mà Kim Bình Mai được bình chọn là một trong tứ đại kì thư của văn học Trung Quốc.
Tịnh Tâm