Ở xứ sở đất nước mặt trời mọc, trà đạo được biết đến là một văn hóa truyền thống đặc sắc có lịch sử phát triển lâu đời. Nhật Bản gọi là trà đạo bởi nó giúp tinh thần được thư giãn, tâm tính được bồi dưỡng. Cùng với sự phát triển về sau người Nhật coi nó như một loại hình nghệ thuật mà sự tinh tế của nó biểu hiện ở pha trà và thưởng trà.
Từ khoảng cuối thế kỉ 12, nghệ thuật trà đạo bắt đầu thật sự phát triển và gắn bó với đời sống của người Nhật cũng như văn hóa Nhật Bản. Theo truyền thuyết Nhật, vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tầm sư học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai đã sáng tác ra cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký”, nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà.
Tại sao người Nhật coi việc pha trà và thưởng trà là trà đạo?
Người Nhật Bản coi trọng tu dưỡng tinh thần và đề cao tâm tính của con người. Có lẽ vì vậy mà ngay từ những ngày đầu khi thói quen uống trà du nhập vào Nhật Bản, tinh thần trong đạo Phật được coi là cội nguồn gốc rễ. Cảnh giới tư tưởng của con người liên tục được dung bồi qua loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Tại sao lại nói trà đạo Nhật Bản mang hơi thở của đạo Phật? bởi nó ẩn chứa bên trong mỗi chén trà là sự tinh túy hay tu tưởng của đạo Phật. Hình thức pha trà tỉ mỉ, tâm tính người pha trà được coi trọng. Sự chu đáo trong việc chuẩn bị đầy đủ chi tiết dụng cụ rồi pha một ấm trà cho tới khi thưởng thức nó là một cách để con người sống chậm lại từng khoảnh khắc, nhắc nhở con người biết điều tiết tâm- khí. Khi tâm bình tĩnh khí thì người ta lập tức đạt được trạng thái Định trong thiền. Định được rồi thì trí tuệ được khai thông, đạt đến Tuệ giác.
Đây là một quá trình dung bồi bền bỉ lâu dài của một con người. Nhưng với người Nhật, tu dưỡng đạo đức thể hiện qua từng việc trong cuộc sống hàng ngày. Đưa đạo Phật trở nên gần gũi và mang tính hiện thực trong ứng dụng cuộc sống.
Tinh thần của nghệ thuật trà đạo Nhật Bản nằm ở Hòa – Kính – Thanh – Tịch
Hòa: có nghĩa hài hòa, hòa hợp, giao hòa. Người Nhật rất coi trọng thiên nhiên. Trong quan điểm của họ, thiên nhiên là một kho tàng lớn nuôi dưỡng vạn vật. Do vậy việc trồng và chăm sóc cây chè là phải được lựa chọn về thổ nhưỡng, khí hậu, ánh nắng… để đảm bảo cây chè có thể phát triển tốt nhất. Như vậy mới cho ra được những ngọn chè có hương vị tuyệt vời nhất. Bởi cây chè cũng giống như một sinh mệnh, sự chăm sóc và nâng niu coi trọng của con người chính là sự vun đắp cho thành quả của mai sau.
Ngay trong việc hái chè, người ta có thể dùng máy thu hoạch. Nhưng loại chè này thường có giá trị không cao bằng loại chè mà nuôi dưỡng tự nhiên và hái bằng đôi bàn tay con người. Hay khi chế biến chè đã thu hoạch, người ta cũng phải dùng chính bàn tay của mình mà cảm nhận và chạm vào chè. Đây giống như việc tạo ra sợi dây liên kết giữa con người với thiên nhiên. Lấy sự hòa hợp làm yếu tố chủ đạo để làm ra sản phẩm trà hoàn hảo mang theo từng công đoạn tỉ mỉ, công phu.
Người Nhật coi trọng người pha trà. Họ cho rằng, tâm tính của người pha trà hay không gian mà người pha trà thực hiện là thể hiện ra phần nào tâm hồn của họ.
Với người Nhật, họ có quan niệm rằng, vạn vật đều có linh tính. Cho nên nếu con người và không gian xung quanh, con người và những công cụ pha trà tìm được mối quan hệ thân thuộc, đó chính là sự kết hợp rất hoàn hảo để tạo ra một ấm trà có hương vị tuyệt vời.
Kính: là lòng kính trọng, sự tôn kính của trà nhân với mọi sự vật và con người, là sự tri ân cuộc sống. Người pha trà với tấm lòng kính trọng và biết ơn tới người thưởng thức trà, thì tâm của họ đặt trọn vẹn vào từng thao tác nhỏ. Thái độ cung kính khiến cho người thưởng trà như đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật hơn là chỉ coi đó là việc ăn và uống.
Ở Nhật Bản, có cả một lễ hội bày tỏ sự biết ơn của con người với những đồ vật cũ như con dao, cái nồi… Bởi trong quan niệm sống của họ, bất kể điều gì cũng không phải là ngẫu nhiên mà có được. Lối sống trong biết ơn là văn hóa của người Nhật. Chính vì vậy trong nghệ thuật trà đạo, nó cũng thể hiện ra lòng kính trọng được nảy sinh khi tinh thần của trà nhân vươn tới sự hài hòa hoàn toàn.
Thanh: Là một cảnh giới tâm hồn của con người khi hoàn toàn tìm được sự hòa hợp và lòng tôn kính với vạn vật. Tâm mở rộng để đón nhận những điều tốt lành, mọi ý niệm xấu hay những việc làm không tốt của bản thân dường như được rửa sạch. Lúc này trạng thái tinh thần của con người là sự thanh tỉnh bình thản, một tâm hồn hoàn toàn tĩnh lặng. Họ có thể cảm nhận được chính xác từng hương vị của lá trà, dường như có thể cảm nhận được cả độ nóng của nước.
Tịch: Tức là một trạng thái tinh thần sau khi đạt được cảm giác thư thái thanh thản, là một cái tĩnh lặng hoàn toàn. Tâm hồn dường như ở trạng thái bình lặng như mặt hồ không có gợn sóng. Những bộn bề ồn ã của cuộc sống đang bao vây xung quanh dường như biến mất hoàn toàn, trả lại cho con người sự vắng vẻ tịch liêu. Là một khoảng không gian của sự hòa hợp lắng nghe từng nhịp đập nhỏ nhất của vạn vật.
Có thể thấy rằng, trà đạo Nhật Bản giống như một quá trình con người tu tập thiền định. Lấy những cốt lõi gốc rễ của nhà Phật mà ứng dụng vào trong từng góc cạnh của cuộc sống. Có lẽ đó là lí do mà vì sao nghệ thuật trà đạo của người Nhật lại có sức hút mạnh mẽ tới những nhà nghiên cứu Nhật Bản hay cả với những con người phương Tây khi họ khó có thể tìm được sự cân bằng trong cuộc sống.
Pha trà và thưởng trà đòi hỏi tuân thủ theo những yêu cầu rất khắt khe
Nước pha trà là tiêu chuẩn đầu tiên được đề cập tới trong nghệ thuật trà đạo Nhật Bản. Nước pha trà luôn phải được giữ trong một bình thủy hay được nấu trong một ấm kim khí không đậy nắp được đun trên bồn than rất yếu để giữ nước luôn ở khoảng 80 – 90 độ C.
Khi pha trà dụng cụ pha trà và tách uống trà đều được tráng bằng nước sôi để làm ấm dụng cụ sau đó dùng khăn lau khô trước rót trà vào trong.
Trước khi cho trà vào ấm, người pha trà thường ngửi trà để phân biệt trà được pha là loại trà nào, sau đó căn cứ vào số người dùng trà mà lựa chọn cách pha trà cho phù hợp để đảm bảo hương vị của trà không quá đặc cũng không quá loãng. Chén trà được rót đảm bảo cả vệ hương, vị và sắc.
Rót trà cũng là một nghệ thuật và phải tuân theo nguyên tắc thứ tự 1 – 2 – 3 – 4. Loại tách cỡ lớn tầm 70ml, lần đầu rót vào 30ml, sau đó tiếp tục với thứ tự ngược lại 4 – 3 – 2 – 1 mỗi lần 20ml. Tổng cộng tách trà rót là 50ml. Để đảm bảo cho chất lượng của chén trà luôn ở cùng một trạng thái thì khi rót trà vào tách đều có chừng mực. Người rót trà cần dùng mắt để quan sát xem màu sắc của chén trà, dùng mũi để ngửi hương vị trà. Điều này đảm bảo không có sự khác biệt về độ đậm nhạt của trà.
Với người thưởng trà cũng có những yêu cầu như: Thái độ kính trọng và cách thưởng thức khá thú vị. Họ luôn dùng vài miếng bánh ngọt để sử dụng cùng với trà. Và việc ăn như thế nào, uống như thế nào thể hiện được vị thế và kiến thức hay nền tảng giáo dục của người đó.
Nếu như thế giới đánh giá người Nhật Bản nổi tiếng về sự tỉ mỉ chu toàn và sự chính xác. Thì người ta lại càng thích thú hơn với những nét văn hóa và sự tinh tế trong thưởng thức nghệ thuật. Điều đặc biệt quan trọng khiến thế giới ngưỡng mộ Nhật Bản. Đó là những giá trị truyền thống mà dân tộc họ kế thừa từ văn hóa Trung Hoa cổ xưa đã biến mất ở Trung Quốc hiện đại thì lại được bảo tồn và giữ gìn ở một đất nước Nhật Bản nổi tiếng với công nghệ hiện đại nhất nhì toàn cầu này.
Tịnh Tâm