Thủy Hử là một đại danh tác nổi tiếng kim cổ. Tác phẩm được chuyển thể thành phim và gặt hái được nhiều thành công với sức hấp dẫn mạnh mẽ tới người xem. Bên cạnh đó có những bản nhạc, những ca khúc được sử dụng trong phim làm cho những ai yêu mến Thủy Hử đều không thể quên. Một trong những danh khúc đó có bản Túy Hồng Nhan. Đây là nhạc khúc được đánh giá là vượt qua giới hạn ngôn ngữ.

Nhắc tới Túy Hồng Nhan người ta thường nghĩ tới những bóng hồng trong Thủy Hử… Rất nhiều cảm xúc trong đó được người nghe cảm nhận ở các cung bậc khác nhau. Túy Hồng Nhan như một ly rượu của hồng nhan, như mật ngọt đầu môi, khiến người ta say sưa nồng nàn, nhưng cơn say của nó có thể làm người ta đau mà chẳng thể nhận ra. Có thể giết chết bất kì ai khi chìm đắm trong đó.

Có người nói rằng, bản nhạc này là lời nói đáng thương cho một hồng nhan Phan Kim Liên. Một người phụ nữ dung mạo như hoa nhưng chịu sự cám dỗ của sắc dục mà trở thành một con người tàn ác, một kẻ chịu sự khống chế của dục vọng mà mất đi nhân tính hủy hoại chính mình.

Túy hồng nhan trong Tân Thủy Hử. (Ảnh: YouTube)

Những hồng nhan của Thủy Hử

Đầu tiên cần nhắc tới là vợ của Lâm Xung, một phụ nữ đức hạnh và nhan sắc trời ban. Vì danh giá mà thủ tiết giữ trọn vẹn đạo làm vợ, giữ gìn phẩm hạnh mà lựa chọn cái chết để giữ thân tâm trong sạch. Đây được xây dựng là biểu tượng của người phụ nữ cần phải có trong mọi thời đại.

Rồi những người phụ nữ xinh đẹp giỏi giang, là những nữ tướng trong 108 vị anh hùng Lương Sơn. Họ là biểu tượng cho sự mạnh mẽ nhưng chẳng kém phần mềm mại, nhu mì của một phụ nữ. Một hương vị của một ly rượu mạnh nhưng vẫn nồng ấm hương say.

Nhưng bên cạnh đó lại có những phụ nữ vì đam mê dục vọng, vì tham lam, vì hư danh mà tự giết chính mình, đó chính Diêm Tích Kiều, một cô gái nhan sắc như hoa, tài đàn tài hát. Cô ta dùng tài sắc mà mê hoặc nam nhi, dụ dỗ người ta để đạt được lòng tham và cung phụng ham muốn thân xác nhục dục. Rồi mưu mô mưu chuộc Tống Giang, để rồi tự chuốc lấy cái chết đắng cay.

Hay với Phan Kim Liên cô nàng dung mạo tuyệt trần, may mắn có được người chồng hiền lành, chất phát chịu thương chịu khó, rất mực yêu thương. Ấy vậy mà ham muốn dục vọng chẳng biết đủ, thông gian hại chồng. Tội ác của Kim Liên khiến người đời chê cười một phụ nữ có sắc mà lòng dạ thâm độc hiểm sâu. Chỉ vì nhục dục mà phụ bạc tình phu thê.

Phan Kim Liên người vợ xinh đẹp của Võ Đại Lang. (Ảnh: IFuun)

Một kĩ nữ tài sắc vẹn toàn là Lý Sư Sư. Mặc dù xuất thân kĩ nữ, nhưng tài năng lại chính là sự cuốn hút đối với bậc nam nhi. Nhan sắc kia được quý trọng khi chính cô biết quý tiếc thân mình, biết giữ gìn và tu bồi phẩm hạnh, biết kìm nén tình yêu của riêng mình mà làm mình thêm thanh tao quý giá.

Trong Thủy Hử những bóng hồng ấy mang theo những biểu tượng riêng được xây dựng mang theo hàm ý thâm sâu.

Họ cũng là những hồng nhan, họ cũng mang theo hương sắc riêng của mình, nhưng có người giữ gìn phẩm hạnh và được người đời nhớ tới như một hương sắc tinh khiết của một bông hoa. Nhưng cũng có người chạy theo đam mê nhục dục, vì thỏa mãn ham muốn thân xác mà rẻ rúng bản thân. Người đời coi đó như loài hoa có độc. Phẩm hạnh con người bị chà đạp bởi những dục vọng tầm thường, cũng chỉ đáng là một bông hoa nhất thời ham mê rồi lại bị vứt bỏ như chiếc áo rách mặc qua đường.

Giống như cảm xúc của bản nhạc Túy Hồng Nhan mang lại, đó là sự khác biệt to lớn giữa sự ngọt ngào của một mỹ nhân gìn giữ đức hạnh, dùng tài sắc mà chinh phục trái tim đại trượng phu thay vì dùng nó như một loại men độc mà mê hoặc lòng người.

Anh hùng trượng phu nghĩa lớn nghiệp lớn với cửa ải mĩ nhân, được ví như ly rượu đam mê chìm đắm

Trong Thủy Hử, Tống Giang được đánh giá là một anh hùng trượng nghĩa. Một người tài với khả năng dụng binh và dụng người. Nghĩa khí của Tống Giang khiến người xem nể phục.

Tống Giang – người anh hùng trong Thủy Hử. (Ảnh: Ifuun.com)

Nhưng nguyên cớ gì mà Tống Giang, một bậc trung quân phải đi vào con đường tù tội? Vị anh hùng cái thế đó cũng mắc vào lưới tình của một hồng nhan Diêm Tích Kiều. Cũng đã từng nếm men say của ly rượu tình. Để rồi chính mình phải dứt tình chọn nghĩa, kết thúc cơn say bằng con dao với một bóng hồng. Phải chăng ly rượu hồng nhan là cơn say khó cưỡng lại được?

Giống như Nàng Helen trong thần thoại Hy Lạp với sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” khởi nguồn của cuộc chiến giữa quân Hy Lạp và quân T’roa, kéo dài 10 năm mới chấm dứt. Trong sử thi Ramayana, chàng Rama đã phải chiến đấu dũng cảm để cứu nàng Sita từ tay quỷ vương Ravana.

Nàng Đát Kỷ xinh đẹp mà độc ác đã khiến Trụ vương – từ một vị vua cuối cùng triều đại nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc văn võ song toàn cũng trở nên rượu chè, xô đẩy nhà Thương tới diệt vong sau hơn 600 năm tồn tại.

Chàng Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du vốn “đội trời, đạp đất ở đời”, “giang hồ quen thói vẫy vùng; gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”; ấy thế mà khi Thúy Kiều khuyên nên ra quy hàng, chàng “nghe lời nàng nói mặn mà” để rồi mắc mưu Hồ Tôn Hiến, phải chịu cái chết oan ức “trơ như đá, vững như đồng; ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời”…

Như vậy mới thấy rằng, hồng nhan mĩ nhân như chén rượu nồng, hương sắc say mê có thể hủy hoại một bậc anh hùng trượng phu. Có thể mang theo binh đao loạn lạc. Cũng có thể giết chết một trang nam tử trong cơn say dịu ngọt. Một loại rượu mà phía sau vị ngọt là trái đắng mà từ cổ chí kim, khó có anh hùng nào có thể vượt qua được.

Lắng nghe nhạc khúc Túy Hồng Nhan, mới thấy sự quyến rũ không thôi của một loại men tình. Thấy được cơn say đắm chìm và sự ma mị ghê gớm của nó. Điều khiến một nam tử Hán đại trượng phu có thể buông gươm bỏ kiếm. Khiến quân vương có thể đắm chìm mà bỏ đi việc lớn. Hồng nhan mĩ nhân, cám dỗ không bao giờ là dễ dàng đối với chí nam nhi.

Nếu như coi sắc tình là cửa ải khó qua của một chính nhân quân tử, thì nó cũng chính là một đại quan với người tu hành

(Ảnh: Pinterest.com)

Với người tu hành, sắc tình lại là một đại quan của họ. Bởi trong con mắt của Thần Phật, đây là một loại dục vọng cần phải buông bỏ đầu tiên. Người tu hành không thể được coi là viên mãn khi tâm sắc tình chẳng buông, nhục dục vẫn còn.

Giống như Trư Bát Giới, nguyên là Thiên bồng nguyên soái, vì sắc tình với Hằng Nga mà rơi rớt xuống dương gian. Đến lúc cùng phò trợ Đường tam tạng đi thỉnh chân kinh, là một hành trình trên con đường tu luyện. Thế mà cuối cùng cũng chỉ một mình Trư Bát Giới không đắc Phật quả. Vì cớ gì? Phải chăng do dục vọng chấp trước chẳng buông, sắc tình chẳng đoạn? 

Sắc tình nhục dục trong con mắt chư Thần Phật là những thứ dơ xấu mà có thể hủy hoại hay dẫn động con người trở nên thú tính hay sa đọa về đạo đức. Một loại ma tâm đáng sợ. Một con người bước trên con đường tu luyện chân chính, từng ngày từng ngày đối mặt với sắc tình. Từ sâu trong tâm can họ là những trận chiến giằng co của chính niệm và dục vọng. Đối đãi sao với loại men say tình có thể níu kéo mà làm gục ngã người chân tu?

Nghe nhạc khúc Túy Hồng Nhan để ngẫm về Thủy Hử, ngẫm về sắc tình thế thái.

Xin gửi tới quý độc giả Đại Kỷ Nguyên nhạc khúc Túy Hồng Nhan, độc giả sẽ có những cảm ngộ riêng của mình mà chẳng cần dùng ngôn từ để bày tỏ. Một cảm xúc khó có thể nói hết được bằng lời về những ly rượu ‘’hồng nhan’’ trong cuộc đời của mỗi con người:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Tịnh Tâm