Kinh đô Thăng Long tồn tại qua ba triều đại Lý – Trần – Lê, ở mỗi thời kỳ, cùng với lễ, nhạc cung đình luôn được quan tâm cả về hình thức cũng như nội dung, mang nhiều nội hàm sâu sắc, vừa để làm tăng sự uy nghiêm của những lễ nghi cung đình, vừa để giải trí cho vua quan, hoàng tộc. Đương nhiên, tùy theo sắc thái tư tưởng và tình hình xã hội của từng thời kỳ, nhạc vũ cung đình lại mang những diện mạo khác nhau.

(Ảnh: Pinterest.com)

Mùa thu năm Canh Tuất 1010, quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La của vua Lý Thái tổ đã bắt đầu cho sự phát triển của kinh đô Thăng Long.

Sự có mặt của triều đình cùng những hoạt động của nó đã kéo theo sự phát triển của cả vùng khiến cho kinh thành Thăng Long nhanh chóng trở thành một nơi

“thắng địa, là nơi đô hội trọng yếu để bốn phương quây tụ, và là đô thành bậc nhất xứng đáng làm kinh sư cho muôn đời”, đúng như Lý Thái Tổ nhận định trong Thiên đô chiếu天都诏.

Tìm hiểu nhạc vũ cung đình Thăng Long là một thách thức với các nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay bởi tư liệu còn lại đến nay rất hiếm hoi. Bi ký, thư tịch cổ, điêu khắc cổ tuy cũng có ghi lại ít nhiều nhưng đều cho những thông tin hết sức lẻ tẻ mờ nhạt và khó hiểu.

Tuy nền âm nhạc của mỗi dân tộc phát triển chủ yếu do nội lực của dân tộc đó, song sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong khu vực cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển.

Do đó để hình dung được đôi chút về nhạc vũ cung đình Thăng Long, ngoài những sử liệu vô cùng quý giá kể trên, cần phải có sự so sánh đối chiếu với tình hình phát triển nhạc vũ trong khu vực nhằm tìm ra những ảnh hưởng và tiếp thu của cha ông ta với âm nhạc ngoại lai để tìm cơ sở lý giải tư liệu và hình dung dòng chảy của nhạc vũ cung đình.

(Ảnh: Wikipedia.org)

Nhạc vũ cung đình thời Lý

Điểm lại lịch sử có thể thấy, nước ta từ lâu đời đã có nền nhạc vũ dân gian của riêng mình, ca hát, chơi nhạc cụ đã là những giải trí quen thuộc của người dân.

Giao châu ký交洲记 của Lưu Hân Kỳ viết vào cuối thế kỷ thứ II đầu thế kỷ thứ III, có nhận xét về phong tục Giao Châu thời kỳ đó như sau:

“Tục thích gảy đàn, mục đồng cưỡi trâu ở đồng lạch hát những bài ca réo rắt. Trẻ con tụ tập dưới trăng vỗ tay làm nhịp để bài ca thêm hay”. (Tục hiếu cổ cầm, mục thụ ư dã trạch thừa ngưu xướng liêu liêu chi ca, đồng lệ ư nguyệt hạ phủ chưởng phát lệ dao dĩ lệnh mỹ ca)[1].

Một bài từ của Tôn Quang Hiến người thời Đường cũng có có đoạn viết:

“Mộc miên hoa ánh tùng từ tiểu / Việt cầm thanh lý xuân quang hiểu / Đồng cổ dữ man ca / Nam nhân kỳ trại đa“ [Hoa gạo ánh lên bên ngôi đền nhỏ/ Chim Việt líu lo trong nắng xuân / Tiếng trống đồng hòa cùng bài hát Man / Người Nam cầu cúng nhiều].

Qua đó thì thấy, có thể còn thô sơ nhưng âm nhạc từ lâu đời luôn là một nhu cầu thường trực trong đời sống tinh thần của người dân đất Giao châu.

Trải suốt 1000 năm như một phần của Trung Quốc, ảnh hưởng của nền nhạc vũ Trung Hoa đối với nước ta là không nhỏ. Đặc biệt ở thời Đường, sự hùng mạnh của vương triều nhà Đường gây ảnh hưởng lớn về mọi mặt kinh tế cũng như văn hóa, không chỉ đối với lân bang mà thậm chí tới tận phương Tây xa xôi.

Cũng như các hoạt động văn hóa khác, hoạt động nhạc vũ thời Đường cũng hết sức phát triển. Âm nhạc dân gian thời kỳ này là một nội dung trọng yếu trong đời sống xã hội. Âm nhạc mới được hình thành trong quá trình giao lưu văn hóa không ngừng xuất hiện, rồi lại bằng những con đường khác nhau truyền bá khắp nơi.

Phật giáo ở thời Đường được tôn sùng và phát triển đến cực thịnh, chùa viện đua nhau mọc lên, có những chùa viện vừa là nơi hoạt động tôn giáo, vừa là nơi hoạt động âm nhạc và các văn hóa khác, do đó âm nhạc Phật giáo thời Đường cũng ảnh hưởng rất mạnh trong khu vực.

Về tổ chức, cơ quan âm nhạc thời Đường được tổ chức rất quy củ, nguyên có Thái nhạc thự 太樂署 , Cổ xúy thự 鼓吹署 và Giáo phường 教坊 , đều do Thái thường tự quản lý. Trong cung đình còn có Lê Viên 黎圆 , các đệ tử ở đây được gọi là Lê Viên đệ tử 黎圆弟子. Những tổ chức âm nhạc này chủ yếu truyền tập tục nhạc, là nơi sưu tập nhạc vũ dân gian, đào tạo nhạc công, đồng thời cũng là nơi nâng cao nghệ thuật nhạc vũ, truyền bá nhạc vũ.

(Ảnh: Doisongvietnam.vn)

Năm Thiên Bảo thứ 15 (756), nổ ra loạn An – Sử, Đường Huyền Tông bỏ kinh đô chạy, các nhạc nhân Giáo phường phần nhiều lưu tán đi các nơi, nhạc vũ Giáo phường nhờ vậy càng lưu truyền rộng rãi trong dân gian[2].

Ảnh hưởng của nhạc vũ nhà Đường 

Trong bối cảnh đó, là một quận huyện nội thuộc, nằm trong phạm vi cai quản và giáo hóa của nhà Đường, xã hội Việt Nam thời bấy giờ đương nhiên sẽ phải vận động theo sự vận động của xã hội thời Đường, vì vậy hoạt động nhạc vũ thời kỳ này cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhạc vũ thời Đường.

Rất nhiều nhạc khúc vũ đạo thời Đường được truyền đến Giao Châu và đã được người Việt bảo lưu. Có nhạc khúc cổ thất truyền ở Trung Hoa nhưng lại có ở Giao Châu. Trường hợp người thời Tống tìm được ở Giao Chỉ Trượng cổ[3] khúc Hoàng Đế Viêm杖鼓曲黄帝炎đã thất truyền ở Trung Quốc từ lâu là một minh chứng[4].

Ảnh hưởng của nhạc vũ nhà Tống

Tiếp đó là sự ảnh hưởng của nhạc vũ thời Tống. Sử sách cho biết, thời Tiền Lê, vào niên hiệu Thiên Phúc năm thứ 8 (987), nhà Tống sai sứ giả là Lý Giác sang ta, khi Giác từ biệt ra về, vua Lê Đại Hành sai sư Khuông Việt làm khúc ca để tiễn, lời rằng:

(Ảnh: Pinterest.com)

Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Dao vọng thần tiên phục đế hương
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang
Cửu thiên quy lộ trường.

Tình thảm thiết
Đối ly trường
Phan luyến sứ tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị biên cương.

Phân minh tấu ngã hoàng.
[Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương
Thần tiên lại đế hương
Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương
Về trời xa đường trường

Tình thắm thiết
Chén lên đường
Vin xe sứ vấn vương
Xin đem thâm ý vì nam cương,
Tâu vua ta tỏ tường][5]

(Ảnh: Pinterest.com)

Khúc này theo sách Thiền uyển tập anh thì được hát theo điệu Nguyễn lang quy阮郎歸 . Có thể thấy ngay rằng đây là lối điền ca từ vào một điệu hát có sẵn, rất thịnh hành ở thời Tống. Tư liệu đã chứng minh, ở thời kỳ này, từ điệu dân gian thời Tống cũng được lưu truyền ở Việt Nam và lối điền ca từ vào nhạc khúc đã được người Việt tầng lớp trên sử dụng rất thành thục. Ngoài ra tư liệu về Ưu nhân (優人Kép hát) Liêu Thủ Tâm dưới thời vua Lê Long Đĩnh cũng cho biết sự có mặt của diễn viên hề (Bài ưu) trong cung đình thời bấy giờ.

Ảnh hưởng nhạc vũ Chiêm Thành

Đất Chiêm Thành xưa

Trong quá trình tiếp xúc văn hóa, nhạc vũ Chiêm Thành bằng nhiều con đường cũng ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam. Nhạc cụ, các lối múa theo kiểu Ấn Độ, các khúc hát Chiêm cũng được người Việt tiếp thu.

Qua đó có thể thấy, Nhạc vũ thời kỳ Bắc thuộc mà điểm nhấn là nhạc vũ thời thuộc Đường đã tạo cơ sở nhất định cho Nhạc vũ cung đình thời Lý phát triển và hưng thịnh.

Tuy tư liệu về nhạc vũ cung đình thời kỳ này không nhiều nhưng trong một chừng mực, những tư liệu đắt giá đó vẫn đủ cho thấy vào thời Lý, nhạc vũ là một hoạt động thường xuyên trong cung đình, được tổ chức quy củ, được triều đình chú trọng đào tạo, phát triển, đủ cả ca múa nhạc với đội ngũ nhạc nhân đông đảo.

Đại Việt sử ký toàn thư大越史記全書 (Toàn thư) chép: “Niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo năm thứ 3 đời vua Thái tông (1041), mùa hạ tháng năm, đặt phẩm cấp các cung nữ. Hoàng hậu và phi tần 13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ hơn 100 người“. Nhạc kỹ 樂妓 là từ chuyên chỉ nữ nghệ nhân ca múa, như vậy trong cung đình lúc bấy giờ chưa kể nhạc công (伶兒 linh nhi), chỉ riêng nhạc kỹ đã có hơn 100 người.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục) chép: “Đỗ Anh Vũ là em ruột Đỗ Thái hậu – mẹ vua Thần tông nhà Lý – phong tư đẹp đẽ, hát hay múa khéo, lên 8 tuổi đã sung vào ban Thượng Lâm đệ tử 上林弟子”. Văn bia Cự việt quốc Thái úy Lý công thạch bi minh 大越國太尉李公石碑銘 viết về tiểu sử Đỗ Anh Vũ cho biết ông được sung vào cung ở niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ năm thứ 5 đời vua Nhân tông (1124).

Tư liệu này đã chứng minh rằng ở thời vua Nhân tông, tổ chức Thượng Lâm đệ tử đã được hình thành. Tổ chức Thượng Lâm ở đây chính là sự mô phỏng tổ chức Lê Viên trong cung đình của nhà Đường. Lê Viên là nơi đào tạo về nhạc vũ cho cung đình. Mục Lễ nhạc chí禮樂誌trong sách Tân Đường thư新唐書chép: “Huyền tông đã hiểu âm luật lại cực thích Pháp khúc[6], chọn 300 đệ tử vào Tọa bộ kỹ dạy ở Lê Viên… được gọi là Hoàng đế Lê Viên đệ tử”[7]”.

Phải chăng do vua nhà Lý sùng mộ đạo Phật nên cũng áp dụng mô hình Lê viên để truyền dạy nhạc vũ Phật giáo? Như vậy rất có thể ngay từ đầu, các cơ quan quản lý âm nhạc trong cung đình nhà Lý đã được tổ chức quy củ phỏng theo quy chế nhà Đường, cách tổ chức Thái thường tự và Giáo phường thấy ở thời Lê sau này đã xuất hiện ở thời Lý.

(Ảnh: Pinterest.com)

Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh (1121) có ghi nhận một chương trình biểu diễn nhạc vũ cung đình với sự góp mặt của Thượng Lâm đệ tử dưới thời vua Nhân tông như sau:

“…Tấu nhạc Thiều dào dạt. Cửa động đua mở; thần tiên hiện ra. Đều là phong thái thiên cung; đâu phải phong tư trần thế. Vươn tay nhỏ dâng khúc Hồi phong; nhăn mày thúy ca bài Hưu vận. Chim quí từng đàn ca múa; thú lành thành đội xênh xang. […] Chim vượt mây ríu rít; hổ xuống núi nhe nanh. Trổ hết oai hùm; cắn xé thú nhỏ. Gặp Thượng lâm đệ tử; cầm cán son lông trĩ, gào thét đuổi để dâng lên vua; đắp bãi rộng làm nơi săn bắn. Kéo cung ruổi bắn; rút kiếm dạo quanh. Kẻ trổ oai trong chốc lát; người đón đánh lúc bấy giờ. Lân quốc mến nên bế trẻ dắt già; Chư hầu vui mà băng tường vượt núi. Chăm chú xét xem chính giáo; ngóng chờ mong thấy mặt vua”.

(Còn tiếp)
Ngọc Yến

Chú thích:

[1] Dẫn theo Lê Mạnh Thát: Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam Tập II, Nxb Thành Phố Hồ chí Minh. 2001. Tr 653.

[2] Theo m Pháp Lỗ. Trung quốc cổ đại văn hóa s sử. m Pháp Lỗ và Hứa Thụ An chủ biên. Bắc Kinh đại học xuất bản xã. Tái bản lần thứ 5. 1996. Tr 218 -219.

[3] Trượng cổ là một loại trống dùng gỗ làm tang, eo thon, hai mặt bịt da, có dây đeo ngũ sắc, khi đánh thì bên phải gõ bằng dùi, bên trái vỗ bằng tay. Mục Lễ nhạc chí sách Tân Đường thư chép: Về cách (nhạc khí dùng vật liệu là da) có trượng cổ, đệ nhị cổ, đệ tam cổ và yêu cổ, đại cổ. (Hán ngữ Đại từ điển). Sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa gọi loại trống này là Bông la).

[4] Theo m Pháp Lỗ.Sđd. Tr 234

Theo Hán ngữ Đại từ điển: Trượng cổ khúc – tên nhạc khúc. Mục Nhạc luật sách Mộng Khê bút đàm của Thẩm Quát đời Tống viết: ‘Cổ khúc đều đã mất cả, gần đây vương sư đi chinh phạt phương Nam, tìm được khúc Hoàng đế Viêm ở Giao Chỉ, chính là nhạc khúc trượng cổ”

[5] Toàn bộ tư liệu dẫn trong bài viết, xin xem chính văn ở phần II: Tư liệu về nhạc vũ cung đình

[6] Chỉ âm nhạc Phật giáo

[7] Theo m Pháp Lỗ. Sđd, Tr 218 – 219