“Oan Đậu Nga” là vở ca kịch nổi tiếng của nhà văn Quan Hán Khanh đời nhà Nguyên, tác phẩm được sáng tác dựa trên câu chuyện có thật về nỗi oan khuất “Đông Hải Hiếu Phụ” trong “Liệt Nữ truyện”. Truyện kể Đậu Nga bị bọn vô lại hãm hại, lại bị thái thú Đào Ngột phán tội chém đầu một cách oan uổng. Vở kịch được cho là sự đặt định về khái niệm người tốt người xấu và nhân quả báo ứng trong cuộc sống không bao giờ sai.
Quan Hán Khanh, hiệu Dĩ Trai, Nhất Trai; là nhà viết kịch cổ điển Trung Quốc đời nhà Nguyên. Ông được xem như là một nghệ sĩ nhân dân đầu tiên của Trung Quốc, và đã được đánh giá bình chọn vào hàng ngũ danh nhân văn hóa thế giới năm 1957.
Trong cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật sân khấu của mình, Quan Hán Khanh đã sáng tác rất nhiều những vở kịch hay. Không thể không kể đến vở Đậu Nga oan (tên đầy đủ là “Cảm thiên động địa Đậu Nga oan”, nghĩa là: Nỗi oan của Đậu Nga cảm động đến trời đất), viết sau năm 1291 đời Nguyên Thế Tổ, lúc đó Quan Hán Khanh đã về già. Ở độ tuổi gần đất xa trời, thông điệp cuộc sống cho kiếp người và đạo lí đời người được ông gửi gắm qua vở kịch được cho là tiêu biểu và xuất sắc của ông.
Vở kịch là sự phân định rạch ròi về người tốt kẻ xấu
Trong thời xưa, khi kinh kịch là một hoạt động nghệ thuật sân khấu mang tính thưởng thức và lồng ghép về những giá trị đạo đức và là nơi đặt nền móng cho tư tưởng con người trở lên tốt đẹp hơn. Coi trọng truyền thống đạo đức và nhân phẩm của con người. Những vở diễn kịch càng gần gũi với công chúng thì tính hiện thực trong giáo dục càng cao.
Trong vở kịch Đậu Nga oan, hình ảnh khắc họa là một người con gái có hoàn cảnh xuất thân trong nghèo khổ. Sớm đã bị mồ côi mẹ và chịu cảnh bán thân để cha nàng là Đậu Thiên Chương lấy tiền trả nợ, và có tiền làm lộ phí để lên kinh dự thi.
Đậu Nga tới nhà họ Thái chưa được 2 năm, thì cậu con trai họ Thái bị bệnh mất, chỉ còn nàng và bà góa họ Thái sống nương tựa vào nhau. Đậu Nga là một người con dâu rất mực hiếu thuận với mẹ chồng. Sự chăm chỉ và tấm lòng hiếu thảo được truyền đi khắp nơi trong vùng. Ai Ai cũng một lòng ngưỡng mộ nàng.
Trương Lư Nhi là 1 tên lưu manh ở Sở Châu, cùng với bố là Trương Lão Nhi khi thấy thấy nhà họ Thái chỉ có 2 người phụ nữ, liền đến dở trò ức hiếp ép lão bà lấy Trương Lão Nhi. Thái Bà thế cô, đành ưng chịu. Trương Lư Nhi lại ép Đậu Nga thành thân với hắn. Đậu Nga là một cô gái nghèo nhưng coi trọng lễ tiết. Muốn giữ sạch tâm thân thủ tiết vì chồng nên đã cương quyết cự tuyệt và chửi rủa hắn thậm tệ khi nhiều lần bị hắn dở trò đồi bại. Trương Lư Nhi căm tức, liền nghĩ kế trả thù.
Mấy hôm sau, Thái Bà bị ốm, sai Đậu Nga nấu cháo. Trương Lưu Nhi lén bỏ thuốc độc vào trong bát cháo, rắp tâm giết chết Thái Bà rồi sẽ ép buộc Đậu Nga. Đậu Nga bưng cháo cho Thái Bà, bỗng Thái Bà thấy buồn nôn, không muốn ăn nữa và chuyển bát cháo cho Trương Lão Nhi ăn. Trương Lão Nhi trúng độc, lăn lộn dưới đất rồi tắt thở.
Trương Lư Nhi đã đổ tội đầu độc cho Đậu Nga, bắt nàng giải lên quan cai trị Sở Châu. Tri phủ Sở Châu là Đào Ngột, một viên quan nổi tiếng tham nhũng, nhận tiền đút lót của Trương Lư Nhi, bắt Đậu Nga ra thẩm vấn, ép nàng nhận tội đầu độc. Đậu Nga bị đánh đập chết đi sống lại, nhất định không chịu nhận tội. Đào Ngột biết Đậu Nga rất hiếu thuận với Thái Bà, liền đem Thái Bà ra đánh đập trước mắt Đậu Nga. Đậu Nga thương Thái Bà tuổi già, không chịu nổi cực hình, đành chịu nỗi oan mà nhận tội. Tên tham quan Đào Ngột đã đã dùng mọi thủ đoạn ép được cung, liền khép nàng vào tội chết, giải nàng ra pháp trường xử tử.
Rất nhiều người biết nỗi oan của Đậu Nga nhưng lại im lặng để chứng kiến cái chết oan uổng nơi pháp trường của thiếu phụ tiết hạnh và người con dâu rất mực hiếu thảo với mẹ chồng. Dùng cả tấm thân mảnh mai, chấp nhận án oan cũng chỉ để cứu mẹ chồng. Sự hi sinh cao cả của cô được khắc họa qua từng lời nói và từng phân đoạn cảnh diễn. Khiến người xem mắt dưng dưng ngấn lệ khi vở diễn miêu tả cái chết oan khuất của nàng Đậu Nga.
Vở kịch sử dụng những kịch tính cao trào nhằm khắc họa sâu sắc hình ảnh tương phản giữa kẻ xấu và người tốt. Một bên là hình ảnh một người phụ nữ liễu yếu đào tơ, nhưng một lòng cự tuyệt cám dỗ và uy lực của kẻ có tiền mà đồi bại. Một mực chối từ để giữ gìn tiết hạnh, và là một người con với lòng hiếu thảo. Sẵn lòng dùng tấm thân gầy bé nhỏ mà gánh chịu thảy mọi đau đớn cho người mẹ chồng già. Lại dùng cái chết mà chịu thay cho sự đày đọa thân xác của người mẹ tuổi đã cao.
Còn bên kia là những con người bất chấp luân thường đạo lí, ỷ mạnh ức hiếp yếu. Tham lam tiền bạc vô độ, lợi dụng chức quyền mà bẻ cong cán cân công lí. Vu oan giá họa cho người tốt mà dẫn đến cái chết oan ức thấu tận trời xanh của nàng Đậu Nga. Trước khi chết, Đậu Nga kêu oan với trời và thề rằng nếu nàng bị hàm oan, trời sẽ đổ tuyết giữa mùa hè và máu của nàng bắn ra sẽ bay lên dải lụa trắng treo trên cao.
Tất cả đều cười sự vô lý đó sẽ không thể xảy ra, nhưng sau khi nàng chết, thiên tượng đã xảy ra đúng như vậy khiến cả làng đều kinh hãi.
Vở kịch là sự phân định rạch ròi giữa cái tốt và cái xấu. Là sự đấu tranh giữa cái thiện và ác. Và ai là người phán xử cho cuộc chiến không cân sức này? Phải chăng đó chính là quy luật nhân quả. Là đôi mắt của chân lí mà ông trời luôn dõi theo từng sinh mệnh đời người mà chẳng bao giờ bỏ xót.
Thiện có thiện báo, ác có ác báo – Nhân quả có thể đến muộn nhưng không bao giờ là không tới
Cái chết oan khuất cùng lời nguyện của nàng Đậu Nga ứng nghiệm chính là lời cảnh tỉnh cho những kẻ bất lương vì tiền mà bẻ thẳng thành cong, vu oán giá họa làm hại người tốt. Những con người dùng quyền lực và tiền bạc mà công lí cũng chẳng màng thì liệu có chỗ mà dung thứ hay chăng? Lưới trời lồng lồng, tuy thưa mà khó lọt. Tham quan hành ác ắt gặp ác báo. Thiện lương oan uổng ắt có công đạo của ông trời.
Hơn thế nữa cũng có những con người thấy người tốt bị hàm oan mà chẳng một lời đòi lại công lí, sự vô tâm mặc kệ người tốt trong đau khổ cùng cực mà chịu nỗi oan thấu tận trời xanh, mặc cho kẻ ác hành ác mà nhân tâm chẳng động thiện niệm, cái đó người xưa gọi là kẻ bất nhân bất nghĩa.
Khi con người đã trở nên bất nhân bất nghĩa, liệu nhân quả có dung thứ chăng? Sự hủy diệt là tất yếu. Giống như cái chết oan khuất của Đậu Nga khiến cả vùng tai ương giáng hạ.
Phật gia có giảng: ‘‘Người vô Đức thiên tai nhân họa’’. Quả thực như vậy. Khi con người bản tính thiện lương như bị lãng quên sau lợi ích của bản thân, khi thiện niệm chẳng còn chỗ đứng bởi những ác niệm và khi sự hèn nhác, nhu nhược chẳng dành chỗ cho chính nghĩa và lương tri. Thì khi ấy con người trở nên vô Đức, sự hủy diệt lại là tất yếu.
Phải nói rằng vở kịch Đậu Nga oan là một tác phẩm để lại sự thành công lớn về nghệ thuật cũng như giá trị giáo dục với nhiều tầng ý nghĩa ẩn chứa bên trong. Là một vở diễn mô tả và đặt định cho sự phân biệt người tốt kẻ xấu, người thiện lương và kẻ hành ác. Để rồi đưa ra một thông điệp về nhân quả chẳng loại trừ ai.
Tịnh Tâm