Ông Trần Trung Thực ở Hà Tĩnh tằn tiện chi tiêu để tiết kiệm tiền, lặn lội khắp cửa hàng phế liệu tìm mua các bộ phận của xe đạp cũ về lắp ráp, tân trang thành xe đạp như mới, tặng học sinh nghèo vượt khó.
Một năm nay, ông Trần Trung Thực, 69 tuổi, vốn là cựu chiến binh, (thôn Sơn Thủy, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), miệt mài với công việc lắp ráp xe đạp trên quốc lộ 15A. Tiệm sửa xe nhỏ của ông treo tấm biển đơn sơ, mái lợp tranh, xung quanh treo đầy lốp và săm, những vị khách chủ yếu là các em học sinh.
Ông Thực có tay nghề sửa xe 40 năm, việc lắp một chiếc xe hoàn chỉnh đối với ông không khó, chỉ trong một ngày. Công đoạn vất vả nhất là quá trình đi mua phế liệu. Một chiếc xe hoàn thiện chưa kể chi phí tiền công có giá 400.000 đồng. Tuy nhiên, người cựu chiến binh này không bán mà làm từ thiện.
Thời trẻ ông đi bộ đội, giải ngũ trở về quê hương lập gia đình, mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp. Vợ chồng ông có 7 sào ruộng, thu nhập tiền sửa xe mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng cộng với tiền chế độ thương binh, cũng đủ nuôi được 5 người con lớn khôn.
Ông Thực cho hay, giờ ít người đi xe đạp không có nhiều việc để làm nên ông nhận vá thêm săm xe máy, thay nhông xích, mỗi tháng được khoảng 1 triệu đồng. Hằng ngày, thấy nhiều em học sinh qua tiệm của ông sửa xe đạp, có em xe hỏng cả săm cả lốp song không có tiền chỉ yêu cầu vá săm, còn lốp lót tạm để đi. Thấy vậy, ông thay nguyên cho các cháu bộ lốp mới và chỉ lấy tiền săm.
“Có gia đình nghèo đến nỗi không mua nổi chiếc xe đạp cho con. Chứng kiến cảnh đó, đầu năm 2017, tôi bàn với vợ để dành tiền mua xe đạp cũ về sửa sang lại, tặng cho các cháu học sinh”, ông Thực nói.
Ông Thực bắt đầu đi đến các khu phế liệu, mua lại khung xe đạp cũ, sắm thêm bộ vành, lốp mới rồi lắp ráp. Nhiều người nói ông không bình thường, rảnh rỗi. Song ông chỉ cười trừ nói rằng ở tuổi này, ông chỉ muốn làm những việc sao cho tâm thấy nhẹ nhàng. Hơn nữa, việc làm của ông được cả vợ và con ủng hộ.
Bắt tay vào làm việc thiện, ông Thực cũng bỏ một số thói quen không tốt như hút thuốc lá để tiết kiệm tiền. Mỗi khi dành dụm được ít tiền, ông lại mua thêm các bộ phận khác của xe đạp cũ như xích, líp, săm lốp… Ngoài ra, một số khoản chi tiêu cá nhân không cần thiết ông cũng cắt bỏ. Nhờ vậy, mỗi tháng người cựu chiến binh già tiết kiệm được 400.000-600.000 đồng và dành số tiền đó để mua phế liệu làm xe.
Ông đi rong ruổi khắp mọi nẻo đường nhiều tháng trời trên chiếc xe máy cà tàng. Có những nơi cách xa nhà cả trăm cây số, ông cũng đến tìm mua sắt vụn, phế liệu, chọn ra những bộ khung còn sử dụng được về làm xe.
Có người hỏi ông tìm mua những cái đồ cũ này về làm gì, ông nói làm từ thiện. Họ liền bớt cho vài chục nghìn, thậm chí còn khuyến mãi luôn cặp lốp mới. Mỗi lần như vậy ông cảm thấy vui vẻ, quên đi hết mọi mệt nhọc và nghĩ ra được nhiều ý tưởng hơn cho việc chế xe đạp cũ.
Dưới bàn tay của người thợ sửa xe lành nghề, ông chế tác được 12 chiếc xe đạp, lắp ráp chắc chắn và nhiều kiểu dáng. Sau đó, tặng các cháu học sinh vượt khó trường Tiểu học và THCS Mỹ Lộc dịp khai giảng năm học 2017-2018.
Không chỉ tặng xe, ông còn dặn nếu có hỏng hóc gì mang đến quán sửa lại, không lấy tiền. Ông hồ hởi kể, một năm rồi chưa thấy cháu nào đưa xe đến sửa, chúng đều bảo xe đi rất tốt.
Tấm lòng thơm thảo của ông Thực khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng dù hoàn cảnh của gia đình ông cũng không mấy khá giả. Việc làm của ông không chỉ để “giải khuây” lúc tuổi già mà còn là “món quà vô giá” chắp thêm đôi cánh cho các em học sinh nghèo con đường đến trường.
Mỹ Duyên