Ngày 21/4, tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội phối hợp cùng Hội Nữ Trí thức Việt Nam đã tổ chức chương trình “Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2018 tại Việt Nam”.
Tham gia sự kiện có hơn 1.000 người, bao gồm cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, cộng đồng sở hữu trí tuệ, các nhà quản trị, doanh nhân, chuyên gia đổi mới sáng tạo, nghệ sĩ và đông đảo sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo CAND.
Mục tiêu của sự kiện nhằm góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới, sáng tạo và sở hữu trí tuệ của cộng đồng xã hội, tạo động lực cho sự hình thành và phát triển của nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam.
Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (World Intellectual Property Day – viết tắt là IP Day) ra đời vào năm 2000. Các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định lấy ngày 26/4 hàng năm – ngày mà Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970 – là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới.
Năm 2018, WIPO đưa ra chủ đề của IP Day là “Tiếp sức cho những thay đổi: Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo” nhằm tôn vinh các phụ nữ tri thức điển hình; khuyến khích, cổ vũ và hỗ trợ ngày một mạnh mẽ hơn cho các nỗ lực đổi mới sáng tạo của nữ giới.
Số liệu thống kê của WIPO cho thấy, số đơn đăng ký sáng chế do phụ nữ nộp đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2016. Số liệu này đã thể hiện rõ những đóng góp của phụ nữ trong các ngành sáng tạo.
Theo Hội Nữ Trí thức Việt Nam, hiện có 31 hội viên đã có bằng sáng chế, trong đó, người có bằng độc quyền sáng chế trẻ nhất ở độ tuổi 36.
Trong ba năm qua (2015 – 2017), sự kiện Ngày sở hữu trí tuệ thế giới tại Việt Nam thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều thành phần xã hội cũng như tạo được những tác động truyền thông đáng kể về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Thiên An