Trong khi Hà Nội vẫn đang loay hoay với bài toán giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại thì trên những con phố ở ngay những quận trung tâm, các công trình nhà đất mỏng, méo với những hình thù kỳ dị, gây mất mỹ quan lại đang phát sinh thêm.
UBND thành phố Hà Nội mới đây đã có văn bản số 1758 về xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ trước năm 2005. Theo đó, UBND thành phố chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của Sở Xây dựng về xử lý, thu hồi các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại để phục vụ mục đích công cộng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 302 nhà siêu mỏng, siêu méo được xây dựng từ năm 2002 và 2003. Đến nay, Hà Nội mới xử lý được 170 trường hợp, còn tồn đọng 132 trường hợp. Phần lớn những công trình này, các hộ dân đang sinh sống ổn định.
Tuy nhiên, trong khi Hà Nội vẫn chưa xử lý xong những căn nhà siêu mỏng, siêu méo cũ, đã phát sinh thêm nhiều công trình nhà đất có hình thù kỳ dị mới.
Theo VOV, một ngôi nhà siêu nhỏ có mặt tiền rộng chưa đầy 1 mét, lọt thỏm giữa 2 cửa hàng số 52 và 52P, Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) đang được xây dựng, sửa chữa. Phần đất của ngôi nhà siêu mỏng này trước là con ngõ nhỏ đi vào nhà chủ hộ.
Số nhà 129 Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng) nằm trong dãy ki-ốt siêu mỏng đang đổ trần tầng 1. Theo những người dân ở đây, căn nhà này có diện tích dưới 15 mét vuông.
Đặc biệt, trên tuyến đường Võ Chí Công (địa bàn 2 quận Cầu Giấy và Tây Hồ) mới được hoàn thành, hàng loạt ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đua nhau mọc lên. Điểm chung của những căn nhà này là có hình dáng kỳ dị được xây dựng kiên cố, cao tầng…
Số liệu thống kê của Sở Xây dựng cho thấy 56 trường hợp phát sinh ở giai đoạn 2014-2016, đến năm 2017 khi thi công tuyến vành đai 3 ở đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội tiếp tục phát sinh 8 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mới.
Chia sẻ trên Tiền phong, đại diện HĐND thành phố Hà Nội thừa nhận trong khi các trường hợp nhà mỏng, méo cũ tồn đọng chưa được xử lý đã phát sinh thêm nhiều trường hợp mới. Đáng chú ý, cứ có tuyến phố mới, đường mới mở ra là lại xuất hiện thêm những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo.
Các chuyên gia cho rằng không dễ thu hồi nhà “siêu mỏng, siêu méo” tại Hà Nội. Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cách giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo gần đây của Hà Nội mới chỉ là định hướng, còn cụ thể có nhiều vấn đề khác.
Nhà siêu mỏng có loại được cấp phép xây dựng và loại xây không được cấp phép. Với những nhà không được cấp phép có thể phá bỏ, điều này hoàn toàn đúng. Nhưng trường hợp nhà mỏng, méo được cấp phép, tồn tại trước Luật Xây dựng và không đảm bảo mỹ quan thì xử lý như thế nào?
TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, về lâu dài Hà Nội phải thay đổi cách tổ chức phát triển đô thị, phải có một dự án tái phát triển cả một khu vực đô thị, không chỉ làm riêng một con đường, mà cần quan tâm tới diện tích đất hai bên đường.
Thực tế, vấn đề này cũng được các ngành chức năng cửa Hà Nội thừa nhận. Theo UBND thành phố Hà Nội, hoạt động quản lý sau khi mở đường là một vấn đề rất phức tạp. Nguyên nhân là do trước đây chính quyền thành phố mới chỉ mới tập trung về vấn đề mở đường mà thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm cơ sở quản lý. Kết quả là những căn nhà siêu mỏng, siêu méo gây mất mỹ quan đô thị mọc lên nhan nhản trên các tuyến đường, phố tại thủ đô.
Nguyễn Trang