Con người luôn tự cho mình là khôn ngoan và trí tuệ. Thế nhưng, dù tài giỏi đến đâu chúng ta luôn vướng phải một trở ngại tâm lý trong việc thay đổi lối suy nghĩ cố chấp của bản thân. Hậu quả của nó đối với một cá nhân quả là rất đáng lo ngại nhưng nếu là một tập thể những người hàng ngày chăm lo cho mạng sống của cả cộng đồng thì điều đó còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần.
Cơn sốt hậu sản của Châu Âu – Khi mà thuyết vi trùng chưa được công nhận
Trong suốt những năm 1840, Sốt hậu sản là một tai họa lan tràn khắp các bệnh viện Châu Âu. Cho dù là những bệnh viện lớn và uy tín nhất thời đó cũng không tránh khỏi bệnh dịch này. Các bà mẹ sinh ra những đứa con bụ bẫm và kháu khỉnh thật là đáng yêu, thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sản phụ lên cơn sốt dữ dội và … qua đời. Đến năm 1847, cứ sáu ca sinh thì có một bà mẹ không qua khỏi cơn nguy kịch.
Bóng ma mang tên Sốt hậu sản khiến các bác sĩ vô cùng lo lắng và nhiều người đã lao vào tìm kiếm nguyên nhân nhưng đều không đạt được kết quả khả quan. Trong thời gian ấy, một bác sĩ trẻ tuổi người Hungary đã được bổ nhiệm vào bệnh viện đa khoa của thành phố Vienna, tên là Ignac Semmelweis. Thượng đế có lẽ đã mỉm cười với người dân Châu Âu khi ban cho họ một con người đầy biết thương xót trước nỗi đau của những gia đình có sản phụ qua đời.
Không giống như một người đa cảm chỉ biết khóc lóc và buồn rầu, Semmelweis biến những cảm xúc đó thành động lực để tìm hiểu nguyên nhân thật sự của căn bệnh. Điều đầu tiên ông rút ra được sau khi quan sát tỷ mỉ các con số thống kê chính là: “Các bác sĩ đang tự lừa dối mình”. Họ nói rằng họ biết rõ nguyên nhân của căn bênh sốt hậu sản, thế nhưng số liệu thống kê như đang diễu cợt tuyên bố đó, các ca tử vong cứ tăng lên chóng mặt theo thời gian, dường như nền y học thời đó đang bó tay trước một thứ bệnh hết sức bình thường.
Những con số đáng lưu tâm
Một con số đang lưu tâm nữa chính là tỷ lệ tử vong do sốt hậu sản nếu các sản phụ lựa chọn sinh tại nhà với sự trợ giúp của các bà đỡ lại thấp hơn 60 lần so với tại bệnh viện. Trớ trêu thay, nền y học thế kỷ XIX rất tôn trọng các vị bác sĩ, thậm chí đôi lúc gán cho họ những quyền năng không tưởng. Câu hỏi đặt ra là, vì sao một bà đỡ quê mùa lại có thể cứu mạng người tốt hơn những bác sĩ với cái đầu đầy khoa học và kỹ thuật tiên tiến thời ấy được?
Semmelweis tiếp tục điều tra sâu hơn những con số thống kê, và ông phát hiện ra một sự thật kỳ dị. Trong bệnh viện có 2 khu riêng biệt, một khu do các bác sĩ nam và thực tập sinh trông nom, một khu do các bà đỡ và thực tập sinh trông nom, và ngạc nhiên thay các bác sĩ nam có vẻ cứu người kém hiệu quả hơn các bà đỡ. Tỷ lệ tử vong trong khu bác sĩ nam quản lý cao đến một mức đáng ngạc nhiên: gấp 3 lần.
Và câu chuyện ngày càng trở nên khó hiểu khi mà các yếu tố về bệnh lý, giới tính, tâm lý, tỷ lệ bé trai và gái, kỹ thuật đỡ đẻ đối với cả hai khu vực không khác nhau nhiều. Dường như nghiên cứu của Semmelweis đang đi vào ngõ cụt thì một gợi ý đến với ông từ một sự kiện đau lòng. Vị bác sĩ mà ông rất kính trọng đột ngột qua đời, và nguyên nhân lại đến từ con dao mổ xác tử thi vô tình sượt qua tay, bất ngờ thay triệu chứng căn bệnh của vị bác sĩ hoàn toàn giống với sốt hậu sản của các bà mẹ…
Semmelweis biết rằng để giúp các thực tập sinh thực hành các kỹ năng y khoa, các bác sĩ thường sử dụng tử thi để hướng dẫn họ thực hành trước khi tiến hành khám bệnh thực tế. Thế nhưng, rất có thể trong các tử thi đó có các thành phần li ti mang mầm bệnh sốt hậu sản. Tất nhiên, Semmelweis không thể chứng minh được điều này bằng các bằng chứng xác thực. Nhưng có một điều ông biết chắc chắn, các thực tập sinh và bác sĩ thường không rửa tay sau khi thực hiện các buổi học trong phòng tử thi.
Nếu học thuyết Vi trùng học được phát hiện vào khoảng thời gian này, có lẽ mọi chuyện đã dễ dàng hơn cho Semmelweis trong việc giải thích nguyên nhân. Nhưng phải 20 năm sau người ta mới công nhận rằng có những con vi khuẩn nhỏ bé mang mầm bệnh lẩn trốn trên tay các bác sĩ. Vì vậy, phát hiện của ông không được nhiều người để ý đến.
Sau này, Semmelweis đã phải xót xa mà thốt lên rằng: “Không có ai trong chúng ta biết rằng chính mình đã gây ra bao nhiêu cái chết.” Nhờ có ông, cuối cùng dịch bệnh cũng được ngăn chặn tại bệnh viên Vienna. Ông yêu cầu tất cả các bác sĩ và sinh viên phải khử trùng tay bằng nước chlorine sau mỗi lần mổ tử thi. Tỷ lệ tử vong tại khu hộ sinh của các bác sĩ giảm xuống trông thấy, chỉ còn chưa đến 1%. Trong mười hai tháng sau đó, sự can thiệp kịp thời của Semmelweis đã cứu sống sinh mạng cho 300 bà mẹ và 250 em bé – đó là chỉ tính riêng một khu hộ sinh trong một bệnh viện.
Cái kết của một bác sĩ giàu lòng nhân ái
Sự cố chấp của con người luôn là vô hạn. Các bênh viện Châu Âu bắt đầu chế giễu Semmelweis, cho dù lý thuyết của ông đã được bệnh viên Vienna kiểm nghiệm. Các bác sĩ phớt lờ khám phá của ông. Vì sao căn bênh quái ác kia có thể chữa khỏi chỉ với việc bác sĩ rửa tay cơ chứ, chẳng có bằng chứng khoa học nào cả. Câu chuyện về Semmelweis được coi như một trò cười giữa giờ nghỉ của những vị bác sĩ mà người đời hằng ngưỡng mộ.
Có lẽ những u uất vì gánh nặng tinh thần quá lớn đã khiến Semmelweis không được sống một cuộc đời hành phúc. Một trận suy nhược thần kinh (hay có thể là bệnh Alzheimer) đẩy ông vào nhà thương điên; ở đấy Semmelweis chết vì bị đánh đập, thọ 47. Thanh danh và những cống hiến của ông cho giới y học Châu Âu bị xem nhẹ mãi cho đến khi Louis Pasteur công bố sự tồn tại của vi trùng…
Thế nhưng ý thức về việc rửa tay của các bác sĩ vẫn không tiến triển
Tại Mỹ, năm 1999 người ta đưa ra một báo cáo kết luận rằng 40.000 đến 98.000 người Mỹ thiệt mạng bởi những sai sót có thể phòng ngừa được của bệnh viện – và một trong những sai sót hàng đầu là nhiễm trùng vết thương do các bác sĩ không kịp rửa tay trước khi thăm khám.
Trong một nghiên cứu kéo dài 5 tháng tại một bênh viên ở Úc, người ta còn phát hiện ra rằng các bác sĩ đã khai man về tỷ lệ rửa tay sau mỗi lẫn thăm khám của họ. Khi bác sĩ tự thống kê tần suất rửa tay của mình chỉ số là 73%. Nhưng khi các y tá bí mật theo dõi, chỉ số này chỉ là 9%. Và phải mất thêm rất nhiều nỗ lực bằng những phần thưởng, lời khuyên thậm chí là sự đe dọa, người ta mới thực sự thay đổi được thói quen của các vị lương y đối với việc rửa tay sau mỗi lần thăm khám.
Những sự cố chấp luôn là vấn đề của lịch sử loài người
Ngay khi đề xuất ý tưởng rửa tay có thể giảm tỷ lệ tử vong của các bà mẹ sau sinh được đề xuất, người ta đã chế giễu nó vì nó quá là … đơn giản. Tri thức hạn hẹp và những bài học như vậy trong ngành y có lẽ là chưa nhiều trong thế kỷ XIX. Nhưng đến hôm nay, những câu chuyện như thế vẫn luôn được lặp lại.
Trải qua 150 năm kể từ khi Semmelweis nghiên cứu những số liệu của bệnh viện, ngày nay những bác sĩ vẫn lơ là trách nhiệm của mình mặc dù họ hiểu về hậu quả mà việc nhiễm trùng có thể gây ra là đáng sợ đến mức nào. Nhưng không chỉ trong lĩnh vực y tế mà rất nhiều trường hợp khác sự cố chấp cũng vẫn diễn ra, dù người ta biết chắc chắn rằng thiệt hại mà hành vi đó mang lại là rất tồi tệ.
Người ta vẫn sẵn sàng tiêu dùng vô tội vạ dù biết rằng các nhà khoa học liên tục kêu gọi họ đừng lãng phí vì môi trường đang bị đe dọa. Người ta cũng biết rằng việc tôn sùng quan niệm tình dục hiện đại có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc về sau, nhưng họ vẫn sẵn sàng gạt bỏ tất cả để tiến tới. Người ta cũng biết rằng những giá trị tâm linh được nhân loại gìn giữ hàng nghìn năm đang dần được khoa học chứng minh là sự thật, nhưng vẫn có người cố chấp cho rằng đó là điều mê tín…
Và còn rất nhiều rất nhiều những ví dụ như thế đang tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta luôn có xu hướng hành động theo cảm tính và vận dụng lối tư duy được giáo dục trong quá khứ của mình mà hiếm khi để ý đến lời khuyên của người khác. Chỉ đến khi tương lai xuất hiện chúng ta mới cảm thấy hối hận, điều này đáng sợ lắm thay!
Trọng Đạt