Theo tin mới nhất từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, số người xin rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần gia tăng mạnh, bình quân 700 nghìn người/năm. Con số này đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn người rời khỏi BHXH, không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế, không có an sinh xã hội.
Xã hội văn minh là nơi con người được đối xử nhân văn, được hưởng các phúc lợi xã hội, được hưởng lương hưu, được bảo hiểm thất nghiệp, có đủ tiền để đảm bảo mức tối thiểu cuộc sống, người ốm đau được hưởng bảo hiểm y tế…Hầu hết các nước đều hướng tới xây dựng một xã hội văn minh như thế.
Những tấm gương nơi mà công dân được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp hưu trí đủ mức sống lý tưởng, ốm đau được chăm sóc y tế tốt như Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Canada, Úc…Còn những nước giàu hơn còn đang thực hiện thí điểm phát lương cố định hàng tháng cho công dân như Thụy Sĩ, Hà Lan thực sự đang là niềm mơ ước.
Chúng ta đều mong muốn hướng tới ngày càng tốt đẹp, ra đường không gặp cảnh những người già, thậm chí những người trên 70 tuổi, phải đi bán vé số dạo, bán hàng nước, đi ăn mày ăn xin, đi nhặt rác, bới rác để tìm đồ ăn, đi mò cua bắt ốc…
Mới đây trên mạng đăng nhiều chuyện thương tâm gây xúc động lòng người. Đó là đoạn phim về một cụ bà hơn 70 tuổi mò cua bắt cá giữa trời mùa đông giá rét, trên người chỉ mặc có cái áo mưa giấy mong manh, ai xem cũng thấy chạnh lòng. Đó là đoạn phim về một cụ ông phải đi bới các thùng rác để tìm đồ ăn. Đó là cảnh một cụ bà 94 tuổi ở Bắc Giang lam lũ kiếm miếng ăn cho mình và để nuôi một cháu bé bị ung thư.
Chúng ta đều mong muốn người già, trẻ em được trân trọng, yêu thương, được có đủ cái ăn, cái mặc tối thiểu để họ không phải ra đường tự kiếm tiền nuôi thân. Chúng ta muốn trẻ em được học hành để còn tự xây dựng tương lai cho mình.
Chúng ta đều mong muốn xã hội ít người bị ốm đau hơn, ít người bị ung thư hơn, để không còn cảnh vài bệnh nhân ung thư nằm ghép 1 giường. Chúng ta đều muốn người bệnh được hưởng bảo hiểm y tế để không còn cảnh người nhà bệnh nhân phải đi ăn xin, phải bán “lúa non”, thậm chí thế chấp nhà cửa ruộng vườn để vay tín dụng đen chữa bệnh, nếu người nhà có khỏi bệnh thì cũng mất nhà phải đi ăn xin.
Những mong muốn đó nếu thực hiện được sẽ tốt biết bao. Để được thế, việc có bảo hiểm xã hội là rất văn minh. Đối với các nước, bảo hiểm xã hội là chính sách rất nhân văn để đảm bảo mọi công dân có quyền được hưởng an sinh xã hội. Theo đó, người lao động khi làm việc được người sử dụng lao động đóng BHXH để hưởng đủ các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, được hưởng lương hưu trí, tử tuất…
Việt Nam cũng có chính sách bảo hiểm xã hội như vậy, nhưng tại sao lại có nhiều người già, trẻ nhỏ phải bươn chải kiếm ăn vất vả ngoài đường như vậy?
Bởi vì số người tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam quá thấp. Ông Điều Bá Được – Trưởng Ban Thực hiện chính sách thuộc BHXH Việt Nam, cho biết đến năm 2017 cả nước có hơn 13 triệu người lao động tham gia đóng BHXH, chiếm 24% tổng số lao động.
Như vậy, còn 3/4 số người lao động, tương đương 42 triệu người lao động chưa tham gia BHXH. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai 42 triệu người không có cơ hội nhận lương hưu khi về già. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc 42 triệu người này, cùng với hàng triệu người thân của họ không ở trong độ tuổi lao động, là người già hoặc trẻ em sẽ không có bảo hiểm y tế, khi bị ốm đau bệnh tật sẽ phải chịu giá viện phí rất cao, giá thuốc rất cao.
Đây phải chăng là lý do mà chúng ta thấy có nhiều người già và trẻ em phải lang thang cơ nhỡ ở trước cửa các bệnh viện, ở trên đường phố, trên các đồng ruộng?!
Đã thế, gần đây số người xin hưởng BHXH 1 lần tăng rất nhanh, trung bình mỗi năm có khoảng 700 nghìn người xin hưởng BHXH một lần, đồng nghĩa là ra khỏi hệ thống BHXH. Những người này khó đảm bảo an sinh xã hội, không có điểm tựa lương hưu khi về già.
BHXH Việt Nam cho biết, thời gian gần đây tình trạng người lao động đề nghị nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng. Từ năm 2013-2016, cả nước có 2,5 triệu người lao động xin lĩnh BHXH một lần, riêng năm 2017 có gần 700 nghìn người. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018 có gần 300 nghìn người rút BHXH một lần. Như vậy, bình quân hàng năm có hơn 600 nghìn người rời xa Quỹ Hưu trí.
Vì sao người lao động lại không muốn tham gia BHXH, lại muốn xin rút một lần, mặc dù rút một lần là thiệt rất nhiều:
Một là, họ bị mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm đã đóng bảo hiểm. Vì tổng mức đóng BHXH là 22% mức tiền lương tháng, trong đó người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương.
Nếu rút BHXH một lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương trên một năm tham gia BHXH. Như vậy, người lao động chịu thiệt thòi, mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.
Hai là, khi nghỉ hưu, họ sẽ không có lương lưu hàng tháng, không có thẻ bảo hiểm y tế, không may ốm đau sẽ không được Quỹ Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chi trả tiền.
Thế nhưng, người lao động Việt Nam vẫn có xu hướng rút BHXH một lần.
Giải thích cho điều này, ông Lê Đình Quảng – Phó ban Quan hệ lao động, thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng những quy định, chính sách BHXH chưa thực sự hẫp dẫn. Để được hưởng lương hưu thì phải tham gia đóng BHXH 20 năm, phải đủ tuổi đời để nghỉ hưu. Trong khi đó, chính sách cho hưởng BHXH một lần tương đối dễ dàng, khiến cho số người rút ra khỏi hệ thống BHXH ngày càng nhiều.
Trong khi chính sách BHXH thắt chặt quyền lợi của người lao động, như tăng thời gian đóng thêm 5 năm để hưởng tối đa lương hưu, dự định kéo dài tuổi nghỉ hưu… khiến nhiều người chọn nhận tiền một cục hoặc về hưu sớm.
Về phía người lao động, họ lấy lý do quá khó khăn, cần rút tiền để giải quyết cuộc sống hiện tại, đồng thời họ cũng khó tìm việc làm để có thu nhập mà duy trì nộp bảo hiểm cho đến lúc được nghỉ hưu.
Cũng có người băn khoăn là lương hưu thấp thế, không đủ sống, đằng nào cũng phải tự bươn chải để kiếm sống thì bươn chải luôn từ giờ cho quen. Cũng có người băn khoăn lo đồng tiền trượt giá mỗi năm, nên thà chịu thiệt, mất 0,64 tháng lương mỗi năm còn hơn. Vì thế họ rút tiền ra sớm, cũng giống như “bán lúa non”, lấy tiền đó làm vốn tự kinh doanh cá thể, người thì mở quán nước, người bán vé số, người chăn nuôi, người trồng rau sạch…với hy vọng là tự họ mang lại nguồn thu cho cuộc sống hiện tại và tương lai của họ và người thân trong gia đình.
Một thực tế đáng báo động là trong khi mục tiêu đến năm 2020 mở rộng diện bao phủ BHXH lên 50%, nhưng hiện nay mới có 24% người lao động tham gia BHXH, vậy còn 3 năm nữa khó mà đạt được.
Điều này đòi hỏi cả cơ quan chính sách, cả BHXH Việt Nam và người lao động cùng phải xích lại gần nhau, làm sao để ngày càng tăng nhanh tỷ lệ người có BHXH thì an sinh xã hội tương lai mới tốt đẹp, người già trẻ em không phải tự kiếm ăn ngoài đường, người ốm được chăm sóc của y tế do BHYT chi trả.
Thành Long