Cho đến nay, lửa ma trơi vẫn là một bí ẩn đối với nhân loại, bất chấp một số luận giải khoa học, người ta vẫn hoàn toàn chưa lý giải được hiện tượng này thực sự là gì.
Ma trơi trong những câu chuyện kể
Quang bật dậy vì tiếng gọi í ới của đám bạn bên cửa sổ. “Quang ơi, Quang, dậy ngay, đi với tụi tao xem ma trơi đang múa ngoài đồng Cát”. Nghe đến ma trơi, Quang tỉnh hẳn, vớ vội cái áo bông tất tả chạy theo đám bạn.
Đêm tháng 2 âm lịch, trời rét căm căm, cả đám trẻ 5 người kéo nhau lên đê đứng im lặng mắt nhìn về cánh đồng Cát phía xa xa. Dưới ánh trăng sáng mờ, trên bãi đất hai cục lửa màu đỏ to bằng quả bưởi đang nhảy múa, chúng cách nhau một khoảng gần, thoạt đầu cả hai cùng nhảy tại chỗ hai cái, lần nhảy thứ ba chúng nhảy lại gần nhau, tiếp theo từ vị trí mới nhảy đến chúng nhảy tại chỗ hai cái, lần thứ ba chúng nhảy lên lao vào nhau rồi biến mất. Ít giây sau chúng lại xuất hiện ở nơi khác ( gần chỗ cũ) khoảng cách giữa hai con ma như lúc ban đầu và vũ điệu lại được lập lại, cứ như thế chúng nhảy múa từ giờ nay qua giờ khác.
Dù đã nghe nói ma trơi không hại ai, nhưng những khi thấy tận mắt Quang vẫn cảm thấy sờ sợ. Người Chú của Quang về nhà lấy một cái nơm, ông nói, tao phải bắt để xem nó là cái gì, ông cầm nơm xuống đê đi về hướng ma trơi chúng tôi vẫn trên đê hồi hộp chờ kết quả. Hồi lâu sau không thấy ma trơi nữa, lũ trẻ tưởng buổi biễu diễn đã kết thúc nhưng không chúng lại xuất hiện nơi khác khá xa nơi chúng vừa múa …Hơn một giờ sau Chú Quang trở lại, ông nói khi ông đến gần chúng biến mất rồi lại xuất hiện ở một khoảng cách xa. Đêm đó ma trơi tiếp tục múa cho đến khi trời sáng thì biến mất.
Trên đây chỉ là một trong số nhiều câu chuyện về ma trơi – Những ngọn lửa lập loè yếu nhạt, bập bùng lan toả theo chiều gió, chốc lại biến mất rồi từ chỗ cũ, chốc chốc lại lập loè ngọn lửa xanh nhạt, loáng thoáng bay lên.
Người dân Bắc Bộ kể rằng, những năm sáu mươi của thế kỷ trước hỏi đến ma trơi thì rất nhiều người biết, họ đã từng nghe hoặc thấy, từ trẻ con đến người lớn không ai sợ ma trơi, họ coi ma trơi là một hiện tượng của thiên nhiên như sấm, chớp, mưa, nắng vậy. Ma trơi thường hay xuất hiện vào các đêm mưa phùn gió bấc, thời gian xuất hiện nhiều là cuối mùa đông cho đến giữa mùa xuân. Ma trơi xuất hiện đơn lẻ hoặc là một cặp.
Truyền thuyết phương Tây thì kể rằng, ma trơi sẽ đưa những người tốt đến nơi tìm kho báu và dẫn những người xấu xuống các vũng bùn lầy. Đối với những ai muốn bỏ chạy, chúng sẽ đuổi theo đến khi người ta quá sợ hãi và ngất đi. Và nếu chẳng may nhìn thấy ma trơi, bạn không nên cầu nguyện mà hãy nói lời nguyền.
Ma trơi rút cuộc là gì?
Một số người tin rằng ma trơi chỉ là ảo ảnh tạo ra do trạng thái tâm lý và thị giác bị đánh lừa. Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được nhiều ủng hộ.
Dưới góc độ khoa học, người ta cho rằng thật ra chẳng có ma quỷ gì cả. Trong xương và não người có nhiều photpho, sau khi chết, các vi khuẩn sẽ phân hủy xác và sinh ra photphin (PH3) và điphotphin (P2H4). PH3 chỉ có thể bốc cháy trong không khí ở nhiệt độ 150 độ C, tuy nhiên, do có lẫn P2H4 nên cả hai sẽ tự bốc cháy trong không khí ở điều kiện thường.
Ở nghĩa địa, những chất độc hại này len lỏi theo đất thoát ra và bốc cháy ngay khi tiếp xúc với không khí trên mặt đất. Đó chính là nguyên nhân tạo nên ngọn lửa đốm xanh. Phản ứng hóa học này xuất hiện cả ngày lẫn đêm, tuy nhiên ánh sáng ban ngày làm ta không nhìn thấy được, mà chỉ có thể hiện rõ vào ban đêm.
Còn về việc ma trơi đuổi theo người, các nhà khoa học cho rằng đó là do luồng gió được tạo ra khi thân người chuyển động (chạy vì quá sợ hãi). Nhưng có một điều bất hợp lý. Nếu chỉ là phản ứng hóa học thì tại sao ma trơi lại có thể bay lượn trước mắt người đi đường và cứ bám riết lấy họ cho đến khi có ánh sáng khác mới chịu tắt? Tại sao ở nhiều con đường rõ ràng là không có nghĩa trang, không chôn xác người/động vật ở dưới nhưng vẫn có ma trơi? Đây là những câu hỏi chính đáng mà các nhà khoa học bó tay không trả lời được. Mặt khác, các nhà khoa học Anh thế kỷ 18 đã nhờ một bà lão tên Kelly dùng một chiếc vợt tẩm các chất dễ cháy để “bắt” lấy một con ma trơi. Kết quả, chiếc vợt đã không có bất cứ dấu vết bắt lửa nào khi chạm vào ma trơi. Chứng tỏ, ma trơi không đơn giản là các đốm lửa do phốt pho cháy tạo ra.
Vấn đề ma trơi được lý giải dễ dàn hơn dưới góc độ tâm linh. Những người già tin rằng loài ma này là linh hồn của những đứa trẻ tinh nghịch chết sớm. Do mang nhiều nghiệp chướng nhân gian nên loài ma này không bị đầy xuống địa ngục nhưng cũng không đủ duyên phận để siêu thoát. Trong khi chờ để đầu thai vào kiếp khác, những linh hồn tinh nghịch này rong chơi và hù dọa người qua đường. Cũng vì bởi chúng là vong linh của những đứa trẻ, nên chúng chỉ dám hù dọa trẻ con, người già yếu bóng vía, chứ không dám xuất hiện trước mặt những người can đảm. Việc ma trơi là các vong hồn càng được khẳng định khi nhiều người kể rằng họ đuổi theo ma trơi và khi bắt được thì thấy đó chỉ là một cái chổi cùn và một mãnh rẻ rách đã mục nát.
Phải làm thế nào khi bắt gặp ma trơi?
Đang đi một mình giữa đồng không mông quạnh hay một con đường nào đó thanh vắng, đột ngột hiện lên trước mặt một ngọn lửa xanh rờn rợn, lập lờ, lập lờ xoay quanh thật là một trải nghiệm đáng sợ.
Theo lời kể của các nhân chứng thì người đó chạy, ma chơi sẽ đuổi theo đến cùng. Nếu người đó tấn công các đốm lửa đó, ma trơi còn nhân bản thành nhiều đốm lửa hơn. Những người bị ma trơi chòng ghẹo thú nhận rằng ma trơi chỉ tan biến đi khi họ chạy đến vùng đèn sáng hoặc gục xuống bất tỉnh vì sợ, vì vậy, tốt nhất bạn nên chạy đến những chỗ có ánh sáng.
Người phương Tây thì tin rằng nếu chẳng may nhìn thấy ma trơi, bạn không nên cầu nguyện mà hãy nói lời nguyền.
Thêm nữa, ma trơi chỉ có khả năng quấy nhiễu những người yếu bóng vía, tinh thần không vững nên hãy rèn luyện cho tinh thần luôn vững vàng,tự tin cũng như giữ một trái tim thuần thiện. Ma trơi và ma quỷ nói chung sẽ không bao giờ dám đến gần những người này.
Hoài Anh