Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.

Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!

***

Chỉ mới vài ngày trước, trên dải đất hình chữ S này, nhiều người đã thầm đặt một mảnh khăn trắng trong tâm mình, khi nghĩ đến những gia đình đã mất người thân trong vụ tai nạn ai oán, đã biến ngày Đại hỷ thành Đại tang. 

Tầm 2h30 sáng ngày 30/7 một xe khách rước dâu đi từ Quảng Trị vào Bình Định thì gặp tai nạn tại Quảng Nam. Xe khách chở tổng cộng 17 người đều là bà con họ hàng thân ruột trong đó có chú rể. Vụ tai nạn kinh hoàng đã khiến 13 người chết tại chỗ và 4 người bị thương nặng hôn mê sâu đang điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc và thương tâm ngày 30/07 vừa qua (Ảnh: Theo Vn expresse)

Danh sách nạn nhân thiệt mạng:

  1. Ngô Thị Bê – mẹ chú rể
  2. Nguyễn Khắc Long – chú rể
  3. Nguyễn Thị Nhung – con gái bà Bê
  4. Nguyễn Thư Kỳ – cháu nội bà Bê
  5. Đặng Xuân Phóng – chú ruột của Long
  6. Nguyễn Khắc Nguyền – chú ruột của Long
  7. Nguyễn Thị Gái – vợ ông Nguyền
  8. Nguyễn Khắc Mãn – con ông Nguyền
  9. Nguyễn Thị Tiến – (vợ ông Nguyễn Khắc Cát, chú của Long)
  10. Võ Sỹ Tiến – hàng xóm của Long
  11. Nguyễn Khắc Bình – họ hàng của Long
  12. Nguyễn Khắc Mỹ – họ hàng của chú rể
  13. Cương – lái xe

Nạn nhân bị thương đang điều trị:

  1. Nguyễn Trúc Hân – con bà Bê
  2. Nguyễn Thị Kim Oanh – vợ ông Phóng
  3. Đặng Xuân Tiến – con ông Phóng
  4. Nguyễn Khắc Cát – con ông Nguyền

Đức Phật cũng từng giảng rằng “Đời là bể khổ”, đã sống trong cõi hồng trần thì không ai có thể sung sướng, không khổ cái này thì khổ cái kia, bởi cuộc sống này vốn dĩ là thế. Và không có cuộc chia ly nào mà không đẫm nước mắt, nhưng cuộc chia ly lần này đối với cô dâu trẻ và những người thân còn ở lại thật quá lớn. Đến nỗi dù ai xa lạ không quen biết khi nghe tin cũng phải quặn lòng đau đớn, và nhỏ những giọt nước mắt xót xa.

Tang tóc bao trùm cả một vùng quê

Khi đoàn xe chở thi thể nạn nhân từ Quảng Nam trở về đến cổng làng Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), ai cũng có thể nhìn thấy nỗi buồn u ám của những người dân và thản thốt tiếng khóc thê lương ai oán của người thân 13 nạn nhân trong vụ tai nạn thảm khốc trên. Chỉ trong một đêm ngắn ngủi, mà cả 8 gia đình trong cùng một làng phải chịu cảnh tang tóc bi thương đến xé lòng.

Đoàn xe cứu thương chở thi thể các nạn nhân về với quê nhà (Ảnh: Theo Zing)

Gia đình chú rể thì mất đến 4 người thân gồm mẹ, chị, cháu gái và cả chú rể; một nhà khác thì cả hai vợ chồng đều chết để lại bốn đứa con thơ dại phải sớm chịu cảnh mồ côi; các nhà còn lại đều phải để lại vợ con góa bụa thơ dại và chưa tính đến 4 nạn nhân còn đang nguy kịch hôn mê trong bệnh viện trong đó có hai cháu bé 6 tuổi. Chúng thật còn quá nhỏ để phải chịu đựng sự đau đớn và chứng kiến cảnh bi thương như thế này. Đây quả là nỗi đau tột cùng của những người ở lại.

Huyện nhỏ Hải Lăng nằm giữa  Huế và Quảng Trị, nơi đây quanh năm chỉ có khoai với sắn, vùng đất nghèo nàn hiếm hoi có mặt trên truyền thông nay lại xuất hiện trong cảnh đau thương ngập tràn.

Hạnh phúc vụt tắt khi ngày đám cưới trở thành ngày đại tang

Ngày Đại Hỷ bỗng chốc thành ngày Đại Tang (Ảnh: Theo Kênh 14)

Người đáng lẽ hôm nay được là cô dâu trong bộ váy cưới lộng lẫy, giờ chỉ có thể nằm bệt dưới sàn giữa ba chiếc quan tài. Gương mặt đẫm nước mắt, tiều tụy, đau đớn, cơ thể bé nhỏ rũ rượi lọt thỏm trong bộ quần áo vải xô màu trắng. Yên mặc bộ đồ tang dành cho gia đình nhà chồng dù đám cưới chưa được hoàn thành. Giọng cô khản đặc xé lòng người xung quanh: “Long ơi, Long ơi, sao để xe hoa thành xe tang hả anh!”.

Long và Yên quen nhau đã 6 năm khi đi làm tại Bình Dương rồi mới kết hôn, họ đã tổ chức đám cưới tại Bình Dương và định 30/7 tổ chức tại nhà gia đình nhà gái, 2/8 này tại nhà trai. Cô dâu chú rể đều là người hiền lành, ít nói và hiếu thuận với bố mẹ. Trong mắt Yên, Long dường như đã là chồng cô cách đây 6 năm. Anh đã luôn gần gũi yêu thương và chăm sóc cô bằng tình thương chân thành. Yên vì thế đã luôn mơ về hạnh phúc và tương lại ấm êm của hai người. Cả hai đã chăm chỉ làm việc, tiết kiệm từng chút một để có thể tổ chức một đám cưới chỉn chu, cho trọn đạo với hai bên gia đình và được chính thức thành vợ, thành chồng.

Ảnh cưới đã chụp nhưng một đám cưới hạnh phúc giờ chỉ còn là ước mơ mãi không thành (Ảnh: Theo kenhsao)

Yên và Long còn đã dự định trước mắt sẽ ở nhà thuê, nhưng cả hai sẽ cùng chí thú làm ăn, tiết kiệm tiền để mua một ngôi nhà ở Bình Dương. Cô gái bé nhỏ ấy chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành góa bụa khi tuổi vừa đôi mươi.

Cô dâu khóc ngất trước nỗi đau quá lớn (Ảnh: Theo Kênh 14)

Mái tóc cô gái trẻ vẫn còn bới thành búi để cài chiếc khăn voan, đôi bàn tay xinh xắn được cắt tỉa gọn gàng lúc nắm chặt, lúc lại khẽ run run. Căn phòng nơi cô đang nằm cạnh thi hài chồng đặc quánh mùi dầu gió, bên ngoài là tiếng nói râm ran, tiếng loa gọi danh sách người phúng viếng, tiếng khóc thản thốt của những người họ hàng, một không khí nặng nề đau thương bao trùm như đối lập tất cả những gì tươi vui hạnh phúc đáng lẽ phải diễn ra trong ngày hôm nay.

Yên biết tin dữ lúc 4h sáng 30/7. Trước khi biết tin, cô đã thức cả đêm để trang điểm, sửa soạn quần áo và chuẩn bị trà bánh đón nhà trai. Tiệc cưới đãi nhà gái đã chuẩn bị xong, chòm xóm đều đã nhận được thiệp hồng. Cổng hoa, phông màn, lều bạt, sân khấu cũng đã sẵn sàng. Nhưng chú rể mãi mãi không thể đến rước cô dâu về. Những mâm cỗ đáng lẽ sẽ vỡ òa với lời chúc tụng, mừng vui của bà con dành cho đôi bạn trẻ, nay thẫm đẫm nước mắt của xót xa.

Cả xóm nhỏ chìm trong màu trắng tang thương (Ảnh: Theo Kênh 14)
Màu khăn xô trắng, những khuôn mặt thẫn thờ… (Ảnh: Theo Kênh 14)

30/7 đáng lẽ là ngày Yên và Long được về cùng một nhà, nhưng giờ lại thành ngày đại tang. Xóm nhỏ ấy phải đón về cùng một lúc 13 cái áo quan. Ngày nhà trai định đãi tiệc 2/8, lại trở thành ngày di quan và an táng chú rể.

Tai nạn bất ngờ này là điều không ai mong muốn, và không liên quan gì đến Yên. Ai cũng xót xa, đau lòng thay cho thân phận cô gái trẻ. Nhưng trong tâm trí, cô gái nhỏ bé luôn dằn vặt mình:

“Nó tới quá nhanh. Khốc liệt quá. Em không được biết, không được chuẩn bị, không được gặp anh ấy lần cuối. Em sợ người ta bảo vì em mà cả nhà gặp nạn, em không biết rồi đây sống làm sao…”.  

Đằng sau lưng Yên, bên ngoài cửa sổ, trời miền Trung nắng chói chang. Những dự định của đôi bạn trẻ, từ giờ chỉ còn mình cô thực hiện.

Họa phúc vốn dĩ vô thường

Nhân sinh như mộng, cõi trần thế trầm luân, hôm nay và ngày mai chỉ khác nhau trong vài phút giây, không ai có thể lường trước được điều gì. Họa phúc vốn dĩ vô thường và không chừa bất cứ một ai…

Bà Ngô Thi Bê là mẹ chú rể. Cuộc đời cơ cực từ nhỏ tưởng chừng được phần nào bù đắp khi con trai Út là anh Long đi cưới vợ, vậy mà…

Từ khi lọt lòng bà Ngô Thị Bê đã không biết cha mình là ai. Năm lên 3 tuổi, mẹ đưa bà về ở với họ hàng bên ngoại rồi lấy chồng mới. Lớn lên, bà lập gia đình rồi sinh được 4 người con, 3 trai 1 gái. Nhiều năm trước chồng bà gặp tai nạn giao thông qua đời để lại mẹ góa con côi. Một mình bà còm cõi làm ruộng nuôi các các con khôn lớn.

Cuộc sống khó khăn thiếu trước hụt sau đeo đuổi mãi cho đến khi từng đứa con lần lượt khôn lớn, có việc làm và lập gia đình, chỉ còn mình Long là đứa con út đi vào Bình Dương lập nghiệp. Tuy khó khăn thiếu thốn nhưng hầu như các con bà Bê đều biết tự lập, có hiếu, thi thoảng vẫn gửi tiền giúp bà. Riêng đồ đạc trong nhà bà Bê đều được Long mua sắm.

Nước mắt của mẹ già ở lại… (Ảnh: Theo Kênh 14)

Trong chuyến đi định mệnh bà Bê ngồi cạnh Long và Nhung (cô con gái duy nhất đã đi lấy chồng), có cả Thư Kỳ là đứa cháu nội ngoan hiền lớn nhất của bà Bê. Cô bé đã biết bế em, vo gạo và làm những việc vặt trong nhà giúp bố mẹ. Thật bi thương là cả 4 người trong cùng một nhà đều bị thiệt mạng tại chỗ.

Riêng bốn đứa con của ông Nguyễn Khắc Nguyền và bà Nguyễn Thị Gái (hai người cùng tử nạn trong chuyến xe định mệnh) bỗng trở thành trẻ mồ côi sau một đêm. Cả bốn em nhỏ đều còn quá bé để phải bươn chải mưu sinh trong suốt hành trình sống còn lại. Chúng vẫn chưa thể hiểu hết nỗi đau mất cha lẫn mẹ sẽ thiệt thòi biết nhường nào.

Ánh mắt ngây dại của con thơ trong ngày đau buồn nhất (Ảnh: Theo Kênh 14)

Hai đứa con trai của ông Đặng Xuân Phóng lóng ngóng, ngơ ngác mặc bộ đồ tang đứng giữa sân, như chưa mường tượng hết chuyện gì đang diễn ra xung quanh. Cha chúng đã nhập quan, còn mẹ và chị gái vẫn đang nằm điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng.

Nhân chứng trong sự việc đau lòng, anh Dương Chí Linh, người nhà chú rể, kể lại rằng xe 16 chỗ đã loạng choạng, đánh lái sang làn đường ngược lại. Anh nhận định tài xế xe khách có thể bị buồn ngủ nên mất lái, dẫn đến tai nạn. Vợ anh Linh qua đời ngay trên xe. Con gái 6 tuổi của anh nằm trong số 4 người bị thương nặng đang cấp cứu trong bệnh viện.

Đau đớn thay, anh là người chứng kiến vợ chết trước mắt mình, và cũng là người đưa con gái đầy thương tích đi cấp cứu. Trái tim ấy tưởng chừng như đã vụn vỡ, nhưng sự mạnh mẽ của một người cha đã giúp anh cố gắng đứng vững để chống chọi với nỗi đau mà bước tiếp, đồng hành cùng con gái với chút hy vọng ít ỏi còn sót lại.

Anh Nguyễn Khắc Thu cũng là người đi xe 4 chỗ phía sau tận mắt chứng kiến mẹ, hai người em, con gái lớn qua đời. Một người đàn ông lực lưỡng là thế, mạnh mẽ là thế nhưng cũng rũ rượi bơ phờ vì cạn khô những dòng nước mắt.

Thân thích họ hàng Nguyễn Khắc mất tất cả 12 người.

Nhà chuẩn bị để đón cô dâu, nay lại phải đón những hòm áo quan trở về (Ảnh: Theo Kênh 14)

Mấy phiên cửa nhà bà Bê được sơn sửa mới tinh để đón con dâu, nay bị tháo ra để tiện việc di chuyển 3 quan tài. Vài bộ bàn ghế được thuê để bày cỗ nay lại dùng đón khách tới phúng viếng. Từ sân nhà bà Bê, tiếng khóc ai oán và kèn trống thê lương từ 8 ngôi nhà khác dội lại, nỗi đau buồn nặng nề, cộng thêm cái nắng gắt chói chang càng khiến không gian thêm ray rứt, khó chịu.

8 gia đình có người thân tử vong là anh em, chú bác với nhau, nhà đều ở thôn Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng), cạnh sông Ô Lâu. Họ ở cách nhau không xa, nên cứ đi chừng 50 m lại gặp một đám tang.

Xóm làng ngổn ngang. Những người mang ánh mắt thẫn thờ nửa đứng nửa ngồi khắp lối vào thôn. Con đường mới được đổ bê tông gần đây, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe 7 chỗ đi lại. Họ hàng, người thân, người các tỉnh khác lần lượt đổ về đây chia sẻ cơn bĩ cực với người dân Lương Điền, Hải Sơn.

Đoàn người đến san sẻ bớt nỗi đau với những người thân còn ở lại (Ảnh: Theo Kênh 14)

Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi, xin người ở lại hãy lau nước mắt

Sống trên đời ai ai cũng mong mình được an yên và chẳng bao giờ nghĩ rằng bất hạnh lớn sẽ ập đến, nhưng cuộc đời này vốn dĩ không thể đoán trước được điều gì. Nỗi đau và mất mát có thể khiến con người gục ngã nhưng tốt hơn hết hãy biến đau thương thành động lực sống. Bởi…tất cả theo thời gian rồi cũng sẽ qua đi, dù điều đã mất là quá lớn nhưng phía trước vẫn còn những người ở lại bên cạnh bạn, cần sự chăm sóc, cần bờ vai bạn.

Giờ đây, khó có thể tưởng tượng được nỗi đau của người thân 13 nạn nhân lớn như thế nào. Họ hy vọng đây chỉ là giấc mơ, hy vọng khi tỉnh dậy vào ngày mai mọi việc có thể tốt đẹp như trước. Nhưng hôm nay đây chỉ có những giọt nước mắt, những kỷ niệm, những hình ảnh yêu thương gần gũi ùa về, mà không có điều kỳ diệu nào xảy ra.

Người vợ trẻ thì chưa một lần được làm dâu, làm vợ, làm mẹ mà phải mặc áo tang. Cuộc sống trước mắt Yên sẽ còn nhiều sự ám ảnh, nhiều những ngày buồn thương. Nhưng xin chị hãy mạnh mẽ vì chính mình và vì anh Long, người chồng yêu thương của chị. Số phận đã không để hai người có thể tiếp tục cuộc sống bên nhau, nhưng anh Long đã để lại trong chị rất nhiều tình yêu thương.

Tình thương anh Long dành cho chị vẫn sẽ ở đó, vẹn nguyên trong trái tim. (Ảnh: dongnaihoa)

Có lẽ anh Long cũng sẽ không thể nghĩ đến sự chia ly đau xót này. Nhưng chắc chắn rằng với tình yêu với sự chăm sóc mà anh dành cho chị, anh hẳn sẽ mong muốn nhìn thấy chị nguôi ngoai nỗi đau này. Bởi trước mắt chị còn cả tương lai, và còn rất nhiều những người thân yêu đang cần tới bàn tay dịu dàng của chị. Anh Long mất rồi, nhưng tình thương của anh dành cho chị vẫn ở đó, vẹn nguyên trong trái tim, trong tấm lòng của chị. 

Những người lớn ở lại xin hãy cầm lòng vì cả những em bé bơ vơ không còn cha mẹ. Các em cần sự mạnh mẽ của người lớn, để nuôi nấng, để chở che, để dìu các em qua những ngày tháng gian truân phía trước. Các em còn rất cần người lớn để tiếp tục giữ cho các em niềm hy vọng, niềm tin vào cuộc sống này. Bởi hơn lúc nào hết, các em cần lắm một tình thương mạnh mẽ. 

Gia đình các nạn nhân đều nghèo khó cơ cực, nên khi mất đi một người, gia đình sẽ càng thêm khốn khó. Nhưng những người ở lại, xin hãy mạnh mẽ. Khóc để vơi nỗi đau, khóc để rồi tiếp tục cuộc sống. Những người thân trong bệnh viện ấy, họ vẫn cần mọi người, cần những lời thăm hỏi, những chia sẻ và động viên để mau bình phục, mau được trở về. 

Và xin mọi người hãy bình tâm, bởi cả nước đều đang hướng về Lương Điền, với tất cả chân tình, mong được chia sớt với mọi người nỗi đau quá lớn này. 

Cần nhiều lắm những vòng tay nhân ái

Gần đây nhất là vụ việc 13 người trong đội bóng nhí Thái Lan được cứu sống thần kỳ trong niềm vui vỡ òa của cả đất nước Thái Lan, tất cả người dân Thái Lan đều cầu nguyện và theo dõi từng phút giây cứu sống nạn nhân. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của cả xứ sở chùa Vàng.

Hay tại Nhật Bản, động đất sóng thần 2013 đã cướp đi hàng ngàn sinh mệnh, nhưng những người ở lại vẫn dang rộng vòng tay yêu thương lấy nhau, họ nhường nhau xếp hàng lấy thức ăn cứu trợ, không chen lấn mặc dù rất đói. Và tinh thần quật cường ấy đã khiến họ mau chóng khôi phục lại kinh tế đất nước chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi.

Còn tại Việt Nam ngọn lửa tình người vẫn lan tỏa mỗi khi có hoạn nạn. Như tai nạn cháy chung cư Clazina gần đây nhất tại Hồ Chí Minh, sự việc vừa xảy ra thì rất nhiều người tình nguyện tại mọi nơi đã đem chăn mền, thức ăn đến hỗ trợ miễn phí cho người bị nạn. Và rất nhiều tấm lòng đầy nhân ái rải khắp mỗi khi đất nước có thiên tai.

Những người còn ở lại sau vụ tai nạn, họ cần lắm những tấm lòng nhân ái, san sẻ bớt nỗi đau quá lớn này (Ảnh: vforum)

Giờ đây, 8 gia đình ở xã Lương Điền cũng cần lắm những vòng tay nhân ái như thế, để sưởi ấm trái tim họ sau những mất mát quá lớn. Tuy vật chất mãi mãi không xóa nhòa được ký ức bi thương ngày hôm nay, nhưng hy vọng phần nào đó sẽ có thể giúp họ vực dậy trước những khó khăn chất chồng  trên chặn đường dài mưu sinh sắp tới.

Mỗi sinh mệnh đến với thế giới này đều có ý nghĩa riêng và rất đáng trân quý. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi, mong những người thân ở lại hãy vững vàng bước tiếp. 

Nhã Thanh