Phim “Diên Hy Công Lược” – một bộ phim truyền hình Trung Quốc đang được phát sóng- đã nhận được những đánh giá khen ngợi rất cao từ phía khán giả. Trong thực tế, để có một tác phẩm truyền hình tốt, điều trọng yếu không chỉ là kịch tính câu chuyện, mà còn là các chi tiết, nhất là phim cổ trang, để khôi phục lịch sử đến mức độ chân thực cao nhất. Phim “Diên Hy Công Lược” đạt hiệu quả vén tấm màn mỹ học của trang phục triều Thanh, tránh được lối mòn trang phục lòe loẹt của các bộ phim trước đó về cùng chủ đề.

Bất kể là quần áo hay trang sức, hay bố cục cảnh quay, trang điểm nhân vật v.v. đều cần tham khảo thực tế lịch sử, thậm chí phải mượn một số lượng lớn cổ tịch văn hiến. Vì vậy mà chúng ta hãy nhân cơ hội này tìm hiểu một chút về khía cạnh mỹ học trong trang phục triều Thanh để thấy được sự ưu tú của đạo diễn Vu Chính.

(Ảnh: tw.news.yahoo)

Đôi chút về bộ phim “Diên Hy Công Lược”

“Diên Hy Công Lược” – một bộ phim truyền hình đang được phát sóng và nhận được những đánh giá cùng khen ngợi rất cao từ phía khán giả. Đây là một bộ phim về đề tài nội chiến cung đình nhà Thanh thời vua Càn Long, những con người trong hoàng cung đóng một vở hí kịch đội lốt những con thỏ trắng thuần lương ngây thơ, những hóa thân “Hắc liên hoa”, tất cả đều được sự nhạy bén và tính cách ngang tàng thẳng thắn của vai nữ chính Ngụy Anh Lạc dẹp yên. “Diên Hy Công Lược” được đánh giá là “tuyệt phẩm” đầu tiên trong mùa hè này.

Nói đến những phim về triều đại nhà Thanh trước đây, chúng ta sẽ nghĩ đến những bộ phim như thế này…

(Ảnh: gooread.com)

Hoặc là như thế này…..

(Ảnh: vdaily.com)

Những trang phục màu sắc rực rỡ, hoa cài đầu, hình ảnh màu sắc như họa, tự như nếu thiếu đi ít màu hồng hồng xanh xanh thì thẹn mình với thanh xuân! Sau trải nghiệm “Cung Tỏa Tâm Ngọc”, “Cung tỏa Châu Liêm”, “Tiếu ngạo giang hồ”, “Phượng tù hoàng”… Đạo diễn Vu Chính có những thay đổi nhanh chóng trong chất lượng hình ảnh, ông đưa “Diên Hy Công Lượng” vào tầm mắt của công chúng với chất lượng hình ảnh tuyệt vời cùng gam màu nhã nhặn, sang trọng chứ không rực màu như những bộ phim trước đây.

Cảnh tượng bài trí trong phim “Diên Hy Công Lược”:

Phục trang nhã nhặn của nhân vật:

Lịch sử trang phục triều đại nhà Thanh

Triều đại nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc, cũng là triều đại thứ hai do các dân tộc thiểu số khai sáng và thống trị vương triều. Triều thanh là do người Mãn (dân tộc thiểu số vùng Liêu Ninh, Hắc Long Giang, Hà Bắc, Cát Lâm, Bắc Kinh và Nội Mông Cổ) thành lập, kéo dài 268 năm. Họ là người viết lên chương kế tiếp cho lịch sử trang phục Trung Hoa. Đời Thanh quần áo và trang sức có những đặc điểm rất riêng biệt, liên quan chặt chẽ đến nghệ thuật và văn hóa dân tộc, vì thế mà nó có nội hàm rất thâm sâu. Trang phục trong cung đình của triều đại nhà Thanh có giá trị nghệ thuật cao, có nguồn gốc từ ý nghĩa văn hóa sâu sắc của quốc gia và có tầm quan trọng cho những nghiên cứu. Biểu hiện bên ngoài về giá trị thẩm mỹ của nó có giá trị nghệ thuật rất cao.

Hoàng hậu trong Diên Hy Công Lược (Ảnh: istyle.ltn)

Trang phục đời Thanh làm người ta chú ý nhất là các hình vẽ hoa văn thêu có màu sắc cực kỳ rực rỡ và kết hợp nhiều màu sắc, cho thấy giá trị thẩm mỹ cao. Hoa văn có sắc thái diễm lệ, bố trí rất hoàn thiện vừa vặn, hình dáng tinh mỹ, nghệ thuật thủ công vô cùng phức tạp, chủ đề của những hoa văn cũng có rất nhiều, từ sự vật cho đến phong cảnh, từ cá, chim muông đến trời, trăng sao, từ văn tự cho đến những linh vật như rồng, phượng, đều vô cùng xảo diệu. Màu sắc được áp dụng là những màu cơ bản, thông qua sự phân phối giữa màu sắc mà tạo một hiệu ứng thị giác hiệu quả, biểu hiện rất hài hòa tự nhiên.

Hoa văn trên trang phục đời Thanh cũng kết cấu theo ý nghĩa văn hóa: “Đồ tất hữu ý, ý tất cát tường“. Cách bố trí trên trang phục thể hiện một tài nghệ nghệ thuật vô cùng cao, từng lớp rõ ràng. Những hoa văn này đều dùng kỹ thuật thủ công, thêu thùa phức tạp, có những bộ thậm chí còn không nhìn thấy được nguyên liệu vải ban đầu mà chỉ thấy chi chít những đường thêu. Thêu thùa là phong tục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mãn, họ phải học từ thuở nhỏ, thêu đến hàng trăm mẫu gối với các hình khác nhau mới có thể xuất giá. Những hình thức khác bao gồm dệt, in hay nhuộm để làm cho trang phục trở nên nhiều màu sắc và rực rỡ tươi đẹp hơn.

Miên bào gấm xanh lục đoàn rồng (Ảnh: dpm.org)

Hoa văn trên trang phục triều Thanh

Hoa văn, hình vẽ trên trang phục triều đại nhà Thanh chủ yếu là dựa trên hình dáng cơ bản của động vật hay thực vật, thông qua các điểm, đường nét, hình dạng khuôn mặt mà kết hợp. Những ngụ ý ẩn đằng sau những đường cong đơn giản hay trên những hoa văn, biểu thị những nội hàm văn hóa và nét thẩm mỹ gợi cảm. Trong đó chủ yếu là những hình vẽ ngụ ý về sự cát lành. Các hoa văn cũng đa dạng phong phú nhiều màu sắc, có khoảng 12 phù hiệu, một vài trong đó như rồng, phượng, mây, nước v.v. Mười hai phù hiệu là các mẫu chuyên dùng được truyền lại từ thời nhà Vương nhà Chu, đến Thanh triều vẫn tiếp tục sử dụng loại hoa văn này theo đặc điểm và nhu cầu của quốc gia.

Long bào hoàng kim vân lam long bạch (Ảnh: mask9)

Ngoài ra, dưới vạt áo của long bào có những hình vẽ hoa văn như thủy tuyền sơn thạch, được gọi là “thủy cước”, do “Lập thủy văn” và “Bình thủy văn” tạo thành (lập thủy văn: nước chảy thẳng, bình thủy văn: nước lặng), hai loại hoa văn cùng lấy đối xứng theo trục dọc của trang phục mà cân đối. Các mẫu hoa văn bên trái và bên phải đường sống áo phân bố theo một quy luật nhất định. Mô hình “Bình thủy văn” cũng được phân phối theo nhịp điệu quanh viền của tranh phục, những đường gợn biểu hiện rất rõ ràng, sắc nét. Toàn bộ hình vẽ cho người nhìn một cảm giác vô cùng chân chực, một vẻ đẹp nhịp nhàng của gợn sóng.

“Thủy cước” vạt dưới long bào (Ảnh: skinnerinc)

Phục trang của phụ nữ triều Thanh không chỉ là hiện thân của sự sáng tạo vĩ đại của văn hóa vật thể ở Trung Quốc cổ đại, mà nó còn ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc của triết học cổ và tính thẩm mỹ dân tộc sâu sắc, Nó thể hiện trong nghệ thuật hoa văn “Đồ tất hữu ý, ý tất cát tường“, những linh vật long phụng với văn hóa người và trời hợp nhất. Tính thẩm mỹ thể hiện qua truyền thống thêu thùa may vá cổ điển truyền thống. Những sản phẩm vải dệt lấy âm đọc gần giống nhau để có ý nghĩa như ý, ví dụ như hoa văn dệt lên những gợn sóng nước ý nghĩa “Tứ hải thanh bình”, nếu dệt thêm núi đá, sẽ chuyển thành “Giang sơn vạn đời” v.v. Những dạng hoa văn dệt này chủ yếu lấy sắc thái từ bút pháp hiện thực, hoa trái, chim muông, đình đài lầu, phong cảnh sơn thủy, người cung nữ làm chủ đề. Đường viền hoa, hay còn gọi là hoa biên, cũng là một sản phẩm trang trí phục trang rất quan trọng của phụ nữ thời Thanh, nó được gắn vào các trang phục để tôn lên vẻ nữ tính mềm mại, có gì đó cuốn hút quyến rũ lạ kì, rất phù hợp với nữ nhân.

Áo lót trong hình hoa cúc màu kim ngân (Ảnh: sohu)

Thời kì đầu nhà Thanh còn dùng đến những hình dạng hoa văn mãng xà tinh, giang sơn, đoàn hạc, con dơi, phúc lộc thọ, như ý v.v. Đến thời kỳ cuối mới dần dần dùng hoa mẫu đơn, thọ đào, cánh hoa đan xen, trái lựu, mây hạc, chim hỉ tước v.v. Các hình dạng hoa văn cát tường trên trang phục còn thể hiện một nhận thức về nghệ thuật tinh tế hơn, so với thời kì đầu nhà Thanh đã nâng cao tính thẩm mỹ lên một mức khác biệt, nó cũng thể hiện một trí tưởng tượng phong phú của người xưa. Bàn về hàm ý của những hình dạng hoa văn, là căn cứ vào sự vật và hình thái, sắc thái cùng với phong tục tập quán, mượn để bày tỏ quan niệm. Ví như “Tịnh đế liên“, “Liên lý chi“, “Uyên ương hí thủy” là những dạng hoa văn thể hiện sự chúc phúc cho tình yêu vợ chồng son sắt thủy chung, hay “Thạch lưu” là tượng trưng cho sự sinh sôi nhiều con nhiều phúc, “mẫu đơn” thì tượng trưng cho đại phú đại quý.

Áo khoác bảo lam thêu hình hạc (Ảnh: dmp.org)

Trang phục thể hiện cấp bậc trong hoàng cung

Hệ thống trang phục cổ đại chủ yếu liên quan đến hoàng đế, hoàng hậu, các phi tần và vương công quý tộc mà chế định ra từng loại. “Quan phục chế độ” từ đó mà ra đời. Trang phục của phụ nữ Mãn tộc với đẳng cấp cao nhất là hoàng hậu, hoàng thái hậu, thứ yếu là thân vương cùng các quận vương đích phúc tấn, phụ quốc công phu nhân, công chúa quận chúa và các phu nhân trong hoàng thất. Những người trong hoàng tộc đều thuộc danh mục quan phục, đại khái được chia làm công phục, lễ phục và thường phục.

Sự khác biệt về quan phục được thể hiện ở màu sắc quần áo, màu sắc trang sức, hoa văn, và số lượng châu báu trên thân của các nữ nhân. Ví dụ như về phương diện màu sắc, các loại vương miện, áo bào, áo khoác, váy, lượng vàng, châu báu của các hậu phi quý nhân mặc dù hình dáng khá giống nhau nhưng màu sắc sẽ là vàng đậm, vàng nhạt, xanh lam, thanh thạch. Hoàng hậu và hoàng thái hậu được quy định bằng gam màu đặc trưng đó là minh hoàng (màu vàng của trăng sao). Trong triều đại nhà Thanh cũng quy định chỉ có thể lên ngôi mới được sử dụng, nếu những người khác vượt quyền mà sử dụng những màu sắc hay hoa văn của hoàng đế hay hoàng hậu đều sẽ bị trừng phạt.

Tư tưởng mỹ học cổ đại Trung Hoa là sự theo đuổi vẻ đẹp tự nhiên, đặc điểm này được phản ánh trong sự hài hòa, thống nhất giữa các gam màu, kiểu dáng và kiểu trang phục. Thiết kế trang phục Trung Quốc cổ đại có ý thức mạnh mẽ về khái niệm xã hội, nhấn mạnh đến hình thức chuẩn mực đạo đức. Bởi vậy, tính thẩm mỹ của trang phục Trung Quốc phong phú về tính tự nhiên và phù hợp với tâm lý học thẩm mỹ của mọi người.

Từ khái niệm thẩm mỹ của trang phục, chúng ta có thể đánh giá cao sự cảm thụ lạc quan của những người thợ may thời cổ về thế giới tự nhiên: họ sống hài hòa với thiên nhiên, và thiên nhiên liên quan chặt chẽ đến đời sống tinh thần và cảm xúc bên trong của con người. Người dân có tinh thần tự do phóng khoáng và có ý thức hấp thụ vẻ đẹp của thiên nhiên, từ đó đưa được vẻ đẹp này vào trong trang phục.

Theo sohu.com
Uyển Vân biên dịch