Theo tạp chí Nikkei Asian Review, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đánh thuế khoảng 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã hết lựa chọn, nhưng những áp lực buộc ông hành động vẫn tăng cao hơn trong bối cảnh chính trị nhạy cảm.
Việc đưa khí thiên nhiên hóa lỏng LNG của Mỹ vào nhóm mặt hàng hàng đầu phải chịu thuế 25% cho thấy mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày một xấu đi kể từ khi Tổng thống Trump đến thăm Trung Quốc vào tháng 11/2017.
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký các thỏa thuận có tổng trị giá 250 tỷ USD. Hơn 20% các thỏa thuận đó liên quan đến khí LNG.
Thế nhưng, Bắc Kinh giờ đây đang gửi đi thông điệp rằng họ sẵn sàng phá bỏ những thành quả từ chuyến thăm của Tổng thống Trump hồi cuối năm ngoái.
Trong một bài viết trên Twitter ngày 4/8, Tổng thống Trump không hề phát đi tín hiệu sẽ nhượng bộ. Ông Trump cho rằng các biện pháp thuế quan đang phát huy tác dụng tốt hơn kỳ vọng, và giờ đây, Trung Quốc đã phải nhún nhường trước Mỹ.
Ngoài ra, lãnh đạo Mỹ cho rằng Trung Quốc đang phải cố gắng dành rất nhiều tiền cho các hoạt động truyền thông bởi các biện pháp thuế quan đang thực sự tổn hại đến nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Xuất khẩu khí LNG từ Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2017 tăng gấp 6 lần. Trung Quốc mua khí đốt hóa lỏng của Mỹ nhiều thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mexico và Hàn Quốc. Việc xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc giảm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở khai thác khí đốt hóa lỏng trên khắp thế giới.
Theo chính sách thuế mới, khí đốt LNG bị đưa vào danh mục chịu thuế cùng với trang sức và sản phẩm đồ uống có cồn. Những mặt hàng trên sẽ phải chịu thuế cao hơn so với kem đánh răng hay sổ giấy phải chịu thuế 20%. Trong khi đó, các loại thịt gà và ngô đông lạnh chịu thuế 10% và báo in chịu thuế suất 5%.
Thực tế, ngay cả khi Bắc Kinh thực hiện chính sách thuế mới, Trung Quốc cũng chỉ mới trả đũa được một phần chính sách thuế quan của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump đã và đang đề xuất đánh thuế với tổng số 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, tương đương khoảng 50% giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc đang đặt mục tiêu đánh thuế tổng số khoảng 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, tương đương khoảng 80% hàng hóa mà Trung Quốc nhập từ Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với Washington vẫn còn nhiều cơ hội để đẩy cao áp lực trong khi Trung Quốc bắt đầu hết mục tiêu để nhắm đến.
Đáng chú ý, mối nguy cơ hết “đạn” để đấu với Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh các lãnh đạo Trung Quốc có thể đang họp bí mật tại Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc.
Tân Hoa xã tối 4/8 cho biết Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trung Quốc Trần Hy đã thay mặt Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm các viên chức đang nghỉ hè tại Bắc Đới Hà.
Theo Reuters, bản tin trên của Tân Hoa xã cùng với việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã không xuất hiện trên bản tin thời sự quốc gia từ đầu tháng 8 là dấu hiệu cho thấy hội nghị thường niên Bắc Đới Hà với sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc có thể đang diễn ra.
Trong nhiều thập kỷ, các lãnh đạo đương nhiệm và về hưu của Trung Quốc thường có mặt tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà để tham dự cuộc họp bàn thảo về phương hướng phát triển, những chính sách vĩ mô và thay đổi nhân sự chủ chốt. Đây cũng là nơi các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những quyết sách quan trọng trong lịch sử.
Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang gặp nhiều thách thức về đối ngoại với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và khó khăn trong thúc đẩy tham vọng Vành đai và Con đường.
Vỹ An