Với nữ giảng viên nông nghiệp người Hà Tĩnh Phan Thị Kim Chung khó khăn gặp phải trong cuộc sống không phải là những cánh cửa khép chặt. Bởi với chị, mỗi lần thất bại, mỗi lần gặp cảnh khó là một lần để chị nhìn lại chính mình. Sự bình tĩnh ấy giúp chị nhìn thấy được nhiều những cơ hội khác, tốt đẹp hơn. 

Những điều bất như ý là cánh cửa dẫn đến cơ hội mới

Chị Phan Thị Kim Chung (36 tuổi) sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Là con trong một gia đình có 4 chị em, lại sống ở vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi, nên chị Chung đã không thực hiện được ước mơ của mình. 

Năm 2001, chị thi đậu đại học Y Thái Bình. Tưởng giấc mơ được khoác chiếc áo Blouse trắng đã không còn xa. Nhưng vì cha mẹ chị quá nghèo, không thể chu cấp cho con gái ăn học xa nhà, nên chị đành gác lại việc học của mình. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình và sự vất vả của cha mẹ, chị Chung quyết định đặt nỗi buồn của mình sang một bên. Chị sẽ tìm cách khác để được đi học. 

Chị Chung xin sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Chị dành trọn 2 năm nơi xứ người, chăm chỉ làm ăn, dành dụm. Khi được lưng vốn, chị quay về để thực hiện giấc mơ đi học của mình. Nhưng tiếc thay, trong kỳ thi lần này, chị Chung không đỗ vào trường Y. Một lần nữa, chị lỗi hẹn với ước mơ làm thầy thuốc giúp người.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Khó khăn, thử thách có thể khiến nhiều người buồn bã, suy nghĩ tiêu cực để rồi buông xuôi. Nhưng những điều đó lại không hề làm cô gái Hà Tĩnh có khuôn mặt phúc hậu ấy chùn lòng. Không học được ngành y, chị chuyển nguyện vọng sang Đại học Nông lâm TP HCM, và trở thành nữ sinh viên ngành nông học. 

Không định hướng từ trước, khi mới vào trường, chị Chung gặp nhiều bỡ ngỡ. Nhưng dường như cái chất mạnh mẽ vốn đã ăn sâu trong tâm thức đã giúp chị Chung nhanh chóng vượt qua tâm trạng bối rối đó. Chị bắt đầu học một cách chăm chỉ, hăng say. Khi ta bỏ công sức đặt tâm làm một việc gì đó, nhất định ta sẽ làm được, dù có phải trải qua rất nhiều khó khăn. Chị Chung ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu. Đến năm 2012, chị trở thành giảng viên của khoa nông học, trường Trung cấp nông lâm Bình Dương. Cuộc sống của chị đã mở ra một hướng hoàn toàn mới. 

Học đi đôi với hành

Chị Phan Thị Kim Chung (Ảnh: Vn Express)

Là một giảng viên nông học, chị Chung biết rõ mình cũng cần là một nông dân. Học bao giờ cũng cần đi đôi với hành, sự học mới thực tế, và sự thực hành cũng có nhiều cơ hội để cải biến được tốt hơn. Nhận thấy nhà kính mà trường Nông lâm đầu tư cho sinh viên chưa được tận dụng tối ưu, chị Chung xin mượn 500 m2 để trồng dưa lưới. 

Dự án trồng dưa của chị nhanh chóng đạt được thành công. Trong vụ đầu tiên, số tiền thu được từ ruộng dưa đã lên tới 30 triệu đồng. Chị cho hay nhờ vào dàn tưới tiêu theo công nghệ Isarel được trang bị trong nhà kính, kết hợp với giống dưa chị mua về từ Đài Loan, dự án trồng dưa đã đạt hiệu quả mỹ mãn. Nhiều người khi biết về thành công này, đã tới xin chị giúp chuyển giao công nghệ. 

“Phải làm điều gì mới cho quê hương”

Chị Chung cho biết, bố mẹ chị ở quê có mảnh đất rộng khoảng chừng 1.000 m2. Nhìn ngắm khoảng đất này, một ước muốn cứ ngày càng lớn lên trong chị. Chị muốn mang dưa lưới về quê, biến 1.000 m2 đất này trở thành nhà kính trồng dưa. Cách làm này có thể là cơ hội lớn cho vùng quê nghèo của chị. 

Ban đầu, chị Chung không được nhiều người ủng hộ. Thậm chí, người thân trong gia đình cũng nhìn kế hoạch lớn của chị với ánh mắt hồ nghi. Nhưng cái tính đã quyết thì sẽ làm của chị khó ai thay đổi được. Đầu năm 2017, chị quyết định xin nghỉ dạy, bởi tâm nguyện được làm một điều gì đó cho quê hương vẫn nguyên vẹn trong lòng chị. 

Khi đơn xin nghỉ được chấp thuận, chị trở về quê, toàn tâm làm dự án trồng dưa lưới của mình. Tích cóp, vay mượn bạn bè được 500 triệu đồng, chị đầu tư vào dựng nhà lưới và mua cây giống. Với kiến thức được học hành bài bản, chị Chung không gặp nhiều khó khăn trong việc gây dựng cơ sở cho vụ dưa đầu tiên. Mọi việc dường như tiến triển tốt, cây trồng phát triển đúng tiến độ. Chỉ còn 10 ngày nữa là đến kỳ thu hoạch, cơn bão số 2 của năm đổ bộ. Gió mưa đã làm sập toàn bộ nhà lưới, khiến dưa lưới của chị Chung hoàn toàn dập nát. 500 triệu tiền vốn coi như mất trắng. 

Ngã ở đâu, đứng lên ở đó

Trước cảnh trí tan hoang, vốn mất, nợ nần, nhiều người sẽ buông xuôi. Nhưng chị Chung vẫn kiên định với ước mơ của mình. Chị quay trở lại Sài Gòn vừa làm thêm, vừa vay vốn từ thầy cô và bạn bè cũ. Cuối năm 2017, chị một lần nữa trở về quê hương, gây dựng lại tất cả từ đầu.

Trời không phụ lòng người chăm chỉ, sau 6 tháng gây dựng lại vườn dưa, chị bán được mẻ dưa lưới vàng đầu tiên, thu về gần 500 triệu đồng, gần đủ để trả cho những khoản nợ sau tai nạn lần trước. 

Dưa lưới vàng, một loại quả người tiêu dùng được yêu thích (Ảnh: Vn express)

Từ bấy tới nay, trung bình 3 tháng, vườn dưa của chị thu hoạch một lần. Chị Chung chọn những cây giống từ các công ty Nhật Bản, Hà Lan và cả Việt Nam. Chị cho biết vườn dưa hiện tại của chị có diện tích 1.000 m2, với 1.000 cây. Dưa được lựa giống kỹ nên giòn, ngọt (độ đường 14%), đặc biệt dưa còn có vị thanh mát, nên càng được yêu mến. Dưa mua tại vườn, chị bán với giá 60 nghìn một cân, giá dưa bán buôn là 45 nghìn một cân. 

Hiện tại, chị Chung chủ yếu cung cấp hàng cho các tiệm và siêu thị rau sạch của Vinh. Tuy nhiên, kế hoạch sắp tới của chị là mở rộng phạm vi tiêu thụ ra các siêu thị ở nhiều tỉnh thành khác. Bên cạnh việc trực tiếp trồng và tiêu thụ sản phẩm, chị Chung còn nhận “chuyển giao công nghệ”. Chị đã chuyển giao thành công công nghệ trồng dưa lưới vàng cho một vườn ở Nghệ An, một vườn ở Hà Nội, thu về 50 triệu đồng mỗi vườn. 

Không chỉ dừng lại ở dưa lưới, chị đã lên kế hoạch trồng thử nghiệm nhiều loại hoa quả nữa, như dâu tây Đà Lạt là một ví dụ. Chị cho biết, ở Hà Tĩnh đã có nơi trồng dâu, nhưng do chưa đúng kỹ thuật nên dâu trồng chưa đạt độ ngon ngọt. 

Cơ sở của chị Chung tạo được công ăn việc làm cho 2 công nhân. Bên cạnh thu nhập khá, những người cộng tác với chị còn cảm thấy rất tin tưởng. Không chỉ mạnh mẽ, kiên trì, chị Chung còn luôn động viên những người cùng làm, để tất cả đều chung lòng, chung sức vượt qua những khó khăn của nghề. 

Chị Chung đã đón nhận những khó khăn, như những bông sen, bông súng đón nhận bùn trong ao. Người cũng như hoa, dùng sự nhẫn nại, kiên cương biến cái hôi tanh thành những điều đẹp nhất (Ảnh: Pixabay)

Câu chuyện của chị Chung thật đáng trân quý. Chị khiến mọi người cảm động không chỉ vì quyết tâm về làm giàu trên chính quê hương. Mà sự dũng cảm, kiên trì, không nản chí của chị trước liên tiếp những điều bất như ý của cuộc sống là nguồn cảm hứng lớn cho rất nhiều người. 

Phải chăng những khó khăn trong cuộc đời của mỗi người chính là những hoàn cảnh để con người tôi rèn những đức tính, những phẩm chất của chính mình. Khó khăn không phải để vùi dập con người, như nhiều người vẫn nghĩ. Chúng ở đó để bạn dừng lại và tự hỏi mình, điều mình làm sai là gì, điều mình thiếu ở đâu, mình có thể làm điều gì để tiếp tục ước mơ? 

Hy Văn