Trung Quốc đã xóa bỏ quy định về giới hạn sở hữu cổ phần tối đa mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ tại các ngân hàng và các công ty quản lý tài sản của nước này.
Quyết định “nới room” này được xem là một động thái nhằm đẩy mạnh kế hoạch mở cửa hệ thống tài chính có quy mô 40.000 tỷ USD của Trung Quốc bấp chấp căng thăng thương mại với Mỹ đang leo thang, theo Bloomberg.
Theo thông báo của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, các các tổ chức tài chính nước ngoài giờ đây sẽ được đối xử như các công ty trong nước của Trung Quốc.
Trước đó, một tổ chức nước ngoài chỉ được phép nắm giữ tối đa 20% cổ phần và một nhóm các nhà đầu tư ngoại chỉ được nắm 25% cổ phần tại một ngân hàng Trung Quốc.
Việc xóa bỏ tỷ lệ nắm giữ cổ phần đối với người nước ngoài tại các ngân hàng là một phần trong nỗ lực lâu dài của Trung Quốc nhằm tăng cường hội nhập với hệ thống tài chính toàn cầu.
Bước đi này được chính quyền Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang cáo buộc Bắc Kinh hưởng lợi một chiều từ thương mại toàn cầu.
Theo dữ liệu của CBRIC, các ngân hàng nước ngoài nắm giữ 2,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ (420,1 tỷ USD) tài sản ở Trung Quốc tính đến cuối năm 2016, chiếm khoảng 1,3% tổng tài sản – tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2003. Năm ngoái họ lãi 12,6 tỷ Nhân dân tệ, chưa bằng 1% tổng lợi nhuận của các đối tác Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay cả khi các ngân hàng nước ngoài nắm toàn quyền kiểm soát các liên doanh Trung Quốc, họ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức hóc búa nhất là phải cạnh tranh với các đối thủ được chính phủ Trung Quốc bảo hộ.
Andrew Polk, thành viên sáng lập của công ty nghiên cứu Trivium ở Bắc Kinh, cho biết: “Người ta thực sự mong muốn Bắc Kinh mở cửa lĩnh vực tài chính vì nhiều lý do, bao gồm cả kỳ vọng có thêm vốn ngoại. Cơ quan điều hành mở cửa lĩnh vực ngân hàng đồng thời tăng cường giám sát các quy định và an toàn vĩ mô. Bằng cách này, các ngân hàng sẽ bước vào một lĩnh vực ngày càng bị o bế”.
Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Economics, nhận định lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc bị chi phối bởi những ngân hàng quốc doanh, trong khi quy mô và sự phức tạp của thị trường sẽ làm cho các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng. Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng giới nhà đầu tư sẽ rút tiền ra chứ không phải bơm vào.
Bất chấp những khó khăn đó, một số “tay chơi lớn” nước ngoài vẫn đang gia tăng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Nomura Holdings và JPMorgan Chase đã tranh thủ lợi thế từ việc nới lỏng rào cản tài chính của Bắc Kinh để thành lập những liên doanh ở Trung Quốc. Ngân hàng Truyền thông của Trung Quốc cũng cho HSBC tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần.
Theo dự đoán của Bloomberg Intelligence, lợi nhuận của các ngân hàng nước ngoài tại Trung Quốc sẽ tăng gấp 10 lần vào năm 2030.
Kiều Ngọc